Năng suất là yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) và của cả nền kinh tế. Đặc biệt hơn khi nền kinh tế gặp phải khủng hoảng, gặp nhiều khó khăn, trong bối cảnh Đại dịch Covid 19, nhiều quốc gia đã lựa chọn con đường để khôi phục kinh tế một cách nhanh nhất, thích nghi trong bối cảnh mới, đó là áp dụng KH&CN và nâng cao năng suất.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lê Xuân Định cho biết như trên tại Hội nghị Tổng kết chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” diễn ra tại Hà Nôị diễn ra ngày 26/11/2020, tại Hà Nội do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) tổ chức.
Tham dự Hội nghị còn có đại diện Văn phòng Chính phủ, đại diện các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, các Hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, các Viện nghiên cứu, Trường đại học và các doanh nghiệp, tổ chức có liên quan.
Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất chất lượng
Phát biểu tại Hội nghị Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh vai trò của năng suất, là yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) và của cả nền kinh tế. Đặc biệt hơn khi nền kinh tế gặp phải khủng hoảng, gặp nhiều khó khăn, trong bối cảnh Đại dịch Covid 19, nhiều quốc gia đã lựa chọn con đường để khôi phục kinh tế một cách nhanh nhất, thích nghi trong bối cảnh mới, đó là áp dụng KH&CN và nâng cao năng suất.
Bên cạnh đó, các hệ thống công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến trên thế giới đã được nghiên cứu, triển khai và áp dụng tại Việt Nam ở trong các DN đã hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý sản xuất, quản trị kinh doanh của DN Việt, thu hẹp khoảng cách với DN trong khu vực và trên thế giới. “Chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của hội nhập quốc tế sâu rộng, bùng nổ KH&CN với cuộc cách mạng lần thứ tư, quá trình số hóa, xu hướng kết hợp thực-ảo, sự phát triển của nhiều lĩnh vực công nghiệp mới như: trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, đã và đang mang đến sự thay đổi vượt bậc về năng suất” Thứ trưởng Lê Xuân Định nói.
Thứ trưởng Lê Xuân Định và Tổng cục trưởng Tổng cục TĐC Trần Văn Vinh trao tặng Bộ sách Năng suất Chất lượng cho đại diện các Viện trường, Hiệp hội DN
Theo Ban Điều hành Chương trình 712, việc thúc đẩy phát triển kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả có sức cạnh tranh là chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng trong phát triển kinh tế xã hội. Và để triển khai hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình để nâng cao năng lực, cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế. Quyết định số 712/QĐ-TTg phê duyệt chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (Chương trình 712) là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện mục tiêu này. Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đúng thời điểm DN Việt Nam cần động lực để chuyển đổi từ giai đoạn phát triển theo hướng tập trung vào vốn và sử dụng lao động giá rẻ sang giai đoạn phát triển với cách thức quản lý hiệu quả hơn, ứng dụng tiến bộ KH&CN và mang lại giá trị gia tăng cao hơn.
Ngoài ra, Chương trình 712 được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn quốc, với sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, viện, trường, hiệp hội và doanh nghiệp. Bộ KH&CN là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm chủ trì tổ chức thực hiện. Trong 10 năm qua, Chương trình 712 luôn bám sát mục tiêu và nhiệm vụ, và đa số nhiệm vụ đề ra đều đạt được yêu cầu. Hoạt động chính và điểm nhấn của Chương trình 712 là hỗ trợ DN, nâng cao năng suất chất lượng thông qua các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất, đa dạng hóa các loại hình DN được hỗ trợ từ tập đoàn, tổng công ty, DN lớn đến DN nhỏ và siêu nhỏ,… sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, các làng nghề,…
Năng suất dựa trên KHCN và Đổi mới sáng tạo
Cũng theo Ban Điều hành Chương trình 712, sau 10 năm triển khai đồng hành cùng DN, bằng sự quyết tâm và nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, Chương trình 712 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, tạo tiền đề cho sự vươn lên, khẳng định vị thế của DN Việt Nam trong khu vực và trên thế giới như: tạo dựng được phong trào năng suất chất lượng trong phạm vi cả nước với 07 dự án năng suất chất lượng ngành và 57 dự án năng suất chất lượng địa phương được xây dựng và đồng thời triển khai thực hiện.
Đặc biệt, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với khoảng 13.000 TCVN (đạt tỉ lệ 60% hài hoà tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực), cùng với 800 QCVN do các Bộ quản lý ngành/lĩnh vực ban hành, bao trùm hầu hết các lĩnh vực kinh tế kỹ thuật là cơ sở để triển khai các hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, thương mại của DN.
Đồng thời, việc triển khai ứng dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến, áp dụng các tiêu chí quản lý của mô hình Giải thưởng chất lượng Quốc gia,... đã giúp cho hàng chục nghìn DN cải tiến sản xuất, nâng cao khả năng quản trị, quản lý sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giảm chi phí sai lỗi, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, năng lượng qua đó nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh.
Cùng với đó, đội ngũ chuyên gia năng suất chất lượng đã bước đầu được hình thành và phát triển ở các Bộ, ngành, địa phương và DN. Nhận thức, kiến thức về năng suất chất lượng ở các cấp, các ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp ngày càng được nâng lên. Việc triển khai đào tạo kiến thức về tiêu chuẩn hóa, năng suất chất lượng cho sinh viên, giảng viên một số trường Đại học, cao đẳng trong cả nước đã cho thấy tính khả thi, hiệu quả và khả năng nhân rộng của hoạt động này.
Toàn cảnh Hội nghị
Ngoài ra, công tác triển khai Chương trình 712 luôn gắn liền với thực hiện các nghị quyết của Đảng, Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy tăng năng suất lao động. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp của Chương trình 712 lồng ghép với các chương trình dự án phát triển kinh tế xã hội KHC&N khác đã góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tiếp nối và phát triển hoạt động hỗ trợ DN nâng cao năng suất chất lượng. Ngày 31/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1322 phê duyệt Chương trình quốc gia về hỗ trợ DN nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021-2030.
Bên cạnh ghi nhận, đánh giá các kết quả của Chương trình 712, Thứ trưởng Lê Xuân Định đã khởi động triển khai Chương trình quốc gia Năng suất Chất lượng giai đoạn 2021 – 2030. Đồng thời bày tỏ mong muốn, các đại biểu cùng tiếp tục chia sẻ, góp ý, tháo gỡ vướng mắc và đề ra những giải pháp hiệu quả hơn nữa cho giai đoạn tới. “Chúng tôi mong rằng Chương trình trong giai đoạn tới sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa đến cộng đồng DN, từ các DN tiên phong chi phối nền kinh tế đến các DN nhỏ và vừa. Yếu tố nâng cao năng suất chất lượng sẽ được nhìn nhận ở các khía cạnh cơ hội khác nhau, không chỉ đơn thuần ở những tập đoàn lớn” .Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, ngoài báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình 712 của lãnh đạo Tổng cục TĐC, các đại biểu tham dự đã trình bày một số tham luận liên quan đến công tác triển khai hoạt động năng suất như: nâng cao năng suất chất lượng DN may công nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số - Hiệu quả từ mô hình áp dụng phương pháp tinh gọn Lean; kết quả, hiệu quả triển khai áp dụng tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ tại Cty TNHH Nông trại Hữu cơ gen Xanh; nâng cao năng suất chất lượng, xây dựng văn hóa cải tiến cho DN làng nghề,…
Tần Quỳnh