Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Chính sách KH&CN Thứ bảy, 19/04/2025 , 07:01 am
Cập nhật : 27/09/2012 , 09:09(GMT +7)
“Cởi trói” cơ chế tài chính và đầu tư cho KH&CN
Toàn cảnh phiên giải trình
Mới đây, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (Ủy ban KH,CN&MT) đã tổ chức phiên họp để Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) giải trình về “Cơ chế tài chính và huy động nguồn lực đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN”. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN ghi lại một số nội dung chính tại phiên giải trình.

Đại biểu tỉnh Đắc Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh: Hiện nay cơ chế, chính sách tài chính cho KH&CN hiện còn rất gò bó, không phù hợp với cơ chế thị trường, với đặc thù của hoạt động KH&CN. Vậy, cần có giải pháp gì để đổi mới cơ chế tài chính và huy động nguồn lực đầu tư cho KH&CN?

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh "Cần có giải pháp gì để đổi mới cơ chế tài chính, huy động nguồn lực đầu tư cho KH&CN"

Đại biểu TP. Hà Nội Bùi Thị An: Thời gian qua, KH&CN có sự đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp,… Tuy nhiên, đầu tư cho KH&CN chưa đủ lớn cho hoạt động nghiên cứu. Một số địa phương sử dụng chưa hiệu quả đầu tư cho KH&CN; chưa khuyến khích và giải phóng được nguồn lực chính trong nghiên cứu khoa học chính là con người làm khoa học. Đây là lỗi tại ai, ở tầm vĩ mô hay do cán bộ khoa học? Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN, tới đây đột phá trong KH&CN sẽ tập trung vào những nội dung gì?

Xin hỏi Bộ Tài chính, vì sao việc cấp phát kinh phí luôn chậm như vậy? Bộ Tài chính cần làm phép so sánh thất thoát của KH&CN với các ngành khác là bao nhiêu. Tôi đánh giá con số này không nhiều. Nếu không thay đổi, tới đây KH&CN sẽ không bao giờ có thể phát triển được.

Xin hỏi Bộ KH&ĐT, thời gian qua, Bộ đã đầu tư cho các phòng thí nghiệm trọng điểm, Bộ đánh giá thế nào về hiệu quả đầu tư của các phòng thí nghiệm trọng điểm này?

Bà Bùi Thị An "Đâu là đột phá phát triển KH&CN thời gian tới? "

Bà Hoàng Thị Tố Nga, đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định: Hiện có rất nhiều ngành có phụ cấp nghề, còn những người nghiên cứu khoa học trực tiếp lại không có chế độ gì. Hầu hết các nhà khoa học Việt Nam sống chật vật với nghề nên rất nhiều người có trình độ cao bỏ cơ quan nghiên cứu khoa học đi làm cho các doanh nghiệp. Các ngành khoa học rất ít thí sinh thi vào. Phải chăng KH&CN Việt Nam không cất cánh được vì chúng ta đối xử chưa đúng mực với chất xám? Bộ trưởng có giải pháp gì để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao về với ngành KH&CN?

Đại biểu tỉnh Thái Bình Đỗ Văn Vẻ: Hiện có tình trạng nhiều đề tài, dự án nghiên cứu thành công nhưng lại không chuyển giao, không ứng dụng vào đời sống sản xuất được. Bộ có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng cắt khúc giữa nghiên cứu – triển khai - ứng dụng để nâng cao hiệu quả của việc nghiên cứu?

GS.VS Đặng Hữu: Hiện đầu tư từ các doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung cho KH&CN không nhiều. Do đó, cần có chính sách cụ thể để khu vực tư nhân đầu tư nhiều hơn cho KH&CN.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân: Bộ KH&CN là cơ quan chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Chính phủ về 2% tổng chi Ngân sách Nhà nước (NSNN) cho KH&CN. Tuy nhiên, trên thực tế Bộ KH&CN chỉ chủ động quản lý được một phần trong tổng số 2% ngân sách đó còn phần lớn do Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính trực tiếp phân bổ, cấp cho các bộ, ngành, địa phương.

Thứ hai là vấn đề liên quan đến xây dựng kế hoạch, xác định nhiệm vụ KH&CN và cơ chế quản lý tài chính triển khai các nhiệm vụ KH&CN. Hoạt động KH&CN hiện còn nhiều nội dung mang nặng tính hành chính, tính kế hoạch hóa của cơ chế cũ.

Thứ ba là việc điều chỉnh kinh phí của các đề tài, dự án KH&CN. Các nhà khoa học khi điều chỉnh kinh phí trên 1 tỷ đồng phải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Còn dưới 1 tỷ đồng, Bộ KH&CN, Bộ Tài Chính có thể trao đổi, thống nhất, nhưng thời gian chờ đợi từ 3-6 tháng. Vì thế, hầu hết các nhà khoa học rất e ngại trong việc điều chỉnh kinh phí mặc dù đây là việc bắt buộc phải làm khi kinh phí không thể đáp ứng được những nội dung của đề tài nghiên cứu.

Về vấn đề cắt khúc giữa nghiên cứu – triển khai - ứng dụng, Bộ trưởng cho biết: Đề tài nghiên cứu sau khi nghiệm thu có 3 loại: nghiên cứu cơ bản; đề tài phải qua sản xuất, thử nghiệm, đánh giá mới được đưa vào sản xuất (ví dụ như sản xuất văc-xin); một số đề tài nghiên cứu xong nhưng chưa ứng dụng được do ý tưởng tốt nhưng điều kiện hiện tại chưa phù hợp. Trên thế giới, khoảng 20% các đề tài nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn, 80% phải chờ để ứng dụng. Việt Nam cũng không vượt qua ngưỡng đó.

Về câu hỏi cán bộ KH&CN không có phụ cấp nên tình trạng chảy máu chất xám rất nặng nề. Hiện nay trong hệ thống cán bộ làm công ăn lương, chỉ có giới KH&CN không có phụ cấp ngoài lương cơ bản. Nhiều lần chúng tôi đề xuất chính sách ưu đãi cho những người làm khoa học nhưng chưa được chấp nhận. Chúng tôi đề xuất chỉ hướng vào một số đối tượng ưu đãi đặc biệt nhưng chưa được chấp nhận.

Giải pháp đối với vấn đề này, chúng tôi cho rằng tiền lương chỉ là một vấn đề, cái quan trọng là điều kiện làm việc, trang thiết bị nghiên cứu, cơ hội trao đổi với nhà khoa học quốc tế, thuê chuyên gia nước ngoài đến làm việc, tự do, tự chủ trong nghiên cứu, sử dụng ngân sách dành cho nghiên cứu mới là điều các nhà khoa học cần. Chúng tôi đã đưa những vấn đề này vào một số Đề án Trung ương và Luật KH&CN sửa đổi.

 

 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân

 

 

Về câu hỏi KH&CN còn nhiều hạn chế, lỗi do đâu: Đây là lỗi về nhận thức và đổi mới tư duy. Chúng ta vẫn mang nặng tư duy của thời bao cấp kế hoạch hóa. Chúng ta xây dựng kế hoạch KH&CN như là xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản trong khi KH&CN có tính đặc thù. Chúng ta đòi hỏi KH&CN phải có định mức chi tiết nhưng không phải cái gì cũng có thể định mức chi tiết được, đặc biệt nghiên cứu về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Thứ hai nữa là chúng ta lập kế hoạch từ lúc đề xuất cho đến lúc được cấp kinh phí thời gian quá dài, ít nhất là 1 năm có thể đến 2 năm, như hiện nay là tới 2 năm. Các nhà khoa học khi nhận được tiền thì 1 là trượt giá, lạm phát kinh phí ấy không đáp ứng được.

Về những giải pháp đột phá trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung vào 3 nội dung chính:

Đột phá thứ nhất là phương thức đầu tư cho KH&CN, làm sao để huy động được đầu tư của xã hội đặc biệt của doanh nghiệp cho KH&CN thông qua chính sách về thành lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp và yêu cầu doanh nghiệp bắt buộc phải trích một phần lợi nhuận của họ để đầu tư cho phát triển KH&CN. Trước đây, quy định doanh nghiệp trích 10% lợi nhuận trước thuế cho phát triển KH&CN là tự nguyện, không bắt buộc. Nhưng doanh nghiệp hầu hết không trích. Hiện tại, trong Luật KH&CN sửa đổi chúng tôi yêu cầu tất cả các doanh nghiệp đều phải dành một tỉ lệ tối thiểu cho KH&CN.

Đột phá thứ hai là về cơ chế tài chính, cần bổ sung các nội dung chi trong hoạt động KH&CN, điều chỉnh lại các mức chi cho phù hợp với mức độ phát triển kinh tế xã hội và đơn giản hóa tối đa thủ tục chi.

 

 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh "Cần xây dựng cơ chế lương đặc thù đối với nhà khoa học"

Thứ ba là chúng ta nên áp dụng cơ chế quỹ để cấp kinh phí cho các hoạt động KH&CN. Hầu hết các nước đều dùng cơ chế quỹ. Tiền NSNN cấp vào quỹ, các nhiệm vụ KH&CN đề xuất đến đâu sẽ được xem xét, tuyển chọn và cấp kinh phí đến đó. Cơ chế này có 3 điểm thuận lợi cho KH&CN, đó là cấp tiền kịp thời với việc phê duyệt nhiệm vụ, không phải quyết toán theo năm tài chính, tiền chưa tiêu hết thì tự động chuyển nguồn năm sau.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh:Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh:Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh: Bộ Tài chính không xét duyệt hay cấp phát gì cả, mà cứ dành đúng 2% ngân sách đã định. Bộ Tài chính cũng cần biết được nội dung nhiệm vụ được phê duyệt hoặc sản phẩm của nhiệm vụ KH&CN. Cũng có những trường hợp đặc biệt, ngoại lệ. Trong phạm vi của mình, Bộ Tài chính cũng đang tìm cách để kinh phí đến nhanh nhất với nhà khoa học. Bộ Tài chính cũng đồng quan điểm cần xây dựng cơ chế lương đặc thù đối với nhà khoa học hoạt động trong một số lĩnh vực đặc biệt.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương: Bộ đã đảm bảo ngân sách cho các lĩnh vực KH&CN quan trọng, các phòng thí nghiệm trọng điểm. Các phòng thí nghiệm đã giúp các nhà nhà khoa học hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu đạt trình độ khu vực và quốc tế. Về việc phân bổ ngân sách của Bộ KH&ĐT, cần có sự phối hợp gắn kết tốt hơn giữa Bộ KH&CN và các bộ ngành địa phương trong việc phân bổ, kiểm tra và đánh giá hiệu quả ngân sách đầu tư cho KH&CN tại các bộ, ngành, địa phương.

 

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân "Cơ chế tài chính cho KH&CN mang nặng tính hành chính"

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Cùng với quá trình đổi mới, nền KH&CN của nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN được đẩy mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các tổ chức KH&CN công lập đã bắt đầu được thực hiện, thị trường KH&CN cũng bắt đầu được hình thành.

Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động KH&CN còn bộc lộ nhiều hạn chế. KH&CN chưa thực sự trở thành động lực then chốt và nền tảng cho quá trình phát triển đất nước. Đầu tư từ xã hội, đặc biệt từ doanh nghiệp cho KH&CN còn thấp và sử dụng chưa hiệu quả; cơ chế tài chính cho KH&CN mang nặng tính hành chính, không phù hợp với đặc thù hoạt động nghiên cứu sáng tạo.

 

 

Nguyễn Hạnh (ghi)


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner