Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Chính sách KH&CN Thứ bảy, 23/11/2024 , 03:40 pm
Cập nhật : 08/05/2012 , 11:05(GMT +7)
Chuyển đổi tổ chức theo mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ
Ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất tại Viện Công nghệ xạ hiếm. Nguồn: Vaec.gov.vn
Theo tinh thần của Nghị định 115/2005/NÐ-CP, một số tổ chức hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm ra đời. Trong quá trình hoạt động thực tiễn, một số tổ chức nói trên lại muốn chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo Nghị định số 80/2007/NÐ-CP. Việc chuyển đổi này cần bảo đảm nguyên tắc gắn kết được lực lượng nghiên cứu và đội ngũ những người đang làm việc tại tổ chức nói trên.

Trung tâm Triển khai công nghệ thuộc Viện Công nghệ  xạ hiếm (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam)  đang thực hiện nhiệm vụ chế biến và sản xuất ô-xít kẽm. Ðây chính là kết quả từ một đề tài nghiên cứu do Viện giao cho trung tâm thực hiện trong nhiều năm qua. Sản phẩm ô-xít kẽm được dùng cho một số lĩnh vực của nền kinh tế, chủ yếu là cho việc sản xuất cao-su trong nước. Hiện nay, trung tâm có khoảng 80 người đang làm việc, trong đó có 14 biên chế được Nhà nước cấp kinh phí và khoảng 60 đến 70 người là cán bộ làm việc theo chế độ hợp đồng. Hằng năm, trung tâm nộp thuế cho Nhà nước khoảng một tỷ đồng. Tổng tài sản, tiền vốn của trung tâm hiện nay khoảng mười tỷ đồng; lợi nhuận hằng năm ước tính từ 5 đến 10% tổng doanh thu.

Khi tìm hiểu quá trình phát triển của trung tâm chúng tôi thấy, lúc đầu số lượng cán bộ của trung tâm chỉ có một số người theo biên chế được phân (14 người), có nhiệm vụ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sản xuất ô-xít kẽm với một số trang thiết bị khá đơn giản. Trải qua nhiều năm hoạt động, các cán bộ chủ chốt của trung tâm đã thống nhất, cùng nhau đóng góp trí tuệ, sức lực để xây dựng và phát triển hoạt động sản xuất - dịch vụ. Hằng năm, sau khi đã tính toán tổng kinh phí thu về, các nội dung cần chi (kể cả tiền lương, thu nhập tăng thêm cho cán bộ của trung tâm), phần lợi nhuận còn lại được trung tâm giữ lại và đầu tư, mua sắm máy móc, trang thiết bị để tiếp tục nâng cao chất lượng, quy mô sản xuất. Chính vì thế, cho đến nay, ngoài số kinh phí ít ỏi do Nhà nước đầu tư ban đầu,  toàn bộ tổng tài sản của trung tâm là mười tỷ đồng và là cơ sở quan trọng để trung tâm có thể sản xuất và tạo ra doanh thu như đã nêu ở trên.

Về mặt nghiên cứu - triển khai, đây là một đơn vị đã thực hiện tích cực việc ứng dụng và triển khai kết quả nghiên cứu vào đời sống kinh tế - xã hội. Sản phẩm của trung tâm được các bạn hàng tin cậy, đánh giá cao, doanh thu tăng dần hằng năm. Bên cạnh đó, trung tâm tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, bổ sung nhiều trang thiết bị mới hiện đại, áp dụng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để có được sản phẩm có chất lượng ngày càng cao hơn.

Như vậy, với hoạt động nghiên cứu - triển khai, ứng dụng kết quả vào sản xuất, không những trung tâm đã tự trả tiền cho số cán bộ được Nhà nước trả lương mà còn đóng góp thêm cho ngân sách Nhà nước qua thuế hằng năm.

Tại trung tâm, ngoài 14 cán bộ trong biên chế còn có khoảng 60 đến 70 cán bộ hợp đồng. Ngoài việc bảo đảm  lương theo hệ số thang bảng lương của Nhà nước, các cán bộ đều có thu nhập tăng thêm hằng tháng căn cứ vào mức độ đóng góp cho hoạt động của đơn vị. Mặc dù mức thu nhập của trung tâm chưa cao, nhưng cũng bảo đảm  đời sống và giữ chân được đội ngũ cán bộ làm việc. Qua đó, cũng thấy rõ hiệu quả lớn hơn của trung tâm là đã thu hút, tạo công ăn việc làm, trả lương cho số lao động hợp đồng, những người đã gắn bó với trung tâm nhiều năm qua.

Về góp phần phát triển Viện Công nghệ  xạ hiếm, trong quá trình hoạt động, giữa viện và trung tâm có quy định mối quan hệ phối hợp và cũng nêu rõ trách nhiệm của trung tâm thông qua việc trích tỷ lệ phần trăm từ lợi nhuận hằng năm để hỗ trợ cho hoạt động của Viện. Trung tâm cũng  bảo đảm đóng góp kinh phí cho viện trong việc bù đắp  lương cho cán bộ trong những lần Nhà nước tăng mức lương cơ bản.

Từ khi có Nghị định số 80/2007/NÐ-CP và Thông tư số 06/2008/TTLT-BKHCN-BTC-BNV ngày 18-6-2008 của liên Bộ: Khoa học và Công nghệ (KH và CN), Tài chính, Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định 80, lãnh đạo Viện và trung tâm đã xem xét, đề xuất thay đổi mô hình hoạt động của trung tâm theo hình thức là doanh nghiệp KH và CN.

Ðối chiếu với các quy định hiện hành, theo chúng tôi trung tâm hoàn toàn có đủ điều kiện để chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KH và CN  bởi các lý do sau: Thứ nhất, đã có một công nghệ được ươm tạo và do trung tâm làm chủ. Thứ hai, trung tâm được Viện Công nghệ  xạ hiếm giao sử dụng hợp pháp công nghệ đó để tiến hành sản xuất kinh doanh. Thứ ba, công nghệ đã được đưa vào phương án sản xuất của đơn vị và có hiệu quả.

Về chủ trương chuyển thành doanh nghiệp KH và CN, từ phía lãnh đạo Viện và trung tâm đều thống nhất muốn chuyển sang hoạt động theo hình thức mới là doanh nghiệp KH và CN. Tuy nhiên, vấn đề còn vướng mắc khi triển khai thực hiện là:  Trung tâm hoạt động và phát triển qua một số năm, phần tài sản có được hiện nay là do quá trình đóng góp của số cán bộ nòng cốt (14 cán bộ trong biên chế của trung tâm) từ vật chất, trí tuệ và do tích lũy hằng năm để lại từ lợi nhuận của trung tâm. Do vậy, nếu trung tâm chuyển sang hình thức hoạt động  doanh nghiệp KH và CN, lãnh đạo Viện và trung tâm cần phải quan tâm tới quyền lợi của số cán bộ đã từng tham gia vào quá trình xây dựng trung tâm từ lúc đầu.

Theo chúng tôi, khi thực hiện chủ trương này cần quán triệt quan điểm phát triển: Việc thay đổi hình thức hoạt động của trung tâm phải  bảo đảm vẫn gắn kết được lực lượng cán bộ nghiên cứu và đội ngũ những người đang làm việc tại trung tâm. Trên cơ sở đó, tạo điều kiện tốt hơn để trung tâm mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm.

Lãnh đạo Viện Công nghệ  xạ hiếm và trung tâm cần thống nhất chủ trương, bàn bạc phương án chuyển đổi hình thức hoạt động của trung tâm. Trong đó cần lưu ý phương án xử lý các vấn đề có liên quan tới việc đầu tư của Nhà nước: nguồn kinh phí cấp để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu tại trung tâm; quyền lợi của viện là các điều kiện về nhà, đất... cho trung tâm hoạt động; quyền lợi của nhóm cán bộ đã xây dựng trung tâm từ lúc đầu.

Các vấn đề nêu trên cần được xem xét, tính toán và trao đổi trong nội bộ trung tâm, cùng các đơn vị có liên quan để đưa ra phương án giải quyết, bảo đảm  cân đối lợi ích của các bên. Có như vậy mới bảo đảm hoạt động của trung tâm sau khi chuyển sang thực hiện theo hình thức mới là doanh nghiệp KH và CN, giúp trung tâm phát triển ổn định và bền vững.


Nguồn tin: Nhân Dân

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner