Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ hai, 25/11/2024 , 06:28 am
Cập nhật : 06/10/2016 , 23:10(GMT +7)
Chậm lụt ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao
Các kỹ thuật tiên tiến đã được Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM ứng dụng vào nuôi trồng
Việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế; việc đưa sản phẩm công nghệ đến tay người dân, doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều rào cản… Đây là nhận định chung từ hội thảo “Liên kết các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tạo thế đột phá trong nông nghiệp” vừa được Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM tổ chức.

Chuyển giao cho nông dân phải phù hợp

Không thể phủ nhận những giá trị công nghệ đã đóng góp trong giá trị tăng trưởng của nông nghiệp ở nước ta. Nhưng hiện nay, việc áp dụng thành tựu khoa học công nghệ (KHCN), đặc biệt là các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, chế biến nông sản được ứng dụng vào sản xuất chưa nhiều, nên năng suất, chất lượng hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi, khai thác hải sản còn thấp. Việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp chưa được triển khai đồng bộ, bước đầu mới hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao nhưng chưa lan tỏa được các thành tựu của nông nghiệp công nghệ cao trong cả nước. 

Bên cạnh đó, việc cắt giảm thuế suất của các hiệp định thương mại khi hội nhập sẽ đem lại không ít bất lợi nếu sản xuất nông nghiệp Việt Nam thiếu bước chuyển mình thực sự. Nông dân hiện nay rất cần kỹ thuật cao. Thế nhưng, chuyển giao bằng cách nào và làm thế nào để nông dân đón nhận công nghệ không phải là chuyện đơn giản.

Theo ông Đinh Minh Hiệp, Trưởng ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM: “Khi chuyển giao khoa học công nghệ trong nông nghiệp cho nông dân cần phải có phương thức phù hợp, có mục tiêu sản xuất rõ ràng, phải phù hợp với trình độ và khả năng của nông dân. Phải chuyển giao công nghệ bằng nhiều con đường khác nhau nhưng trên mô hình và máy móc, thiết bị cụ thể là chính”. 

Và trên thực tế, trong tất cả các phương pháp chuyển giao KHCN thì việc xây dựng các mô hình trình diễn có vai trò hết sức quan trọng. Thông qua mô hình trình diễn này, người nông dân có thể dễ dàng tiếp thu và tin tưởng vào các tiến bộ KHCN được giới thiệu, bên cạnh đó, muốn chuyển giao công nghệ thành công và bền vững thì cần phải có mạng lưới cán bộ khoa học cấp cơ sở có trình độ tiếp nhận trước rồi mới hướng dẫn cụ thể cho nông dân.

Cũng theo ông Hiệp, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 với mục tiêu “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao” thì đến thời điểm này, việc triển khai còn chậm và KHCN chưa đóng góp tương xứng với tiềm năng và dường như còn “đi ngoài cuộc sống, chưa bám sát thực tiễn sản xuất”, nền nông nghiệp vẫn là khu vực kinh tế tăng trưởng theo chiều rộng. Hơn nữa, mục tiêu tăng đầu tư ngân sách cho nghiên cứu chuyển giao KHCN để nông nghiệp sớm đạt được trình độ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực; ưu tiên đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học để chọn tạo nhiều giống cây trồng, vật nuôi và tăng hiệu quả sản xuất cũng đã không đạt được.

Tìm “sợi dây” liên kết các khu

Hiện cả nước có 8 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được thành lập (tại Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Lâm Đồng, TPHCM, Bình Dương, Cần Thơ) và 2 khu (tại Hậu Giang, Phú Yên) đã được Thủ tướng phê duyệt. Các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện đang chiếm gần 35% tỷ trọng tổng sản phẩm nông nghiệp, góp phần thay đổi thói quen canh tác và đem lại lợi ích về sức khỏe cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện các khu nông nghiệp công nghệ cao phát triển thiếu đồng bộ, chưa tận dụng được lợi thế về hạ tầng hay nguồn nhân lực của nhau, dẫn đến sự lãng phí về đầu tư, hiệu quả kinh tế không cao. 

Việc đánh giá đúng những điểm mạnh, điểm yếu của mình để qua đó có sự phối hợp, hỗ trợ nhau tốt hơn trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đặc biệt, các khu nông nghiệp công nghệ cao vốn có chức năng tương đối giống nhau nhưng đặc thù về thổ nhưỡng, khí hậu và thu hút nguồn nhân lực khác nhau, nên việc tìm ra cách liên kết để tạo thành một chuỗi với cơ chế chính sách rõ ràng (nhằm tiết kiệm thời gian và ngân sách của Nhà nước) là bài toán đặt ra. Theo TS Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Văn Hiến, thì hiện nay chưa có quy chuẩn chung cũng như quy định ràng buộc từng khu nên dẫn đến sự chồng chéo, dàn trải trong việc đầu tư nghiên cứu ra những sản phẩm mới. Do vậy, cần có sự liên kết giữa các địa phương với nhau trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Mục tiêu lớn nhất của mô hình nông nghiệp công nghệ cao là hướng đến chất lượng cao, năng suất cao và giá trị gia tăng cao với sự tham gia của các chủ thể nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp thu mua phân phối và các đơn vị hỗ trợ công nghệ… Do vậy, vấn đề công nghệ luôn phải được đặt lên hàng đầu. Để giải quyết vấn đề này, các đại biểu cho rằng cần tháo gỡ những rào cản về việc xây dựng các chương trình, dự án hợp tác công - tư trong nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời hoàn thiện thể chế, chính sách tạo lập các kênh huy động vốn để phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao. 

Các đại biểu tham dự hội thảo khẳng định: Để thúc đẩy liên kết các khu nông nghiệp công nghệ cao, cần phải thành lập được các chuỗi liên kết dọc và ngang trong sản xuất nông sản, trên cơ sở ứng dụng công nghệ, để tăng hiệu quả vận hành, quản lý chuỗi, kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, cần tăng cường hiệu quả chuyển giao công nghệ cao từ các khu nông nghiệp công nghệ cao đến với người dân, đảm bảo công nghệ được nghiên cứu có địa chỉ và ứng dụng ngay trên thực tế, nâng cao nhận thức về phương thức canh tác mới cho người dân…

Công tác nghiên cứu và phát triển công nghệ cao của Việt Nam thiếu định hướng vào ứng dụng cho đối tượng doanh nghiệp, nông dân. Việc thu hút doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp rất ít là do công đoạn này thường gặp nhiều rủi ro, chi phí đầu tư nghiên cứu lớn, vướng mắc trong vấn đề chuyển giao công nghệ… Tốc độ tăng năng suất trong những năm gần đây có xu hướng giảm, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trưởng rất hạn chế.

 

 

 

 

Nguồn tin: Sài gòn giải phóng

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner