Với hơn 11.000 nông dân được tập huấn, trên 5000 kỹ thuật viên phục vụ các dự án và trên 1000 lượt các nhà khoa học tham gia,… là kết quả của Chương trình nông thôn miền núi (Chương trình) trong 3 giai đoạn 1998-2002, 2004-2010 và 2011-2015. Đặc biệt là việc đẩy mạnh hoạt động chuyển giao, ứng dụng và kết nối công nghệ giữa nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông đã tạo bước chuyển mới trong phát triển sản xuất nông nghiệp.
Chương trình thực hiện theo tinh thần Chỉ thị 63- CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Cầu nối giữa nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp
Vụ trưởng Vụ Phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) địa phương, Bộ KH&CN Nguyễn Văn Liễu cho biết, Chương trình đã thực hiện được 3 giai đoạn (1998-2002, 2004-2010 và 2011-2015) và có 856 dự án đã được triển khai thực hiện trên cả nước.
Đây là một trong những chương trình thành công trong công tác hỗ trợ chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ những viện, trung tâm nghiên cứu, trường học vào sản xuất. Điều này đã góp phần tạo nên cầu nối giữa các nhà khoa học với người nông dân, phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp theo tinh thần Chỉ thị 63- CT/TW ngày 28/2/2001 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Qua 15 năm triển khai, Chương trình đã thực hiện tốt việc chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao vào các khâu của sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng biogas, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nông nghiệp, nông thôn và miền núi, hải đảo. Các dự án đã chuyển giao kỹ thuật về nhân giống, trồng, chăm sóc và bảo quản hoa, rau... ở quy mô hộ gia đình, quy mô công nghiệp. Nhiều dự án mang lại giá trị kinh tế cao, được người dân ủng hộ, áp dụng.
Ngoài ra, có trên 1000 lượt các nhà khoa học tham gia; tập huấn cho hơn 11.000 nghìn nông dân; đào tạo trên 5000 kỹ thuật viên cơ sở thông thạo công nghệ để phục vụ công tác nhân rộng kết quả dự án. “Hầu hết các dự án sau khi kết thúc đều được nhân rộng kết quả trên địa bàn và các địa phương lân cận” ông Liễu chia sẻ.
Đánh giá về Chương trình, ông Nguyễn Thế Ích, Chánh Văn phòng Chương trình Nông thôn miền núi cho biết, bên cạnh việc triển khai hàng trăm dự án tại 62 tỉnh, thành phố, Chương trình còn huy động một lực lượng lớn cán bộ KH&CN của trên 80 cơ quan KH&CN Trung ương và lực lượng cán bộ KH&CN của các địa phương làm công tác chuyển giao công nghệ; chuyển giao 4.761 lượt công nghệ vào sản xuất, đào tạo 11.063 kỹ thuật viên cơ sở, đào tạo ngắn hạn cho trên 1.725 cán bộ quản lý KH&CN ở địa phương,...
“Từ 845 dự án của Chương trình được thực hiện đã xây dựng được 2.501 mô hình sản xuất. Các mô hình này chính là những mẫu hình về chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN có tính đại diện cho địa bàn triển khai, do chính người dân sau khi được tập huấn kỹ thuật trực tiếp thực hiện, từ đó tạo được sức lan tỏa nhân rộng cho các tổ chức và cá nhân khác đầu tư vốn để tổ chức sản xuất nhân rộng kết quả của mô hình”, ông Ích nhấn mạnh.
Chương trình giai đoạn 2015-2025 mở rộng đến vùng dân tộc thiểu số
Thu hẹp khoảng cách các vùng miền
Nhận định về kết quả đạt được trong 3 giai đoạn trước, Vụ trưởng Nguyễn Văn Liễu cho biết, Bộ KH&CN đã xây dựng Chương trình giai đoạn 2015-2025 với tên gọi là “Chương trình Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế nông thôn và miền núi, vùng dân tộc thiểu số”.
Chương trình được thực hiện theo Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 13.10.2015 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu: xây dựng được ít nhất 2.200 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN có hiệu quả, có quy mô phù hợp với vùng sinh thái của từng địa bàn nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số (trong đó ít nhất 30% mô hình thực hiện ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số). Chương trình cũng hướng tới mục tiêu là tăng tỷ lệ các mô hình liên kết ứng dụng KH&CN theo chuỗi giá trị hàng hóa, các mô hình có quy mô sản xuất lớn, quy mô công nghiệp, gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến; chuyển giao được ít nhất 3.000 lượt công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng miền; đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án, năng lực ứng dụng và chuyển giao công nghệ cho ít nhất 1.500 cán bộ quản lý, 4.000 kỹ thuật viên cơ sở, 140.000 lượt nông dân…
Theo Vụ trưởng Nguyễn Văn Liễu, Chương trình giai đoạn 2015-2025 có sự thay đổi so với các giai đoạn trước. Đó là mở rộng đến vùng dân tộc thiểu số, sở dĩ có sự thay đổi này là do chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước muốn quan tâm hơn đến đời sống, sự phát triển kinh tế - xã hội của bà con vùng dân tộc thiểu số. Việt Nam hiện đang trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa dẫn đến khoảng cách giữa đô thị và nông thôn, giữa vùng đồng bằng và vùng núi, hải đảo. Do vậy, nếu không tập trung sẽ dẫn đến khoảng cách ngày càng xa giữa các vùng miền. Tôi cho rằng đây là một chính sách rất kịp thời của Đảng và Nhà nước. “Việc này có ý nghĩa trong việc thực hiện thực hóa chính sách dân tộc, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm mục tiêu hướng tới đại gia đình các dân tộc Việt Nam cùng nhau phát triển” ông Liễu cho hay.
Để tạo sự khác biệt hơn nữa Chương trình giai đoạn 2016 – 2025, ông Liễu cho rằng, cần có 3 sự khác biệt cơ bản: cần tăng cường tập trung, hỗ trợ cho những vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Vùng này sẽ được ưu tiên trong việc tăng cường các dự án; giành những ưu tiên tỷ lệ hỗ trợ của nhà nước cao hơn cho những dự án thuộc vùng này. Đồng thời thúc đẩy, tăng cường dự án gắn sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trực tiếp sản xuất, để doanh nghiệp thành hạt nhân phát triển từ đó giúp nông dân cùng phát triển trong mối liên kết chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa.
Và cuối cùng là tiếp tục giành sự quan tâm nhiều hơn nữa đến việc ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin truyền thông, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao đi kèm phổ biến kiến thức về KH&CN.
Bài, ảnh: Tần Quỳnh