Tham dự đoàn còn có các đồng chí Phó Chủ tịch Công đoàn Bộ KH&CN, các đồng chí đại diện Ban chấp hành Công đoàn các đơn vị trực thuộc Bộ; cùng đại diện các cán bộ, công chức, viên chức của Bộ KH&CN. Tại các địa điểm ở Quảng Trị, đồng chí Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Trị cùng tham dự.
Tại Nhà bia tưởng niệm liệt sỹ thanh niên xung phong toàn quốc và Khu mộ 10 nữ anh hùng thanh niên xung phong hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, đoàn Bộ KH&CN đã dành một phút mặc niệm bày tỏ lòng biết ơn vô hạn trước sự hy sinh anh dũng của các Anh hùng Liệt sĩ trên cung đường huyền thoại Đồng Lộc; khẳng định tên tuổi, sự hy sinh cao cả của các Anh hùng Liệt sĩ sẽ trường tồn cùng non sông đất nước.
Các thành viên trong đoàn đã kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của 10 nữ liệt sĩ đã anh dũng hy sinh, dâng hiến tuổi thanh xuân để nối liền mạch máu giao thông “Hậu phương lớn” với “Tiền tuyến lớn”, góp phần cho Tổ quốc toàn thắng. Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Tên tuổi của 10 cô gái Đồng Lộc mãi được nhân dân cả nước và bạn bè thế giới nhắc đến như một kỳ tích anh hùng của dân tộc Việt Nam.
Đoàn đại biểu Bộ KH&CN đã viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, trong không khí trang nghiêm, thành kính, trước anh linh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các thành viên trong đoàn đã dâng hương tưởng niệm và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao to lớn của Đại tướng đối với sự nghiệp đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta.
Tiếp đến tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn - nơi an nghỉ của hơn 10.000 liệt sĩ, đoàn đã kính cẩn thắp hương tưởng nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; kính cẩn đặt vòng hoa, dâng hương tại đài tưởng niệm, bày tỏ lòng tri ân đối với công lao của các Anh hùng Liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do cho Tổ quốc.
Đến với Nghĩa trang Quốc gia Đường 9, trong khói hương trầm mặc, mỗi người một ý nghĩ, nhưng có lẽ cái chung nhất vẫn là tâm nguyện thắp cho các Anh hùng Liệt sĩ một nén nhang thơm để tỏ lòng ngưỡng mộ, tri ân.
Đây là nơi yên nghỉ của hơn một vạn Anh hùng Liệt sĩ đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và ở đất bạn Lào. Trong không khí trang nghiêm, Đoàn đã thắp hương tưởng nhớ và dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ đến công lao to lớn của những người con bất khuất của dân tộc đã hiến trọn tuổi thanh xuân, dũng cảm chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước.
Tiếp đó, Đoàn đã tới thăm Khu di tích Thành cổ Quảng Trị, đến với một nghĩa trang không có nấm mồ, dâng hoa và thắp hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ.
Đoàn cầu nguyện cho anh linh những người lính đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì sự bình yên của đất nước hôm nay luôn được an nhàn trong cõi vĩnh hằng.
Tối ngày 28/7, tại bờ Nam sông Thạch Hãn (thị xã Quảng Trị) nơi còn rất nhiều Liệt sĩ nằm xuống mà chưa tìm được hài cốt, nhằm tưởng nhớ công ơn của những Anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập của dân tộc. Đoàn Bộ KH&CN đã cùng nhau thả những ngọn nến hoa đăng xuống dòng sông Thạch Hãn để tri ân các Anh hùng Liệt sĩ đã mãi nằm xuống nơi đây cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Sự hy sinh của các anh đã tô thêm mốc son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, giữ gìn non sông gấm vóc của những người con nước Việt. Dòng sông Thạch Hãn đã đi vào huyền thoại - dòng sông gắn liền với chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ và Thị xã Quảng Trị, mùa hè 1972. Nơi đây, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống trong quá trình vượt sông chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị. Sự hy sinh của các Anh hùng Liệt sĩ đã góp phần đem lại nền độc lập, thống nhất hôm nay.
Văn Nguyên