Trong thời gian qua, một số cơ quan thông tấn, báo chí có phản ảnh về tình trạng đồ chơi trẻ em (ĐCTE) chưa gắn dấu hợp quy (CR) được bán trên thị trường sau thời điểm thông tư 18/2009/TT-BKHCN của Bộ KH&CN có hiệu lực, để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên VietNamNet đã có buổi trao đổi với ông Trần Văn Vinh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng.
- Ông Trần Văn Vinh: Về nguyên tắc, đồ chơi trẻ em đã lưu thông trên thị trường trước thời điểm 15/4 là ngày Thông tư số 18/2009/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành và thực hiện “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em” có hiệu lực thì không thuộc đối tượng bắt buộc gắn dấu hợp quy ngay sau thời điểm 15/4. Theo Điều 3 của Thông tư này là “kể từ ngày 15/4/2010, ĐCTE sản xuất trong nước, nhập khẩu chỉ được lưu thông trên thị trường sau khi đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy theo quy chuẩn quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em”. Như vậy, đồ chơi trẻ em được sản xuất và nhập khẩu sau ngày 15/4, muốn lưu thông trên thị trường, phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy. Số lượng đồ chơi này là số lượng bổ sung cho thị trường hàng ngày và chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ so với số lượng đồ chơi trẻ em đã được lưu thông trên thị trường trước thời điểm 15/4. Do vậy, chúng ta có thể thấy số lượng đồ chơi được gắn dấu hợp quy là rất ít so với số lượng đã tồn tại trước thời điểm 15/4.
- Vậy số lượng đồ chơi trẻ em đã được lưu thông trên thị trường trước thời điểm 15/4 sẽ được xử lý như thế nào?
- Số lượng đồ chơi này, muốn gắn dấu hợp quy, thì phải có một lộ trình nhất định. Theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ, thời hạn để gắn dấu hợp quy đối với số lượng đồ chơi trẻ em này là trước ngày 15/9/2010. Tổng cục đã hướng dẫn các Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng địa phương phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ chơi trẻ em trên địa bàn thống kê, phân loại đồ chơi trẻ em để các tổ chức chứng nhận tiến hành chứng nhận hợp quy. Đồ chơi trẻ em đạt chất lượng theo quy chuẩn sẽ được gắn dấu hợp quy và đồ chơi trẻ em không đạt chất lượng sẽ được xử lý theo quy định.
- Ông có nhận xét gì về thuận lợi và khó khăn trong công tác quản lý chất lượng đồ chơi trẻ em trong thời gian qua?
- Đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước, nhập khẩu chính ngạch về cơ bản đã và đang quản lý tốt, không gặp nhiều khó khăn, có thể nói công tác quản lý chất lượng đối với đối tượng này không gặp khó khăn, đảm bảo chất lượng và an toàn. Tuy nhiên, đồ chơi trẻ em nhập lậu, đồ chơi trẻ em không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ đang chiếm một tỉ lệ rất lớn trên thị trường và đây chính là hàng hóa không hợp pháp. Bên cạnh số lượng đồ chơi trẻ em không hợp pháp là một số lượng không nhỏ đồ chơi trẻ em được nhập về theo con đường tiểu ngạch. Do vậy, việc quản lý chất lượng đối với hàng hóa không hợp pháp và hàng hóa nhập theo con đường tiểu ngạch là việc làm khó khăn và khó có thể thực hiện tốt được nếu không có sự tham gia tích cực của nhiều cơ quan chức năng.
|
|
Rất nhiều đồ chơi trẻ em trôi nổi trên thị trường hiện chưa được kiểm tra chất lượng (ảnh trái), dấu hợp quy (ảnh phải). |
- Ông có khuyến cáo gì với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ chơi trẻ em cũng như các bậc phụ huynh khi mua sản phầm đồ chơi cho con em mình?
- Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ chơi trẻ em có nghĩa vụ thực hiện các quy định của pháp luật và đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp cạnh tranh theo con đường chất lượng và chứng minh với khách hàng về việc cung cấp hàng hóa đảm bảo an toàn và chất lượng. Để tránh mua phải các loại đồ chơi trẻ em kém chất lượng, không đảm bảo an toàn, người tiêu dùng lựa chọn đồ chơi trẻ em có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ đã thực hiện chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy của các hãng, các cửa hàng có uy tín. Đặc biệt, không nên mua ở các cửa hàng nhỏ lẻ, bán rong, tham giá rẻ.
- Dấu hợp quy có thể bị làm giả được không? Làm thế nào để người tiêu dùng nhận biết được dấu thật?
- Đồ chơi trẻ em phải được thực hiện các biện pháp quản lý bao gồm chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy chứ không đơn thuần có dấu hợp quy là đủ. Dấu hợp quy chỉ là dấu hiệu nhận biết hàng hóa đã thực hiện chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy và nó không có ý nghĩa như tem nhập khẩu hay dấu tròn của một cơ quan, do đó không có khái niệm dấu giả. Khi một hàng hóa đã gắn dấu hợp quy thì đương nhiên là đã chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy. Nếu thiếu bằng chứng chứng nhận và công bố hợp quy thì hàng hóa đó được gọi là giả chứng nhận hợp quy hay gọi cách khác là hàng giả.
Dấu hợp quy CR được gắn trực tiếp trên sản phẩm, hàng hóa hoặc bao bì sản phẩm hàng hóa. Người tiêu dùng ngoài việc nhìn thấy dấu hợp quy, còn có thể yêu cầu người kinh doanh đồ chơi trẻ em cho xem bằng chứng về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy.
- Cảm ơn ông.