Với sáng chế thiết bị chuyển đổi văn bản trên máy tính thành chữ braille cho người khiếm thị, Võ Trung Thiên Tường (lớp 12/1, trường THPT Lý Tự Trọng, xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đã xuất sắc giành ngôi quán quân tại cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia diễn ra vào giữa tháng 3 vừa qua.
Kết nối người sáng và tối mắt
Phải mất đôi ba bận hẹn tới hẹn lui, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được Tường vào một buổi chiều cuối tuần để chia sẻ về kì tích mà bản thân cậu đã đạt được tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia.
Gương mặt rạng ngời cùng ánh mắt biểu lộ niềm vui khôn xiết, Tường “công nghệ” (biệt danh thân thương bạn bè gán cho Võ Trung Thiên Tường) chia sẻ đến thời điểm bây giờ cảm giác lâng lâng vì sung sướng vẫn còn len lỏi trong suy nghĩ. “Quả thật giải nhất cuộc thi nằm ngoài dự tính của em và thầy cô bởi điều kiện hạn chế nên sản phẩm của em không được đầu tư bài bản, quy mô như nhiều dự án khác. Em nghĩ đây sẽ là tiền đề, tạo cú hích tinh thần thôi thúc em tiếp tục sáng tạo nhiều mô hình kỹ thuật khác phục vụ cộng đồng”, Tường vui vẻ nói.
Giới thiệu khái quát về sản phẩm giúp mình đoạt giải cao, Tường cho biết ý tưởng xây dựng thiết bị được cậu nảy ra trong lần tình cờ lân la ở tiệm internet. Khi chứng kiến một số bạn nhỏ bị khiếm thị đang mò mẫm gõ lạch cạch từng con chữ trên máy tính, Tường đã ngay lập tức hình dung đến một thiết bị có thể chuyển đổi ngôn ngữ từ máy tính sang chữ braille nhằm giúp người mù dễ dàng tiếp nhận văn bản.
Vậy là khoảng thời gian giữa năm lớp 10 cho đến học kì đầu năm 11, tranh thủ giờ học ở trường, Tường “dán mắt” vào chiếc vi tính cũ kĩ mẹ tặng vì “chiều theo sở thích không thể cản của con”. Cậu cóp nhặt tất cả những tư liệu trên mạng có thể giúp bản thân nghiên cứu tạo ra một thiết bị kết nối người sáng mắt và người mù.
Thiết bị chuyển đổi văn bản trên máy tính thành chữ braille - Ảnh: Tam Liên
Giải thích chi tiết về sáng chế có lẽ cực kì khó đối với một học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường này, Tường cho hay: “Tiện ích mà thiết bị mang lại là từ ngôn ngữ của người sáng mắt soạn trên máy tính, người mù có thể chuyển đổi thành chữ braille dựa trên chiếc máy hết sức rẻ được cấu tạo đơn giản gồm: 1 vi điều khiển arduino, 2 động cơ bước để điều khiển trục X và Y, 2 mạch điều khiển động cơ bước TP6560, Servo MG95 và bộ nguồn 12V. Lúc ấy người khiếm thị chỉ việc điều khiển hệ thống dựa trên 3 nút: nhập, in và reset. Với 3 thao tác dễ dàng, văn bản chữ quốc ngữ bình thường trên máy tính sẽ ngay lập tức chuyển sang chữ braile”.
Chính những ưu điểm vượt trội trên cùng sáng tạo mới mẻ của một học trò chưa từng trải qua trường lớp kỹ thuật nào nhưng tư duy và lập luận về sản phẩm hết sức logic đã thuyết phục hội đồng ban giám khảo là các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật.
“Choáng” với bộ sưu tập giải thưởng tin học
Hay tin Tường đoạt giải cao và mang vinh quang về cho giáo dục tỉnh nhà, nhiều người tỏ vẻ bất ngờ. Tại sao một học trò đến từ vùng quê nghèo xa xôi của Quảng Nam và đang theo học ở ngôi trường phổ thông bình thường lại có thể chế tạo nên một thiết bị hứa hẹn ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn.
Mọi người chuyển từ trạng thái ngạc nhiên sang sự thán phục nếu biết rằng cậu học trò đam mê tin học từ năm lớp 8 đã xuất sắc lập cú đúp số điểm tuyệt đối môn học này vào trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm của tỉnh và Lê Quý Đôn (TP Đà Nẵng). Và sau một năm khăn gói ra TP Đà Nẵng trọ học xa nhà, Tường quyết định xin chuyển về ngôi trường bình thường ở quê và tiếp tục hoàn thiện sáng chế mà trước đó Sở Giáo dục Đà Nẵng đánh giá rất cao ý tưởng.
Với thành tích vừa gặt hái, Tường vinh dự nhận phần thưởng khích lệ từ Hội Khuyến học huyện - Ảnh: Tam Liên
Trước khi giành giải nhất cấp quốc gia, thiết bị phục vụ nhu cầu tiếp nhận thông tin dành cho người mù của Tường đã đoạt thứ hạng cao nhất tại cuộc thi do tỉnh tổ chức.
Với 2 giải thưởng lớn gặt hái trong năm nay, Tường đã điền thêm vào bộ sưu tập đồ sộ của mình những thành quả khiến nhiều người mơ ước. Hãnh diện trước thành tích ngày một vang dội của cậu con trai, những năm qua, bà Phạm Thị Hợp (mẹ Tường) cẩn thận ép dẻo từng tấm giấy khen của con rồi chắt chiu gìn giữ như là động lực vô hình giúp con trai tiếp tục nỗ lực phấn đấu.
Một điều hết sức đặc biệt ở những cuộc thi Tường tham gia và đoạt giải, phần lớn cậu đặt dấu ấn ở bộ môn Tin học mà bản thân đam mê. Trong bảng thành tích đồ sộ ấy, có thể liệt kê giải nhì toán cấp huyện năm lớp 8, giải nhì tin học cấp huyện và khuyến khích cấp tỉnh năm lớp 9. Giải 3 tin học TP Đà Nẵng năm lớp 10, khuyến khích học sinh giỏi tin học Đà Nẵng. Giải ba tin học tại kì thi học sinh giỏi lớp 11 và giải ba kì thi học sinh giỏi lớp 12 Quảng Nam…
Nhận xét về cậu học trò ưu tú của trường, thầy Trương Phúc Thịnh (hiệu phó nhà trường, đồng thời là người trực tiếp hướng dẫn Tường tham dự cuộc thi) tự hào khoe: “Trường lấy làm vinh dự và tự hào vì có một học sinh như Tường. Với sáng chế hết sức tiện ích cho người khiếm thị thì mô hình của em đang được rất nhiều tổ chức đánh giá cao và đặt hàng. Trong đó Hội Người mù huyện đã có buổi làm việc với nhà trường để lên kế hoạch đưa thiết bị này vào phục vụ cho người khiếm thị trên địa bàn huyện”.