Tại Hội nghị giữa kỳ Nhóm các nhà tư vấn tài trợ (CG) khai mạc sáng nay (9/6) tại Rạch Giá, Kiên Giang, các nhà tài trợ quốc tế sẽ cùng Chính phủ thảo luận xung quanh tình hình kinh tế vĩ mô 2010. VietNamNet trao đổi với chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) Martin Rama về bội chi ngân sách và các siêu dự án.
Bội chi ngân sách 6,9% GDP trong năm 2009 được cho là mức cao, làm gia tăng nợ quốc gia, gây áp lực đối với nền kinh tế. UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng áp lực bội chi cũng xuất phát từ việc có nhiều mục tiêu cần chi trong khi không đặt trình tự ưu tiên. Bình luận của ông?
Có nhiều cách đánh giá mức bội chi ngân sách. Cách mà Quốc hội dự kiến mức bội chi ngân sách cho Chính phủ không giống như cách tính của quốc tế. Nhưng rõ ràng có hai vấn đề.
Việt Nam có bội chi ngân sách lớn năm 2009. Nhưng trong bối cảnh khủng hoảng, bội chi là việc phải làm để đảm bảo cho kết quả kinh tế - xã hội của 2009 như đã thấy.
2010 sẽ tiếp tục là năm có mức bội chi ngân sách lớn, nhưng mức này sẽ không như năm ngoái dù cao hơn năm bình thường. Trong bối cảnh năm nay, chúng tôi tin rằng nền kinh tế bắt buộc sẽ phải bội chi ngân sách.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chi bao nhiêu và chi như thế nào cho hiệu quả. Chúng tôi đã làm việc với Chính phủ để làm sao ưu tiên chi cho những dự án đầu tư công và định mức ngân sách. Như chi cho các dự án cơ sở hạ tầng thực chất là để củng cố, cải thiện cho nền kinh tế sau khủng hoảng.
Cơ chế mạnh, minh bạch
Trong khi ngân sách quốc gia đang ở mức bội chi lớn với nhiều ưu tiên cho hạng mục chi ổn định kinh tế, Chính phủ quyết định xem xét đầu tư những dự án siêu lớn, có tầm nhìn dài hạn như đường sắt cao tốc Bắc - Nam với ước tính gần 56 tỷ USD. Theo ông, đây có phải là thời điểm thích hợp để Việt Nam tính đến dự án lớn như vậy? Tính khả thi của nó?
Việt Nam có nhu cầu lớn về cơ sở hạ tầng. Các dự án lớn là phần tất yếu của sự phát triển cơ sở hạ tầng. Việt Nam cần cảng biển, đường bộ cao tốc, các nhà máy điện… Trong nhiều trường hợp, nhu cầu nếu chỉ nhắm vào đầu tư quy mô nhỏ sẽ không có nghĩa gì.
Vấn đề không phải là Việt Nam có cần những dự án lớn hay không mà hơn cả là lựa chọn dự án có tác động lớn nhất đến tăng trưởng kinh tế - xã hội, tương thích với bền vững môi trường và những dự án nào cần được thực hiện đầu tiên khi nguồn lực hạn chế.
Nói cách khác, thách thức chính là cần có tiêu chuẩn thiết thực nhằm xác định các dự án cần thiết, chuẩn bị dự án, định giá và thực hiện dự án. Có các cơ chế mạnh và minh bạch để quyết định các dự án đầu tư công thực sự quan trọng hơn cả việc quyết định dự án này hay dự án kia có nên triển khai hay không.
Đối với các siêu dự án như đường sắt cao tốc, một trong những thách thức mà chúng ta đối mặt, đó là làm thế nào dự báo tác động của dự án. Các dự án đường sắt cao tốc ở châu Âu không làm như ở Việt Nam. Ở châu Âu, đầu tư đường sắt cao tốc chỉ thực hiện khi có cơ sở hạ tầng phát triển.
|
Với những siêu dự án chưa có sự chắc chắn căn bản, điều quan trọng phải có sự thảo luận rộng rãi trong công chúng. |
Ở một quốc gia đang phát triển, dự án có quy mô như vậy sẽ làm thay đổi cơ bản mỹ quan cơ sở hạ tầng và khó tiếp cận được liệu dự án có thành công trong việc tạo ra sự năng động phát triển trong 2 hay 3 thập kỷ hay không.
Điều quan trọng là phải có sự thảo luận rộng rãi trong công chúng.
Chiến lược nợ hợp lý
Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra sẽ xem xét thông qua nhiều dự án lớn, ngoài đường sắt cao tốc Bắc - Nam, còn có quy hoạch Thủ đô ước tính 90 tỷ USD, điện hạt nhân 12 tỷ USD. Theo ông, liệu trong 30 năm tới, mức tăng trưởng của Việt Nam (dù đạt cao đến 10%) có đủ là cơ sở cho việc huy động vốn từ nước ngoài cho các siêu dự án này, có đủ khả năng trả nợ cũng như tác động đến đối ngân ra sao?
Nhu cầu luôn luôn vượt quá nguồn lực. Chính vì vậy, Việt Nam sẽ phải không ngừng nâng cao hiệu quả của đầu tư công và cũng cần huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân theo cơ chế PPP (hợp tác công - tư) để phát triển cơ sở hạ tầng. Nhưng việc vay vốn để đầu tư phát triển hạ tầng lại là vấn đề khác. Nếu Việt Nam chỉ dựa vào vốn trong nước thì sẽ phải đầu tư ít hơn và không thể phát triển nhanh được.
Không vay có nghĩa là sẽ chịu cảnh nghèo lâu hơn. Nói như vậy, nhưng các quốc gia không nên vay đến mức nợ nần trở thành nguy cơ đe dọa sự ổn định. Vấn đề ở đây là cần có một chiến lược nợ hợp lý cho phép xác định quy mô công nợ đến mức nào là chấp nhận được (thường là dưới hình thức tỷ lệ tối đa so với GDP), tỷ lệ tối ưu giữa các công cụ nợ, hạn cuối phải trả và các loại ngoại tệ.
Chính phủ Việt Nam đang xây dựng một chiến lược như vậy, sau khi đạo luật đầu tiên về quản lý nợ công được thông qua. Dưới góc độ kinh tế học, thiết lập một “trần” cho tất cả các khoản nợ là bước đi đầu tiên. Quyết định chọn dự án nào là bước thứ hai.
Một số dự án có thể sẽ không thu hồi được vốn nhanh nhưng lại cần được triển khai trước để đảm bảo cho các đầu tư sau này. Trì hoãn những dự án đó có thể phải trả giá trong tương lai. Nói một cách khái quát, điều quan trọng là cần có cơ chế ra quyết định đầu tư công minh bạch, rõ ràng.
VNN