Theo thống kê từ Văn phòng Chương trình Nông thôn miền núi, Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025 có 71 dự án thuộc lĩnh vực chăn nuôi chiếm tỷ lệ 17,8% tổng số dự án.
Cụ thể, các dự án đã chuyển giao và tiếp nhận 461 quy trình công nghệ, đào tạo 538 kỹ thuật viên, xây dựng 234 mô hình và tập huấn cho 11.670 lượt nông dân. Thông qua đó đã giúp các đơn vị chủ trì dự án làm chủ được các công nghệ về sản xuất giống và chăn nuôi bò thịt, lợn, gia cầm, nuôi ong lấy mật, nuôi đà điểu sinh sản và lấy thịt, tiếp nhận các kỹ thuật trồng cỏ, chế biến thức ăn, phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm,…
Với đối tượng là các loại gia súc, Chương trình đã triển khai 54 dự án tại 31 tỉnh/thành phố. Các dự án đã giúp các địa phương chủ động được các loại giống lợn ngoại, lợn rừng lai, bò, dê và tiếp thu được các quy trình tiến bộ chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các dự án nuôi lợn ngoài việc tập trung sản xuất theo hướng trang trại thì còn hỗ trợ địa phương phát triển các giống lợn bản địa như lợn đen Mường Khương, lợn đen Lũng Pù, lợn Táp Ná. Đây là những nguồn gene quý, có chất lượng thịt thơm ngon, là đặc sản của các địa phương. Các dự án nuôi bò đã đưa biện pháp kỹ thuật mới trong cải tạo giống, chăn nuôi bò thâm canh; giới thiệu, hướng dẫn trồng thâm canh các giống cỏ voi VA06, ngô lai, cỏ mulato, cây họ đậu ... và kỹ thuật ủ chua làm thức ăn cho bò, qua đó giúp ổn định nguồn thức ăn, nâng cao chất lượng thức ăn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng bò thịt.
Mô hình chăn nuôi gà tại Hòa Bình (Ảnh: PT)
Chương trình cũng đã triển khai thực hiện được 09 dự án với đối tượng là các loại gia cầm trên địa bàn các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Trị, Thái Bình, Thái Nguyên. Dự án đã giúp các địa phương phát triển các loại giống gà (gà Sao, gà Ai Cập) và đà điểu. Đây là các loại gia cầm mới thay thế các loại vật nuôi truyền thống mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đối với các vật nuôi khác (ong mật, chim yến, thỏ New Zealand), Chương trình chủ yếu chuyển giao cho các vùng có đặc thù về điều kiện tự nhiên. Đã có 08 dự án triển khai trên địa bàn các tỉnh Bình Định, Hà Nội, Hòa Bình, Hưng Yên, Phú Thọ, Sóc Trăng, Vĩnh Phúc. Dự án giúp các địa phương tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có của địa bàn, nâng cao thu nhập.
Tin: Hoàng Anh