Một trong những công nghệ viễn thám tiên tiến nhất đã được các nhà khoa học thuộc Trung tâm Viễn thám và Geomatics, Viện Địa chất (Viện KH&CN Việt Nam) nắm bắt và ứng dụng thành công trong việc dự báo điểm cháy rừng. Trong tương lai, công nghệ này sẽ được triển khai trên nhiều lĩnh vực như nghiên cứu tài nguyên, địa hình... Tuy nhiên, hiện nay công nghệ nay chưa được quan tâm đúng mức.
GS.TS Phạm Văn Cự, một trong những nhà khoa học tham gia dự án viễn thám đầu tiên của Việt Nam nhớ lại, năm 1997 đánh dấu bước khởi động về hoạt động nghiên cứu viễn thám ở Việt Nam bằng việc chúng ta tham gia dự án hợp tác nghiên cứu viễn thám với cộng đồng châu Âu. Cũng năm đó, họ có gửi một trạm thu vệ tinh xách tay lắp đặt thử nghiệm tại Việt Nam và những bức ảnh viễn thám đầu tiên ở Việt Nam đã được thu thành công. Đây là tiền đề cho dự án xây dựng trạm thu tín hiệu vệ tinh viễn thám ở Việt Nam. Mặc dù vậy phải mất đến 5 năm sau đó, những công nghệ này mới được ứng dụng thực sự ở Việt Nam (mùa khô năm 2002).
Phát hiện cháy kịp thời
Công nghệ thu ảnh vệ tinh để dự báo điểm cháy rằng từ ảnh NOAA- AVHRR dựa vào nguyên lý đó là tìm ra các dị thường về nhiệt, so sánh với các chỉ thị điểm cháy, điểm nóng để đưa ra cảnh báo. Ảnh thu nhận được từ hệ thống vệ tinh NOAA, hệ thống vệ tinh TERRA và hệ thống vệ tinh ACQUA.
Tính đến thời điểm này, hệ thống vệ tinh NOAA đã phát triển đến thế hệ 17 trong đó chúng ta sử dụng ảnh của vệ tinh 12 và 16 . Các vệ tinh này có độ phủ 2000 km/chiều (toàn bộ diện tích lãnh thổ Việt Nam). Một ngày, trạm thu nhận được khoảng sáu ảnh trong đó có ba ảnh ban đêm, ba ảnh ban ngày.
Tuy nhiên trong trường hợp hai vệ tinh bay sát nhau thì chỉ có thể thu được bốn ảnh (số ảnh tối thiểu). Hạn chế của ảnh NOAA- AVHRR là độ phân giải chỉ trong phạm vi một km nên khó có thể biết chính xác tuyệt đối điểm cháy ở phạm vi đó.
Vệ tinh đầu tiên được lắp đặt tại Việt Nam năm 1997 trong dự án hợp tác nghiên cứu viễn thám với cộng đồng châu Âu (ảnh N.T).
Hiện tại, chúng ta được sử dụng miễn phí khi thu tín hiệu từ ba hệ thống vệ tinh trên. Công việc của các nhà khoa học thuộc Trung tâm Viễn thám và Geomatics là thu nhận tính hiệu từ trạm thu, sử dụng phần mềm phân tích để đưa ra ảnh viễn thám, sau đó là đưa ra các dự báo. Sáu giờ chiều hằng ngày, Trung tâm gửi kết quả dự báo cháy cho Cục Kiểm lâm qua đường thư điện tử, sau đó Cục Kiểm lâm sẽ chuyển cho Chi cục kiểm lâm địa phương. Từ khi đưa hệ thống viễn thám vào phục vụ công tác dự báo cháy rừng, các nhà khoa học đã phát hiện và kịp thời cảnh báo nhiều vụ cháy như cháy rừng U Minh Thượng, cháy chợ Cần Thơ...
Không chỉ dự báo cháy rừng
Để có được kết quả như ngày hôm nay, GS Phạm Văn Cự đánh giá rất cao tinh thần hợp tác của Bộ NN&PTNT, đặc biệt là Cục Kiểm lâm. Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí cho dự án viễn thám, Cục Kiểm lâm còn hỗ trợ bằng việc mua thông tin dự báo cháy rừng hàng ngày cũng như tích cực triển khai ứng dụng công nghệ đến các Chi cục kiểm lâm địa phương.
Thành công lớn nhất của sự hợp tác này là sự ra đời của Trung tâm liên ngành viễn thám GIS, bao gồm sự hợp nhất của Trung tâm viễn thám và Geomatics với Trung tâm thông tin và tư vấn lâm nghiệp (Viện Điều tra quy hoạch rừng, Bộ NN&PTNT). Sự liên kết này sẽ tạo điều kiện cho những nhà lâm nghiệp có điều kiện tiếp cận với lĩnh vực viễn thám để phục vụ công tác nghiên cứu của mình, còn người dân thì có được những kết quả nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao phục vụ cuộc sống.
Trong thời gian tới, các nhà khoa học của Trung tâm Viễn thám và Geomatics mong muốn có thể đào tạo, chuyển giao công nghệ cho các cán bộ Cục Kiểm lâm để họ có thể chủ động quản lý, sử dụng tốt hơn công nghệ này.
Tuy nhiên, GS Phạm Văn Cự nhấn mạnh, những thông tin dự báo chỉ là một công cụ hỗ trợ cho công tác phòng chống cháy rừng chứ không thể giải quyết dứt điểm tình trạng này, điều quan trọng vẫn là nhận thức của con người. Vì vậy, cần có sự tuyên truyền, giáo dục người dân ý thức giữ gìn, bảo vệ rừng cũng như tính toán việc quy hoạch sử dụng hợp lý đất nông nghiệp, đẩy mạnh công tác xoá đói giảm nghèo.
Công nghệ viễn thám không chỉ dừng lại ở việc dự báo cháy rừng mà nó còn giải quyết được nhiều vấn đề như xây dựng bản đồ tài nguyên nước, mùa màng, cung cấp tình trạng lớp phủ thực vật, diễn biến cây trồng đặc biệt là cây lúa tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng, tính toán chỉ số thực vật trên toàn lãnh thổ để đưa ra bài toán khô hạn...
Một trạm thu tín hiệu vệ tinh trị giá 30.000 USD đã được đặt ở trụ sở của Trung tâm viễn thám và Geomtic (340 Bạch Đằng, Hoàn Kiếm, Hà Nội)- “như vậy đã là quá đủ”- GS Phạm Văn Cự khẳng định. Song điều quan trọng vẫn là cách khai thác và sử dụng nó thể nào cho hiệu quả, bài toán đó xem ra còn phải chờ câu giải đáp từ phía các nhà quản lý.
Bài và ảnh: Ngọc Thanh