Tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã chia sẻ về thực trạng và giải pháp phát triển ngành năng lượng Việt Nam qua các góc nhìn về công nghệ, chính sách, hạ tầng và tín dụng. Những đề xuất,kiến nghị đã được đưa ra tại Diễn đàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay để triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngày 17/9, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam năm 2020.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) Tạ Việt Dũng tham dự và chủ trì Diễn đàn.
Diễn đàn có sự tham dự của lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, Hội đồng Năng lượng Thế giới tại Việt Nam, Chương trình Hỗ trợ năng lượng Bộ Công Thương/GIZ, các Tập đoàn, doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực Công nghệ và Năng lượng cùng khoảng 300 đại biểu là các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực công nghệ năng lượng.
Chính sách về năng lượng
Chia sẻ tại Diễn đàn Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, trong giai đoạn vừa qua, ngành năng lượng Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực, bám sát định hướng và đạt được nhiều mục tiêu đáng ghi nhận: Cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện, chỉ số tiếp cận điện năng đứng thứ 27/190 quốc gia/vùng lãnh thổ; công nghiệp khai thác dầu khí và lọc hoá dầu phát triển mạnh sản lượng khai thác than thương phẩm tăng; thuỷ điện phát triển nhanh, gần đây, điện gió và điện mặt trời bắt đầu phát triển với tốc độ cao; Huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, ngành năng lượng trở thành ngành đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và đất nước.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, ngành năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế: các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi; cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ; trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao, việc nội địa hoá và hỗ trợ thị trường từ các dự án trong ngành năng lượng cho hàng hoá cơ khí chế tạo sản xuất trong nước còn hạn chế,…
Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh, về mặt công nghệ, lĩnh vực năng lượng đã được xác định là một trong các lĩnh vực cần tập trung phát triển từ rất sớm, được cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2011-2020 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình Nghiên cứu Ứng dụng và Phát triển công nghệ năng lượng của Bộ KH&CN, cũng như nhiều chính sách, chương trình khác từ trung ương tới địa phương. Tuy nhiên, để có thể lựa chọn, làm chủ cũng như phát triển và nội địa hóa công nghệ, thiết bị trong lĩnh vực năng lượng cần có sự đồng bộ của hệ thống chính sách cũng như sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Chia sẻ về chính sách phát triển hạ tầng năng lượng và sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân, ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, các chính sách phát triển hạ tầng năng lượng của Đảng và Nhà nước đã có từ rất sớm. Ngay từ năm 2004, Luật Điện lực đã quy định các chính sách về thu hút đầu tư tư nhân. Đến nay, có rất nhiều các dự án nhà máy điện đã và đang triển khai theo hình thức BOT, góp phần làm giảm bớt tình trạng thiếu hụt điện năng, giảm bớt gánh nặng đầu tư cho nhà nước mà còn đem lại các lợi ích khác như chuyển giao công nghệ, sử dụng vốn, sáng kiến, bí quyết công nghệ, trình độ quản lý..
Đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Ngày 18/6/2020, Quốc hội đã ban hành Luật số 64/2020/QH14 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, trong đó lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP bao gồm: Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực.
Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị đã đề ra những mục tiêu quan trọng để bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái, tăng khả năng tiếp cận năng lượng với dịch vụ và giá cả hợp lý. Nghị quyết số 55 không chỉ nêu bật những định hướng quan trọng, nguyên tắc, mục tiêu để tiếp tục xóa bỏ rào cản mà còn tạo thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia vào lĩnh vực năng lượng. Đồng thời, Nghị quyết xác định phát triển bền vững năng lượng quốc gia là phải tập trung phát triển các nguồn năng lượng đa dạng, trong đó ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng điện khí…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Diễn đàn
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương được Chính phủ giao quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng, trong đó có lĩnh vực điện năng. Hiện, Bộ Công Thương cùng phối hợp với Bộ KH&CN và các bộ, ngành để triển khai thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020 được tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu làm chủ, ứng dụng và phát triển công nghệ với mục tiêu tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, đồng thời trao đổi về thách thức và giải pháp công nghệ trong phát triển ngành năng lượng. Thông qua đó góp phần thúc đẩy thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bảo đảm nhu cầu năng lượng cho phát triển bền vững
Tại Diễn đàn, đại diện nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà đầu tư đã chia sẻ về thực trạng và giải pháp cho ngành năng lượng Việt Nam qua các góc nhìn về công nghệ, chính sách, hạ tầng và tín dụng đến từ các chuyên gia trong và ngoài nước. Nhiều thông tin bổ ích và những đề xuất kiến nghị được đưa ra tại Diễn đàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay để triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị trong đó có việc đảm bảo an ninh năng lượng.
Các nội dung chia sẻ tại Diễn đàn liên quan tới chính sách phát triển hạ tầng bền vững và nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ về năng lượng; Chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển năng lượng bền vững; Phát triển hệ thống điện gắn với an ninh năng lượng quốc gia; Hydro trong xu hướng chuyển dịch năng lượng và khả năng sản xuất Hydro từ nguồn năng lượng tái tạo; Ưu tiên tín dụng cho các dự án năng lượng công nghệ cao; Thúc đẩy hợp tác quốc tế và nâng cao năng lực hoạch định chính sách phục vụ phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam; Xu hướng công nghệ trong lĩnh vực năng lượng trên thế giới và khả năng ứng dụng tại Việt Nam.
Thống kê tại Việt Nam cho thấy, nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh gấp khoảng 2 lần so với tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người. Trong nhiều năm trở lại đây nhu cầu năng lượng tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm về tốc độ. Trong khi nhiên liệu hóa thạch phải mất hàng trăm triệu năm để hình thành ở các dạng khác nhau như than đá, dầu mỏ, khí đốt tùy vào điều kiện môi trường thì tốc độ tiêu thụ của con người quá nhanh nên được xem là nguồn năng lượng không tái tạo. Điều này đã đặt ra sức ép lớn trong việc bảo đảm nhu cầu năng lượng cũng như an ninh năng lượng quốc gia. Do vậy, vấn đề bảo đảm nhu cầu năng lượng cho phát triển bền vững cần phải dành được sự ưu tiên cao.
Theo ông Đinh Thế Phúc, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, để phát triển năng lượng bền vững cần triển khai đồng bộ các nội dung tại Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo cùng với các chương trình về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường… Về quy hoạch, cần hoàn thiện, ban hành Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; Quy hoạch điện VIII về chuyển đổi cơ cấu ngành năng lượng theo hướng phát triển bền vững… Về mặt KH&CN, cần triển khai những chương trình R&D tầm cỡ quốc gia về chuyển đổi năng lượng, năng lượng tái tạo; xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm hoạt động theo cơ chế mở nhằm tạo điều kiện làm việc tốt cho nhiều nhóm nghiên cứu tại các trường đại học và viện nghiên cứu chuyên ngành.
Toàn cảnh Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020
Ông Lê Đình Chiển - Ban Công nghiệp khí và Lọc hóa dầu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã giới thiệu về nghiên cứu với chủ đề “Hydro trong xu hướng chuyển dịch năng lượng và khả năng sản xuất hydro từ nguồn năng lượng tái tạo”. Công nghệ sản xuất hydro từ điện phân nước đã được thương mại hóa và triển khai ở nhiều nơi trên thế giới. Chi phí sản xuất Hydro bằng phương pháp điện phân nước có thể cạnh tranh với phương pháp truyền thống (reforming hơi nước khí tự nhiên) nếu có thể giảm được chi phí đầu tư (capex) và giảm giá thành điện đầu vào. Nhờ những cải tiến về kỹ thuật, chi phí sản xuất bằng công nghệ PEM và Alkaline ngày càng trở nên cạnh tranh hơn trong khi các chi phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng cũng được dự báo sẽ giảm đáng kể (từ 50-80%).
Theo ông Sven Enerdal – Giám đốc Dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng, Chương trình Hỗ trợ năng lượng Bộ Công Thương/GIZ cho biết các yếu tố quan trọng phát triển năng lượng bền vững gồm: giảm các nhà máy sử dụng nhiên liệu truyền thống và định hướng loại bỏ các bon; xây dựng hệ thống điều khiển năng lượng thông minh và lưới điện thông minh; phát triển thị trường năng lượng tái tạo; phát triển xe điện…
Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020 thực sự là cơ hội để các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài quan tâm đến lĩnh vực năng lượng trao đổi, chia sẻ, kết nối nhằm phát triển bền vững, góp phần hiện thực hóa Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam.
Bài, ảnh: Bảo Chi, Văn Nguyên