Hiện nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ứng dụng thương mại điện tử nhằm hỗ trợ mua sắm, trao đổi hàng hóa, xuất nhập khẩu. Và đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này.
Sáng 27/11, tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Báo Công Thương phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức Hội thảo "Thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chuyển đổi số thành công trên nền tảng thương mại điện tử". Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest Vietnam 2020).
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết: Theo báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á (SEA) 2020 do Google, Temasek và Bain & Company công bố thì nền kinh tế số Việt Nam đạt tổng giá trị 14 tỷ USD, tăng trưởng 16% so với năm 2019 và Việt Nam là nước có tỷ lệ người dùng Internet mới cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, đạt 41%. Đặc biệt, tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nằm trong top 10 thành phố năng động nhất thế giới năm 2019 - theo bảng xếp hạng City Momentum Index 2019.
Theo Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2020, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam (B2C) tăng trưởng trung bình hàng năm từ 20%-30%/năm, doanh thu thương mại điện tử B2C của Việt Nam 2019 đạt 10,08 tỷ USD, ước tính giá trị mua sắm trực tuyến đặt 225USD/người/năm (cao nhất trong khu vực).
Nói về cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng: Đại dịch Covid-19 là một cơ hội tốt để thay đổi tư duy của người sản xuất, tiêu dùng và những người đang làm các nền tảng cho thương mại điện tử. Các dự án startup trong lĩnh vực này đã tăng lên rất nhiều trong thời qua nhưng cũng gặp phải thách thức rất lớn, cạnh tranh với các “đại gia” đi trước trong sân chơi toàn cầu. Do đó, cần khuyến khích tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Theo ông Phạm Hồng Quất, Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844), Quyết định số 645/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… là ba hành lang pháp lý thể hiện rất rõ nhận thức về vai trò quan trọng của thương mại điện tử, chuyển đổi số, kinh tế số và hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó Tổng Giám đốc Phát triển Doanh nghiệp tại Tiki cho biết, trong thời điểm hiện nay, doanh nghiệp có nhiều cơ hội để kinh doanh thành công trên các sàn thương mại điện tử.
Theo đó, doanh nghiệp có thể không mất phí xây dựng và vận hành; giảm chi phí marketing, nhờ tiếp cận trực tiếp với tập khách hàng lớn; giảm chi phí đầu tư nhân sự; tăng chất lượng dịch vụ.
Trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã nêu rõ thương mại điện tử là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh. Chính phủ cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh số thương mại điện tử B2C (hình thức kinh doanh từ doanh nghiệp, công ty tới khách hàng) tính cho cả hàng hóa và dịch vị tiêu dùng trực tuyến tăng 25%, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Dịp này, cũng diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hỗ trợ kết nối sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lên nền tảng thương mại điện tử giữa đại diện Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ), Báo Công Thương và Công ty Lazada Việt Nam.
Tin, ảnh: Huyền Minh