Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Tiềm lực KH&CN Thứ bảy, 23/11/2024 , 09:13 am
Cập nhật : 23/09/2015 , 17:09(GMT +7)
Chuyển giao công nghệ cho Doanh nghiệp: Nhà khoa học luôn phải có “vốn”
PGS. TS. Vũ Thị Thu Hà (bên trái) giao lưu với bạn đọc báo Hà Nội Mới
Nhà khoa học luôn phải có “vốn” sẵn hoặc gần như sẵn để khi Doanh nghiệp (DN) đặt ra bài toán là phải có lời giải ngay. Khi DN đã có nhu cầu, có nghĩa là nhu cầu đã rất cấp thiết và không thể chờ đợi.

“Chúng tôi cũng hy vọng bản thân các nhà khoa học cũng hiểu rõ hơn về nhu cầu của các DN, để từ đó có thêm những định hướng nghiên cứu phù hợp với nhu cầu thực tiễn” PGS.TS  Vũ Thị Thu Hà, Viện phó Viện Hoá học Công nghiệp Việt Nam, một trong những đơn vị tham gia Techmart 2015 chia sẻ.

Techmart Quốc tế 2015 được kỳ vọng sẽ có những bước đột phá về đẩy mạnh phát triển thị KH&CN. Tham gia Techmart năm nay, bà kỳ vọng điều gì nhất khi giới thiệu sản phẩm của mình?

PGS.TS  Vũ Thị Thu Hà: Chúng tôi hy vọng mở ra được nhiều kết nối mới với các DN, không phải chỉ trong khuôn khổ các sản phẩm KH&CN chào bán năm nay.

Nói một cách cụ thể hơn, thông qua Hội chợ này, chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp sẽ hiểu rõ hơn về năng lực nghiên cứu triển khai của Viện. Từ đó, Viện có thể nhận được nhiều yêu cầu hoặc đặt hàng hơn của các doanh nghiệp.
Chúng tôi cũng hy vọng bản thân các nhà khoa học cũng hiểu rõ hơn về nhu cầu của các doanh nghiệp, để từ đó có thêm những định hướng nghiên cứu phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Để có được sản phẩm tham gia Techmart Quốc tế 2015, cá nhân bà đã nhận được sự hỗ trợ giúp đỡ nào từ phía các cơ quan chức năng như: Bộ KH&CN, đơn vị mình công tác,...?

Phần lớn các sản phẩm KHCN mà chúng tôi chào bán tại Techmart đều là sản phẩm KHCN của các đề tài, dự án sử dụng nguồn ngân sách nhà nước do các cơ quản quản lý KHCN cấp.

Chẳng hạn, công nghệ chuyển hoá sinh khối thành dung môi sinh học và các sản phẩm có giá trị khác đang được một DN khởi nghiệp của Pháp đón nhận và ươm tạo để tiến tới triển khai công nghiệp ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Đây là công nghệ đã được đăng ký bản quyền ở Mỹ, châu Âu, Brazil và Việt Nam, là kết quả của những quan tâm của chúng tôi trong hàng chục năm qua với rất nhiều đề tài nghiên cứu KH&CN.

Những kết quả nghiên cứu liên quan đến công nghệ do doanh nghiệp đặt hàng, sử dụng kinh phí của doanh nghiệp sẽ thuộc sở hữu của doanh nghiệp nên thường không chào bán tại Hội chợ mà được ứng dụng trực tiếp tại doanh nghiệp đó.

Doanh nghiệp thường được khuyến khích đặt hàng với nhà khoa học. Tuy nhiên, về phía mình, nhà khoa học đã/ phải làm gì để đến với doanh nghiệp thay vì ngồi chờ doanh nghiệp, thưa bà ?

Chúng tôi đã tiếp cận theo 3 cách:

Một là, nắm bắt các xu hướng phát triển mới trên thế giới và ở Việt Nam, chủ động nghiên cứu, giới thiệu kết quả thông qua các cuộc hội thảo, hội chợ, trên website của Viện, thông qua cộng đồng khoa học và sẵn sàng chờ doanh nghiệp có nhu cầu đến để kết nối.

Hai là, chủ động tìm hiểu nhu cầu và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp, chủ động nghiên cứu và khi đã có kết quả đủ “chín”, sẽ gặp gỡ doanh nghiệp để trao đổi về khả năng hợp tác, triển khai.

Ba là, tham gia các buổi giao lưu, kết nối hẹp (trong khuôn khổ một doanh nghiệp cụ thể nào đó) được tổ chức bởi các cơ quan quản lý Nhà nước, chẳng hạn như Bộ Công Thương, Bộ Khoa học Công nghệ. Tại những buổi làm việc như vậy, chúng tôi giới thiệu những năng lực của mình và doanh nghiệp trình bày những bài toán của doanh nghiệp. Nếu hai bên cùng có điểm chung, những thoả thuận về thử nghiệm công nghệ hoặc áp dụng giải pháp khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, cải tiến qui trình sẽ lập tức được ký kết và triển khai. Những dịp gặp gỡ như vậy không nhiều nhưng tôi đánh giá là đó là những chiếc cầu nối rất hiệu quả.

Xác suất thành công của cả 3 cách tiếp cận này là tương đương nhau. Cả 3 cách tiếp cận đều cần đến cầu nối, đặc biệt là từ phía các nhà quản lý. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng cần chủ động tạo ra sản phẩm nghiên cứu của mình trước, dù có thể chưa thực sự hoàn thiện.

Cũng giống như các năm trước, chúng tôi không hề gặp vướng mắc gì mà được tạo mọi điều kiện trong quá trình đăng ký tham dự Techmart. Các cán bộ, chuyên viên trong ban tổ chức của Techmart làm việc rất chuyên nghiệp, tận tình. Đây thực sự là một chiếc cầu nối hiệu quả kết nối giữa các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và xã hội.

Là đại diện nhà khoa học, Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm trong lựa chọn đối tác để chuyển giao công nghệ thành công?

Chúng tôi phát triển đồng thời nhiều phương thức nghiên cứu KHCN:

Một là, nghiên cứu phát triển công nghệ mới, có bản quyền.

Hai là, nghiên cứu làm chủ công nghệ tiên tiến để sẵn sàng tư vấn nhập công nghệ có hiệu quả.

Ba là, nghiên cứu cải tiến công nghệ sẵn có: nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Bốn là, nghiên cứu sản phẩm mới và tự tổ chức sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, các đối tác của chúng tôi rất đa dạng:

Có đối tác mua quyền khai thác sáng chế và ký thoả thuận hợp tác nghiên cứu cùng chúng tôi ươm tạo công nghệ có bản quyền. Có đối tác hợp đồng để chúng tôi hỗ trợ họ trong quá trình làm chủ công nghệ tiên tiến nhập khẩu, vì chúng tôi là cơ quan duy nhất ở Việt Nam đã nghiên cứu về vấn đề đó từ hàng chục năm nay. Có đối tác cần sự hỗ trợ của chúng tôi trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, cải tiến hệ thống thiết bị và công nghệ để giảm chi phí nguyên liệu và chi phí sản xuất. Điều này giúp DN tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Có đối tác sẵn sàng tham gia thử nghiệm sản phẩm của chúng tôi ở quy mô lớn với hy vọng khi đưa vào ứng dụng sẽ góp phần tiết kiệm cho DN hàng chục tỷ đồng. Có những sản phẩm triển khai sản xuất tại xưởng thực nghiệm của Viện mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, trong tất cả các hình thức này, nhà khoa học luôn phải có “vốn” sẵn hoặc gần như sẵn để khi DN đặt ra bài toán là phải có lời giải ngay (trừ hình thức đầu tiên). Khi DN đã có nhu cầu, có nghĩa là nhu cầu đã rất cấp thiết và không thể chờ đợi. Vì vậy, chúng tôi thường phải đón trước nhu cầu thực tiễn và nghiên cứu bằng kinh phí ngân sách hoặc tự đầu tư nghiên cứu. Để có thể thực hiện hiệu quả, cần có nguồn nhân lực sáng tạo, năng động cùng với nguồn vật lực vững mạnh.

Viện Hoá học Công nghiệp Việt Nam, nơi bà công tác đã có những chuẩn bị gì để đối mặt với các thách thức khi Việt Nam mở cửa hội nhập kinh tế trong thời gian sắp tới, đặc biệt là khi nước ta trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) ?

Chúng tôi sẽ phát triển đồng thời cả 2 hướng:

Một là, nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng mà sản phẩm là các công trình công bố trên các tạp chí chuyên ngành uy tín trên thế giới nhằm nâng cao năng lực, vị thế của nhà khoa học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Hai là, nghiên cứu ứng dụng hướng tới công nghệ phục vụ sự phát triển bền vững, các công nghệ mà ở đó hàm lượng chất xám chiếm tỷ trọng lớn và các công nghệ có bản quyền.

Xin cảm ơn bà!

Viện Hoá học công nghiệp Việt Nam, có bề dày 60 năm hoạt động và triển khai khoa học, công nghệ (KHCN), là viện nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ, hoạt động theo cơ chế 115: tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Doanh thu khoảng 200 tỷ đồng, trong đó 30% đến từ các hoạt động KHCN, 70% đến từ các hoạt động triển khai công nghệ, sản xuất và dịch vụ.

Bài và ảnh: Tuyết Hà


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner