Bộ KH&CN luôn xác định lấy doanh nghiệp (DN) làm trọng tâm, đẩy mạnh nhiều hoạt động hỗ trợ DN về ứng dụng KH&CN, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học vào quá trình sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của DN.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng đã khẳng định như vậy tại Hội nghị Ban điều hành Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (Chương trình 712) vừa diễn ra chiều ngày 25/12 tại Hà Nội.
Lấy doanh nghiệp làm trọng tâm
Phát biểu và chủ trì tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết: năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 712/QĐ-TTg phê duyệt chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.
Cùng với sự quyết tâm, sâu sát của Bộ KH&CN, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC), Chương trình 712 đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Nhiều DN đã có điều kiện nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm qua một loạt hỗ trợ tích cực từ phía Bộ như: ứng dụng các công nghệ tiên tiến, tiêu chuẩn, quy chuẩn, sở hữu trí tuệ,…
Đặc biệt, Bộ KH&CN luôn xác định lấy DN làm trọng tâm, đẩy mạnh nhiều hoạt động hỗ trợ DN về ứng dụng KH&CN, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học vào quá trình sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của DN.
Cùng với sự kỳ vọng, đánh giá cao của cộng đồng DN đối với Chương trình 712, Thứ trưởng bày tỏ hy vọng ngày càng có nhiều hơn nữa những kết quả nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, giải pháp tiên tiến,… tiếp tục được chuyển giao, ứng dụng vào DN nhằm mục tiêu góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng sức cạnh tranh cho DN Việt, đóng góp vào sự phát triển kinh tế một cách bền vững.
Về tình hình thực hiện Chương trình 712 năm 2018 và giai đoạn 2016 – 2018, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TĐC Hà Minh Hiệp cho biết: năm 2016, 2017 là những năm đầu triển khai giai đoạn II Chương trình 712 trong bối cảnh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội có những chỉ đạo quyết liệt trong việc tăng cường các hoạt động hỗ trợ, phát triển DN qua một loạt các văn bản pháp lý như: Nghị quyết 19 – 2017; Nghị quyết 18 – 2018/NQ – CP; Nghị quyết 35/NQ-CP,…
Theo đó, việc đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình 712 được tổng hợp trên cơ sở kết quả thực hiện dự án NSCL được lồng ghép, triển khai trong các chương trình, dự án, hoạt động thường xuyên của các Bộ, ngành, địa phương.
Đối với hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, có 2.600 TCVN được xây dựng (năm 2016 – 2018). Đến nay, hệ thống TCVN có khoảng 11.500 TCVN với mức độ hài hòa TCQT, TCKV đạt trên 54% bao trùm hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế, giúp các DN chủ động tăng cường năng lực và chuẩn bị các giải pháp, chiến lược tốt nhất trong việc tuân thủ các quy tắc, quy định đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng trong thương mại hóa toàn cầu.
Hệ thống quy chuẩn quốc gia (QCVN) đến nay có khoảng 780 QCVN trở thành công cụ và phương tiện quan trọng để duy trì các chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, hỗ trợ quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn, vệ sinh, sức khỏe cho con người; bảo vệ động vật, thực vật và môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.
Đặc biệt, chỉ trong năm 2016 – 2018, Tổng cục đã phổ biến, hướng dẫn áp dụng khoảng 350 TCVN thuộc các lĩnh vực, đối tượng sản phẩm hàng hóa trọng điểm, chủ lực cho hơn 2000 tổ chức, DN thông qua các tổ chức, hội nghị, hội thảo, …
Bên cạnh đó, việc đào tạo đội ngũ chuyên gia cũng luôn được chú trọng với các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến NSCL như: Lean, TPM, KPIs,… cho hơn 3000 học viên trên cả nước. Các DN trên khắp cả nước đã có những áp dụng các giải pháp cải tiến NSCL, đem lại hiệu quả cao có thể kể đến như: Tổng công ty may Đức Giang; Công ty may Nam Hà; Công ty CP ô tô Trường Hải (THACO); Công ty Nhựa Tiền phong; Công ty CADIVI; Công ty CP Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông,… “Cùng với việc thúc đẩy áp dụng các hệ thống quản lý ISO 9001, ISO 14001 cũng đã góp phần không nhỏ trong việc cải thiện các chỉ số thuộc nhóm Chỉ số đổi mới sáng tạo GII của Việt Nam theo Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ” Phó Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp chia sẻ.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TĐC Hà Minh Hiệp báo cáo tại Hội nghị
Đóng góp gần 40% vào tăng trưởng TFP
Theo báo cáo tại Hội nghị, thực tế việc triển khai tại Việt Nam cho thấy, các DN thực hiện nghiêm túc các dự án cải tiến NSCL đều ghi nhận hiệu quả rất lớn, việc triển khai ứng dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL tiên tiến, áp dụng các tiêu chí quản lý của mô hình Giải thưởng chất lượng Quốc gia đã giúp cho hàng chục nghìn DN nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa, giảm chi phí sai lỗi, qua đó nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh.
Bên cạnh lợi ích kinh tế có thể đo đếm được thông qua việc giảm thiểu các lãng phí trong quá trình sản xuất, tiết kiệm nhân lực, thời gian, nguyên nhiên liệu, năng lượng,… việc áp dụng các giải pháp nâng cao NSCL đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng SPHH, dịch của DN, thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, cải thiện đáng kể hình của DN.
Ngoài ra, tính từ năm 2016 – 2018, tăng TFP đóng góp khoảng 39% vào tăng trưởng, đạt được mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, NSLĐ, sức cạnh tranh của nền kinh tế với mục tiêu “Năng suất các nhân tổ tổng hợp TFP đóng góp bình quân giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 30 – 35%.
Nhấn mạnh vai trò NSCL trong sản xuất, kinh doanh, Giám đốc Công ty TNHH ĐTK Phú Thọ Khương Ngọc Khải – một trong những mô hình DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao điển hình cho biết: thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến trong chăn nuôi gà đẻ trứng từ Nhật Bản, Mỹ, Israel của Công ty đã cho ra thị trường những sản phẩm trứng gà sạch mang thương hiệu Việt Nam có chất lượng cao, đảm bảo uy tín trên thị trường. Quy trình sản xuất của nhà máy được kiểm soát chặt chẽ, khép kín, tự động hóa từ khâu cung cấp thức ăn, nước uống, điều chỉnh khí hậu trong chuồng nuôi, …đến đóng gói sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Năm 2017, việc tham gia Chương trình 712 và áp dụng tiến hành áp dụng bộ tiêu chuẩn Vietgap vào sản xuất, chăn nuôi; áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL tiên tiến,… không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho chính DN mà còn đem đến hiệu quả trong bảo vệ môi trường và công nghệ xanh hóa cho nền nông nghiệp Việt Nam.
Đồng ý với nhận định trên, đại diện THACO Đặng Ngọc Tuấn cho rằng: Chương trình 712 đã tạo sức lan tỏa lớn, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh của công ty, đặc biệt là việc nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, giảm lãng phí sản xuất và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của công ty, đảm bảo tiến độ giao hàng, tạo môi trường làm việc khoa học, an toàn cũng như khuyến khích trách nhiệm và tinh thần làm việc của nhân viên.
Đánh giá những kết quả đạt được, Phó Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp cho biết: việc triển khai Chương trình 712, dự án NSCL đã bám sát mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ đề ra. Các Bộ ngành, địa phương đã quan tâm, chủ động hơn trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ và cơ bản đã có kinh nghiệm để triển khai có hiệu quả các dự án thuộc Chương trình.
Tuy nhiên, Phó Tổng cục trưởng cho rằng: sự tham gia của các DN vẫn còn bị động, chưa tích cực bởi bản thân DN chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của DN trong môi trường cạnh tranh; phần lớn DN có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực yếu, trang thiết bị sản xuất cũ; đội ngũ quản lý sản xuất còn hạn chế nên chưa đủ tự tin áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, chuyên gia NSCL còn hạn chế,…
Bên cạnh đó, các Bộ ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động NSCL, chưa nhận thức đầy đủ vai trò kiến tạo, hỗ trợ DN thông qua hỗ trợ áp dụng các giải pháp KH&CN; vai trò, trách nhiệm và vốn đối ứng của DN tham gia chưa nhiều, chủ yếu đối ứng từ hiện vật, ngày công quy đổi,…
Do vậy, để Chương trình tiếp tục có hiệu quả hơn nữa, theo Phó Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp, cần tiếp tục tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực NSCL, đào tạo kiến thức về tiêu chuẩn, NSCL trong các trường đại học, cao đẳng, các trường dạy nghề; tăng cường hoạt động tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ DN xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; áp dụng các giải pháp cải tiến NSCL. Ưu tiên hỗ trợ DN vừa và nhỏ khởi nghiệp, sáng tạo, DN tư nhân, DN tham gia các chuỗi cung ứng; phát triển hệ thống TCVN đầy đủ cho tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế làm cơ sở cho hoạt động nâng cao NSCL.
Ngoài ra, đẩy mạnh việc rà soát, xây dựng các QCVN về sản phẩm hàng hóa nhóm 2 theo hướng kiểm soát được nguy cơ gây mất an toàn khi sử dụng nhưng không gây cản trở đối với thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, đẩy mạnh hậu kiểm theo chỉ đạo của Chính phủ; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về NSCL cho DN,…
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhận định: Hội nghị là cơ hội để Bộ KH&CN cùng các Bộ ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan cùng nhìn nhận, đánh giá lại những kết quả đã đạt được; những điểm còn hạn chế trong quá trình triển khai. Đồng thời đề nghị tiếp tục đẩy mạnh sự phối hợp giữa các Bộ ngành, địa phương, tổ chức, DN liên quan trong việc thực hiện triển khai Chương trình 712; xây dựng một số mô hình DN điểm thành công nhằm tạo sự lan tỏa trong cộng đồng DN; xây dựng nguồn lực tập trung cho DN phát triển NSCL ngoài nguồn lực từ Nhà nước cần huy động nguồn lực từ xã hội hóa, chính DN,…Từ đó, đề ra các giải pháp phù hợp nhằm thực hiện Chương trình hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Toàn cảnh Hội nghị
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe những ý kiến đóng góp, chia sẻ qua các tham luận đến từ đại diện các cơ quan ban ngành, tổ chức, DN liên quan như: Bộ Công thương; THACO; công ty Trí Cường; công ty ĐTK; Cty CP Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông,…
Theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), GDP tính theo PPP năm 2015 của Việt Nam là 553.491 tỷ USD. Dựa vào số liệu này, Chỉ số ISO 9001 năm 2017 của Việt Nam là 7,5 (tăng 1,4% so với năm 2016); Chỉ số ISO 14001 năm 2017 của Việt Nam là 2,2 (tăng 37,5% so với năm 2016).
Tại Hội thảo quốc tế APO về Chính sách KH&CN, đổi mới và vấn đề nâng cao năng suất được tổ chức tại Hà Nội gần đây, số liệu đã được các chuyên gia NSCL của APO khẳng định qua việc áp dụng các công cụ cải tiến NSCL là: năng suất nhà máy tăng từ 10 – 30%; năng suất lao động tăng 70%; thu nhập của người lao động tăng 10 – 15%.
|
Bài, ảnh: Ngũ Hiệp