Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Chính sách KH&CN Thứ sáu, 22/11/2024 , 10:38 pm
Cập nhật : 12/08/2015 , 22:08(GMT +7)
Chính sách ưu đãi thu hút nhân lực KH&CN trình độ cao còn bất cập, thiếu đồng bộ
TS Trần Đắc Hiến, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ KH&CN (ảnh MC)
Thu nhập và tạo môi trường làm việc là 2 vấn đề trọng tâm có ý nghĩa chiến lược trong việc xây dựng chính sách thu hút và sử dụng nhân lực khoa học và công nghệ (KH&CN) trình độ cao người Việt Nam làm việc tại nước ngoài cũng như ngoài nước ngoài đến Việt Nam làm việc - TS Trần Đắc Hiến, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ KH&CN cho biết trong cuộc phỏng vấn với PV cổng thông tin truyenthongkhoahoc.vn.

Bộ KH&CN đề ra mục tiêu đến năm 2020 hình thành 25 Viện nghiên cứu tiên tiến, trung tâm nghiên cứu xuất sắc theo chuẩn mực quốc tế do các nhà khoa học Việt Nam đầu ngành ở trong nước hoặc nước ngoài giữ vị trí lãnh đạo khoa học. Để đạt được mục tiêu này, vấn đề đầu tiên đặt ra, liệu chính sách thu hút nguồn nhân lực KH&CN có chất lượng sẽ được triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới. TS Trần Đắc Hiến đã có cuộc trao đổi rất thẳng thắn về vấn đề này.

Trách nhiệm của các Bộ, Ngành nhưng cũng của chính cộng đồng khoa học

Việc thu hút chuyên gia trong nước và nước ngoài về Việt Nam hoạt động KH&CN thì hiện nay vấn đề đang đặt ra lớn nhất là gì, thưa ông?

Vấn đề thu hút và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trình độ cao là người Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam làm việc được Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xác định là một nhiệm trọng tâm. Trong nhiều Nghị quyết của Đảng cộng sản Việt Nam đã khẳng định cộng đồng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là cầu nối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước, là nguồn nhân lực có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã đề ra chủ trương, phương hướng và nhiệm vụ chủ yếu để triển khai thực hiện vấn đề này. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thu hút trí thức khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Kết luận số 86-KL/TW ngày 24/01/2014 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, trong đó đã đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp quan trọng để thu hút nhân tài cho đất nước; đề ra mục tiêu đến năm 2020 thu hút được ít nhất 1000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ (tiến sỹ khoa học dưới 35 tuổi, tiến sỹ dưới 32 tuổi, thạc sỹ dưới 25 tuổi, sinh viên giỏi dưới 25 tuổi) vào làm việc trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang và doanh nghiệp nhà nước. Và còn rất nhiều các văn bản pháp luật khác liên quan đến vấn đề này đã được ban hành trong thời gian qua.

Có thể nói, những chính sách về thu hút và sử dụng tri thức người Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam làm việc đến hiện tại là tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, việc thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực trình độ cao này trên thực tế là vấn đề hết sức khó khăn bởi có nhiều rào cản. Có 2 yếu tố điển hình: thứ nhất là môi trường, điều kiện làm việc (bao gồm cả điều kiện cơ sở vật chất để phục vụ cho hoạt động KH&CN và môi trường học thuật chuyên nghiệp); thứ hai là chính sách đối với nhà khoa học chưa đủ mạnh, chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút, giữ chân các nhà khoa học ở lại Việt Nam làm việc lâu dài, gắn bó với sự nghiệp phát triển khoa học của Việt Nam. Những chính sách đã được ban hành thì cũng còn khá chung chung, chưa được cụ thể hóa như chính sách về ưu đãi thu nhập, nhà ở…

Vậy thì trách nhiệm đó của ai, thưa ông?

Trách nhiệm này trước hết thuộc về các Bộ, Ngành liên quan với tư cách là cơ quan tham mưu cho Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các cơ chế chính sách ưu đãi, các thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài hoặc người nước ngoài về Việt Nam làm việc. Bên cạnh đó, trách nhiệm này còn thuộc về chính cộng đồng khoa học, các tổ chức KH&CN trong việc xây dựng môi trường văn hóa, môi trường học thuật thực sự chuyên nghiệp, hợp tác có trách nhiệm, hiệu quả. Không ai có thể xây dựng và vận hành môi trường đó tốt hơn chính các nhà khoa học.

Lương không phải là tất cả

Trong số những bất cập về chính sách thu hút nhân lực KH&CN trình độ cao, có thể lấy một ví dụ, đó là vấn đề lương. Một nhà khoa học hiện nay, mức lương cơ bản chỉ khoảng vài triệu đồng, rất thấp so với mức lương nếu họ làm việc tại nước ngoài, vậy theo ông những vấn đề như vậy sẽ được giải quyết như thế nào?

Trong các chính sách đã ban hành, đặc biệt chính sách của các địa phương về việc thu hút và trọng dụng các chuyên gia khoa học công nghệ trình độ cao đến làm việc cho thấy các vấn đề này đã được dần giải quyết. Ví dụ như thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành chính sách ưu đãi tương đối hấp dẫn với mức lương có thể lên đến 150 triệu đồng/tháng đối với nhà khoa học làm việc tại một số cơ sở nghiên cứu của thành phố. Tuy nhiên, tôi cần nhấn mạnh, đối với nhà khoa học, lương không phải là tất cả, điều quan trọng là môi trường làm việc, cơ hội được thể hiện, được cống hiến.

Với những chính sách ưu đãi đó, ông có thể cho biết, số lượng chuyên gia khoa học công nghệ trình độ cao có thay đổi hơn so với trước đây hay không? Ông đánh giá như thế nào về sức thu hút nguồn nhân lực này hiện nay?

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, thu hút trí thức KHCN giỏi về nước làm việc không phải là việc dễ dàng và đơn giản. Kinh nghiệm thực tiễn của một số nước trên thế giới cho thấy đây là vấn đề phức tạp và khó khăn. Thực tế hoạt động này ở Trung Quốc và Ấn Độ đã cho thấy trong thời gian dài phần lớn các nỗ lực đều thất bại, mà nguyên nhân chủ yếu là khoảng cách cũng như sự khác biệt về điều kiện làm việc, thu nhập, môi trường học thuật. Không ít trường hợp về nước làm việc một thời gian rồi lại trở ra nước ngoài vì môi trường, điều kiện làm việc trong nước không phù hợp, không đáp ứng yêu cầu.

Đối với nhà khoa học, lương không phải là tất cả, điều quan trọng là môi trường làm việc, cơ hội được thể hiện, được cống hiến (ảnh MC)

 Đối với Việt Nam, việc thu hút trí thức khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc những năm qua cũng bước đầu đạt một số kết quả khả quan. Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, mỗi năm có khoảng trên 200 lượt trí thức kiều bào từ các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, Nhật, Australia... được mời về làm việc với các bộ ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học hoặc doanh nghiệp công nghệ. Đã có một số lĩnh vực hợp tác nghiên cứu hiệu quả như tin học và ứng dụng tin học, điện tử, viễn thông, y học, vật liệu composit, xây dựng, chế biến và bảo quản thực phẩm, giống cây trồng, xử lý chất thải công nghiệp...

Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì việc thu hút và sử dụng trí thức khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc còn nhiều bất cập, gặp không ít rào cản cả về chủ quan lẫn khách quan. Điển hình như hệ thống chính sách về ưu đãi thu hút nhân lực trình độ cao hiện hành thiếu đồng bộ và thiếu khả thi đối với từng đối tượng, lĩnh vực cần thu hút. Các chính sách này chưa đủ mạnh để thu hút trí thức khoa học và công nghệ giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài về nước tham gia giải quyết những vấn đề KH&CN quan trọng của bộ, ngành, địa phương, đất nước. Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi thu hút còn rời rạc, hình thức; kinh phí để triển khai thực hiện chính sách vừa ít, vừa thiếu, thủ tục tài chính còn rườm rà, phức tạp. Nhìn chung thì vẫn còn nhiều hạn chế, chính vì vậy, chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu các chính sách hoặc đổi mới các chính sách hiện có để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài hoặc ở nước ngoài đến Việt Nam làm việc.

Hiện nay chúng ta đã làm gì để thay đổi những tồn tại này, thưa ông?

Trong những năm qua, Bộ KH&CN đã nỗ lực phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan để đổi mới chính sách cho phù hợp với thực tế hơn theo hướng tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho các nhà khoa học làm việc và mang tính đột phá. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng. Tôi có thể lấy ví dụ ngày 18/5/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định về việc thành lập Viện khoa học Việt Nam- Hàn Quốc. Đây sẽ làmôi trường có thể thu hút, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà khoa học, các chuyên gia khoa học giỏi đến Việt Nam làm việc. Tại Viện này, các nhà khoa học sẽ được làm việc trong một môi trường thực sự khoa học, chuyên nghiệp, được hưởng những chính sách ưu đãi về thu nhập, điều kiện sống và sinh hoạt tốt nhất.

Thưa ông, trong bối cảnh có rất nhiều vướng mắc cần tháo gỡ thì chiến lược chính sách ưu đãi sẽ tập trung vào vấn đề gì?

Theo tôi, chính sách nên tập trung vào hai vấn đề vướng mắc. Thứ nhất là các chính sách về thu nhập, tất nhiên, thu nhập không phải là vấn đề có yếu tố quyết định nhưng nó là điều kiện rất cơ bản, không thể thiếu được. Bởi các nhà khoa học khi về nước phải được đáp ứng các yêu cầu thu nhập, sinh hoạt không thể kém hơn xa so với nước sở tại họ đang làm việc. Thứ hai là cần có giải pháp để tạo lập môi trường làm việc khoa học và thực sự chuyên nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Châu (Thực hiện)


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner