Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Phóng sự ảnh Thứ hai, 25/11/2024 , 04:47 am
Cập nhật : 07/06/2012 , 14:06(GMT +7)
“Cởi trói” cơ chế tài chính cho khoa học và công nghệ

Ngày 5/6/2012, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đầu tư và cơ chế tài chính phát triển khoa học và công nghệ”.

Tham dự hội thảo có Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân. Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh và Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng chủ trị hội thảo. GS. Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu cùng hơn 100 đại biểu đại diện cho các bộ, ban, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, và doanh nghiệp có liên quan cùng tham dự.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, Hội thảo khoa học lần này có vai trò quan trọng trong việc xây dựng Đề án “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, dự kiến sẽ trình Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6.

Tham dự hội thảo lần này đặc biệt còn có sự tham gia của ông Hoàng Văn Phong, phái viên tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về KH&CN, Chủ tịch Hội đồng chính sách KH&CN Quốc gia, cố vấn đặc biệt của Thủ tướng về KH&CN.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong huy động đầu tư, những bất cập về cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN. Trên cơ sở đó có các đề xuất, giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển KH&CN phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, thời gian qua, các bộ, ngành, cơ quan Đảng ở Trung ương và địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII. Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết, KH&CN đã có bước phát triển mạnh, đạt nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của kinh tế - xã hội, đưa nước ta từ một nước kém phát triển, gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên nhiều nhà khoa học vẫn cho rằng, sự phức tạp của cơ chế tài chính hiện nay khiến việc hoạt động trong lĩnh vực KH&CN chưa đạt được như mong muốn.

Ông Tống Viết Trung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, Tập đoàn Viettel hàng năm dành 1.000 tỷ đồng cho nghiên cứu khoa học và phát triển KH&CN. Điều này đã mang lại những hiệu quả tích cực cho Tập đoàn thời gian qua.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, với 2% tổng chi ngân sách cho KH&CN là con số còn khiêm tốn. Đặc biệt, trong khi kinh phí đầu tư cho KH&CN còn dàn trải, chưa tập trung phát triển từng nhiệm vụ đã làm giảm hiệu quả đầu tư phát triển KH&CN thời gian qua.
 

Tuy nhiên, theo GS. Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, làm khoa học, yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người. Giải pháp đưa ra là cần tập trung thay đổi cơ chế chính sách, yếu tố được đưa lên hàng đầu là lĩnh vực đào tạo nhân lực có trình độ cao.

Về vấn đề cơ chế tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Thị Minh bày tỏ băn khoăn về đầu tư cho KH&CN hiện nay còn chưa hiệu quả, vướng mắc ở tất cả các khâu. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là Bộ KH&CN cần đưa ra tiêu chí, tiêu chuẩn cho đầu ra các đề tài KH&CN.

Kết luận hội thảo, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh đã ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự trên cơ sở 7 nhóm giải pháp lớn nhằm đổi mới hoạt động đầu tư, tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế tài chính thúc đẩy KH&CN phát triển để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ KH&CN sẽ tiếp thu, bổ sung những kiến nghị, đề xuất đưa ra tại hội thảo vào nội dung Đề án “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” nhằm phục vụ cho kỳ họp thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI sắp tới.

Ngũ Hiệp


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner