Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Năng lượng nguyên tử Thứ bảy, 23/11/2024 , 07:22 am
Cập nhật : 10/03/2011 , 18:03(GMT +7)
Công nghệ điện hạt nhân mới của Nga
Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận
Nga được lựa chọn làm đối tác cung cấp công nghệ cho nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận 1. Đây là công nghệ thế hệ 3 được Tập đoàn Năng lượng hạt nhân quốc gia Nga (ROSATOM) cải tiến nhiều từ thế hệ 2 trong nhiều năm qua, nhất là sau thảm họa Chernobyl năm 1986.

Công nghệ đã được kiểm chứng

Theo ông Phan Minh Tuấn - Trưởng ban Đầu tư Dự án điện hạt nhân và Năng lượng tái tạo: Lý do chọn Nga là nước này sở hữu công nghệ nguồn, công nghệ hạt nhân vì hòa bình và mục đích thương mại với công nghệ lò nước nhẹ vận hành rất an toàn khoảng 1 thế kỷ qua.

Nga dự kiến sẽ xây dựng ở Việt Nam một dạng lò phản ứng năng lượng làm chậm và tải nhiệt bằng nước nhẹ (VVER-1000/AES-91 hoặc VVER-1000/AES-92), có 4 bình sinh hơi nằm ngang (thay vì đặt đứng như trong thiết kế của Âu - Mỹ), được thiết kế theo tiêu chuẩn an toàn của Nga, bổ sung thêm các tiêu chuẩn của EU và một số tiêu chuẩn an toàn khác.

Phòng điểu khiển của nhà máy điện hạt nhân Bu-sê của I-ran do Nga giúp xây dựng.

TS.Trần Đại Phúc – chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân với hơn 45 năm kinh nghiệm công tác tại các quốc gia có điện hạt nhân phát triển như Pháp, Mỹ, Canada,...cho biết: Về mặt công nghệ, NMĐHN thế hệ III đã được cải tiến bởi ROSATOM dựa trên gần 20 năm kinh nghiệm cộng với kết quả thẩm định thiết kế, đúc kết giải pháp an toàn của các cơ quan an toàn quốc tế trong suốt quá trình hơn 10 năm, sau tai nạn Chernobyl.

Ngoài những cải tiến của ROSATOM, nhiều kỹ thuật tiên tiến như hệ điều khiển (I&C của SIEMENS), hệ tái hợp khí hydro (Hydrogen recombiner của AREVA), hệ thu gom vùng hoạt khi nóng chảy (Core Catcher), đặc biệt văn hóa an toàn Âu - Mỹ… đã được áp dụng trong quá trình thiết kế NMĐHN này.

NMĐHN dạng này đã đáp ứng được những tiêu chuẩn an toàn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế - IAEA (75-INSAG Rev1-10/1999). Sau thảm họa “Chernobyl” (1986), các cơ quan an toàn hạt nhân trên thế giới: Ủy ban Pháp quy hạt nhân Hoa Kỳ (USNRC), Viện Bảo vệ phóng xạ và an toàn hạt nhân Pháp (IRSN), Cơ quan Pháp quy an toàn Đức (GRS), Cơ quan Pháp quy an toàn Nga (ROSTECHNADZOR) và IAEA đã phối hợp thẩm định thiết kế công nghệ ĐHN của Nga so với các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân của các tổ chức nêu trên. Năm 2006, thiết kế NMĐHN loại này đã được EU cấp chứng chỉ.

TS. Trần Đại Phúc khẳng định: Thảm họa “Chernobyl” xảy ra hơn 20 năm trước là do không có “rào chắn an toàn thứ ba” (rào chắn này chính là nhà lò vững chắc có nhiệm vụ ngăn chặn sự phát tán chất phóng xạ ra môi trường) như trong thiết kế các lò phản ứng của Âu - Mỹ và VVER-1000/AES-91/92. Chính vì vậy, có thể khẳng định tình trạng như “Chernobyl” khó có thể xảy ra đối với các thiết kế tiên tiến sau này.

Bên trong nhà máy điện hạt nhân. (Ảnh minh họa)

Hiện tại, trên thế giới có khoảng 30 NMĐHN loại này đang được xây dựng ở Nga, Iran, Ấn Độ, Trung Quốc, Bulgaria và Ukraina, trong đó có 11 nhà máy dự kiến được vận hành thương mại vào năm 2016.

PGS.TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết thêm: Vấn đề về xử lý chất thải hạt nhân cũng đã được Nga cam kết đảm bảo an toàn.

Cụ thể, ngoài việc đảm bảo xử lý chất thải cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, Nga sẽ giúp Việt Nam xây dựng một chương trình quốc gia về xử lý và quản lý chất thải hạt nhân. Đây là một sự cam kết mang tính lâu dài và rất tốt cho một đất nước bắt đầu phát triển điện hạt nhân như Việt Nam.

Yếu tố con người là quan trọng

Nguyên do chính của 2 tai nạn nghiêm trọng “Three Mile Island” (1979, Mỹ) và “Chernobyl” (1986, Ukraina) là sự thiếu sót trong quy trình vận hành do không có sự phản hồi kinh nghiệm vận hành (Operating experimental feedback).

TS.Trần Đại Phúc cho rằng: Phân tích một cách kỹ lưỡng hai tai nạn trầm trọng đã xảy ra ở “Three Mile Island” và “Chernobyl”, chúng ta thấy con người chính là nguyên nhân gây ra tai nạn khởi đầu, từ một trục trặc bình thường biến thành một tai nạn nghiêm trọng. Chính vì vậy yếu tố con người rất quan trọng.

Theo TS.Trần Đại Phúc, vào năm 2020, Việt Nam cần đòi hỏi nhà thiết kế ROSATOM hướng dẫn cho Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (VARANS) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kinh nghiệm, quy trình vận hành an toàn (vận hành bình thường và khi có bất thường hoặc tai nạn). Những kinh nghiệm này ROSATOM sẽ thu thập và đúc kết ở Nga, Bulgaria, Ukraina, Iran, Ấn Độ và Trung Quốc, những nơi đã vận hành thương mại ít nhất 4 hoặc 5 năm với loại NMĐHN dạng này.

Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đang gấp rút triển khai những công việc chuẩn bị cho chương trình điện hạt nhân của Việt Nam. Bắt đầu từ việc nghiên cứu những vấn đề liên quan đến phát triển ĐHN như: công nghệ, an toàn, xử lý chất thải; đề xuất chính sách; tập trung xây dựng văn bản pháp quy; xây dựng Cơ quan pháp quy hạt nhân của Việt Nam và tổ chức đào tạo đội ngũ chuẩn bị cho công tác thẩm định công nghệ điện hạt nhân.

Hà Giang

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner