Tạo được giống lúa siêu cao sản là thành công có tính đột phá, gây bất ngờ cho nhiều nhà khoa học. Nhưng điều gây sửng sốt đặc biệt đối với đồng nghiệp là sự thành công chỉ trong một vụ lúa.
An toàn lương thực luôn là vấn đề nóng bỏng của toàn cầu. Viện Giống lúa quốc tế IRRI, có trụ sở tại Philippine và những nhà nông học chuyên lúa nước có chung một đích ngắm: Tạo ra giống lúa siêu cao sản mà vẫn giữ được những phẩm chất vượt trội của lúa gốc, chất lượng dinh dưỡng, dẻo thơm, chịu được sâu bệnh, chịu được thời tiết khắc nghiệt, thất thường, trồng được trên nhiều địa hình khác nhau… Cuộc tìm kiếm đó diễn ra thầm lặng trong phòng thí nghiệm, trên các cánh đồng thử nghiệm của nhiều quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Philippine...
Cho đến nay các bước đột phá của những nhà khoa học không rõ đã đến chặng đường nào trong quá trình tìm kiếm. Còn ở Việt Nam, kết quả đã được T.S Trần Đăng Khánh, cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Di truyền nông nghiệp công bố cách đây hơn một năm. Giống lúa vừa được tạo ra có tên gọi lúa BN Mới, cho năng suất từ 10 – 12 tấn/ha/vụ. Mỗi bông lúa BN Mới có từ 800 - 1.000 hạt, gấp khoảng 4 lần so với giống lúa hiện được trồng trên thế giới. Ngay lập tức BN Mới được gửi sang Nhật trồng khảo nghiệm. Kết quả còn hơn cả sự mong đợi. Không chỉ 800 hạt/bông như khảo nghiệm ở Việt Nam, mà cho 1.100 hạt/bông. Hai chuyên gia nông học hàng đầu, chuyên ngành ứng dụng sinh học phân tử, gây đột biến gen thuộc trường ĐH Nagoya của Nhật, GS Makoto và GS Hidera hết sức ngạc nhiên về kết quả đạt được của nhà khoa học trẻ Việt Nam, người cách đây không lâu đã tu nghiệp tại Nhật Bản, được các GS Nhật Bản hướng dẫn chương trình sau TS. Có mặt trên cánh đồng thử nghiệm tại huyện Thanh trì, Hà Nội, trong điều kiện chăm sóc còn đơn giản, BN Mới cũng đã cho kết quả như tại Nhật cách đây không lâu. Hai GS cho biết, hiện trên thế giới chỉ có 3 nơi tạo được giống lúa cho 600 hạt/bông, là Nhật Bản, Trung Quốc và bây giờ là Việt Nam.
TS Trần Đăng Khánh, SN 1978, du học tại Nhật, lấy bằng cao học tại ĐH Miyazaki chuyên ngành Công nghệ sinh học. Sau đó, tại Hàn Quốc anh đã lấy bằng TS tại ĐH Konkuk, Seoul. Trở lại Nhật anh đã hoàn tất chương trình sau TS tại ĐH Ryukyu. Trong thời gian nghiên cứu tại ĐH danh tiếng này, TS Đăng Khánh đã cho công bố 18 công trình nghiên cứu độc lập và nhiều công trình đồng tác giả với các nhà khoa học nước ngoài khác trên các tạp chí khoa học quốc tế. Năm 2007, TS Trần Đăng Khánh được Hiệp hội khoa học Hàn Quốc bình chọn là Nhà nghiên cứu điển hình trong lĩnh vực cây trồng.
.jpg)
TS Trần Đăng Khánh kiểm tra hạt lúa
Tạo được giống lúa siêu cao sản là thành công có tính đột phá, gây bất ngờ cho nhiều nhà khoa học. Nhưng điều gây sửng sốt đặc biệt đối với đồng nghiệp là sự thành công chỉ trong một vụ lúa. Đến nay nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng vẫn rất khó hiểu, năng lực thần kỳ nào đã đem đến thành công của nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam. Nhưng tìm hiểu sâu hơn con đường khoa học của TS Trần Đăng Khánh, có lẽ sẽ không mấy khó khăn để “giải mã” điều đó. TS đã thầm lặng song hành cùng người cha trên hành trình vài chục năm tìm kiếm giống lúa mới. Những thành công anh có được trên nhiều công trình là sự kế thừa xuất sắc thành tựu của người cha, một giáo viên sinh vật có niềm đam mê nghiên cứu nâng cao giá trị của cây lúa nước.
Thân sinh anh, ông Trần Đăng Đạt là giáo viên sinh vật, đồng thời là một cộng tác viên khoa học tích cực của trường CĐ Sư phạm. Suốt một đời suy ngẫm về tăng năng suất bằng sự đột biến gen. Ông đã có những thành công bước đầu, đưa giống ngô hạt to miền núi xuống trồng ở đồng bằng cho năng suất cao. Tình cờ, ông phát hiện ra sự đột biến gen ở giống lúa lùn NN-27. Từ đó ông chuyên tâm tìm hiểu hiện tượng mới phát hiện ra, khám phá những biến đổi gen trong giống lúa này. Trên 30 cuốn sổ tay ghi chép cẩn thận những biểu hiện biến đổi của cây lúa qua từng thời kỳ sinh trưởng. Lần đầu tiên tạo ra được giống lúa lùn lai kép từ 4 giống lúa. Mỗi bông cho trên 350 hạt, tạo nên năng suất vượt trội so với các giống lúa đang được gieo trồng trong khu vực. Đó được coi là một sự kiện trong ngành khoa học nông nghiệp thời bấy giờ, khích lệ con đường nghiên cứu của các nhà nông học, trong đó có người con út Trần Đăng Khánh.
.jpg)
TS Trần Đăng Khánh trong phòng thí nghiệm. Ảnh: TL
Dẫu đam mê, và những thành công bước đầu có nhiều khích lệ, song công việc thực địa nặng nhọc không thích hợp với tuổi già. Từng ngày chứng kiến đam mê đặc biệt của bố, TS Khánh đã từng bước nghiên cứu, ghi chép công phu, tỉ mỉ, những nhận xét mang tính tiên cảm, đột phá của người cha. Ngay từ khi còn rất nhỏ anh đã gắn bó, chăm sóc cây lúa, chuyên tâm đến cây trồng và cùng bố chia sẻ hiểu biết, phát hiện trên con đường tìm kiếm giống lúa mới. Vào tuổi trưởng thành, anh học tập và nghiên cứu ở 2 quốc gia giàu truyền thống lúa nước là Nhật Bản, Hàn Quốc. Những hiểu biết mới đã giúp anh tiếp tục công trình và khát vọng dở dang của người cha. Không phải Trần Đăng Khánh là người thành công đầu tiên trên thế giới. Điều khác biệt là ở Nhật Bản, để có giống lúa năng suất cao mà GS Kitano theo đuổi, phải mất 20 năm, còn ở Việt Nam, TS Trần Đăng Khánh chỉ mất đúng một vụ. Giải thích về thành công của mình, TS Trần Đăng Khánh cho biết, anh đã dùng phương pháp gây đột biến điểm, tác động đúng vào gen cần phát triển mà vẫn giữ được những đặc tính nguyên gốc như chất lượng gạo, khả năng thích nghi thổ nhưỡng, thời tiết, chống được sâu bệnh…
TS Trần Đăng Khánh cho biết, BN Mới tạo nhiều hạt trên một bông đã được kiểm nghiệm. Song, giai đoạn này mới trên một diện tích khảo nghiệm. Phải có thêm thời gian mới có thể khẳng định được khả năng ổn định lâu dài của những đặc tính vượt trội. Lúc đó BN Mới sẽ đưa ra sản xuất đại trà trên diện rộng. Đây sẽ là bước đột phá kỳ diệu của nền khoa học nông nghiệp Việt Nam cũng như của thế giới. Và BN Mới sẽ được gọi là giống lúa “siêu cao sản”. Năng suất phổ biến hiện nay của lúa Việt Nam là 5,5 tấn/ha/vụ, sẽ tăng lên 7 - 8 tấn/ha/vụ. Lúc đó an ninh lương thực quốc gia sẽ được đảm bảo. Chiến lược xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam đang thực hiện trong nhiều thập niên qua, sẽ tiến thêm một bước dài, vững chắc. TS Trần Đăng Khánh có kế hoạch khảo nghiệm trong 3 vụ liên tiếp trên diện tích 500 ha để khẳng định giống lúa cao sản BN Mới là giống lúa gốc.
Từ một nước thường xuyên thiếu lương thực, những năm gần đây Việt Nam không chỉ chủ động về lương thực, mà còn có khả năng xuất khẩu. Thành tựu có tính bước ngoặt đó là công lao to lớn của rất nhiều nhà nông học tâm huyết, tài năng. Thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước trên cuộc hành trình không mệt mỏi, tìm tòi, phát hiện nhiều giống lúa cho năng suất và chất lượng dinh dưỡng cao. Các GS Lương Định Của, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng, GS.TS Võ Tòng Xuân… lấy cánh đồng làm phòng thí nghiệm, ăn ngủ bên ruộng lúa để đem đến bước đột phá kỳ diệu cho nông nghiệp Việt Nam.
Nhiều nhà khoa học Việt Nam được hưởng thành quả qua nhiều thế hệ của gia đình. Trong đó, Trần Đăng Khánh mang theo dòng máu “di truyền” rõ rệt hơn cả. Người con song hành cùng cha trên con đường tìm kiếm giống lúa mới, và kế thừa xuất sắc những thành quả mà người cha đã tạo nền móng ban đầu, mang về một giống lúa BN Mới 1.000 hạt/bông.
Trung tâm nghiên cứu nông học Nhật Bản đã có lời mời TS Trần Đăng Khánh cộng tác, nghiên cứu, giảng dạy. Ông cũng là thành viên biên tập một số tạp chí Khoa học quốc tế uy tín như: “The Scientific World Yournal”, “Datasets International Paper Yournal in Agriculture”... Nhưng TS vẫn trở về Việt Nam với tâm nguyện tạo giống lúa chất lượng, năng suất cao trên chính ruộng đồng xứ sở, góp sức vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, một chiến lược lâu dài đầy tính nhân văn của đất nước. Thành quả nghiên cứu của mình mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, đặc biệt với người nông dân Việt Nam là động lực thúc đẩy mọi chương trình nghiên cứu của TS Trần Đăng Khánh.