Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
KH&CN địa phương Thứ bảy, 23/11/2024 , 10:18 am
Cập nhật : 07/12/2011 , 09:12(GMT +7)
Cây đậu tương “nhập cư” trên đất Hà Giang
Thăm mô hình đậu tương DT 2008 , chủ nhiệm đề tài PGS.TS Mai Quang Vinh đưng bên trái
Sau thời gian “thử lửa” trên mảnh đất cao nguyên núi đá, cây đậu tương đã phủ một màu xanh trên khắp các thôn, bản huyện Xín Mần, Yên Minh và huyện Đồng Văn, mở ra hướng đi mới cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc vùng cao nguyên núi đá, đưa Hà Giang trở thành tỉnh dẫn đầu các tỉnh miền núi phía Bắc về diện tích trồng .

Bắt đầu từ những thử nghiệm

Viện Di truyền Nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) đã tiến hành triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu ứng dụng giống đậu tương mới chịu hạn, năng suất cao, phù hợp trên chân đất 1 vụ của tỉnh  Hà Giang”.
Viện đã tiến hành thí nghiệm tuyển chọn được 7 giống đậu tương ĐT26, DT96, DT2001, DT2006, DT2008, DT84 (ĐC1), VXHG (ĐC2) tại vụ xuân và thu đông năm 2010 trên chân đất 1 vụ. Sau 2 vụ khảo nghiệm trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, các chuyên gia của Viện Di truyền Nông nghiệp đã xác định được 2 giống triển vọng cho năng suất cao phù hợp với điều kiện sinh thái, canh tác của Hà Giang là DT2008 và ĐT26.

PGS.TS Mai Quang Vinh, chủ nhiệm đề tài cho biết: Kết quả khảo nghiệm đã cho thấy giống đậu tương triển vọng DT2008 có khả năng chống chịu tốt với các loại sâu, bệnh và điều kiện bất thuận, chịu hạn, chịu rét tốt, sinh trưởng phát triển mạnh, năng suất trong thí nghiệm với các điều kiện khó khăn đã đạt 15 - 18 tạ/ha, trong điều kiện thuận lợi có thể đạt 20 - 25 tạ/ha. Ngoài ra, giống đậu tương ĐT26 có thời gian sinh trưởng ngắn hơn, chống chịu khá, năng suất đạt 15 - 20 tạ/ha.

Qua triển khai cho thấy, mô hình trồng cây đậu tương trên đất 1 vụ là giải pháp khoa học nâng cao năng suất cây trồng. Vụ thu đông năm 2010 vừa qua, đã có 3 huyện mở rộng mô hình trồng cây đậu tương DT2008. Huyện Đồng Văn có 10 xã thực hiện mở rộng với diện tích trồng lên đến 5ha, năng suất trung bình đạt 15 – 17 tạ/ha, cao nhất đạt 22 – 24 tạ/ha. Huyện Xín Mần  trồng 1ha tại xã Cốc Pài năng suất đạt 14 tạ/ha (cao gấp 2 lần DT84). Huyện Bắc Mê trồng 6 ha tại xã Đường Hồng, năng suất đạt 16 tạ/ha.

Tạo bước đi bền vững

Việc đưa cây đậu tương lên trồng tại vùng cao nguyên núi đá Hà Giang là một trong những giải pháp quan trọng trong công cuộc xoá đói giảm nghèo và phát triển kinh tế nông thôn. Do đó, tỉnh cần có chính sách quy hoạch vùng cụ thể. Đồng thời phối hợp với viện Di truyền nông nghiệp tuyển chọn bộ giống đậu tương cho năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh. Ngoài ra, cần tiến hành xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác sản xuất cây đậu tương trên vùng cao núi đá, xây dựng nhà máy chế biến dầu thực vật…để đáp ứng nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số thuộc khu vực quy hoạch vùng trồng cây đậu tương có công việc ổn định và tăng thu nhập.

Mô hình này đã giúp bà con nông dân có thêm thu nhập, tăng năng suất cây trồng ( Ảnh: Bùi Đức Hoàng, Sở KH&CN Hà Giang)

Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kĩ thuật cho bà con nông dân giúp họ tiếp cận được các tiến bộ kỹ thuật, các mô hình sản xuất mới. Ông Nguyễn Đức Vinh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang cho biết: Ngành Nông nghiệp đã phối hợp với UBND 7 huyện hướng dẫn, tăng cường công tác chỉ đạo, tập huấn kỹ thuật trồng thâm canh đậu tương cho bà con dân tộc thiểu số nắm bắt được tiến bộ mới trong việc áp dụng vào sản xuất; xây dựng các mô hình sản xuất thâm canh đạt năng suất cao, theo từng loại giống trồng đại diện cho các vùng. Từ đó phổ biến, tuyên truyền nhân ra diện rộng. Các mô hình này được chọn liền vùng, liền khu để liên tục duy trì trong nhiều vụ, thuận lợi cho việc tham quan học tập nhân rộng mô hình.

Cây đậu tương là một trong những cây trồng chính để phát triển kinh tế gia đình cũng như phát triển kinh tế - xã hội của các vùng có điều kiện thích hợp trồng giống cây này. Nếu chăm sóc đúng cách, cây đậu tương DT2008 sẽ mang lại lợi ích kinh tế cao hơn nữa và hoàn toàn thay thế các giống cũ. Đây là tín hiệu đáng mừng, góp phần nâng cao năng suất đậu tương từ 11 tạ/ha hiện nay lên 16,1 tạ/ha, diện tích từ 21 ngàn ha lên 25 ngàn ha phục vụ Đề án phát triển cây đậu tương giai đoạn 2011 – 2015 và tầm nhìn đến 2020 của tỉnh.

Mặc dù dự án nghiên cứu phát triển cây đậu tương cho đồng bào các dân tộc vùng núi đá tỉnh Hà Giang còn nhiều khó khăn, song người dân vùng cao núi đá này hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào sự thành công của dự án. Bắt đầu từ những tín hiệu tốt lành, thành công của dự án sẽ góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đáp ứng được ao ước bao đời nay của người dân sống ở 3 huyện vùng cao này là tìm được giống cây trồng thích hợp để sản xuất vụ Thu Đông. Ngoài ra, cây đậu tương còn góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho hàng nghìn hộ nông dân.

Ánh Tuyết


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner