Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Tiềm lực KH&CN Chủ nhật, 24/11/2024 , 08:50 am
Cập nhật : 25/04/2011 , 10:04(GMT +7)
Chương trình KC.06/06-10: Không dám “phá rào” nên một số chưa đi tới cùng
ông Pham Hữu Giục – phó ban chủ nhiệm Chương trình KC.06/06-10)
Trong giai đoạn vừa qua 2006 – 2010, Chương trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm chủ lực (KC.06/06-10) đã có nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn có giá trị kinh tế cao, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chương trình cũng còn những tồn tại cần phải khắc phục để giữ vững được sự phát triển bền vững lâu dài. Nhân dịp tổng kêt chương trình KC.06/06-10 giai đoạn 2006- 2010, PV đã có cuộc trao đổi với ông Pham Hữu Giục – phó ban chủ nhiệm Chương trình về những thành công cũng như khó khăn cần phải giải quyết để phát triển lâu dài.

Gặt hái nhiều kết quả
PV:  Thưa ông, Chương trình KC.06 đã đến giai đoạn kết thúc, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của chương trình?

Ông Phạm Hữu Giục: Có thể nói, chương trình đã đạt được 2 mục tiêu đề ra là góp phần nâng cao hiệu quả cũng như kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm chủ lực và đa dạng hóa và tạo tiền đề cho sản xuất các mặt hàng xuất khẩu mới.

Qua năm năm thực hiện Chương trình đã tiến hành nhiều nghiên cứu có giá trị kinh tế và khả năng ứng dụng vào thực tế rất lớn. Chương trình đã tạo ra 144 qui trình công nghệ, 18 dây chuyền thiết bị, 817 mẫu sản phẩm mới, 28 giống cây con, 53 phần mềm máy tính, 135 bộ hồ sơ thiết kế; Công bố 103 bài báo trong nước, 4 bài trên tạp chí quốc tế có uy tín (Nghề cá của FAO, Nuôi trồng thủy sản Châu Á-Thái Bình Dương); Sở hữu trí tuệ: 11 đã được cấp bằng, 21 đang chờ xem xét; Đào tạo 8 TS, 53 thạc sĩ; tập huấn cho 7.781 lượt cán bộ kĩ thuật, công nhân và nông dân.

Nhiều đề tài/dự án (ĐT/DA) đã đưa được các công nghệ mà mình nghiên cứu vào sản xuất các mặt hàng xuất khẩu. Có những đề tài vừa kết thúc đã được đưa vào sản xuất hoặc đang tiến hành đã được nông dân tiếp nhận đưa ra sản xuất đại trà. Tổng đầu tư từ ngân sách cho 44 ĐT/DA là  96.540 triệu đồng (đã trừ thu hồi từ DA). Tính toán chi tiết về hiệu quả của 7 CN (SX chè an toàn; SX chè Phổ Nhĩ; SX cao su RSS tiểu điền; SX giống hầu Thái Bình Dương; Cơ giới hóa khai thác than; tuyển than bằng huyền phù tự sinh và bàn đãi khí) cho thấy: ngay trong thời gian thực hiện ĐT/DA, 7 CN này đã làm lợi cho xã hội hơn 766 tỉ đồng; tạo ra 400 việc àm mới và quan trọng là 4.000 nông dân và công nhân chế biến có việc làm ổn định và có thu nhập cao hơn. Tính cho 5 năm tới, khi 7 CN này được mở rộng qui mô ứng dụng sẽ làm lợi cho xã hội 2.000 tỉ đồng, tạo ra khoảng 1.000 việc làm mới và 70.000 việc làm ổn định có thu nhập cao hơn cho nông dân.

Xin nêu một vài ví dụ: Nhiều ĐT/DA đã thành công và đưa vào sản xuất đại trà, nhưng không phải tất cả 44 ĐT/DA đều như vậy. Chương trình KC.06 được phê duyệt 44 nhiệm vụ thì 3 DA phải dừng lại giữa chừng, 1 ĐT không thể kết thúc được, mặc dù đã gia hạn, nên phải nghiệm thu theo thực tế (làm được đến đâu, thanh quyết toán đến đó), có một số ĐT/DA chưa đạt được 100% khối lượng sản phẩm đã đăng kí và nhất là nhiều ĐT/DA chậm tiến độ phải xin kéo dài.

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu có tác động nhất định

Như ông vừa nói, có nhưng ĐT/DA không đạt được mục tiêu, vậy đâu là nguyên nhân? Thêm vào đó khó khăn lớn nhất mà các ĐT/DA cũng như Chương trình gặp phải là gì?

Khó khăn lớn nhất mang tính bao trùm ảnh hưởng tới việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trong hệ thống các chương trình nói chung và KC.06 nói riêng trong kế hoạch năm năm 2006 – 2010 là khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ảnh hưởng này đã gây rất nhiều khó khăn cho các chủ nhiệm và cơ quan chủ trì các ĐT, DA trong việc thực hiện các cam kết trong hợp đồng đã kí như: Giá cả vật tư, nguyên, nhiên vật liệu tăng vọt hàng năm, có lúc hàng tháng so với dự toán lúc được phê duyệt. Trong khi đó, kinh phí được phê duyệt là cố định, buộc các chủ nhiệm ĐT, DA phải “co, kéo” các khoản chi để hoàn thành mục tiêu nghiên cứu. Đối với các đề tài vất vả 1 do khủng hoảng tài chính toàn cầu, thì các DA SXTN vất vả bội phần do đầu ra, trong khi KC06 có tới 45% số nhiệm vụ là DA SXTN. Chính vì vậy, 2 DA năm 2008 đã hoàn tất các thủ tục, nhưng lường trước được những khó khăn khi thực hiện, nên đã đề nghị Bộ không phê duyệt  và 3 DA đã phải dừng giữa chừng. Cũng do khủng hoảng kinh tế, nên nhiều nội dung HTQT không tiến hành được hoặc chậm tiến hành đã ảnh hưởng đến tiến độ của ĐT.

Khó khăn tiếp theo phải kể đến là qui định về đấu thầu. Nhiều ĐT về nông-lâm-ngư nghiệp theo dự toán cần cả tỉ đồng để mua thức ăn tươi sống, phân bón..., nhưng họ mua rất nhỏ lẻ theo ngày, theo thời vụ và nhiều khi mua của nông dân thì làm sao đấu thầu nổi. Hay như trong công nghiệp phần Ngân sách hỗ trợ để mua nguyên vật liệu chỉ là một phần nhỏ trong cả gói thầu của doanh nghiệp, không thể tách riêng ra để đấu thầu riêng...
Còn một khó khăn, mà không chỉ đối với ĐT/DA mà cả đối với các cơ quan quản lí là sự “cứng nhắc” trong kết thúc kế hoạch 5 năm. Những ĐT/DA kết thúc vào cuối kế hoạch 5 năm (tháng 12/2010)  không thể gia hạn vượt qua thời gian nay, cho dù chỉ cần gia hạn 6 tháng họ sẽ hoàn thành nhiệm vụ.
 
 Có ý kiến cho rằng hiện nay, những sản phẩm chủ lực của chương trình nghiên cứu  chưa thực sự khẳng định được vai trò “chủ lực” của mình trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ông nhận định như thế nào về ý kiến này?
 

Theo tôi thì khái niệm sản phẩm chủ lực ở đây là “nhóm sản phẩm” theo Chiến lược xuất khẩu của Việt Nam, như nhóm nông sản, thủy sản, than & khoáng sản, đóng tàu..., chứ không phải riêng lẻ từng con, từng cây... Hơn nữa Chiến lược xuất khẩu của Việt Nam cũng yêu cầu phải đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu và không phụ thuộc vào một mặt hàng chính nào trong từng nhóm, để khi có biến động thị trường thì sản phẩm này “đỡ” sản phẩm khác nhìn trong tổng thể của quốc gia.

Nếu nói như thế này thì có thể đúng: có những nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực chưa thấy sự xuất hiện của Chương trình như dầu khí, may mặc, giày da. Vì những nguyên nhân khác nhau, không có cơ quan nào đề xuất các nhiệm vụ thuộc các nhóm này.

Các  thủ tục đầu vào và nghiệm thu đánh giá cũng cần có sự giản lược

Vậy để chương trình nghiên cứu có hiệu quả cao và phát triển  lâu dài thì cần phải chú trọng điều gì, thưa ông?

Thứ nhất, quá trình nghiên cứu và phát triển công nghệ và các sản phẩm của nó có những đặc thù rất riêng và có nhiều rủi ro, vật cản không lường trước được trong quá trình đi tìm cái mới. Chính vì vậy, không thể lấy hay cải biên các cơ chế quản lý kinh tế, tài chính, hành chính hiện hành áp đặt cho khoa học. Thực tế đã chứng minh, trong nhiều trường hợp gò ép thực hiện kế hoạch theo đúng tiến độ hay dự toán... không những không mang lại hiệu quả, mà còn gây lãng phí cho xã hội, vì công trình nghiên cứu không đi được tới cùng do không ai dám “phá rào” các quy định. Xin nêu một số vấn đề mà trong hơn hai thập niên qua đã gặp phải, ai cũng biết, nhưng chưa được giải quyết rốt ráo.

Thứ 2, quá trình nghiên cứu và phát triển công nghệ là một quá trình liên tục, vấn đề này nối tiếp vấn đề kia. Có rất nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu liên tục tới 10-15 năm. Thế nhưng, chúng ta lại cắt đoạn thành các kế hoạch 5 năm và thế là tất cả các chương trình phải dừng khi kế hoạch 5 năm kết thúc, cho dù nhiều đề tài chỉ cần thêm ít thời gian là hoàn thành trọn vẹn và năm cuối không ai cho mở đề tài mới tuy đó là vấn đề rất thời sự cần phải làm ngay. Gọi là kế hoạch 5 năm, nhưng thời gian thực tế để một chương trình thực hiện chỉ khoảng 4 năm. Đề nghị: Tổ chức các chương trình mở và tại thời điểm  kết thúc kế hoạch 5 năm chỉ đánh giá kết quả thực hiện của chương trình tại thời điểm đó, còn chương trình vẫn tiếp tục. Đề nghị TTg Chính phủ giao quyền cho Bộ trưởng Bộ KH&CN mở hoặc kết thúc một chương trình nào đó tại bất cứ thời điểm nào, chứ không nên đồng loạt mở và kết thúc các chương trình.

Thứ 3, tiến độ thực hiện đề tài theo quan điểm của người làm kế hoạch là rất quan trọng, và các nhà khoa học cũng rất muốn thực hiện nghiêm túc, nhưng thực tế nghiên cứu rất nhiều trường hợp lại không chiều lòng người. Chỉ cần đối tác nước ngoài thay đổi cách thức hợp tác, hay một thời vụ gặp trục trặc về thời tiết là mất khoảng 6-12 tháng. Việc gia hạn là rất khó khăn và nhiều khi hạn chế rất lớn về chất lượng nghiên cứu, nhất là đối với các ĐT, DA kết thúc vào năm cuối của kế hoạch 5 năm.

Bên cạnh đó, mặt tài chính, nhiều quy định không phù hợp đối với hoạt động nghiên cứu như đấu thầu nguyên, nhiên, vật liệu; thay đổi dự toán do yếu tố khách quan, yếu tố trượt giá; định mức chi tiêu; phạt khi không hoàn thành nhiệm vụ hoặc phải dừng ĐT, DA (cho dù là do yếu tố khách quan); thu hồi kinh phí khi làm dự án sản xuất thử nghiệm... Một điểm nữa về tài chính chúng tôi xin kiến nghị: cần có một khoản kinh phí dự phòng chung, đặt tại Văn phòng các Chương trình. Kinh phí này sẽ được dùng để bổ sung cho các ĐT, DA khi có nhu cầu chính đáng. Tất nhiên không phải là bổ sung đại trà, nhưng khoản kinh phí này nếu có sẽ tăng hiệu quả đầu tư và tất nhiên tăng chất lượng của các công trình NC. Việc hoàn tất các  thủ tục đầu vào và nghiệm thu đánh giá cũng cần có sự giản lược, nhất là hồ sơ, vì có chủ nhiệm ĐT/DA tốn hàng chục triệu đồng in ấn tài liệu.

Những rào cản đang cản trở hoạt động KH&CN này không chỉ là nỗi khổ của các nhà khoa học, mà còn là sự đau đầu của các nhà quản lý KH&CN khi giải quyết các vướng mắc và nếu giải quyết được những tồn tài này thì nhất định nghiên cứu KH&CN nước nhà sẽ nhanh chóng lên một tầm cao mới.

Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trao đổi thẳng thắn và thú vị!

Hoàng Anh (Thực hiện)


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner