Hiện vẫn chưa có những chính sách cụ thể khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp về đào tạo nhân lực, cho vay vốn ưu đãi…
Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang muốn đổi mới công nghệ và áp dụng sản xuất sạch. Tuy nhiên, điều bất cập là chưa có những chính sách cụ thể khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp về đào tạo nhân lực, cho vay vốn ưu đãi…
Tại hội thảo Việt Nam – Phần Lan, Công nghệ sạch vì môi trường và phát triển bền vững do Bộ Công thương phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội, đa số các đại biểu cho rằng sản xuất theo công nghệ sạch hiện nay rất khó khăn vì chi phí tốn kém.
Khó khăn về vốn
Theo đánh giá của các chuyên gia, công nghiệp Việt Nam đang đứng ở vị trí thấp nhất trong lộ trình phát triển công nghiệp hóa, thực chất là giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, chủ yếu là lắp ráp- công đoạn có giá trị thấp nhất trong chuỗi sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp muốn đổi mới công nghệ, sản xuất sạch, tạo ra sản phẩm đủ sức cạnh tranh nhưng lực bất tòng tâm vì số vốn đầu tư cho việc này là rất lớn. Theo điều tra của Viện Quản lý Kinh tế Trung ương thì thiếu vốn là tác động lớn nhất.
Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp, ngoại trừ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều gặp khó khăn về vốn và huy động vốn cho sản xuất kinh doanh cũng như đổi mới công nghệ. Trong khi đó, thị trường vốn trung và dài hạn của Việt Nam lại chưa phát triển, chưa có tác động hỗ trợ doanh nghiệp. Một số quy định hiện hành cho vay vốn còn nhiều bất cập hoặc lãi suất cao nên doanh nghiệp tư nhân khó với tới.
Ông Phạm Hồng Hiệp, Viện chiến lược và Chính sách Công nghiệp, Bộ Công thương cho rằng, bên cạnh việc việc thiếu vốn các doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu về thông tin, nhân lực. Đây là 3 yếu tố chính khiến quá trình đổi mới công nghệ gặp rủi ro cao.
Đại diện Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội chia sẻ, hiện nay nhiều doanh nghiệp sản xuất dệt, nước giải khát, gốm sứ, chế biến thực phẩm… là các ngành công nghiệp có lượng chất thải lớn gây hại cho môi trường. Bản thân các doanh nghiệp rất muốn đầu tư đổi mới công nghệ, được sống trong nền sản xuất sạch, nhưng đó mãi là mơ ước vì nguồn kinh phí quá lớn.
Cần sự kết hợp đa chiều
Theo ông Phạm Hồng Hiệp- Viện Chiến lược và Chính sách Công nghiệp thì ngoài 3 yếu tố chính kìm hãm sự đổi mới công nghệ là vốn, thông tin và nhân lực. Bên cạnh đó, còn có một yếu tố đặc biệt quan trọng nhưng ít được chú ý. Đó là việc thực thi các quy định bảo vệ môi trường chưa nghiêm và chưa có sự đồng bộ ở các địa phương dẫn đến tình trạng các công nghệ cũ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường không những vẫn tồn tại mà còn tiếp tục được du nhập vào Việt Nam.
Đại diện Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ TP. Hà Nội cũng cho rằng, để có được một nền sản xuất công nghệ sạch thì đòi hỏi nguồn vốn là rất lớn. Các doanh nghiệp rất mong có sự giúp đỡ từ các cơ quan, ban, ngành…
Các chuyên gia Phần Lan cho rằng, để Việt Nam nhanh chóng tiến đến một nền sản xuất công nghệ sạch thì bên cạnh việc bắt buộc các doanh nghiệp phải có cam kết thực hiện bảo vệ môi trường thì cũng cần phải có những chính sách cụ thể khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp về đào tạo nhân lực, cho vay vốn ưu đãi…
Để đánh giá mức độ đổi mới công nghệ của Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra con số này mới chỉ chiếm khoảng 0,2 – 0,3% doanh thu hàng năm của các doanh nghiệp (Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc là 10%). Còn theo UNDP, và các nước phát triển là 40%, trong khi đó Việt Nam tỉ lệ nhập khẩu công nghệ của nước ta hiện nay chỉ chiếm 10%, con số này là rất thấp.
Do đầu tư chưa thỏa đáng vào công nghệ, nên sự tiêu hao năng lượng và nguyên liệu trên một đơn vị sản phẩm là rất cao. Mức tiêu hao nguyên liệu và năng lượng trên một đơn vị sản phẩm của Việt Nam cao từ 1,2 – 1,5 lần so với các nước trong khu vực.
|
Phương Hoàn