Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ hai, 25/11/2024 , 07:39 pm
Cập nhật : 23/03/2015 , 17:03(GMT +7)
Chip vi mạch Việt Nam: Lời nói thật của người trong cuộc
Ths Ngô Đức Hoàng giới thiệu sản phẩm chip do ICDREC sản xuất
Việc nghiên cứu chế tạo thành công chip vi mạch đầu tiên tại Việt Nam là niềm tự hào của giới khoa học trong nước. Tuy nhiên việc đưa sản phẩm ra thị trường gặp khó khăn bởi có quá nhiều rào cản.

Nghiên cứu thành công rồi nhưng chưa đủ

ThS Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch thành phố Hồ Chí Minh (ICDREC) đã chia sẻ về trăm ngả khó khăn để đưa thương hiệu chip "Made in Viet Nam' ra thị trường.

Theo Ths Ngô Đức Hoàng, thực tế ở nước ngoài hầu như các công ty làm ra chip họ sẽ bán cho các công ty làm thiết bị, các nhà sản xuất. Các nhà sản xuất này sẽ làm ra thiết bị cuối cùng và đưa vào phân phối.

Chu trình đó thông thường khá rõ. Ví dụ như Intel làm ra chip sẽ bán ra cho các nhà sản xuất máy tính, Qualcomm làm ra chip bán cho các nhà sản xuất điện thoại di động như HTC, Samsung...Nhưng nếu muốn chuyển giao con chip giống như một mô hình bình thường của nước ngoài để áp vào Việt Nam hiện nay là không có nhiều.

Theo ông Hoàng, đúng ra ICDREC chỉ nên dừng lại ở việc nghiên cứu và sản xuất ra chip, nhưng hiện nay phải sản xuất luôn cả thiết bị.

"Đó là lý do tại sao chúng tôi phải dùng con chip SG-8V1 để làm ra hơn 30 sản phẩm khác nhau. Tại sao vậy? Đó là vì chúng tôi phải chứng minh luôn cho các nhà sản xuất thiết bị quen mua bo mạch, bảng mạch từ nước ngoài về thấy rằng chip Việt Nam có khả năng ứng dụng vào thiết bị của họ như vậy", ông Hoàng cho biết.

Lý giải thêm điều này, ông Hoàng dẫn thực trạng nền công nghiệp 40 năm qua công nghiệp điện tử ở trong trạng thái quá lâu là gia công, lắp ráp. Các nhà sản xuất thường mua nguyên bảng mạch gần như đầy đủ hết của các nước ngoài mà thực tế phần nhiều của Trung Quốc rồi bảo hộ ghi tên của mình vào đó.

Với kiểu làm đó làm cho giá trị gia tăng của Việt Nam đi vào sản phẩm rất ít (chỉ khoảng 3-5%) dựa vào giá nhân công lắp ráp. Đồng thời cách này làm triệt tiêu luôn sự sáng tạo của người Việt và dần mất đi việc nắm bắt công nghệ tận gốc mà chỉ còn khai thác nguồn. “Đến khi chúng ta có thể tự làm ra chip để đưa vào trong sản phẩm để hy vọng có thể nắm được từ A-Z, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm thì phía sản xuất thiết bị lại không có người tiếp nhận nó", ông Hoàng tiết lộ.

Ông Hoàng cho biết thêm, với việc sản xuất con chip thành công như hiện nay có thể làm ra được 500-600 sản phẩm khác nhau. Khi đó với mỗi nhà sản xuất thiết bị nào đó (ví dụng người làm trong ứng dụng về giao thông, máy lạnh... ) họ phải có đội ngũ tiếp nhận con chip đó để tiếp tục phát triển lên.

Như vậy giá trị gia tăng sẽ được chia ra, người làm chip nhận được phần làm chip, người sản xuất thiết bị cũng nhận được giá trị từ chip tốt nhưng với điều kiện có đội ngũ tiếp nhận và phát triển lên theo đúng ý mình.

"Nhưng phải nói thật lòng là đội ngũ này hiện nay còn khá yếu.Chúng tôi hiện vẫn đang đi tìm kiếm và cũng đã có một số doanh nghiệp đồng ý đưa chip của ICDREC vào thay thế chip ngoại nhập vì họ có đội ngũ tiếp nhận. Song những công ty như thế không nhiều", ông Hoàng nói.

Thay đổi tâm lý người dùng

Ông Hoàng cho biết, có 3 điều ICDREC cần chứng minh cho các doanh nghiệp thấy việc dùng chip Việt Nam sẽ được gì.

Thứ nhất đó là nếu dùng chip Việt sẽ làm cho giá rẻ hơn nhiều so với chip nước ngoài, kể cả chip Trung Quốc.

Thứ hai là nếu làm chủ được công nghệ, dù khách hàng có yêu cầu mới hay bất cứ biến động gì doanh nghiệp có thể thích ứng được ngay.

"Nói điều này là vì thực tế hiện nay ở ta có quá nhiều công ty sản xuất ra thiết bị nhưng lõi hoàn toàn của nước ngoài. Đến khi khách hàng có yêu cầu thay đổi thì họ lại phải đặt hàng chuyên gia - nơi sản xuất là bảng mạch - nghiên cứu và thay đổi cho họ. Như thế sẽ mất rất nhiều thời gian và phải trả giá rất cao.

Đã có trường hợp nước ngoài họ bán bảng mạch ban đầu với giá không cao nhưng khi cần nâng cấp lên hay điều chỉnh những gì phát sinh thêm (mà phia cung cấp bảng mạch họ biết rõ là sẽ có điều này), thì khi đó người mua phải chấp nhận với giá rất cao. Khi đó thì chắc chắn mọi việc đã lỡ nên dù có giá nào cũng phải chạy theo", ông Hoàng chia sẻ.

Thứ ba nữa, cũng phải chứng minh để cộng đồng sản xuất thiết bị ở Việt Nam có niềm tin vào chip Việt. Hiện nay nhiều người vẫn tự ti cho rằng làm sao Việt Nam có thể làm được hay làm thì chất lượng cũng không đảm bảo. Chính vì vậy ICDREC đã phải chứng minh bằng sự thật, người thật, sản phẩm thật để xóa đi sự hồ nghi đó.

Nhưng theo ông Hoàng có một thực tế không phải chỉ có tâm lý không tin vào chip Việt, hay không có lực lượng R&D mà còn những yếu tố khác chi phối.

Trên thực tế sản phẩm của ICDREC vừa qua đã thắng thầu và được Tổng công ty Điện lực TPHCM đặt hàng 3.000 thiết bị (DCM - Data Concentration Modem) sử dụng trong các ứng dụng thu thập dữ liệu từ xa nói chung, dữ liệu thu thập qua giao tiếp RS232/RS485 và truyền về trung tâm qua GSM/GPRS.

"Hiện nay ngành điện lực đã bắt đầu tin vào sản phẩm. Họ cũng đã tín nhiệm ICDREC nhưng họ lo một Trung tâm nghiên cứu thì tiềm lực sản xuất có thể đảm bảo tới cỡ nào. Việc sản xuất vài nghìn bộ thì không thành vấn đề nhưng nếu là hàng trăm nghìn bộ thì sản xuất ở đâu, vốn ra sao? Đây cũng là điều lo lắng", ông Hoàng chia sẻ.

Đó là còn chưa kể hiện có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang núp bóng, đầu tư tại Việt Nam, nhập tới 99% nhưng lại do người Việt lắp ráp và nhà máy đặt tại Việt Nam nên vẫn xem là hàng sản xuất trong nước. Vậy thì chúng ta có nên xác lập trở lại đâu là hàng Việt Nam, sản phẩm của người Việt Nam?. Cần phân biệt rõ mới mong đẩy được sản phẩm chip Việt vào.

Theo ông Hoàng, nếu một sản phẩm có cơ hội "lăn lóc" trên sân nhà sẽ có nhiều bài học và kinh nghiệm thì khi đó nói chuyện xa xôi hơn là vươn ra thị trường nước ngoài mới có cơ hội chiến thắng.

Thành lập năm 2005, trực thuộc Đại học Quốc gia TP HCM, 3 năm sau Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế vi mạch (ICD REC) công bố chế tạo thành công chip xử lý 8 bit đầu tiên của Việt Nam có tên SigmaK3. Một năm sau, Trung tâm tiếp tục cho ra đời chip vi xử lý VN801, phiên bản có tính năng cao hơn, hiệu suất tốt hơn so với chip SigmaK3.

Năm 2009, theo đơn đặt hàng của Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, ICDREC phải sản xuất một con chip có thể thương mại hóa, giảm bớt sự phụ thuộc vào vi mạch nước ngoài đồng thời bảo mật thông tin kinh tế, an ninh, quốc phòng. Được chọn làm đơn vị đặt nền móng cho nền công nghiệp vi mạch Việt, con chip có tên SG8V1 được các nhà khoa học của ICDREC dần thai nghén.

Sau 4 năm, chip SG8V1 có 8 bit, RAM 16 kb, bộ nhớ chương trình 128 kb ra đời. Cuối năm 2014, chip SG8V1 được trao giải nhất “Nhân tài Đất Việt”.

Hiện có hơn 150.000 con chip SG8V1 do Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế vi mạch (ICD REC) sản xuất lần đầu ở Việt Nam được đưa ra thị trường tiêu thụ cuối năm 2014. Chip “made in Vietnam” có tính năng và thông số vượt trội so với chip cùng loại của hãng Microchip nhưng giá bán thấp hơn 30.000 đồng.

 

 

 

 

Nguồn tin: Khám phá

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner