Nhờ khả năng xuyên qua vật chất của tia gamma, nơtron, chúng ta có thể nhìn thấu cấu kiện bên trong máy móc, giúp cho kỹ thuật viên tại các nhà máy lọc dầu có thể đưa ra được biện pháp khắc phục sự cố.
TS. Nguyễn Hữu Quang, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (CANTI), Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết như trên khi nói về việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong khai thác dầu khí. Được biết, kỹ thuật này có khả năng ứng dụng rất rộng, từ công nghiệp, nông nghiệp cho đến y tế đều có thể phát huy, tận dụng lợi ích của nó.
“Chẩn bệnh” nhà máy lọc dầu
Tại Hội thảo “Ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình” diễn ra mới đây, chia sẻ với các sinh viên Đại học Đà Lạt về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân phục vụ khảo sát chẩn đoán, đảm bảo an toàn và hiệu quả trong sản xuất, TS. Nguyễn Hữu Quang nói kỹ về việc nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật đánh dấu trong khai thác dầu khí. Ông cho biết, một nhà máy công nghiệp dầu khí khi đã đi vào vận hành cũng giống như cơ thể người; khi có trục trặc ở bộ phận nào đó cũng không dễ dàng gỡ ra để nhìn xem đang “bị bệnh” gì mà cần chụp, chiếu để chẩn đoán.
“Khi thấy bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm máu, chụp CT. Một nhà máy công nghiệp cũng tương tự cơ thể con người. Phần cứng là sắt thép, đường ống, phần mềm là các lưu chất bên trong đường ống đó, tức là thể khí, lỏng, các hydro cacrbon, nước… Hai biện pháp “chẩn bệnh” chính là khảo sát các lưu chất chạy trong đường ống, có thể đánh dấu bằng các đồng vị phóng xạ, siêu âm từ trường… để đưa ra nhiều thông tin nhất, giúp kỹ thuật viên có hướng xử lý. Đối với phần cứng, có thể dùng các tia gamma, tia X, notron, từ trường, đồ họa để mô phỏng. Nhờ khả năng xuyên qua vật chất của tia gamma, nơtron, chúng ta có thể nhìn xuyên thấu vào cấu kiện bên trong, giúp đưa ra biện pháp khắc phục” – TS. Nguyễn Hữu Quang cho biết.
Các nhà máy lọc dầu trong quá trình vận hành cũng có những bộ phận trục trặc và khi đó, hậu quả rất đáng ngại. Vụ tràn dầu ở vịnh Mexico, Mỹ năm 2010 là một ví dụ điển hình: Chỉ vì một sơ xuất rất nhỏ, sự cố rò rỉ dầu xảy ra khiến gần trăm triệu thùng dầu thô tràn vào vịnh Mexico, và hãng BP đã phải bồi thường 22 tỷ USD. Việc đánh dấu cho các nhà máy lọc dầu sẽ giúp ngăn ngừa những thảm họa tương tự, trong đó kỹ thuật hạt nhân đóng vai trò quan trọng, không thể thay thế. Công nghệ đánh dấu này đã được Công ty Khai thác dầu khí Việt Nam và quốc tế sử dụng tại mỏ Bạch Hổ, Rạng Đông...
Việt Nam ứng dụng từ rất sớm
Công nghệ đánh dấu trong các nhà máy lọc dầu chỉ là một trong số nhiều lĩnh vực có sự tham gia của năng lượng nguyên tử. Trong y tế, các đồng vị phóng xạ, tia X, tia gamma… đang hỗ trợ đắc lực cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Trong nông nghiệp, năng lượng hạt nhân tạo nhiều kỳ tích về chọn tạo, nhân giống, nuôi cấy mô…
TS. Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử cho biết, loại năng lượng này được ứng dụng ở Việt Nam khá sớm. Từ năm 1963, lò nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt được xây dựng, trong hơn 30 năm qua đã cung cấp nhiều dược chất đồng vị phóng xạ phục vụ nghiên cứu khoa học.
Trong Chiến lược phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020, Nhà nước chủ trương tập trung nghiên cứu xây dựng các ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong phát triển kinh tế - xã hội.
“Việc các chuyên gia chia sẻ về các kỹ thuật ứng dụng năng lượng nguyên tử với sinh viên thuộc chuyên ngành vật lý, kỹ thuật hạt nhân sẽ góp phần đưa các kỹ thuật cao này vào cuộc sống, có đóng góp thiết thực hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới. Điều này cũng có ý nghĩa trong việc đào tạo cán bộ để ngành năng lượng nguyên tử phát triển sánh kịp với các nước tiên tiến”, TS. Hoàng Anh Tuấn cho hay.
Bài, ảnh: Lê Hà