Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Chính sách KH&CN Thứ bảy, 23/11/2024 , 07:31 am
Cập nhật : 31/12/2013 , 09:12(GMT +7)
“Cơ chế, chính sách phải thật sự ưu đãi cho doanh nghiệp KH&CN”
Bộ trưởng Nguyễn Quân tại Trung tâm Triển khai công nghệ - mô hình DN KH&CN
Tại Hội nghị DN KH&CN toàn quốc năm 2013 diễn ra mới đây, PGS. TS Phan Minh Tân – Giám đốc Sở KH&CN TP. HCM cho rằng, cần phải có cơ chế chính sách cụ thể ưu đãi cho các DN KH&CN, bởi hiện nay chính sách ưu đãi thuế thu nhập cho các DN này tuy hấp dẫn và cụ thể nhưng các ngành lại chưa thống nhất, đặc biệt là ngành thuế, nên việc hưởng ưu đãi gặp không ít khó khăn.

Địa phương than khó

Theo Cục Phát triển thị trường và DN KH&CN (Bộ KH&CN), khi đã được chứng nhận là DN KH&CN, các doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều ưu đãi khi thành lập như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, giảm 50% trong 9 năm và hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian có hiệu lực của giấy chứng nhận DN KH&CN. Đồng thời, các DN KH&CN cũng được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, sở hữu nhà cũng như được sử dụng thiết bị nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, sử dụng các dịch vụ miễn phí của các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp do các cơ quan nhà nước thành lập.

Quy định là vậy nhưng theo ông Mai Văn Nhiều, Giám đốc Sở KH&CN Long An, nhiều ưu đãi, hỗ trợ về pháp lý và thuế, tư vấn về sở hữu trí tuệ… đến nay cả doanh nghiệp và nhà khoa học chưa “mặn mà” với việc thành lập DN KH&CN, số lượng vận còn rất ít so với mong muốn. Điển hình như tại Long An, đến nay, sau nhiều năm chính sách khuyến khích phát triển DN KH&CN ra đời, mới chỉ có 4 DN KH&CN. Cả 4 doanh nghiệp đó được cho là có quy mô siêu nhỏ và mỗi đơn vị, doanh thu một năm không quá 100 triệu đồng.

Năm 2007, Chính phủ đã ban hành nghị định 80, năm 2010 là nghị định 96, sửa đổi bổ sung một số điều của nghị định 115 và nghị định 80, quy định các tiêu chí, điều kiện thành lập và các ưu đãi của nhà nước đối với các doanh nghiệp khoa học và công nghệ (DN KH&CN), mục tiêu xây dựng được 3000 DN KH&CN trên phạm vi toàn quốc đến năm 2015 và 5000 DN KH&CN đến năm 2020. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển mô hình DN KH&CN - một lực lượng  sản xuất mới, chủ lực trong hoạt động công nghệ của đất nước trong tương lai.

Theo ông Nhiều, điều kiến cho các doanh nghiệp ngại trở thành DN KH&CN là họ phải xây dựng dự án sản xuất, kinh doanh. Trong đó, phải chứng minh việc sử dụng hoặc sở hữu hợp pháp các  kết quả KH&CN; giải trình quá trình ươm tạo và làm chủ công nghệ từ các kết quả KH&CN có quyền sử dụng hoặc sở hữu hợp pháp; phương án sản xuất, kinh doanh trong đó nêu rõ các sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả KH&CN và các điều kiện đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nguyên nhân là tính bảo mật công nghệ của doanh nghiệp, vì khi đã vào vườn ươm hay đăng ký độc quyền sáng chế, doanh nghiệp phải khai báo chi tiết về công nghệ, mô tả sáng kiến của mình nên rất dễ bị mất thông tin, bí quyết quy trình công nghệ.

 “E ngại gặp khó khăn trong việc hưởng ưu đãi về thuế, không đủ sức theo đuổi, đầu tư vì nguồn vốn nhỏ; đầu tư cho hoạt động nghiên cứu luôn chứa đựng rủi ro và không phải trong thời gian ngắn có kết quả ngay; thiếu thông tin, cơ hội xúc tiến, hợp tác nước ngoài; địa phương chưa làm tốt công tác thông tin tuyên truyền; thủ tục đăng ký còn nhiều khó khăn … đó là những ngăn cản đối với việc hình thành và phát triển của DN KH&CN”, ông Nhiều chia sẻ.

Theo Sở KH&CN Hà Nội, các vướng mắc mà DN KH&CN gặp phải ở chỗ, giao quyền sở hữu, quyền sử dụng các kết quả KH&CN tạo ra từ ngân sách nhà nước. DN không có đủ căn cứ pháp lý để chứng minh được quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp kết quả nghiên cứu. Mục tiêu có 3.000 DN KH&CN đến năm 2020 sẽ khó thực hiện được nếu ngay lúc này không triển khai các giải pháp hỗ trợ đồng bộ. Một trong những lý do các DN KH&CN tiềm năng chưa làm thủ tục đề nghị công nhận là DN KH&CN là bởi họ chưa thấy được lợi ích của việc được công nhận.

Công nhân đang bốc dỡ sản phẩm của Cty CP Sơn Hải Phòng – một trong nhiều đơn vị chưa được công nhận là DN KH&CN

Cũng theo Sở KH&CN Hà Nội, cùng với khó khăn từ phía doanh nghiệp, hiện địa phương cũng gặp khó khăn về kinh phí thẩm định hồ sơ cấp, thu hồi, hủy bỏ hiệu lực, cấp lại giấy chứng nhận DN KH&CN. Các Sở KH&CN không có nguồn kinh phí cho việc thẩm định hồ sơ và mặc dù theo Điểm 3.5, Mục 6 điều I, thông tư liên tịch số 17/2012/ TTLT - BKHCN – BTC – BNV ngày 10/9/2012 là được lấy từ nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên do ngân sách cấp hàng năm cho Sở KH&CN. Quy định là vậy nhưng đến nay vẫn không có hướng dẫn cụ thể về căn cứ pháp lý của mức chi nên việc chi không thực hiện được.

Còn theo PGS. TS Phan Minh Tân – Giám đốc Sở KH&CN TP. HCM, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho các DN KH&CN rất hấp dẫn và cụ thể nhưng các ngành lại chưa thống nhất, đặc biệt là ngành thuế, nên việc hưởng ưu đãi gặp không ít khó khăn.

Một ví dụ cụ thể, Công ty CP Giống cây trồng Miền Nam được cấp giấy chứng nhận DN KH&CN từ ngày 30/7/2012 nhưng đến nay vẫn chưa được hưởng ưu đãi thuế do Cục Thuế TP. HCM phải xin ý kiến Tổng Cục thuế và Tổng cục này vẫn chưa có ý kiến trả lời. Việc chậm trễ đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình triển khai các hoạt động phát triển DN KH&CN trên địa bàn TP. HCM.

Cùng gỡ khó cho doanh nghiệp

Để giải quyết vấn đề trên, PGS. TS Phan Minh Tân cho rằng, Bộ KH&CN cần sớm có kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành về thực thi chính sách ưu đãi cho DN KH&CN, tạo dự nhất quán và đồng bộ giữa các ngành khi thực hiện quy định của Nhà nước, đặc biệt trong việc thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp để tạo động lực cho doanh nghiệp đăng ký DN KH&CN, triển khai các hoạt động nghiên cứu KH&CN trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Cơ quan chức năng cũng cần hướng dẫn cụ thể việc triển khai chính sách được ưu tiên sử dụng các trang thiết bị phục vụ trong phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia của DN KH&CN. Qua đó khai thác tối đa những trang thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của doanh nghiệp.

Đặc biệt, cần sớm có các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn và phát triẻn đội ngũ chuyên gia quản lý tổ chức, điều hành hoạt động loại hình DN KH&CN; về sở hữu trí tuệ, hệ thống quản lý chất lượng, xây dựng và phát triển thương hiệu cho DN KH&CN; đánh giá trình độ công nghệ. Cần có cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích, ưu đãi cho các doanh nghiệp mua các kết quả nghiên cứu đã được cấp bằng phát minh và sáng chế hoặc các kết quả nghiên cứu cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp được chứng minh rõ ràng qua thực sản xuất, kinh doanh, ông Mai Văn Nhiều chia sẻ.

Đại diện tỉnh Phú Thọ, Phó giám đốc Sở KH&CN Phạm Công Khanh lại đề nghị, Bộ KH&CN cần có những văn bản linh hoạt để có thể giúp cho việc ươm tạo DN KH&CN tại doanh nghiệp trên cơ sở đầu tư tài chính cho nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật ở các doanh nghiệp để họ có thể mạnh dạn đầu tư ở những lĩnh vực khó, chi phí tài chính lớn. Bởi theo các quy định hiện hành, DN KH&CN sẽ được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp có đề nghị nên tính trên doanh thu thì sẽ tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Thành Vinh – Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Hòa Bình nhận định, sau 8 năm kể từ khi văn bản đầu tiên liên quan đến việc hình thành DN KH&CN ra đời, hàng loạt chính sách ưu đãi đi theo nhưng đến nay số lượng DN KH&CN còn rất khiêm tốn. Điều đó cho thấy các văn bản chưa phát huy tác dụng, đi vào đời sống và đặc biệt ở góc độ địa phương còn rất hạn chế. Vì vậy, cần sớm có một nghiên cứu và ban hành quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành đơn vị liên quan để các địa phương, trong đó có các Sở KH&CN phối hợp, triển khai thuận lợi hơn.

Do đặc thù và để được công nhận là DN KH&CN, các doanh nghiệp đơn thuần phải đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí mà cơ quan chức năng nhà nước đã quy định. Cụ thể, theo Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT – BKHCN – BTC – BNV ngày 18/6/2008 của Bộ KH&CN, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định 80/2007/NĐ – CP ngày 19/5/2007 của Chính phủ về DN KH&CN: DN KH&CN phải hoàn thành việc ươm tạo và làm chủ công nghệ từ kết quả KH&CN được sở hữu, sử dụng hợp pháp hoặc sở hữu hợp pháp công nghệ để trực tiếp sản xuất thuộc các lĩnh vực: Công nghệ thông tin – truyền thông, đặc biệt là công nghệ phần mềm tin học; công nghệ sinh học, trong đó có công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, thủy sản và y tế; công nghệ tự động hóa; công nghệ vật liệu mới, đặc biệt là công nghệ nano; công nghệ bảo vệ môi trường; công nghệ năng lượng mới; công nghệ vũ trụ và một số công nghệ khác do Bộ KH&CN quy định.

Bài, ảnh: Ngũ Hiệp


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner