Đây là kết quả của dự án “Nghiên cứu hoàn thiện và phát triển công nghệ sản xuất củ giống khoai tây chế biến bắt nguồn từ công nghệ nuôi cấy mô kết hợp với công nghệ khí canh” do GS.TS. Nguyễn Quang Thạch và các cộng sự Viện Công nghệ Sinh học Nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai trong thời gian qua.
Dự án thuộc Chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011 – 2015 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học”, mã số KC.04.DA04/11-15.
Nắm bắt nhu cầu thực tế
Hiện nay, mỗi năm Việt Nam phải nhập hàng nghìn tấn giống khoai tây cấp xác nhận (giống được nhân từ hạt giống nguyên chủng, đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định) từ các nước Hà Lan, Đức, Australia với giá xấp xỉ 0,8 USD/kg. Như vậy, ít nhất chi phí mỗi năm là 800.000 USD cho 100.000 tấn khoai giống. Chưa kể, có tới 70% lượng giống đang sử dụng được nhập nội chủ yếu theo con đường không chính thức, có chất lượng kém. Trong khi đó, hệ thống sản xuất trong nước theo hướng của dự án nói trên có thể cho ra đời khoảng 2 triệu củ giống gốc mỗi năm, 150 tấn giống nguyên chủng và 1.000 - 1.200 tấn giống xác nhận có chất lượng tương đương nhập nội, sẽ tiết kiệm khoảng 1 triệu USD tiền nhập giống (tương đương 20 tỷ đồng).
Công nghệ nuôi cấy mô kết hợp khí canh là công nghệ trồng cây không cần đất. Dinh dưỡng được cung cấp bằng cách phun trực tiếp vào rễ cây, môi trường hoàn toàn sạch bệnh, không cần dùng thuốc trừ sâu bệnh, chu trình khép kín từ trồng đến thu hoạch, tiết kiệm nước và dinh dưỡng do có thể điều khiển tự động hóa được thời gian phun dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, với phương pháp này, cây sẽ sinh trưởng nhanh, cho năng suất cao và người trồng điều khiển được môi trường nuôi trồng và tiết kiệm chi phí nhập khẩu giống khoai tây từ nước ngoài.
GS.TS. Nguyễn Quang Thạch cho biết, dự án được triển khai nhằm mục tiêu hoàn thiện được quy trình, có thể sản xuất chủ động củ giống khoai tây chế biến ở quy mô công nghiệp. Từ nuôi cấy mô đến đồng ruộng, hình thành được hệ thống sản xuất củ giống khoai tây cho công nghiệp chế biến tại Việt Nam. Sản xuất được ít nhất 20 vạn cây giống gốc, 2 triệu củ giống mini, 150 tấn củ nguyên chủng, 1.000-1.200 tấn củ giống xác nhận khoai tây chế biến và xây dựng được 01 mô hình sản xuất giống nguyên chủng quy mô 3ha ; xây dựng được 01 mô hình sản xuất giống xác nhận quy mô 10ha, năng suất đạt trên 12 tấn/ha.
Chuyển giao tại địa phương
Sau hai năm thực hiện dự án đã được tổ chức thực hiện thành công và chuyển giao kết quả cho nhiều địa phương trong cả nước. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng hợp lý hiệu quả nguồn nhân lực. Dự án đã hoàn thành đầy đủ và vượt mức về khối lượng, số lượng, chủng loại các sản phẩm KH&CN với 700.000 cây giống gốc; hơn 2 vạn củ siêu nguyên chủng; 260 tấn củ nguyên chủng và 1.390 tấn củ xác nhận. Dự án cũng xây dựng được 02 mô hình trình diễn.
Thành công của đề tài góp phần giúp Việt Nam chủ động giống khoai tây chất lượng cao
Với mô hình sản xuất củ giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng và xác nhận giống khoai tây chế biến đã được xây dựng, nhóm dự án đã triển khai ứng dụng vào thực tế. Cụ thể, có 9,8 vạn cây giống gốc phục vụ cho sản xuất củ siêu nguyên chủng; 1 triệu củ mini sạch bệnh để sản xuất củ giống nguyên chủng; 90 tấn củ giống nguyên chủng dành cho sản xuất củ giống cấp xác nhận; 200 tấn củ giống xác nhận đã ra đời… Cũng trong thời gian này, nhóm dự án đã tìm ra điều kiện khử trùng tốt nhất đối với mầm cây khoai tây, môi trường thích hợp nhất đối với sinh trưởng của mầm mẫu, điều kiện xử lý ra củ, độ tuổi cây thích hợp cho việc xử lý ra củ…
Nói về khả năng ứng dụng của kết quả nghiên cứu, PGS.TS. Nguyễn Thị Lý Anh, Viện trưởng Viện Sinh học Nông nghiệp cho biết, với khả năng góp phần giải quyết nhu cầu bức xúc về giống khoai tây tại địa phương, công nghệ sản xuất khoai tây giống sạch bệnh này đã thu hút sự quan tâm, đón đợi của nhiều đơn vị nghiên cứu, sản xuất như các Sở KH&CN Lạng Sơn, Thái Bình, Trung tâm Giống cây trồng Quảng Ninh… Hiện các đơn vị này đang đợi được chuyển giao công nghệ. Bên cạnh các địa phương, nhiều doanh nghiệp như Công ty Cường Tân, Nam Định, Công ty Đà Lạt GAP, Công ty ORION đang đề nghị phối hợp để sản xuất kinh doanh củ giống khoai tây chế biến. Trước mắt, dự án đã chọn hai công ty: Công ty Cường Tân và Đà Lạt GAP làm thành viên của dự án.
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu cũng đã đề xuất được 02 giống mới là Megachip và BeaconChiper. Nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện được 01 quy trình kỹ thuật tổng thể sản xuất củ giống khoai tây chế biến bằng công nghệ nuôi cấy mô kết hợp với công nghệ khí canh. Cục Sở hữu Trí tuệ đã cấp bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ cho “Hệ thống thiết bị và quy trình sản xuất giống khoai tây bằng phương pháp khí canh”.
Hiện nay, công nghệ khí canh của Viện Sinh học Nông nghiệp đã được chuyển giao thành công cho các đơn vị như Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Nam Định; Trung tâm Giống Nông lâm nghiệp Lào Cai; Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư Thái Bình; Công ty Cổ phần Giống Vật tư nông nghiệp Công nghệ cao Việt Nam; Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Bắc Giang. Đặc biệt, năm 2013 công nghệ khí canh còn được chuyển giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ Indonesia.
PGS. TS. Nguyễn Quang Thạch cho biết, dự án có tác động rõ rệt đối với kinh tế xã hội và môi trường. Dự án đã đề xuất được quy trình sản xuất khoai tây giống sạch bệnh, chủ động ở quy mô công nghiệp cho toàn bộ các vùng trồng khoai tây ở miền Bắc. Giá thành sản phẩm chỉ bằng 1/3 so với giá nhập nội.
Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu mong muốn nhận được sự ủng hộ của Bộ KH&CN thông qua dự án mới với tên “Nghiên cứu cơ giới hóa hệ thống sản xuất giống khoai tây và thử nghiệm chế biến bột khoai tây phục vụ sản xuất chip”. Nhóm nghiên cứu kỳ vọng sẽ nhân rộng kết quả thực hiện dự án vào nhiều vùng sản xuất khoai tây trong cả nước thông qua dự án này.
Bài, ảnh: Hoàng Anh