Con đường đi ngắn nhất là con đường khoa học nhất. Việc chuyển giao công nghệ (CGCN) sẽ giúp chúng ta tiếp thu, tiếp cận công nghệ tiên tiến của thế giới đã đạt được và tiến tới làm chủ công nghệ và lại tiếp tục chuyển giao.
Thiếu tướng, GS.TS. Đỗ Quyết – Giám đốc Học viện Quân y (HVQY) chia sẻ như trên khi trao đổi với phóng viên về những thành tựu trong lĩnh vực ghép tạng 25 năm qua và hoạt động chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực này.
Ngành ghép tạng Việt Nam có bước tiến lớn
PV: Được biết, ca ghép phổi tháng 2/2017 do HVQY triển khai thành công đã đánh dấu bước tiến lớn của ngành ghép tạng Việt Nam. Ông có thể cho biết bức tranh tổng thể thành tựu ghép tạng trong 25 năm qua?
Thiếu tướng, GS.TS. Đỗ Quyết: Sau 25 năm có rất nhiều cột mốc, đỉnh cao HVQY đã đi qua. Ngày 4/6/1992 ca ghép thận đầu tiên đã diễn ra thành công, bệnh nhân là một đồng chí thiếu tá quân đội và nhận thận từ người em ruột. Sau đó 12 năm (tháng 01 năm 2004), ca ghép gan đầu tiên được thực hiện. Sáu năm sau, ngày 17/6/2010 ca ghép tim đầu tiên trên người tại Việt Nam đã ghi tên Việt Nam vào bản đồ một số ít nước trên thế giới ghép tim trên người thành công. Ngày 01/03/2014 ca ghép đồng thời đa tạng thận-tụy đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện thành công và mới đây ngày 21/2/2017, ca ghép phổi từ người cho sống đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện thành công. Tất cả những ca ghép đều là lần đầu tiên triển khai trên người tại HVQY và thành công. Điều đó cho thấy HVQY luôn đi tiên phong và đã có những thành công đầu tiên.
Để có được những thành công, trước hết phải nói rằng, dưới sự lãnh đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, HVQY đã xác định ghép tạng là hướng đi mới và thành công trong các ca ghép tạng đó là những đỉnh cao trong y học cần phải chinh phục. Mỗi khi chinh phục được đỉnh cao, trình độ, năng lực các chuyên khoa liên quan đến ca ghép tạng đó đều được nâng cao. Chính vì thế HVQY đã quyết tâm thực hiện từ ca ghép tạng đầu tiên. Có được những thành công đó, bên cạnh sự nỗ lực của HVQY cũng còn nhờ sự giúp đỡ rất nhiều của các bạn bè quốc tế, bệnh viện trong nước.
HVQY với đặc thù là đơn vị dạy học nhiệm vụ chính trị là đào tạo, điều trị và nghiên cứ với mô hình viện trường có bệnh viện thực hành gồm Bệnh viện QY103, Viện bỏng Lê Hữu Trác. Vì là một trường học nên có rất nhiều chuyên ngành, mà ghép tạng đòi hỏi phải đa chuyên ngành, đó là điều thuận lợi của chúng tôi. Ngoài ra, HVQY cũng có truyền thống hợp tác, đoàn kết quân dân y rất tốt, và có tính tổ chức kỷ luật rất cao. Trong ghép tạng, bên cạnh chuyên môn, kỹ thuật, công tác tổ chức cũng rất quan trọng. Nếu không có tổ chức kỷ luật tốt, không có sự kết hợp nhuần nhuyễn quân dân y, không thể thực hiện được ca ghép.
PV: Như ông vừa nói, sự hỗ trợ từ phía quốc tế có vai trò quan trọng. Vậy, những công nghệ, kỹ thuật ghép tạng từ ca đầu tiên đến nay đã được chuyển giao như thế nào, thưa ông?
Thiếu tướng, GS.TS. Đỗ Quyết: Sự CGCN trong ca ghép thận đầu tiên đó là HVQY kết hợp với 2 nước. Trước khi ca ghép thận diễn ra, HVQY đã cử 1 đoàn các chuyên gia sang Cuba học ghép thận. Lúc đấy Cuba đã ghép rất thành công. Sau đó, đoàn chuyên gia về nước và chúng tôi đã thực hiện các công việc tiếp theo. Đến khi triển khai ghép thận, HVQY tiếp tục hợp tác với Đài Loan, đặc biệt là giáo sư Chu-Shu-Lee – Chủ tịch Hội đồng ghép tạng của Đài Loan – người có chuyên môn rất giỏi. Như vậy, với ca đầu tiên chúng tôi hợp tác với Cuba trước sau đó trực tiếp làm với Đài Loan.
Đến ca ghép gan, ghép tim, tụy - thận, rồi mới đây là ca ghép Phổi chúng tôi vẫn tiếp tục hợp tác với các nước như Đài Loan, Nhật Bản.
Sẽ có câu hỏi đặt ra, vậy hầu như lần nào chúng ta cũng có hợp tác với nước ngoài, như thế đúng hay không đúng? Tôi cho rằng, với những công nghệ mới, nếu tự mày mò chúng ta làm cũng có thể được, nhưng vì thực trên người bệnh, con người, nên phải đặt tính mạng của người bệnh lên trên hết. Kết quả là cứu sống được bệnh nhân hay thất bại sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe bệnh nhân, thậm chí tử vong.
Thứ hai, với những công nghệ mới, chúng ta phải có sự học tập. Con đường đi ngắn nhất là con đường khoa học nhất. Việc CGCN sẽ giúp chúng ta tiếp thu công nghệ tiên tiến của thế giới đã đạt được và tiến tới làm chủ công nghệ, như thế chúng ta sẽ nhanh chóng tiếp cận được công nghệ mới. Tuy nhiên, cần chuẩn bị đội ngũ nhân lực và chọn lựa một đất nước gần gũi, đang làm chủ rất tốt công nghệ đó để tiếp cận, chuyển giao. Đấy là con đường đi tắt, đón đầu đúng chủ trương của chúng ta, CGCN và làm chủ công nghệ và nhân rộng. Ví dụ, sau ca ghép thận năm 1992, đến nay cả nước ta đã có 18 cơ sở (trong đó có cả các bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện ngành) có đủ điều kiện để tiến hành ghép tạng.
Tôi cho rằng, bước đi ban đầu bao giờ rất quan trong giống như trong quân đội gọi là tiếng kèn xung trận của cả đội ngũ ngành y.
Đội ngũ y, bác sĩ Học viện Quân y đang thực hiện một ca ghép tạng
Nhân lực, vật lực quyết định thành công trong chuyển giao công nghệ
PV: Rõ ràng, để có được thành công, làm chủ công nghệ, chúng ta phải có đủ nguồn nhân lực. Theo ông, đây có phải là vấn đề khó khăn cho những đơn vị CGCN trong lĩnh vực này không?
Thiếu tướng, GS.TS. Đỗ Quyết: Có thể nói qua các giai đoạn lịch sử có những khó khăn khác nhau. Để có thể CGCN tiên tiến, hiện đại, yếu tố đầu tiên là nhân lực, sau đó là yếu tố vật lực. Trình độ y tế của Việt Nam từ thời kháng chiến đến thời bình đã chứng tỏ Việt Nam là đất nước tiếp cận công nghệ tương đối lớn trên thế giới. Công nghệ về y học của chúng ta cũng có nhiều mặt ngang tầm với quốc tế và khu vực. Với đội ngũ các thầy, y bác sĩ với bàn tay khéo léo, đầu óc rất sáng tạo, chúng ta hoàn toàn có thể tiếp cận được. Vấn đề khó khăn là ngoại ngữ. Tôi cho rằng đây là khó khăn gặp phải ở nhiều đơn vị trong giai đoạn trước. Ví dụ như HVQY, trước đây tất cả các hội thảo đều phải có phiên dịch, nhưng dịch chuyển dần dần cho đến nay hầu hết các buổi hội thảo, trao đổi, hội nghị của chúng tôi không cần phiên dịch nữa. Ngoại ngữ đã trở thành phương tiện, cầu nối để chúng tôi tiếp cận các công nghệ mới một cách trực tiếp. Bây giờ câu chuyện về nhân lực tại HVQY không còn khó khăn như trước nữa.
Thứ 2, yếu tố vật lực cũng vậy. Song song với quá trình phát triển của đất nước, trước đây vật lực của chúng ta khó hơn, trang thiết bị kém hơn. Tôi nhớ khi thực hiện ca ghép thận đầu tiên năm 1992, phải chuyển máy đo khí máu từ Huế ra, huy động các dạng máy móc của một số bệnh viện. Nhưng bây giờ việc huy động máy móc của các bệnh viện cũng giảm dần, trang thiết bị đã đầy đủ hơn, tốt hơn. Có thể nói, ngày nay nhân lực, vật lực của chúng ta đang ngày càng tiếp cận với các thiết bị, công nghệ, kỹ thuật hiện đại và chúng ta có thể sẵn sàng thực hiện, làm chủ những công nghệ, kỹ thuật mới, tiên tiến. Điều quan trọng bây giờ là hướng đi, hướng tiếp cận CGCN mới với đối tác nước ngoài. Tôi tin các đơn vị của Việt Nam sẽ duy trì, làm chủ công nghệ, phát triển được trong đơn vị mình và CGCN cho các đơn vị khác rất tốt.
PV: Vậy về các cơ chế, chính sách hiện tại, ông có ý kiến như thế nào?
Thiếu tướng, GS.TS. Đỗ Quyết: Hiện nay KH&CN được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, ngay trong lãnh đạo các đơn vị chỉ huy quân đội chúng tôi cũng rất quan tâm phát triển KH&CN. Vì thế, đã tạo được phong trào phát triển KH&CN rất tốt. Tôi cho rằng hiện nay, Bộ KH&CN đang có hướng đi rất đúng hướng. Những thành tựu về ghép tạng của HVQY có được phải kể đến 2 yếu tố: thứ nhất các thành công đó đều là kết quả của các nhiệm vụ KH&CN độc lập, đề tài KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước. Khi có các đề tài cấp Nhà nước đó, chúng tôi có kinh phí để mua trang thiết bị, đào tạo nhân lực. Đặc biệt, chúng tôi có quyết tâm phải thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ của đề tài KHCN. Đấy là việc rất quan tâm của Bộ KH&CN và là hướng đi rất đúng. Hiện hướng đi của Bộ KH&CN đang tiếp cận mà tôi cho rằng còn đúng hơn nữa là hướng đặt hàng nghiên cứu. Chắng hạn Bộ đặt hàng đơn vị ghép phổi, nếu đơn vị chứng minh rằng có thể làm được, Bộ KH&CN có Hội đồng xét và chấp nhận để triển khai. Tôi mong hoạt động này sẽ được nhân rộng ở cấp tỉnh, thành phố. HVQY chúng tôi cũng sẽ theo hướng đó, như vậy sẽ tốt và thiết thực hơn rất nhiều.
PV: Quốc hội vừa thông qua Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Là đơn vị đã có nhiều hoạt động trong lĩnh vực này, xin ông cho biết, việc sửa đổi Luật CGCN có ý nghĩa thế nào đối với HVQY trong tương lai?
Thiếu tướng, GS.TS. Đỗ Quyết: Điều đó rất quan trọng. Bởi vì đó là một trong 3 thế chân kiềng (đào tạo, điều trị và nghiên cứu khoa học) của HVQY. 3 yếu tố này quan hệ rất hữu cơ với nhau. Chúng tôi chỉ có thể đào tạo tốt khi điều trị được cho bệnh nhân tốt. Ngành y đối tượng là phục vụ cho người bệnh, các kiến thức từ thực tế chữa bệnh tốt thì sẽ dạy cho học viên thực hành tốt. Đó là chúng ta đang theo xu hướng rất đúng về dạy nghề. Vấn đề không phải là học viên học được cái gì mà là học viên làm được gì. Muốn điều trị được tốt đương nhiên phải nghiên cứu khoa học tốt mới có thể áp dụng được các công nghệ tiên tiến vào chữa bệnh. HVQY bên cạnh ứng dụng các công nghệ mới chúng tôi đang rất mạnh về nghiên cứu ứng dụng. Ví dụ, chúng tôi đã thành công trong nghiên cứu về dược để đưa ra các sản phẩm mới, ví dụ tỏi đen, sâm ngọc linh… Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để có được các phương pháp xét nghiệm, điều trị để áp dụng trong lâm sàng và điều trị người bệnh. Giữa điều trị, nghiên cứu khoa học và đào tạo có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau. Luật CGCN (sửa đổi) được ban hành, đương nhiên HVQY là một đơn vị được thụ hưởng, có nhiều thuận lợi trong tiếp cận công nghệ mới, ứng dụng vào hoạt động đào tạo, điều trị và nghiên cứu khoa học. HVQY sẽ không những là đơn vị thụ hưởng mà chúng tôi còn có nhiệm vụ CGCN. HVQY đã CGCN ghép thận cho bệnh viện Xanh Pôn, và bệnh viện này đã ghép đến đơn vị là hàng chục bệnh nhân. Hiện nay chúng tôi đang chuyển giao ghép thận cho bệnh viện đa khoa Thái Nguyên.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!
Bài, ảnh: Hạnh Nguyên