Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng (Bộ Khoa học và Công nghệ), đơn vị được giao nghiên cứu ứng dụng công nghệ trên đã thu mua vải thiều của 7 hộ dân ở xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Vải được chọn để áp dụng công nghệ này được đảm bảo trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Theo bà Tạ Thu Hằng, Viện Nghiên cứu và phát triển vùng, công nghệ đông lạnh nhanh kết hợp từ trường, các nguyên tử nước bên trong thực phẩm bị đông lạnh lại trong khi nhận rung chấn, hạn chế phân tử nước kết tinh, quá trình cấp đông xảy ra gần như từ trong ra ngoài bề mặt sản phẩm. Nhờ vậy không phá vỡ cấu trúc mô tế bào, ức chế quá trình bị oxy hóa, phòng chống sự gia tăng nhiễm khuẩn và làm cho sản phẩm giữ nguyên mùi vị, lượng nước cần thiết để làm tươi sản phẩm trong một thời gian dài.
Nhiều năm qua, áp lực lớn nhất trong việc phát triển vải là đầu ra cho sản phẩm. Điệp khúc “được mùa mất giá” thường xuyên tái diễn. Mặc dù ở nhiều nước trên thế giới, vải thiều rất được ưa chuộng nhưng các doanh nghiệp hầu như không thể đưa quả vải ra “sân chơi” quốc tế vì thời gian thu hoạch vải rất ngắn, chỉ từ 1 tháng đến 40 ngày. Vải chín cấp tập, nhanh hư hỏng đã khiến quả vải không có cơ hội trở thành nông sản được ưu tiên xuất khẩu.
Theo nghiên cứu của Viện Công nghệ phát triển vùng, công thức đông lạnh CAS được bảo quản bằng tủ có dao động điều hòa âm 25 độ C, có tác dụng chống nâu hóa vỏ quả tốt hơn. Khi bảo quản quả vải bằng công nghệ CAS, việc làm lạnh đông nhanh kết hợp với từ trường đã giữ được cấu trúc vỏ quả giúp quả vải tươi sau thời gian bảo quản mà các công nghệ khác chưa làm được. Thành quả đầu tiên là năm 2014, Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng đã xuất khẩu thành công 10 tấn vải thiều Lục Ngạn sang thị trường Nhật Bản.
Và theo bà Tạ Thu Hằng, Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng sẵn sàng chuyển giao công nghệ, ứng dụng đại trà để bảo quản vải cho nông dân. Tuy nhiên, ứng dụng này lại có nhược điểm là chi phí đầu tư quá đắt đỏ. Hiện hệ thống máy CAS trang bị tại Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng có giá khoảng 20 tỷ đồng, chỉ bảo quản được 100kg mỗi giờ, một ngày cùng lắm bảo quản được 1 tấn. Doanh nghiệp muốn làm ít nhất phải đầu tư máy có công suất 1 tấn/giờ, giá khoảng 40 tỷ đồng, chưa kể phải đầu tư nhà xưởng và các cho phí khác…
Bà Hằng phân tích, đúng là công nghệ càng hiện đại thì kinh phí đầu tư thiết bị càng cao, nhưng cũng tạo ra giá trị gia tăng cao. “Nếu chúng ta bảo quản vải thiều bằng công nghệ CAS để xuất khẩu đi các thị trường cao cấp như Nhật bản, Mỹ hay châu Âu có thể đạt hiệu quả kinh tế cao. Ngay cả trong nước, khi trái vụ (Tết Nguyên đán, nghỉ lễ 2-9), nếu lúc đó doanh nghiệp bán vải tươi ra thị trường sẽ rất hiệu quả...”. Bà Tạ Thu Hằng khẳng định.