Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Tiềm lực KH&CN Thứ bảy, 23/11/2024 , 05:48 am
Cập nhật : 18/11/2015 , 22:11(GMT +7)
Cơ chế đặc thù cho khu CNC Hòa Lạc: Cần sự đồng thuận của các Bộ, Ngành
Chủ trương xây dựng Khu CNC Hòa Lạc là phát triển tiềm lực KHCN
Ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Trưởng Ban quản lý khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc khẳng định chủ trương xây dựng Khu CNC Hòa Lạc là phát triển tiềm lực KHCN, không giống với các khu công nghiệp là cho thuê đất. Mong rằng Chính phủ, bộ, ngành đồng tình với quan điểm đó thì Khu CNC Hòa Lạc mới có thể thành công.

Chiều ngày 17/11, ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Trưởng Ban quản lý khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc đã có cuộc gặp gỡ báo chí nhằm làm rõ hơn những vấn đề đặt ra trong dự thảo Cơ chế đặc thù cho khu CNC Hòa Lạc. Phóng viên Cổng thông tin truyenthongkhoahoc.vn đã ghi nhận lại những thông tin chính tại cuộc trao đổi này.

Các chính sách ưu đãi đối với Khu CNC Hoà Lạc còn chưa được quy định đồng bộ

Sau hơn 17 năm triển khai, dường như khu CNC Hòa Lạc vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra, đó là tạo điểm nhấn, thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao, phát triển và ươm tạo công nghệ cao của khu vực phía bắc. Trong khi đó, khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, dù ra đời sau, nhưng đã đạt được những bước tiến đáng kể. Vậy đâu là nguyên nhân làm chậm quá trình phát triển của khu CNC Hòa Lạc? Và liệu những cơ chế đặc thù có giải quyết được những vướng mắc này?

Đúng là sau 17 năm triển khai xây dựng và phát triển, Khu CNC Hòa Lạc vẫn dường như chưa đáp ứng được được các mục tiêu đề ra đó là tạo điểm nhấn, thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao, phát triển và ươm tạo công nghệ cao của khu vực phía bắc. Tuy nhiên, đến nay các nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của Khu CNC Hoà Lạc đã bước đầu được thiết lập. Điều này được khẳng định khi giai đoạn giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng Khu Công nghệ cao đã chuẩn bị kết thúc, chuyển sang giai đoạn phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ. Tiềm năng và cơ hội phát triển của Khu CNC Hoà Lạc cũng được khẳng định qua việc các tổ chức quốc tế (JICA, KOICA, ADB...) đã hỗ trợ các nguồn lực, tài chính cho xây dựng và phát triển Khu CNC Hoà Lạc. Các nhà đầu tư nước ngoài (Nissan, Noble...), các doanh nghiệp lớn trong nước (Viettel, FPT...) đã lựa chọn Khu CNC Hoà Lạc là địa bàn đầu tư trọng điểm của doanh nghiệp trong điều kiện Khu CNC còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng và cơ chế, chính sách.

Ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng Ban quản lý khu CNC Hòa Lạc

Bộ KH&CN cũng đã nhìn nhận một số nguyên nhân làm chậm quá trình phát triển của khu CNC Hoà Lạc như sau:
Thứ nhất, Khu CNC Hoà Lạc là Khu CNC quốc gia  đầu tiên của Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ thành lập năm 1998, đây là thời kỳ thế giới và Việt Nam đang rơi vào khủng hoảng kinh tế nên các nguồn lực cho phát triển ngay từ giai đoạn đầu đã có những hạn chế nhất định. Bên cạnh đó, do Khu CNC là mô hình mới, chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam nên Bộ Khoa học và Công nghệ và Ban Quản lý Khu cũng đã phải mất một vài năm đầu để tìm hướng đi, xác định các mục tiêu phát triển và cách thức tổ chức triển khai xây dựng Khu Công nghệ cao. Trong khi đó, Khu CNC thành phố HCM và đặc biệt là Khu CNC Đà Nẵng được thành lập sau có được may mắn hơn khi nền kinh tế đất nước đã tương đối ổn định, mô hình và định hướng phát triển đối với các Khu CNC quốc gia đã cơ bản được rõ nét, các bài học kinh nghiệm cũng được đúc rút, hành lang pháp lý cho hoạt động của Khu CNC đã tương đối đầy đủ, giúp rút ngắn rất nhiều thời gian xây dựng và phát triển Khu CNC.

Thứ hai, đó chính là sự đặc thù về mô hình tổ chức và hoạt động, khác với Khu CNC thành phố Hồ Chí Minh và Khu CNC Đà Nẵng là Ban Quản lý trực thuộc UBND thành phố, còn Khu CNC Hoà Lạc được đặt trên địa bàn hành chính của Thành phố Hà Nội trong khi Ban Quản lý trực thuộc Bộ KH&CN. Đây là một lợi thế của Khu CNC Hoà Lạc khi Ban Quản nhận được sự chỉ đạo trực tiếp và sát sao của Bộ KH&CN trong việc định hướng phát triển khoa học – công nghệ của Khu.

Tuy nhiên, trong giai đoạn GPMB và xây dựng cơ sở hạ tầng của Khu CNC Hoà Lạc còn cần có sự tham gia quản lý, chỉ đạo các Bộ, Ngành, đặc biệt là UBND thành phố và các cơ quan chuyên môn của thành phố trong các lĩnh vực như đất đai, quy hoạch, xây dựng, môi trường, lao động, đầu tư... Do sự phân định trách nhiệm và phối hợp trong công tác đầu tư xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với Khu CNC Hoà Lạc giữa Ban Quản lý với các Cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương chưa được quy định cụ thể, rõ ràng dẫn đến việc đầu tư xây dựng không đồng bộ, việc buông lỏng hoặc chồng chéo trong quản lý và thiếu nhất quán trong thực hiện. Đây cũng là một trong các nguyên nhân khiến cho tiến độ bồi thường GPMB và tái định cư chậm, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bị kéo dài, việc thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn…

Bên cạnh đó, mặc dù tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Khu CNC Hoà Lạc đều quy định Ban Quản lý là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với Khu CNC, tuy nhiên Ban Quản lý mới chỉ được giao trực tiếp thực hiện một số chức năng của cơ quan quản lý nhà nước, còn phần lớn các chức năng quản lý nhà nước khác đối với Khu CNC Hoà Lạc vẫn do các Bộ, Ngành, Địa phương và các cơ quan chuyên môn của thành phố Hà Nội thực hiện. Vì vậy, việc tạo cơ chế “một cửa, tại chỗ” nhằm rút ngắn thời gian đi lại, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các  nhà đầu tư tại Khu CNC Hoà Lạc đến nay thực sự vẫn chưa được thực hiện như mong muốn.

Ngoài ra, một yếu tố đặc thù nữa trong mô hình tổ chức và hoạt động của Khu CNC Hoà Lạc đó là Công ty phát triển Khu CNC. Mặc dù Nghị định 99/2003/NĐ-CP của Chính phủ về Quy chế Khu CNC đã tạo một hành lang pháp lý đầy đủ cho việc thành lập Công ty phát triển Khu CNC trực thuộc Ban Quản lý, tuy nhiên đến năm 2014 Khu CNC Hoà Lạc mới thành lập được Công ty phát triển Khu CNC trên cơ sở tiếp nhận nguyên trạng một doanh nghiệp trực thuộc Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trong khi đó Công ty phát triển Khu CNC thành phố Hồ Chí Minh đã hình thành sau 02 năm kể từ khi Khu CNC được thành lập. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ và cơ chế tài chính đối với Công ty phát triển Khu đến nay vẫn chưa được quy định đầy đủ và thông thoáng nên Công ty cũng đang còn gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động.

Thứ ba là các chính sách ưu đãi đối với Khu CNC Hoà Lạc còn chưa được quy định đồng bộ, chưa có các ưu đãi vượt trội và hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư. Mặc dù tại Quyết định 53/2004/QĐ-TTg ngày 05/4/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số chính sách khuyến khích đầu tư đối với Khu CNC. Tuy nhiên, sau khi các văn bản quy phạm pháp luật mới như Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (2008), Luật thuế thu nhập cá nhân (2007) được ban hành và có hiệu lực thì các ưu đãi của Quyết định 53/2004/QĐ-TTg không tiếp tục được áp dụng vì bị thay thế bởi các văn bản quy phạm có giá trị pháp lý cao hơn. Theo các văn bản quy phạm pháp luật này, một số ưu đãi trước đây chỉ áp dụng cho Khu Công nghệ cao nay đã được áp dụng chung cho các địa bàn khác. 

Bên cạnh đó, việc áp dụng các ưu đãi cho các nhà đầu tư tại Khu CNC Hoà Lạc cũng gặp nhiều vướng mắc do các quy trình thủ tục hành chính khá phức tạp do liên quan đến nhiều cơ quan từ trung ương đến địa phương. Trong khi đó, các nhà đầu tư tại Khu CNC thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng ngoài các cơ chế ưu đãi đầu tư chung theo quy định của pháp luật còn được hưởng cơ chế khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ theo các Quyết định riêng của UBND thành phố với mức cao hơn các quy định chung. Việc áp dụng và thực hiện các ưu đãi cho các nhà đầu tư do các cơ quan chuyên môn của thành phố thực hiện nên cũng thuận lợi hơn. Thực tế toàn bộ các nhà đầu tư hiện nay tại Khu CNC Hoà Lạc vẫn chưa được hưởng bất kỳ một chính sách ưu đãi đầu tư nào, đây là một thiệt thòi rất lớn đối với các nhà đầu tư khi mà bản thân họ là những nhà đầu tư tiên phong tại Khu CNC Hoà Lạc.

Vì vậy, có thể nói việc các chính sách ưu đãi đầu tư chưa được quy định cụ thể rõ ràng và chưa có tính chất vượt trội cũng như việc áp dụng còn nhiều vướng mắc và phức tạp như đã nêu trên cũng là một “rào cản” đối với sự phát triển Khu CNC Hoà Lạc, trong khi Khu CNC Hoà Lạc không có nhiều lợi thế về vị trí địa lý,  điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội… so với các Khu CNC quốc gia, thậm chí so với các Khu Công nghiệp trên địa bàn Hà Nội và khu vực lân cận.

Các cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu CNC Hoà Lạc có giải quyết được các vướng mắc này?

Thông thường, việc xây dựng cơ chế chính sách thường phải đi trước một bước để làm tiền đề cho việc xây dựng và phát triển. Ngay từ khi Khu CNC Hoà Lạc mới được thành lập, Bộ KH&CN đã nhận thức được tầm quan trọng của cơ chế, chính sách đối với sự phát triển của Khu CNC Hoà Lạc. Thực tế, trong thời gian qua, Bộ KH&CN cũng đã rất nỗ lực để đưa nhiều quy định điều chỉnh hoạt động của Khu CNC nói chung vào các văn bản quy phạm pháp luật như Luật đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng…

Khi hàng lang pháp lý điều chỉnh hoạt động vĩ mô của Khu CNC nói chung đã cơ bản đã đồng bộ và ổn định, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định đây thời điểm là thích hợp và “chín muồi” cho việc rà soát và nhìn lại một chặng đường dài xây dựng và phát triển Khu CNC Hoà Lạc để có thể đánh giá được những kết quả đã đạt được, “nêu tên” được các khó khăn vướng mắc cần phải tháo gỡ và xác định các định hướng phát triển cụ thể trong giai đoạn sắp tới.

Vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá các nội dung đề xuất  về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu CNC Hoà Lạc là rất đồng bộ và đầy đủ, có thể tháo gỡ toàn bộ các khó khăn vướng mắc từ trước đến nay, đảm bảo huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, tránh lãng phí thời gian, không làm mất cơ hội của Quốc gia và của các nhà đầu tư tại Khu CNC, tạo động lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát triển Khu CNC Hoà Lạc, giúp Khu CNC sớm kết thúc giai đoạn giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng để chuyển sang giai đoạn phát triển mới đó là phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ

Mục tiêu xây dựng Khu CNC Hòa Lạc trở thành động lực thúc đẩy phát triển KH&CN quốc gia

Xin ông cho biết lý do tại sao cần phải ban hành Dự thảo về cơ chế đặc thù cho Khu CNC Hoà Lạc?

Khu CNC Hoà Lạc được thành lập năm 1998 với mục tiêu tạo tiềm lực và động lực thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ quốc gia. Tuy nhiên Khu CNC là một mô hình mới chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam và Khu CNC Hoà Lạc là Khu CNC đầu tiên của Việt Nam, do đó trong quá trình xây dựng và phát triển Khu Công nghệ cao Hoà Lạc, Bộ KH&CN không tránh khỏi những lúng túng, vướng mắc trong cách thức tổ chức thực hiện, về việc tìm kiếm nguồn lực cho phát triển, xây dựng cơ chế chính sách, xác định các kế hoạch ưu tiên phát triển trong từng thời kỳ... điều này đã kéo dài tiến độ xây dựng và phát triển Khu CNC Hoà Lạc.

Mục tiêu xây dựng Khu CNC Hòa Lạc trở thành động lực thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, một thành phố khoa học như ý tưởng và sự kỳ vọng ban đầu còn chậm. Vì vậy, bên cạnh việc giữ vững và tiếp tục thực hiện đúng các định hướng, mục tiêu phát triển, Bộ KH&CN nhận thấy cần phải có những giải pháp tháo gỡ các vướng mắc của Khu CNC Hoà Lạc cho phù hợp với tình hình triển khai thực tế, với đặc thù về mô hình tổ chức và hoạt động và các nguồn lực hiện có, đảm bảo huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, tránh lãng phí thời gian, không làm mất cơ hội của Quốc gia và của các nhà đầu tư tại Khu CNC.    

Sẽ có câu hỏi đặt ra là tại sao đến thời điểm hiện nay Bộ KH&CN mới nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách đặc thù đối với Khu CNC Hoà Lạc, thực tế cho thấy sau khi trải qua một giai đoạn dài xây dựng và phát triển, khi mà các chính sách vĩ mô điều chỉnh hoạt động của Khu CNC nói chung đã được hành thành tương đối đầy đủ thì việc đánh giá các kết quả đạt được và các bài học kinh nghiệm rút ra sẽ mang tính toàn diện và tổng thể hơn, các khó khăn, vướng mắc và “rào cản” đối với sự phát triển của Khu CNC cũng được nhận định một cách đầy đủ và khách quan hơn, việc đề xuất các định hướng phát triển trong giai đoạn sắp tới của Khu CNC cũng sát với thực tế hơn.

4 vấn đề giải quyết 4 nhóm đối tượng

Theo ý kiến của ông, trong 4 vấn đề lớn đặt ra trong Dự thảo cơ chế đặc thù cho Khu CNC Hòa Lạc, gồm: đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, chính sách ưu đãi và thủ tục đầu tư, vấn đề nào là mấu chốt để tạo được động lực phát triển cho Khu CNC Hòa Lạc, để Khu này sớm đạt được các mục tiêu đã đề ra, điều này có đúng không thưa ông?

Như đã trình bày ở trên, tất cả các nội dung nêu trong dự thảo Cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu CNC Hoà Lạc đều là các vấn đề “mấu chốt” và rất quan trọng, bởi vì đó là những vấn đề chưa được luật pháp quy định hoặc có quy định nhưng chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến không thể thực hiện được, đó là những vấn đề tồn tại vướng mắc từ nhiều năm nay của Khu CNC Hoà Lạc nhưng chưa được tháo gỡ và chưa có phương án tháo gỡ hiệu quả, đó là những mong muốn của Bộ Khoa học và Công nghệ trong định hướng phát triển Khu CNC Hoà Lạc…

Tuy nhiên, để tạo “động lực phát triển Khu CNC” thì tôi cho rằng nội dung về “đầu tư xây dựng” và “ưu đãi đầu tư” là các nhân tố trực tiếp để đẩy nhanh tiến độ xây dựng phát triển Khu CNC và để thu hút được các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực khoa học và công nghệ cao. Các nội dung về “quản lý đất đai” và “thủ tục đầu tư” mặc dù không phải là nhân tố trực tiếp để tạo động lực đẩy nhanh tiến độ nhưng đó lại là các nội dung hết sức quan trọng để tạo một cơ sở pháp lý đầy đủ trong công tác quản lý nhà nước đối với Khu CNC, tạo một môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho các nhà đầu tư.

Dự thảo lần này có những điểm nổi bật nào nhằm thúc đẩy hiệu quả phát triển khu CNC Hoà lạc sau rất nhiều năm khó khăn vừa qua, thưa ông?

Dự thảo lần này tập trung giải quyết một số nội dung chính như sau:

Thứ nhất: Các nội dung liên quan đến nguồn lực cho đầu tư xây dựng và phát triển Khu CNC Hoà Lạc, bao gồm:
Làm rõ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của Khu CNC Hoà Lạc (vốn NSTW, vốn ngân sách địa phương, các nguồn vốn huy động của doanh nghiệp...);

Phân định rõ trách nhiệm của các Bộ, Ngành, địa phương và các doanh nghiệp trong việc xây dựng, phát triển, quản lý và khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật của Khu CNC. Đồng thời đặt mục tiêu kế hoạch phải hoàn thành đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật vào năm 2020 để có thể đưa Khu Công nghệ cao chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, đó là giai đoạn đầu tư chiều sâu và đầu tư cho khoa học - công nghệ; Đề xuất cơ chế tài chính đối với Ban Quản lý Khu CNC Hoà Lạc, trong đó Ban Quản lý được thu và sử dụng toàn bộ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, tiền bồi thường giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình dịch vụ, tiện ích cần thiết phục vụ chung trong Khu Công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao và tạo nguồn vốn giải phóng mặt bằng; được ủy quyền thu các loại phí, lệ phí liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước của Ban Quản lý để bổ sung kinh phí hoạt động.

Đối với phát triển khoa học và công nghệ, dự thảo Quyết định đã đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ của Khu CNC Hoà Lạc, trong đó quy định một số dự án nghiên cứu và triển khai bằng vốn ngân sách nhà nước có quy mô từ 200 tỷ đồng trở lên thuộc một số lĩnh vực yêu cầu được đặt tại Khu Công nghệ cao; đề xuất xây dựng Chương trình phát triển khoa học và công nghệ cho Khu Công nghệ cao nhằm tạo dựng một môi trường khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và hợp cho phát triển khoa học và công nghệ cũng như đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Quy hoạch tổng thể khu Giáo dục và Đào tạo tại Khu CNC Hòa Lạc

Thứ hai: Các nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Ban Quản lý: Tại dự thảo Quyết định đã quy định rõ Ban Quản lý là cơ quan chủ trì và đầu mối trong công tác quản lý nhà nước về quy hoạch và xây dựng đối với Khu CNC. Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm uỷ quyền cho Ban Quản lý và ban hành quy chế phối hợp với Ban Quản lý.

Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất quy định một số thẩm quyền hết sức quan trọng để tạo sự chủ động và nâng cao trách nhiệm của Ban Quản lý cũng như tạo sự thông thoáng và thuận lợi trong thực hiện trong lĩnh vực về quản lý đất đai và quản lý lao động, cụ thể:Thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể; quyết định số tiền thuê đất được miễn, giảm; xác định mức thu tiền bồi thường GPMB; Đề xuất cách tính toán giá đất cụ thể bằng phương pháp đơn giản và thuận lợi (áp dụng hệ số điều chỉnh đối với toàn bộ các thửa đất trong Khu CNC, không phân biệt quy mô); Thẩm quyền cấp Giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài theo quy trình, thủ tục rút gọn; chấp thuận kế hoạch sử dụng lao động là người nước ngoài của các doanh nghiệp trong Khu CNC..

Thứ ba: Các nội dung liên quan đến ưu đãi đầu tư: Các ưu đãi về đất đai và tiền bồi thường GPMB: được đề xuất trên nguyên tắc đảm bảo ưu đãi mức cao nhất cho các đối tượng sử dụng đất để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các cơ sở nghiên cứu - triển khai, đào tạo, ươm tạo và nhà ở cho chuyên gia, người lao động, các dự án có thời gian sử dụng đất nhỏ hơn hoặc bằng 20 năm... Theo đó, các nhà đầu tư thuộc lĩnh vực này sẽ được miễn toàn bộ tiền thuê đất. Các nhà đầu tư còn  lại được đề xuất miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản tối đa 03 năm và được  miễn tiền thuê đất trong 11 năm tiếp theo.

Các ưu đãi về thuế: đã được quy định lại một cách hệ thống với các ưu đãi thuế cơ bản, đồng thời quy định chi tiết các ưu đãi chưa rõ ràng và quy định bổ sung các ưu đãi mới căn cứ theo các quy định của pháp luật hiện hành về thuế và đặc thù của Khu CNC Hòa Lạc. Trong đó, một số chính sách ưu đãi về thuế nổi bật đề xuất tại dự thảo quyết định này như “giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập phát sinh tại Khu Công nghệ cao”, “thuế suất 10% suốt thời gian hoạt động đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư kinh doanh nhà ở cho chuyên gia, người lao động”...

Các ưu đãi về nhà ở: dự thảo Quyết định đã đề xuất các chính sách ưu đãi để chuyên gia, người lao động làm việc tại Khu Công nghệ cao được mua, thuê, thuê mua nhà ở với giá ưu đãi hơn so với nhà ở cùng loại và cùng chất lượng tại các khu vực lân cận, thông qua việc hỗ trợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và tiền đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Ngoài ra, do tại Khu CNC Hoà Lạc đã một số nhà đầu tư đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng đến nay vẫn chưa được hưởng các ưu đãi về đất đai và thuế. Việc đảm bảo sự công bằng và quyền lợi cho các nhà đầu tư thuộc đối tượng này, dự thảo Quyết định đã đề xuất các quy định để giải quyết các tồn tại trong áp dụng và hưởng các chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư này.

Thứ 4: Các nội dung về thực hiện các thủ tục đầu tư: Về thực hiện các thủ tục đầu tư, Dự thảo đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đơn vị ban hành các tiêu chí thu hút đầu tư vào các khu chức năng của Khu CNC Hòa Lạc trên cơ sở các quy định chung của pháp luật để đảm bảo các dự án đầu tư tại Khu có hàm lượng cao về khoa học và công nghệ, sử dụng đất có hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, Dự thảo đề nghị cho phép thành lập văn phòng “một cửa” tại Ban Quản lý để để giải quyết các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư tại Khu Công nghệ cao, giúp Ban Quản lý có thể phát huy đầy đủ vai trò, sự chủ động và trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước đối với Khu CNC.

Về việc lấy ý kiến của các Bộ, Ngành, địa phương về cơ chế chính sách đặc thù đặc tiến hành như thế nào, thưa ông?

Trong thời gian vừa qua, Bộ KH&CN đã có văn bản gửi lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, Ngành, Địa phương về dự thảo Quyết định Cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu CNC Hoà Lạc.

Về cơ bản, các Bộ Ngành Địa phương đều ủng hộ quan điểm cần phải có các cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ các vướng mắc cho Khu CNC Hoà Lạc, tạo động lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát triển Khu CNC Hoà Lạc. Tuy nhiên về nguyên tắc, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ không thể có các quy định trái hoặc vượt các quy định tại các văn bản Luật nên một số Bộ Ngành địa phương cũng chưa thể ủng hộ hoàn toàn các đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ. Với góc độ quản lý nhà nước của mình, một số Bộ Ngành Địa phương luôn giữ quan điểm là cần phải đảm bảo thu ngân sách ở mức tối đa nên đến nay cũng chưa thống nhất với một số chính sách miễn, giảm đối với các nhà đầu tư tại Khu CNC Hoà Lạc như đề xuất tại dự thảo Quyết định.

Qua quá trình xúc tiến đầu tư cho thấy các nhà đầu tư rất quan tâm đến các chính sách ưu đãi đầu tư khi quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư. Mong muốn của các nhà đầu tư là giảm thiểu chi phí đầu tư và thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư. Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng đã đến lúc cần phải có các “cú hích” và “đột phá” về cơ chế, chính sách để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong nhiều năm qua của Khu CNC Hoà Lạc, đặc biệt là vấn đề ưu đãi và thu hút đầu tư để có thể thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn, góp phần thay đổi hình ảnh của Khu CNC Hoà Lạc. Bộ KH&CN đề nghị các Bộ, Ngành Địa phương có ý kiến và quan điểm ủng hộ các đề xuất của Bộ KH&CNtại dự thảo Quyết định, đối với các vấn đề vượt thẩm quyền đề nghị các Bộ nghiên cứu giải pháp tháo gỡ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Khu CNC Hoà Lạc sẽ có những giải pháp nào nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động thời gian tới?

Trong thời gian tới, khi Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu CNC Hoà Lac, Bộ KH&CN sẽ tập trung toàn bộ nguồn lực để hoàn thành dứt điểm công tác GPMB và xây dựng cơ sở hạ tầng để từ sau năm 2020 có thể đưa Khu CNC Hoà Lạc sang một giai đoạn phát triển mới đó là đầu tư chiều sâu, đầu tư cho khoa học và công nghệ.

Vì vậy, trong giai đoạn sắp tới, Bộ KH&CN sẽ cần phải chuẩn bị đầy đủ những tiền đề quan trọng cho phát triển khoa học và công nghệ của Khu CNC Hoà Lạc, đó là triển khai các Chương trình phát triển khoa học và công nghệ cho riêng Khu CNC nhằm nâng cao năng lực, thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ của các nhà đầu tư, thu hút nhân tài và xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao phục vụ việc nghiên cứu và phát triển; thúc đẩy hoạt động đổi mới; ươm tạo, đào tạo; chuyển giao, thương mại hóa và phát triển sản phẩm công nghệ cao của các nhà đầu tư trong Khu CNC. Các Chương trình này sẽ lựa chọn, triển khai đầu tư cho những hướng công nghệ, sản phẩm, doanh nghiệp điển hình trong Khu Công nghệ cao, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, có tính định hướng, có tác dụng lan tỏa và mang tính đột phá lớn.

Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng đặt mục tiêu thu hút được một số dự án lớn trong lĩnh vực nghiên cứu - triển khai và sản xuất công nghiệp công nghệ cao của các Tập đoàn quốc tế vào Khu CNC Hoà Lạc để làm động lực thu hút các dự án đầu tư trong nước và phát triển cơ sở hạ tầng xã hội cho Khu CNC.

Bốn nhóm nội dung đề xuất trong dự thảo Cơ chế, chính sách đặc thù nêu trên để tháo gỡ vướng mắc và tạo hành lang pháp lý đầy đủ trong hoạt động của 04 nhóm đối tượng sau:
1. Các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan chuyên môn: đó là trách nhiệm của các cơ quan trong việc đầu tư xây dựng và phát triển Khu CNC, trong việc phân cấp uỷ quyền và phối hợp với Ban Quản lý trong công tác quản lý nhà nước đối với Khu CNC...
2. Ban Quản lý Khu CNC Hoà Lạc: đó là trách nhiệm đầu tư xây dựng và phát triển Khu CNC; thẩm quyền quản lý nhà nước đối với Khu CNC trên tất cả các lĩnh vực; việc áp dụng các cơ chế tài chính thuận lợi để phục vụ công tác đầu tư xây dựng, phát triển và tổ chức hoạt động của Ban Quản lý; tổ chức bộ máy, biên chế và cơ chế tiền lương cho Ban Quản lý.
3. Các nhà đầu tư là các tổ chức, cá  nhân có dự án đầu tư tại Khu CNC: đó là trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ tài chính về đất đai trong Khu, hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư (tiền thuê đất, tiền GPMB, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuê xuất nhập khâỉ, nhà ở,...), thực hiện thủ tục đầu tư nhanh chóng, thuận tiện...
4. Các cá nhân là chuyên gia, người lao động làm việc trong Khu CNC: đó là các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, chính sách nhà ở, xuất nhập cảnh, cư trú...


Minh Châu (lược ghi)
Ảnh: MC



Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner