Từ sau thảm họa hạt nhân Chernobyl, vùng đất cấm quanh lò phản ứng hạt nhân của Ucraine đã trở thành một trong những vùng hoang dã rộng lớn nhất châu Âu.
Theo hợp đồng với Hiệp hội Vườn thú Frankfurt, nhà sinh thái học Michael Brombacher đã đi khảo sát khu vực cấm xung quanh lò phản ứng đã bị phá hủy này. Và trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí tin tức Focus, ông cho biết, 27 năm sau thảm họa hạt nhân ở Chernobyl vùng đất cấm xung quanh lò phản ứng tai họa này là một thiên đường của các loài động vật như hươu, nai, sói, gấu và các loài thú lớn khác, trải rộng trên 4.300 km2, rộng gấp gần 20 lần khu rừng của Công viên Quốc gia Bayer. Trung tâm của khu vực là một vùng được rào chắn với bán kính khoảng 30 km với những đồng hoang, rừng, đất ngập nước, đầm lầy và đồng cỏ.
“Chernobyl đầy muông thú, vào ngày nắng đẹp chúng xuất hiện trông như ở các Công viên Quốc gia lớn của Bắc Mỹ,” ông nói, “Vì không có thợ săn, nên động vật ở đây mất hết sự e dè.”
Quần thể của nhiều loài phát triển tốt
Brombacher đã không quan sát thấy có dị tật nào trên các con vật. “Mức độ ô nhiễm phóng xạ đo được trên những cá thể động vật đã giảm mạnh trong các thập kỷ qua. Các quần thể của nhiều loài phát triển tốt. Tuy nhiên, có những nghiên cứu riêng cho từng loài, ví dụ trên loài chuột đồng, đã khẳng định có sự biến đổi gen ở loài này. Nhiều động vật lai vãng từ bên ngoài vào khu vực cấm này, qua đó dẫn đến việc cải tạo di truyền."
Vùng đất cấm xung quanh nhà máy hạt nhân đã hư hỏng sau một thời gian qua đã trở thành một trong những vùng hoang dã lớn nhất châu Âu. Ngay sau thảm họa, các khu dân cư đã được sơ tán và đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Săn bắt và lâm nghiệp cũng không còn. Sự can thiệp duy nhất của con người là cứu hỏa, vì cháy rừng có thể sẽ giải phóng phóng xạ.
Trả lời câu hỏi ông đã bị mức bức xạ là bao nhiêu, Brombacher nói: “Giữa ba và sáu micro sievert, gần bằng liều bức xạ như khi người ta bay từ Frankfurt đến Rome.”
Về câu hỏi liệu khi nào có thể có du lịch thiên nhiên ở Chernobyl thì nhà khoa học này không dám dự đoán. Tuy nhiên, ông mong ước rằng, sẽ có thêm nhiều người chiêm ngưỡng những đầm lầy cửa sông và các cánh rừng ở châu Âu mà không chỉ ở Bắc Mỹ hay châu Phi.