Nhằm tận dụng nguồn phụ phẩm sau thu hoạch trong nông nghiệp như rơm rạ, từ năm 2007 – 2010, nhóm nghiên cứu của Viện Cơ điện Nông nghiệp sau thu hoạch đã tiến hành nghiên cứu đề tài “Thiết kế, chế tạo máy thu gom rơm rạ phù hợp công nghệ thu hoạch lúa một giai đoạn và nhiều giai đoạn” bước đầu đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng.
Từ nguồn nguyên liệu tại chỗ
Chủ nhiệm đề tài, TS. Đặng Thế Nhu cho biết, rơm rạ trong sản xuất lúa, lúa mì là nguồn phụ phẩm có khối lượng lớn và có thể sử dụng, chế biến thành nhiều sản phẩm có hiệu quả kinh tế như làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi hay nguyên liệu sản xuất giấy. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê tại Việt Nam hàng năm có khoảng 20 triệu tấn rơm, đây là nguồn thức ăn thô quan trọng cho chăn nuôi trâu bò, đặc biệt vào mùa khô, nhưng lượng rơm sử dụng hiện nay chưa nhiều. Thêm vào đó là sự quan tâm chưa đúng mức đối với việc sử dụng rơm nên gây nhiều lãng phí và gây ảnh hưởng môi trường trong việc xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Đặc biệt, mấy năm gần đây, cứ đến mùa thu hoạch thì Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác đều xảy ra tình trạng đốt rơm rạ tự phát gây ảnh hưởng lớn đến môi trường.
Để giải quyết được việc này thực sự là một yêu cầu bức xúc, nan giải, nhưng nếu giải quyết được sẽ mang lại hiệu quả kinh tế xã hội và môi trường rất lớn. Việc nghiên cứu công nghệ và hệ thống thiết bị để thu gom đóng kiện, bảo quản, sử dụng chế biến theo hướng công nghiệp là yêu cầu thực tế, cấp bách cần được nghiên cứu giải quyết đồng bộ để mang lại hiệu quả kinh tế xã hội, góp phần công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Đây cũng được coi là tiền đề để đảm bảo nguồn nguyên liệu với giá rẻ và ổn định để sản xuất, chế biến ra các sản phẩm có giá trị hàng hóa.
Trước thực tế đó, Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy thu gom rơm rạ phù hợp công nghệ thu hoạch lúa một giai đoạn và công nghệ thu hoạch lúa nhiều giai đoạn (rơm đống) Đây là loại máy thu gom đóng kiện vuông liên hợp với máy kéo 30 – 50 mã lực; máy thu gom đóng kiện tròn liên hợp với máy kéo 18 – 35 mã lực và máy thu gom đóng kiện tròn tự hành.
TS. Đặng Thế Nhu cũng cho biết, dựa trên cơ sở tính toán, các máy thu gom rơm sau khi được chế tạo xong đã được tiến hành khảo nghiệm tại Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long, Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm, Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng Cỏ Ba Vì. Cả 3 loại máy này đều cho kết quả khá khả quan. Đối với máy thu gom đóng kiện vuông khi thực hiện thu gom rơm rải trên cánh đồng theo công nghệ thu hoạch lúa 1 giai đoạn, với kích thước khá lớn, khá phù hợp với những vùng có ô thửa lớn. Với bề ngang 2m cấp nhiên liệu lệch bên nên yêu cầu dải băng thu hoạch phải trên 2m, phù hợp với việc quy hoạch mới trên đồng ruộng của nước ta. Đối với máy thu gom đóng kiện tròn liên hợp với máy kéo cũng cho kết quả tốt. Trong điều kiện hiện nay, việc ứng dụng máy thu gom kiện tròn là thích hợp do giá thành thấp, máy gọn nhẹ. Loại máy này có thể khả năng thương mại hóa là rất lớn.
Đặc biệt, với loại máy thu gom đóng kiện rơm tròn hành phù hợp với điều kiện ruộng nhỏ lẻ của vùng Đồng bằng sông Hồng để có thể thu gom rơm theo công nghệ thu hoạch lúa nhiều giai đoạn. Loại máy này có kích thước nhỏ gọn, dễ vận hành, rất phù hợp với điều kiện Bắc bộ.
đến khả năng ứng dụng cao...
KS. Cao Đăng, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, một số mẫu máy trên mới bước đầu được đưa vào sản xuất thử nghiệm nhưng đã tỏ rõ một số ưu điểm. Máy đã giảm được nhân công dùng cho việc thu gom, bảo quản và chế biến rơm trước đây, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần hiện đại hóa nông thôn.
Qua kết quả tính toán hiệu quả kinh tế cho thấy, việc kinh doanh rơm chế biến thành thức ăn cho gia súc là rất có tiềm năng. Tuy nhiên, để ứng dụng hệ thống máy vào thực tế sản xuất thu gom có hiệu quả thì vấn đề không chỉ nằm ở kỹ thuật mà con phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề tổ chức kinh doanh và tổ chức quản lý sản xuất.
Cũng theo TS. Nhu, ngoài 3 loại máy trên, nhóm nghiên cứu đề tài còn nghiên cứu, chế tạo thành công một số máy khác như máy chế biến rơm cho gia súc. Loại máy bao kiện rơm làm việc theo nguyên lý sẽ kéo ép chặt các dải nilong lên lớp rơm rạ và xua không khí ra khỏi kiện rơm, đảm bảo cho môi trường lên men, bảo quản và vận chuyển rơm tơi nơi tiêu thụ. Những loại máy của đề tài sẽ tạo nên một chu trình khép kín từ thu gom cho đến bảo quản và chế biến rơm thành nhiều sản phẩm có ích khác nhau.
Hi vọng trong thời gian tơi, vợi sự hỗ trợ của đơn vị chủ quản, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống máy thu gom và chế biến rơm; nghiên cứu xử lý rơm phun men nguyên kiện. bên cạnh đó hoàn thiện hơn nữa công nghệ máy thu gom đóng kiện rơm tròn hành tiến tới thương mại hóa sản phẩm này ra thị trường như Đồng bằng sông Hồng và các vùng khác trong cả nước, TS. Nhu chia sẻ.
Bài. ảnh: Hoàng Anh