Nếu phát hiện bệnh sớm ở những giai đoạn đầu và được phẫu thuật triệt để hoặc ghép gan, tỷ lệ sống của bệnh nhân lên khoảng 80%. Trong khi đó, tỷ lệ sống sót sau 5 năm với bệnh nhân ung thư gan di căn chỉ còn 3.5%.
Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM vừa tổ chức buổi xét duyệt đề tài nghiên cứu chỉ dấu sinh học hTERT mRNA, AFP, AFP-13, DCP trong chuẩn đoán sớm bệnh ung thư tế bào gan của nhóm tác giả trường ĐH Y dược TP.HCM. Đề tài do PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM làm chủ nhiệm.
Nhóm tác giả dự kiến thực hiện nghiên cứu trên tối thiểu 310 bệnh nhân trong thời gian 2 năm. Từ đó, nhóm tác giả sẽ đưa ra mối tương quan giữa một số dấu hiệu cận lâm sàng với các chỉ dấu trên, quy trình định lượng nồng độ hTERT mRNA trong huyết thanh và giá trị cắt cho độ nhạy, độ đặc hiệu tối ưu của xét nghiệm.
Đề tài hứa hẹn đem lại phương pháp hiệu quả, có khả năng áp dụng rộng rãi trong chẩn đoán sớm ung thư tế bào gan. Đề tài được hội đồng tư vấn chấp nhận và đánh giá cao, mở ra cơ hội cho những bệnh nhân ung thư gan ở Việt Nam.
Thống kê của cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) cho thấy, ung thư gan chiếm khoảng 5,7% tổng số các loại ung thư và có tỷ lệ cao tại các nước khu vực châu Á. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ ung thư gan hàng đầu thế giới với tỷ lệ tử vong cao.
Nếu được tầm soát bệnh thường xuyên và phát hiện sớm, khoảng 80% người bệnh ung thư gan hoàn toàn có thể thoát khỏi tử thần. Nhưng do ung thư gan tiến triển thầm lặng, giai đoạn sớm thường không có triệu chứng nên rất nhiều người bệnh chỉ được phát hiện khi đã muộn. Trong 9 tháng đầu năm, bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM đã phát hiện được khoảng 200 trường hợp ung thư gan trong đó 40% được phát hiện muộn.
Các phương pháp phát hiện ung thư gan chủ yếu hiện nay là các phương pháp chuẩn đoán hình ảnh như siêu âm. Dù có ưu điểm đơn giản, ít tốn kém nhưng kỹ thuật chuẩn đoán hình ảnh chỉ phát hiện ung thư khi đã xuất hiện các khối u. Bởi vậy, nhu cầu tìm ra các chỉ dấu sinh hóa, miễn dịch giúp phát hiện ung thư sớm trước khi xuất hiện khối u là vấn đề cấp thiết.
Trên thế giới, các chất chỉ dấu ung thư gan như AFP, AFP-13, DCP đang được nhiều nhà khoa học trên thế giới quan tâm nghiên cứu, ứng dụng. Ngoài ra, nhóm chỉ dấu ung thư mới xuất phát từ khối u và hiện diện trong huyết thanh của bệnh nhân là nhóm DNA và Mrna cũng hữu ích trong việc chẩn đoán và tiên lượng. Ở Việt Nam, chưa có nhiều nghiên cứu các chỉ dấu ung thư phục vụ chẩn đoán sớm ung thư gan. Bởi vậy, đề tài được hội đồng đánh giá phù hợp yêu cầu thực tế điều trị ung thư gan hiện nay.
TS Trần Văn Bảo thuộc bệnh viện Chợ Rẫy, đánh giá: “Phát hiện sớm dấu hiệu tiềm ẩn có ý nghĩa lớn trong điều trị ung thư. Đây là giải pháp hữu hiệu trong điều trị, nâng cao khả năng sống sót của người bệnh và cũng là vấn đề thế giới đang quan tâm.”
Đồng tình với nhận xét trên, GS.TS Nguyễn Sào Trung, Phó chủ tịch Hội Y học TP.HCM đánh giá những chỉ số trên là những dấu hiệu hữu ích để tầm soát và phát hiện sớm cho những người có nguy cơ mắc bệnh cao như người có bệnh viêm gan, xơ gan...
Không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học, kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là cơ sở hoàn thiện công nghệ sản xuất kit Realtime PCR chuẩn đoán sớm ung thư tế bào gan phù hợp với điều kiện Việt Nam.