Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Bình luận khoa học Chủ nhật, 22/12/2024 , 01:13 pm
Cập nhật : 07/03/2013 , 09:03(GMT +7)
Chọn tháp ngà hay truyền thông đại chúng?
Carl Sagan xuất hiện trong một chương trình truyền hình khoa học.
Giới khoa học thường hay bị chỉ trích sống trong tháp ngà, chẳng quan tâm gì đến thế giới bên ngoài, bởi có một thời họ ngự trị trong các đại học, tự do theo đuổi những ý tưởng có khi chẳng liên quan gì đến thực tế. Ngày nay, một trong những tiêu chuẩn đề bạt các chức danh khoa học là “đóng góp cho cộng đồng”, hiểu theo nghĩa quảng bá khoa học, và báo cáo cho công chúng biết mình đã nghiên cứu cái gì, đạt được những thành tựu nào.

Cuộc khảo sát từ nước Pháp

Tuy tiêu chuẩn này không quan trọng bằng tiêu chuẩn học thuật, nhưng bất cứ hội đồng khoa bảng nào cũng đòi hỏi ứng viên giáo sư chứng minh được mình đã có tương tác với công chúng và cộng đồng ngoài khoa học. Tương tác với truyền thông đại chúng cũng là một cách để báo cáo cho công chúng (những người đóng thuế tài trợ cho nghiên cứu khoa học) những việc họ đã làm và thành tựu ra sao. Do đó, tương tác với truyền thông không chỉ là nghĩa vụ của nhà khoa học, mà còn là một cách nói lời cám ơn đến người dân.

Nhưng có một quan điểm khác trong giới khoa học, cho rằng tiếp xúc với giới truyền thông đại chúng là vô bổ, thậm chí các phóng viên là người có thể giúp nhưng cũng có thể làm tiêu tan sự nghiệp nhà khoa học! Một quan điểm phổ biến khác cho rằng những nhà khoa học làm việc phổ thông hoá khoa học là những người kém cỏi, hết ý tưởng nên mới làm mấy việc “tào lao” như thế. Theo quan điểm này, nhà khoa học xuất hiện trên hệ thống truyền thông đại chúng sẽ bị đồng nghiệp nghĩ khác về mình. Việc đồng nghiệp không ưa là không có lợi cho nhà khoa học vì có thể ảnh hưởng đến việc xin tài trợ cho nghiên cứu.

Carl Sagan, một nhà khoa học nổi tiếng vì những cuốn sách phổ thông, không được đại học Harvard cho vào biên chế (tenure). Viện Hàn lâm khoa học Hoa Kỳ cũng bác bỏ đề cử Sagan chức danh viện sĩ. Tài liệu của Royal Society của Anh (tương đương với viện hàn lâm) cho rằng những người viết sách khoa học phổ thông (giống như Carl Sagan) là “những người không đạt chuẩn cho sự nghiệp hàn lâm”.

Nhưng có thật sự họ là những người “chưa đạt” không? Trong thực tế, khi người ta xem lại lý lịch của Carl Sagan thì thấy tính từ năm 1957 – 1996, ông công bố trung bình một bài báo khoa học mỗi tháng! Xin nhấn mạnh là bài báo khoa học, chứ không phải bài báo trên báo chí đại chúng. Đó là một năng suất rất đáng nể. Từ đó, người ta nghĩ rằng việc ông bị bác bỏ vào viện Hàn lâm khoa học Hoa Kỳ chỉ đơn giản là vì ông bị… ghét. Ghét vì thấy ông cứ xuất hiện trên hệ thống truyền thông, và viết sách làm cho ông… nổi tiếng!

Do đó, một nhóm nhà khoa học Pháp quyết định làm một cuộc khảo sát để trả lời câu hỏi đơn giản: có phải những nhà khoa học hay tiếp xúc với giới truyền thông đại chúng là những người xoàng và có năng suất khoa học thấp?

Kết quả: làng nhàng mới chọn tháp ngà

Để trả lời câu hỏi đó, họ nghiên cứu 3.659 nhà khoa học thuộc CNRS (một cơ quan giống như liên viện Nghiên cứu của Pháp) từ năm 2004 – 2006. Các nhà khoa học này thuộc năm ngành chính: khoa học tự nhiên, y sinh học, kỹ thuật, hoá học, khoa học vật lý địa cầu. Họ chia thành hai nhóm: nhóm có tiếp xúc với truyền thông đại chúng, và nhóm không tiếp xúc. Sau đó, họ truy tìm trong cơ sở dữ liệu của Web of Science (Thomson ISI) về thành tích công bố khoa học của từng người. Họ tính chỉ số Hy cho từng nhà khoa học. Hy là chỉ số H chia cho thời gian tham gia nghiên cứu. Kết quả cho thấy những người tiếp xúc với truyền thông đại chúng có chỉ số Hy cao hơn những người ngồi trong tháp ngà (xem bảng dưới). Theo bảng này, mức độ khác biệt khá đáng kể trong ngành khoa học tự nhiên, y sinh, và khoa học trái đất. Riêng hai ngành kỹ thuật và hoá học, mức độ khác biệt không đáng chú ý.

Ai là những người hay tiếp xúc giới truyền thông đại chúng? Phân tích sâu thêm, các tác giả có thể phác hoạ “chân dung” của những nhà khoa học đó như sau: giữ vị trí cao trong bậc thang khoa học; người ở vị trí càng cao càng hay tiếp xúc với truyền thông; người càng trẻ tuổi càng tiếp xúc nhiều hơn so với người trên 60 tuổi; và nữ thường tích cực hơn nam trong giao tiếp với giới truyền thông.

Những kết quả trên cho thấy quan điểm những nhà khoa học hay tiếp xúc với truyền thông đại chúng là xoàng hoàn toàn sai. Nếu xem Hy là thước đo của thành tích và uy danh khoa học thì dữ liệu thực tế cho thấy nhà khoa học hay tiếp xúc với truyền thông đại chúng thật ra có thành tích khoa học cao hơn và năng suất khoa học cao hơn so với những người ngồi trong tháp ngà.

Ý kiến cho rằng những nhà khoa học tiếp xúc truyền thông là người sắp nghỉ hưu cũng không có cơ sở khoa học. Ngược lại, người hay tiếp xúc truyền thông thường là các nhà khoa học tương đối trẻ. Ngoài ra, giả thuyết cho rằng phổ thông hoá khoa học là do nhu cầu của giới khoa học tinh hoa có vẻ nhất quán với kết quả phân tích.

Có không ít nhà khoa học nghĩ rằng truyền thông đại chúng không phải là nơi xứng đáng để họ phát biểu, một số khác thì ngại rằng viết báo đại chúng sợ không đảm bảo được thuật ngữ và làm người ta xem thường.

Ở Việt Nam, quan điểm xa lánh truyền thông đại chúng của giới khoa học cũng khá phổ biến. Có không ít nhà khoa học nghĩ rằng truyền thông đại chúng không phải là nơi xứng đáng để họ phát biểu, một số khác thì ngại rằng viết báo đại chúng sợ không đảm bảo được thuật ngữ và làm người ta xem thường. Nhưng Albert Einstein từng nói rằng nếu nhà khoa học không giải thích được những gì họ làm bằng một thứ ngôn ngữ đơn giản thì chính họ cũng chẳng hiểu họ làm cái gì. Trong bối cảnh hoạt động khoa học còn nhiều hạn chế như ở Việt Nam, những quan điểm trên cần phải xem xét lại, bởi vì bản thân những “tên tuổi” thật ra cũng rất lu mờ trên trường khoa học, có lẽ lý giải “tên tuổi” của họ chỉ là một cách biện minh cho cá nhân hơn là cho lý tưởng khoa học. Ở Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng qua những cuốn sách phổ thông đã giải thích một cách tuyệt vời những mối tương tác phức tạp giữa các hormon trong cơ thể, và đó là một đóng góp rất có ý nghĩa.

Kết quả phân tích của các nhà khoa học Pháp cho thấy phổ thông hoá khoa học (như Carl Sagan làm) và tiếp xúc với truyền thông đại chúng có lợi cho chính các nhà khoa học. Các nhà khoa học tiếp xúc với truyền thông đại chúng không phải là những người xoàng; ngược lại, họ có năng suất khoa học cao hơn và ảnh hưởng khoa học cũng cao hơn các đồng nghiệp ngồi trong tháp ngà.

 

Nguồn tin: Sài Gòn Tiếp thị

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner