Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
KH&CN địa phương Thứ sáu, 22/11/2024 , 02:30 am
Cập nhật : 08/10/2020 , 15:10(GMT +7)
Cơ hội mới nâng cao giá trị cho trái na dai Lục Nam
Na dai Lục Nam được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý
Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm na dai “Lục Nam”. Đây là cơ hội rất tốt để Bắc Giang quảng bá, giới thiệu sản phẩm thế mạnh, nâng cao hơn giá trị thương hiệu trái na dai của tỉnh.

Đặc sản nổi tiếng

Na dai của huyện Lục Nam (Bắc Giang) từ lâu nổi tiếng bởi hương vị thơm, ngọt mát, bùi, dẻo dai, được nhiều người biết đến. Cây na dai được trồng ở Lục Nam từ rất lâu đời, ban đầu mới chỉ là một số gia đình trồng để ăn chơi. Đến khoảng những năm 1987 - 1988, nhiều người được ăn, thấy giống na ngon, họ để giống và đặt vườn. 

Quả na dai Lục Nam bắt đầu vươn xa, theo chân các thương lái đến nhiều vùng khác nhau, đặc biệt là Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Nghệ An... Từ những năm 1990, người dân Lục Nam bắt đầu phát triển thêm diện tích trồng na. Đặc biệt, khoảng 15 năm trở lại đây, cây na trở thành cây phát triển kinh tế chính của địa phương. Trải qua hàng chục năm trồng, chăm sóc, người trồng na ở Lục Nam đã tuyển chọn được các giống na ngon, tìm ra cách chăm sóc để cho na ra sai quả. Có giống na ngon, có kỹ thuật chăm tốt, na Lục Nam đã trở thành cây trồng mũi nhọn của người dân Lục Nam.

Danh tiếng và chất lượng đặc thù của na dai Lục Nam có được nhờ các điều kiện tự nhiên của khu vực địa lý. Mùa mưa kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9 và mùa khô từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm 20 - 25oC. Lượng mưa bình quân hàng năm dao động từ 895 - 2.988 mm/năm… Huyện Lục Nam có dòng sông Lục chảy qua, những dải đất ven sông được bồi đắp phù sa thích hợp với sự phát triển của cây na. Thổ nhưỡng của khu vực địa lý gồm nhóm đất vàng đỏ và nhóm đất tầng mỏng. Đặc biệt, vùng trồng na Lục Nam ở khu vực chân núi và đồi núi thấp, nên chất lượng quả na dai Lục Nam thường ngọt hơn so với các sản phẩm na khác được trồng trên những ngọn núi đá vôi cao. 

Ngoài các yếu tố tự nhiên của khu vực địa lý, kỹ thuật sản xuất, thu hoạch và bảo quản của người nông dân địa phương cũng góp phần tạo nên đặc thù của na dai Lục Nam. Sau mỗi vụ thu hoạch, người trồng na dai tại Lục Nam có kinh nghiệm đốn tỉa các cây già yếu, hoặc cắt cành mọc trong tán trên cây na đang thời kỳ sung sức, kết hợp bón phân, chăm sóc để cây na cho nhiều quả, quả to, chất lượng tốt. Việc đốn tỉa còn làm cho na ở Lục Nam ra hoa, đậu quả trên thân cây, khắc phục việc ra quả ở đầu cành dễ bị gió quật làm cho quả bị rơi xuống đất, vỡ nát. 

Ngoài ra, Lục Nam cũng là địa phương đầu tiên tìm tòi và áp dụng phương pháp thụ phấn bổ sung vừa để kéo dài mùa vụ thu hoạch na, vừa tránh việc na chín rộ dẫn đến không kịp thu hoạch. Thêm vào đó, việc sử dụng tro rơm để trộn vào phân bón cho cây của người dân địa phương cũng giúp bổ sung Kali làm tăng quá trình phân hóa mầm non, giảm tỷ lệ rụng và tăng tỷ lệ đậu quả, nâng cao chất lượng nông sản thông qua quá trình tích lũy đường, vitamin, giúp cho màu sắc quả đẹp hơn, hương vị quả thơm hơn và tăng khả năng bảo quản. Chính vì vậy, na Lục Nam có màu tươi hơn và lâu bị thâm quả hơn so với nhiều loại na khác.

Kéo dài vụ thu hoạch lên 8 tháng

Ông Vũ Văn Sơn , Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Nam cho biết: Nếu như trước đây, mỗi vụ na của Lục Nam chỉ diễn ra trong 1 tháng thì nay đã có thể kéo dài 8 tháng (đợt đầu từ tháng 5 đến tháng 8, đợt thứ hai từ cuối tháng 9 đến hết tháng 11). Đây là kết quả của phương pháp trồng rải vụ (cho na ra quả trái mùa) bằng cách tỉa cành vào những thời điểm nhất định và sử dụng chất dinh dưỡng hợp lý để na có thể ra quả ngay trên thân cây.

Từ khoảng tháng giêng, người dân bắt đầu tỉa cành để tháng 6 có na thu hoạch. Với cách làm này, những khu vườn na đang thu hoạch sẽ xen lẫn với những vườn bắt đầu ra hoa. Quả na ra trái vụ vẫn giữ được những đặc điểm riêng có của na dai Lục Nam.

Theo ông Sơn, với kỹ thuật canh tác này, na chống chịu được thời tiết, hạn chế giập nát quả do va chạm; không tốn chất dinh dưỡng để nuôi cành vô hiệu; quả ra tập trung trên thân và cành nên dễ thụ phấn và thu hoạch hơn.

Cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao vai trò của đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với đặc sản của địa phương

Ngoài ra, bà con còn áp dụng một số kỹ thuật khác để cây đủ lực ra mầm, ra hoa sớm, quả đẹp. Đó là cách chăm bón, phục hồi sau khi thu hoạch với lượng phân thích hợp giúp tăng tỷ lệ đậu, nuôi quả và phòng, chống các loại sâu bệnh như sáp sên, bọ nhảy, muội đen, sâu đục quả, bệnh vàng lá...

Ông Giáp Văn Ơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Nam cho biết, huyện đã tăng cường quảng bá na Lục Nam bằng nhiều hình thức như: Thiết kế tem, nhãn (truy xuất nguồn gốc), thùng đựng na bắt mắt và tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử của huyện để “hút” người tiêu dùng. Mặt khác, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo phòng chuyên môn hướng dẫn bà con tập trung chăm sóc để các lứa na tiếp theo bảo đảm tăng năng suất, chất lượng.

Theo Giấy chứng nhận được Cục Sở hữu trí tuệ cấp, các khu vực có sản phẩm được chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm na dai là các xã Đông Hưng, Đông Phú, Cương Sơn, Lan Mẫu, Huyền Sơn, Nghĩa Phương thuộc huyện Lục Nam (Bắc Giang). UBND huyện Lục Nam là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này. Trong thời gian tới, để phát triển thương hiệu và quảng bá sản phẩm na dai Lục Nam, huyện Lục Nam cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp quản lý, người dân, doanh nghiệp về vai trò của đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với đặc sản của địa phương; tiếp tục củng cố và kiện toàn hợp tác xã na dai hiện có và phát triển thêm một số hợp tác xã na dai khác trên địa bàn; duy trì và mở rộng diện tích sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP đối với các xã được được chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý; xây dựng cơ chế hỗ trợ kinh phí để phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại cho quả na; đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm na dai Lục Nam.

Bài, ảnh: Diệu Huyền

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner