Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
KH&CN địa phương Thứ ba, 26/11/2024 , 03:23 am
Cập nhật : 07/07/2014 , 12:07(GMT +7)
Chương trình Tây Nguyên 3: Tăng khả năng ứng dụng của các đề tài nghiên cứu khoa học
ảnh minh họa
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân, đối với mọi đề tài khoa học, nếu không bám sát vào nhu cầu thực tế của địa phương thì khả năng ứng dụng và hiệu quả của đề tài sẽ rất thấp. Đó cũng chính là điều kiện cần để làm nên thành công của các chương trình KHCN phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội ở địa phương trong đó có Chương trình Tây Nguyên 3.

Tính ứng dụng của các đề tài

Dù mới đi được hai phần ba quãng đường nhưng các đề tài nghiên cứu khoa học của Chương trình Tây Nguyên 3 đã khẳng định được tính ứng dụng và khả năng chuyển giao trên thực tế. Nói như một cán bộ địa phương ở Tây Nguyên, nhiều vấn đề bức thiết đã được soi xét dưới góc độ hàn lâm khoa học, được rà soát bài bản trên cơ sở bám sát thực tiễn, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững.

Đơn cử như đề tài Nghiên cứu Thiết kế, chế tạo hệ thống chiếu sáng LED ứng dụng trong nuôi cấy mô thực vật nhân giống cây trồng do Gs.Ts Phan Hồng Khôi - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam làm Chủ nhiệm. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của tỉnh Lâm Đồng - địa phương mạnh về sản xuất rau và hoa công nghệ cao với hàng chục phòng thí nghiệm nhưng mỗi năm phải tiêu tốn một lượng điện khổng lồ; các nhà khoa học nhận thấy cần phải thiết lập quy trình công nghệ nuôi cấy mô tối ưu, cải tiến hệ thống chiếu sáng giúp cho thực vật sinh trưởng, phát triển bình thường và giảm được chi phí điện năng.

Vì vậy, sử dụng ánh sáng đèn LED trong trồng trọt là hướng nghiên cứu mới được đặt ra. Đề tài này không chỉ tập trung nghiên cứu những ảnh hưởng của ánh sáng đèn LED đến sinh lý thực vật nhằm nắm bắt và làm chủ công nghệ chế tạo đèn mà còn xây dựng quy trình hướng dẫn nông dân sử dụng có hiệu quả công nghệ mới. Nhằm hỗ trợ cho việc chuyển giao công nghệ sản xuất và ứng dụng sản phẩm chiếu sáng LED, trong quá trình triển khai, các nhà khoa học đã ký văn bản hợp tác với Nhà máy bóng đèn Điện Quang.

Đó chỉ là một trong nhiều đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao đã được triển khai trong Chương trình Tây Nguyên 3. Theo Gs Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, để bám sát thực tiễn Tây Nguyên, thời gian qua đã có hơn 600 nhà khoa học chủ nhiệm đề tài và chủ trì đề tài nhánh, hơn 2.000 cán bộ khoa học tiến hành điều tra khảo sát, nghiên cứu về Tây Nguyên. Bằng các phương pháp hiện đại và được thực hiện tại các phòng thí nghiệm tiên tiến trong và ngoài nước, nhiều đề tài đã có những phát hiện mới như tìm ra các loài sinh vật mới, hoạt chất mới có khả năng dược lý và tri thức bản địa đặc thù. Cơ sở dữ liệu về khoáng sản, đất, nước, rừng, tai biến thiên nhiên đã và đang được xây dựng bằng các công nghệ hiện đại, viễn thám.

Do giới hạn thời gian và tài chính, số lượng nhiệm vụ KH&CN được lựa chọn triển khai trên Tây Nguyên không nhiều song thực sự đặc thù, cấp thiết và có hàm lượng công nghệ cao. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, các đề tài ứng dụng công nghệ vẫn còn thiếu sót đó là lãng quên mảng an toàn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bởi hiện nay, dịch bệnh đối với cây cà phê và nhiều loại cây trồng khác ở Tây Nguyên đang là vấn đề rất bức thiết đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các nhà khoa học.

Cần sự phối hợp 4 nhà

Theo Ts Y Ghi Nie - Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Đăk Lăk, để các kết quả nghiên cứu có thể chuyển giao ứng dụng trên thực tiễn cần có sự phối hợp đồng bộ của cả 4 nhà: nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân. Nếu các nhà khoa học chỉ nghiên cứu mà không có sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp không tiếp nhận được kết quả nghiên cứu hay nhà quản lý không có chính sách hỗ trợ thì nghiên cứu đó dù có tính ứng dụng cũng chẳng khác nào trên mây, trên gió.

Để các kết quả nghiên cứu có thể chuyển giao sớm vào thực tế đồng thời bảo đảm quyền lợi của các nhà khoa học, quyền ưu tiên cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; đã có 8 sản phẩm gửi hồ sơ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ và giải pháp hữu tích tới Bộ KH&CN. Trong đó có những đề tài đã được chuyển giao vào thực tiễn của Tây Nguyên như quy trình sản xuất thép và gạch không nung từ chất thải bùn đỏ của ngành chế biến bauxit - alumin được Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra dây chuyền quy mô công nghiệp và cho phép xây dựng đề án nhà máy sản xuất vào tháng 5.2014.

Thế nhưng, vấn đề băn khoăn lớn nhất hiện nay đối với các nhà khoa học là cơ chế chuyển giao duy trì và phát triển công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại Tây Nguyên. Bởi theo kết quả điều tra của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên còn hết sức nghèo nàn, 100% doanh nghiệp được hỏi đều trả lời không có đơn vị nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ hay lao động trực tiếp hoạt động trong bộ phận này. Trong khi máy móc, thiết bị được sử dụng có tuổi đời trung bình khoảng hơn 7 năm. Đây là một trong những khó khăn, thách thức đặt ra cho các nhà khoa học, các nhà quản lý, đòi hỏi phải sớm có chính sách đặc thù cho Tây Nguyên trong chuyển giao công nghệ và khuyến khích xây dựng doanh nghiệp KH&CN.

Phó giám đốc Sở KH&CN Lâm Đồng Lê Xuân Thám cũng chỉ ra rằng, nhà quản lý cần quan tâm, tạo điều kiện để các kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn. Đơn cử như với Đề tài Ứng dụng công nghệ cấy chuyển phôi bò sữa ở Tây Nguyên, các địa phương cần tạo sân chơi, môi trường để kết quả nghiên cứu của đề tài được chuyển giao và trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp. Thông qua dự án phát triển bò sữa Lâm Đồng của Tập đoàn TH True Milk hay Chương trình Hợp tác bò sữa phát triển Tây Nguyên của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, địa phương có thể kéo các nhà khoa học vào để ứng dụng có hiệu quả đề tài đã nghiên cứu.

Song, điều quan trọng hơn cả là các nhà khoa học phải cùng hợp tác với nhau, để liên kết các đề tài nghiên cứu tạo thành những hệ thống đồng bộ, đặc thù. Chẳng hạn hệ thống công nghệ quản lý tài nguyên, môi trường, thiên tai cần kết hợp khai thác ảnh Vệ tinh VNREDSAT 1 với máy bay không người lái và nền mạng viễn thông WIMAX trên cùng hệ thông tin địa lý. Hay các hệ thống công nghệ phục vụ nông nghiệp cần liên kết với tổ hợp công nghệ phục vụ công nghiệp, môi trường. Có như vậy các đề tài nghiên cứu mới thực sự mang lại hiệu quả cao, góp phần phát triển một nền kinh tế bền vững và toàn diện cho Tây Nguyên.

Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011 - 2015 (gọi tắt là Chương trình Tây Nguyên 3), đã được triển khai từ cuối năm 2011 là chương trình khoa học tổng hợp liên ngành, phục vụ phát triển bền vững Tây Nguyên trong giai đoạn đổi mới của đất nước.

Chương trình có 4 mục tiêu cơ bản: cung cấp luận cứ khoa học cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững khu vực Tây Nguyên; cung cấp cơ sở dữ liệu phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên và các tỉnh thuộc khu vực trong xây dựng kế hoạch 5 năm trước mắt và tiếp theo; ứng dụng, chuyển giao công nghệ thích hợp nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế trong khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; bước đầu đề xuất mô hình phát triển bền vững cho Tây Nguyên và các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Nguồn tin: Đại biểu nhân dân

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner