Khoa học là nơi con người kỳ vọng vào sự trung thực, khách quan. Nhưng vấn nạn giả mạo, gian lận trong khoa học đang tràn lan khiến công chúng mất niềm tin và sẽ mất niềm tin hơn khi những lời xin lỗi từ phía nhà khoa học còn ‘rất hiếm’.
Thừa nhận sai trái một cách ‘bí mật’
Các kết quả điều tra xã hội học trong những năm gần đây cho thấy, số lượng nhà khoa học gian lận trong nghiên cứu của mình không phải là ít. Trong năm 2005, Tổ chức HealthPartners Foundation ở Minneapolis tiến hành cuộc khảo sát đầu tiên trên quy mô lớn đánh giá về hành vi sai trái trong khoa học đã phát hiện ra hơn 5% các nhà khoa học thừa nhận tung ra dữ liệu mâu thuẫn với nghiên cứu trước đây của họ hoặc đã thực hiện nghiên cứu gây hại cho con người.
Ngoài ra, có 10% các nhà khoa học thừa nhận đứng giả tên họ hoặc mượn tên của người khác trong các báo cáo nghiên cứu được xuất bản. Và hơn 15% thừa nhận đã thay đổi thiết kế hoặc kết quả của nghiên cứu để nhận được tài trợ hoặc có trạng thái nghi ngờ kết quả của mình là không chính xác.
Đến năm 2009, Tổ chức Marie Curie Intra European Fellowship đã tài trợ thực hiện rất nhiều cuộc khảo sát về hành vi thừa nhận sai trái trong khoa học. Thông qua phân tích bảng hỏi, nghiên cứu ước tính con số trung bình có 1,97% các nhà khoa học thừa nhận đã thực hiện nghiên cứu giả mạo hoặc sửa đổi dữ liệu hay kết quả trái với tiêu chuẩn ít nhất một lần. 33,7% thừa nhận thực hiện các hành vi sai trái trong các vấn đề khác. Đồng thời, có 14,12% nhà khoa học thừa nhận biết đồng nghiệp của mình thực hiện nghiên cứu giả mạo, 72% biết đồng nghiệp vi phạm các vấn đề khác trong nghiên cứu (đạo văn, đứng tên…).
Điều đáng nói ở đây, các kết quả điều tra xã hội học ở trên chỉ cho ra những con số tương đối. Hơn nữa, cách thức tiến hành điều tra bằng bảng hỏi một cách bí mật và qua đường bưu điện hoặc thư điện tử nên tính đại diện chưa cao.
Song những chỉ số này cũng cảnh báo, con số thực các nhà khoa học có hành vi sai trái trong nghiên cứu còn lớn hơn nhiều. Nhưng những lời xin lỗi công khai trước công chúng lại dường như ‘chưa tương xứng’.
Lời xin lỗi vẫn hiếm hoi!
Những lời xin lỗi ‘tràn nước mắt’ của nhà nghiên cứu Hàn Quốc Hwang Woo-suk về việc làm giả nghiên cứu tế bào gốc đã phần nào lấy lại được ít niềm tin cho công chúng về trách nhiệm cá nhân của chính nhà khoa học.
“Tôi cảm thấy mình quá thối nát và nhục nhã đến mức khó có thể chỉ nói lời xin lỗi với mọi người. Xin tất cả hay thứ lỗi cho tôi”, Hwang đã nói như vậy trước công chúng và cũng kêu gọi 20 đồng nghiệp khác xin lỗi, sau khi hai công bố của ông về tế bào gốc bị phát giác là giả mạo và danh hiệu ‘Nhà khoa học hàng đầu’ của ông bị tước bỏ.
|
Nhà nghiên cứu tế bào gốc Hwang đã khóc và liên tục xin lỗi trước công chúng |
Nhưng có lẽ thái độ thành khẩn đấy không có nhiều. Có những trường hợp các nhà quản lý phải vào cuộc, cảnh sát điều tra phanh phui sự việc mới chịu nhận lỗi.
Trước khi bị phát hiện giả mạo số liệu và phải đi tù 5 năm vào năm 2006, nguyên giáo sư y khoa, một chuyên gia về béo phì tại Trường Đại học Vermont (Mỹ) đã công bố 10 bài báo khoa học cũng như nhiều bài giảng trong các hội nghị từ 1992-20002 tại nhiều trường Đại học và Tập san y khoa quốc tế.
Ngay cả Giáo sư Gerald Schatten thuộc Đại học Pittsburgh trong trường hợp nhóm nhà khoa học Hwang Woo-Suk cũng không thừa nhận mình sai khi rò rỉ vụ bê bối nghiên cứu tế bào gốc. Trước áp lực của báo chí, tháng 11/2005, Giáo sư Gerald còn khẳng định mình đã chấm dứt cộng tác với giáo sư Hwang, và nói rằng chẳng hiểu vì sao mình lại đứng tên đồng tác giả với Hwang trên bài báo khoa học. Về sau Hwang chính thức xin lỗi, giáo sư Gerald mới rút lại bài báo trên Tạp chí Science.
Gần đây nhất, vào tháng 9/2013, các nhà điều tra liên bang Mỹ đã phát hiện ra nhà nghiên cứu Marc Hauser, nguyên Giáo sư Đại học Harvard đã giả mạo dữ liệu và số liệu. Khi bị phanh phui, Hauser mới chịu thừa nhận. Dù trước đó 2 năm, một cuộc điều tra nội bộ của Trường Harvard đã phát hiện thấy những gian lận của Hauser. Nhưng ngay cả khi bị lật tẩy hoàn toàn, Hauser tỏ thái độ lỗi không phải hoàn toàn do mình. “Tôi xin chịu trách nhiệm các lỗi trong phòng thí nghiệm dù tôi có trực tiếp tham gia hay không”.
Sự gian lận sẽ ngày càng khó phát hiện hơn nếu các nhà khoa học có hành vi sai trái không tự vấn lương tâm của mình. Bày tỏ lo ngại về vấn nạn này, điều tra viên Martinson thuộc Tổ chức HealthPartners Foundation nói: “Các trường hợp gian lận trong khoa học đang bùng nổ và có thể gây tổn hại lớn đến lòng tin của công chúng. Sự gian lận có thể ăn mòn nhiều hơn đối với khoa học nhất là khi hiện tượng này đang trở nên rất phổ biến”.