Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ hai, 25/11/2024 , 02:29 pm
Cập nhật : 14/09/2015 , 17:09(GMT +7)
Chế độ đãi ngộ dành cho nhà khoa học có năng lực không hề thấp
TS Nguyễn Thanh Tùng tại Vương Quốc Bỉ
Đây là quan điểm của TS Nguyễn Thanh Tùng, Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Theo đó, bộ tiêu chí để đánh giá nhà khoa học của Bộ KH&CN đang từng bước hợp lý dần, hướng tới tiêu chuẩn của một nhà khoa học tầm khu vực.

Các bạn trẻ nên bám vào những tiêu chí đó để phát triển và bồi dưỡng và chứng tỏ được mình trong công việc- TS Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ trong Lễ Gặp mặt các nhà khoa học trẻ tiêu biểu 2015 vừa qua.

Chỉ là hoàn thành công việc, không dám nhận thành công

Chọn cho mình con đường nguyên cứu khoa học đã là một sự “dũng cảm” bởi không chỉ ở Việt Nam mà con đường đó ở thế giới cũng rất gập gềnh. Anh có thể chia sẻ quá trình vượt qua sự gập gềnh đó từ từ lúc tốt nghiệp ra trường đến bây giờ? Đâu là nguyên nhân giúp anh có được thành công ngày hôm nay?

Sau khi tốt nghiệp Kỹ sư vật lý tại Đại học Bách khoa Hà Nội tôi có sang Mỹ thực tập tại trường Đại học Minnesota. Sau đó là khóa học thạc sỹ tại Đại học Hanyang Hàn Quốc. Năm 2009 tôi nhận được học bổng làm tiến sỹ tại Đại học Leuven, Vương quốc Bỉ. Năm 2014 tôi tốt nghiệp và về Việt Nam làm việc. Kết quả có được ngày hôm nay của tôi có sự hỗ trợ rất lớn từ các thầy hướng dẫn trong suốt thời gian từ đại học, thạc sỹ và tiến sĩ. Ngoài ra tôi cũng có may mắn làm việc với các đồng nghiệp tuyệt vời. Một phần nữa sự ủng hộ của gia đình giúp tôi có được sự tập trung tốt cho công việc nghiên cứu.

Nhiều bạn trẻ hiện nay ngại theo con đường nghiên cứu vì họ thấy chế độ đãi ngộ thấp, không nhìn thấy ngay thành quả. Anh có lời khuyên gì cho các bạn trẻ trẻ khi gặp khó khăn trong công việc?

Tôi nghĩ rằng chế độ đãi ngộ hiện nay dành cho các nhà khoa học có năng lực không hề thấp, có lẽ là đủ sống đàng hoàng. Bộ tiêu chí để đánh giá nhà khoa học của Bộ KH&CN theo tôi là đang từng bước hợp lý dần, hướng tới tiêu chuẩn của một nhà khoa học tầm khu vực. Các bạn trẻ nên bám vào những tiêu chí đó để phát triển và bồi dưỡng, chúc các bạn sớm chứng tỏ được mình trong công việc.

Là nhà khoa học trẻ đam mê nghiên cứu, người trẻ thì nhiệt huyết, nhà khoa học trẻ tôi nghĩ càng nhiệt huyết nhưng không phải ai cũng thành công.  Vậy theo anh, ngoài nỗ lực của bản thân thì đâu là nguyên nhân giúp anh thành công? Anh có nhận được sự giúp đỡ gì từ Bộ KH&CN?

Tôi không dám nhận mình thành công. Tôi và các đồng nghiệp chỉ đang hoàn thành công việc của mình một cách có hiệu quả. Mục tiêu của các nhà khoa học là nghiên cứu giải quyết những bài toán từ cơ bản đển ứng dụng, mở rộng sự hiểu biết của nhân loại ra xa hơn. Mỗi người một vị trí, một công việc, một hướng nghiên cứu, thuận lợi khó khăn khác nhau. Việc này như xây một bức tường vậy, viên gạch phía trên tựa vào viên gạch phía dưới. Mỗi một viên gạch dù nhỏ hay to, dù ở vị trí nào cũng đều góp phần vào sự bền vững và phát triển của bức tường khoa học. Giải thưởng và thành tích có thể đến sớm hơn với một số cá nhân có những nỗ lực không ngừng nghỉ, nhưng không thể thiếu phía sau họ sự hỗ trợ tuyệt vời của các đồng nghiệp.

TS Nguyễn Thanh Tùng tại thí nghiệm  tạo vật liệu nhân tạo metamaterials

Không chỉ tôi mà nhiều nhà khoa học trẻ khác đều đang nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chính sách phát triển khoa học của Bộ KH&CN thông qua Quỹ NAFOSTED. Các nhà khoa học trẻ có thực lực đều có cơ hội chứng tỏ bản thân mình và phát triển dưới cơ chế tài trợ của Quỹ Nafosted theo các tiêu chuẩn quốc tế. Một điểm quan trọng nữa là môi trường làm việc tại Viện hàn lâm khoa học VN giúp cho các nhà khoa học trẻ có điều kiện tốt để học hỏi từ nhiều GS đầu ngành, cọ xát với các đồng nghiệp trong cùng lĩnh vực, và cơ hội mở rộng nghiên cứu cùng nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh khác.

Môi trường cạnh tranh, đồng nghiệp giỏi chính là sức hút lớn nhất

Dù có nhiều đổi mới về chính sách ưu đãi cho các nhà khoa học nhưng trong những năm qua nhưng các nhà khoa học trẻ vẫn gặp một số khó khăn khi theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ. Vậy việc thu hút các nhà khoa học trẻ vào làm việc tại Trường hiện nay có gặp khó khăn nào không? Để giải quyết những khó khăn ấy, ngoài chính sách đãi ngộ của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viên Khoa học Vật liệu- nơi anh công tác có những chính sách riêng nào không?

Tại Viện khoa học vật liệu nơi tôi công tác có đặc thù khá riêng. Vì là viện đầu ngành của quốc gia trong lĩnh vực khoa học vật liệu, đội ngũ các nhà khoa học trẻ của viện là rất dồi dào, có chất lượng cao, có nhiều công trình khoa học uy tín, hầu hết đều tốt nghiệp Tiến sỹ ở các nước phát triển. Các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ luôn được Ban lãnh đạo Viện đánh giá đúng giá trị, tạo ra không khí nghiên cứu rất tích cực. Bản thân tôi phải luôn làm việc hết công suất để có thể trụ lại được. Đối với tôi và nhiều nhà khoa học trẻ khác, được làm việc tại một môi trường có sự cạnh tranh cao và có nhiều đồng nghiệp giỏi chính là sức hút lớn nhất.

Anh có thể chia sẻ rõ hơn về các đề tài nghiên cứu của mình ?

Tại Viện khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam chúng tôi đang nghiên cứu về một loại vật liệu nhân tạo mới, có tên là siêu vật liệu (metamaterials). Khác với các vật liệu tự nhiên, siêu vật liệu được các nhà khoa học tự thiết kế và chế tạo từ những cấu trúc cơ bản nhất (nguyên tử), cho phép tạo ra những tính chất điện từ dị thường như bẻ cong ánh sáng theo phương tùy ý hay hấp thụ ánh sáng gần như tuyệt đối ... Do những ứng dụng đầy triển vọng trong y tế, truyền thông, và đặc biệt là quân sự, siêu vật liệu đang được các nhà khoa học trên thế giới rất quan tâm nghiên cứu.

Mỗi khi có một ý tưởng mới, chúng tôi sẽ bắt tay vào xây dựng mô hình vật lý để giải thích, phản biện, trao đổi, sau đó thiết kế thí nghiệm và tiến hành đo đạc để chứng minh. Kết quả thường là thất bại, chỉ một số ít thành công. Sau khi thí nghiệm thành công chúng tôi còn phải viết thành bản thảo nộp đăng, chờ kết quả phản biện, sửa lại nhiều lần. Nói thật cảm giác của chúng tôi khi có ý tưởng mới là hào hứng vì những công việc sắp tới, nhưng phần lo thì nhiều hơn.

Anh có thể chia sẻ hướng nghiên cứu của mình trong những năm tới. Anh có mục tiêu như thế nào trong sự nghiệp nghiên cứu lâu dài của mình?

Chúng tôi hướng tới chế tạo lớp vỏ tàng hình sóng điện từ cho các khí tài quân sự. Tại Mỹ, Nhật và các nước châu Âu, lĩnh vực nghiên cứu về vật liệu nhân tạo metamaterials ở cấp độ phân tử nguyên tử đang được triển khai mạnh mẽ và được đầu tư rất nhiều trong thời gian gần đây. Tuy nhiên ở Việt Nam, số lượng các nhóm nghiên cứu về lĩnh vực này còn chưa nhiều và nghiên cứu khá độc lập, rời rạc. Để đạt được những thành tựu lớn cần sự góp sức của nhiều nhà khoa học. Năm ngoái chúng tôi đã tổ chức hội thảo gặp mặt cộng đồng nghiên cứu vật liệu metamaterials tại ĐH BK HN để trao đổi và phổ biến kiến thức về lĩnh vực này. Năm nay dự kiên hội thảo sẽ diễn ra vào cuối tháng 10 tại Viện khoa học vật liệu, với số lượng các nhà khoa học quan tâm lớn hơn rất nhiều. Một trong những mục tiêu của chúng tôi là phát triển mở rộng cộng đồng nghiên cứu vật liệu nhân tạo metamaterials, đồng thời tập hợp cùng nhau đề xuất và triển khai giải quyết một vấn đề cụ thể, nhanh chóng đưa vật liệu metamaterial vào ứng dụng trong thực tiễn.

Bài và ảnh: Minh Châu


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner