Có một điều có thể khẳng định rằng chẳng nước nào tiến hành chiến dịch thu gom tài nguyên toàn cầu với mức độ diện rộng và quy mô bằng Trung Quốc hiện nay. Đói tài nguyên nghiêm trọng cho kế hoạch phát triển “như điên” là bằng chứng giải thích cho “cơn lên đồng” tìm kiếm và thu gom tài nguyên của họ, nhưng bên cạnh đó cũng còn ẩn chứa không ít lý do khác, một sự thật cốt lõi nằm sau một sự thật bề mặt...
Trong bài viết đề ngày 27/2/2010 (trên voxeu.org - cổng thông tin của Trung tâm Nghiên cứu chính sách kinh tế - CEPR), Theodore H. Moran (Giáo sư Đại học “Georgetown, tác giả quyển China's Strategy to Secure Natural Resources: Risks, Dangers, and Opportunities” mới ấn hành) nhắc lại rằng, nhiều người bắt đầu lo ngại chuyện Trung Quốc có thể đang cố "khóa" nguồn tài nguyên thiên nhiên thế giới để có thể không chỉ thu vén cho riêng mình mà chiến lược này còn giúp họ mở rộng sự kiểm soát các ngành công nghiệp khai khoáng thế giới.
Nói thẳng ra là Trung Quốc đang "tích trữ đầu cơ" nguồn tài nguyên toàn cầu để "làm giá" (khi gần như tất cả các nguồn đã được thâu tóm và họ trở thành "nhà cung cấp độc quyền"), để "làm reo" (như một lá bài mặc cả trên thương trường hoặc thậm chí ngoại giao) và để "làm giàu" (tất nhiên!). Trong quan hệ với khối ASEAN, người ta có thể thấy cụ thể hơn, khi Trung Quốc dùng ASEAN như một thị trường để bán hàng thành phẩm giá cao trong khi họ mua nguyên liệu thô của khu vực này với giá thấp.
Thật ra, "tầm nhìn" của Trung Quốc về chiến lược tài nguyên thậm chí vượt khỏi cái gọi là "nhu cầu thị trường" hay "kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia". Chiến lược thu gom tài nguyên của Trung Quốc thực chất là chiến lược, tương tự Mỹ cách đây một thế kỷ nhưng theo hướng khác. Sự khác biệt nằm ở chỗ, Trung Quốc kết hợp giữa nhu cầu phát triển kinh tế thật sự với mục tiêu và viễn kiến bành trướng chính trị.
|
Tổng thống Sudan Omar al-Bashir (phải) tiếp một đoàn doanh nhân Trung Quốc đến nước mình vào tháng 4/2010 - Wall Street Journal. |
Trung Quốc có thể được định nghĩa là một cường quốc siêu thực tế (Sber-realist power). Đến châu Phi, họ chỉ đặt trọng tâm với chiến dịch đầu tư vào những quốc gia dồi dào nguồn dầu cũng như khoáng sản. Khu vực vành đai Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cũng tương tự. Nói cách khác, những quân cờ của họ luôn được đặt tại những địa điểm xung yếu mang lại ưu thế địa chính trị.
Chỉ riêng với châu Phi, Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ cho biết, Trung Quốc hiện là đối tác lớn thứ hai của Lục địa đen, sau Mỹ, với quan hệ mậu dịch - đầu tư trị giá hơn 100 tỉ USD.
Trong 40 hiệp định đầu tư song phương mà Trung Quốc ký chỉ từ năm 1995 đến 2003, 18 hiệp định là với các nước châu Phi. Trung Quốc mua gần như mọi nguyên liệu cho công nghiệp mà châu Phi có: gỗ từ Congo; đồng từ Zambia; mănggan từ Gabon...
|
Trung Á là một ví dụ, thể hiện ở hai đường ống dẫn dầu (dẫn đến Tân Cương) sắp hoàn thành: một chuyển dầu từ biển Caspian băng ngang Kazakhstan; và một chuyển khí đốt từ Turkmenistan ngang Uzbekistan và Kazakhstan. Không thuần túy đầu tư kinh doanh, họ còn nhắm đến mục tiêu khống chế sức mạnh Nga tại khu vực Trung Á và Viễn Đông. Khó có thể nói họ chỉ là những công ty làm kinh tế đơn thuần (như các công ty phương Tây khi mở nhà máy tại nước ngoài), khi lại xây dựng hạ tầng chỉnh chu và tổ chức đưa dân họ đến lập nghiệp như một chiến lược định cư lâu dài và có chủ định.
Trong bài viết trên The Telegraph (16/7/2009), cây bút David Blair cho biết, Moskva đã bắt đầu lo ngại khi nhìn thấy sự vươn tay của Trung Quốc, thể hiện ở các "ngôi làng người Hán" mới mọc theo sau sự xuất hiện các công ty khoáng sản Trung Quốc tại khu vực Viễn Đông. Dù Trung Quốc luôn nói "chúng tôi chỉ đến khai thác khoáng sản thôi!" nhưng chỉ cần băng qua khu vực biên giới mà bên kia chỉ có 7 triệu người Nga (vùng Viễn Đông), người ta đã thấy ngay bên này là 3 tỉnh với khoảng 100 triệu dân Trung Quốc. Liệu việc khai thác khí đốt, dầu, gỗ, kim cương và vàng tại khu vực trên có cần một lực lượng công nhân hùng hậu đến 100 triệu người?
Gút lại, có thể lấy nhận xét của Robert D. Kaplan trong bài viết trên Foreign Affairs (tháng 5 và 6/2010) làm kết luận, rằng: "Sự thâu tóm nguồn tài nguyên là mục tiêu của chính sách ngoại giao Trung Quốc"!
CAND