Ngày 17/1, tin từ trường ĐH Nông lâm Huế (ĐH Huế) cho biết các nhà nghiên cứu thuộc Khoa Nông học của trường vừa nghiên cứu - sản xuất thành công chế phẩm vi khuẩn nốt sần giúp tăng năng suất cho lạc.
Ngoài việc tăng năng suất cho loại cây được dùng nhiều trong thức ăn, thực phẩm này, chế phẩm vi khuẩn nốt sần còn góp phần cải tạo đất và bảo vệ môi trường hiệu quả.
Theo các nhà nghiên cứu khoa Nông học ĐH Nông lâm Huế, sau khi thực hiện thí nghiệm đã thành công trên một diện tích đất trồng lạc, họ đã ứng dụng chế phẩm vi khuẩn nốt sần tại các vùng trọng điểm tỉnh Thừa Thiên Huế như phường Hương Long (TP Huế), xã Phú Mậu (huyện Phú Vang), phường Tứ Hạ - phường Hương Chữ (Thị xã Hương Trà), xã Quảng Vinh (huyện Quảng Điền) cho hiệu quả tích cực.
Người dân ở các vùng này trên 1ha đất trồng lạc đã bón 35 kg chế phẩm vi khuẩn nốt sần cùng với một số loại phân bón khác. Kết quả, năng suất lạc đã tăng lên đến hơn 30%. Củ lạc cũng chắc hơn, khối lượng củ và hình thức củ cũng lớn, to đồng đều hơn. Hiệu quả tốt nhất được các nhà khoa học khuyến cáo là bón chế phẩm vi khuẩn nốt sần liều lượng từ 30kg đến 35kg/ha đất trồng lạc. Trên nền đất trồng nên bón thêm phân chuồng, vôi cùng một lượng nhỏ các phân bón phụ khác.
Được biết, chế phẩm vi khuẩn nốt sần hoạt động theo cách là khi nhiễm vào đất sẽ giúp làm đất tăng các chỉ số về lân, đạm, mùn. Và làm tăng lượng vi sinh vật có ích trong đất để phân giải các chất trong đất trồng lạc tốt hơn. Cụ thế, vi khuẩn nốt sần tăng từ 1,16-2,99 lần, vi sinh vật phân giải lân trong đất tăng từ 1,7-2,61 lần, tổng số vi khuẩn có ích cho sự phát triển của cây lạc tăng từ 1,13-1,42 lần.
Chế phẩm vi khuẩn nốt sần được phối chế làm 2 loại từ chủng vi khuẩn nốt sần NH1 và PC phân lập. Cả hai đều có công dụng tương đương nhau và đã được sản xuất.
Ngoài ở Huế, các nhà khoa học cũng nghiên cứu cho thấy chế phẩm vi khuẩn nốt sần khá thích hợp với điều kiện đất trồng lạc tại các tỉnh, thành miền Trung.