Đề phát triển thị trường KH&CN đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập, các đại biểu và chuyên gia đã khuyến nghị những cơ chế/chính sách giúp Việt Nam bứt phá.
Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho rằng, chuyển giao công nghệ là vấn đề quan trọng trong nền kinh tế đang nổi lên như Việt Nam. Do đó, cần phải hiểu rõ, chuyển giao cái gì, chuyển giao cho ai, lợi ích gắn liền với việc chuyển giao như thế nào.
Nâng cao năng lực quản trị cho các công ty, doanh nghiệp
Ông cho biết, Samsung đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương Việt Nam để có thể tổ chức các chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực quản trị, giúp các công ty nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc hoàn thiện quy trình sản xuất, giảm thiểu tỉ lệ lỗi, qua đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng cao lợi nhuận.
Số lượng doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 của Samsung gia tăng mạnh mẽ. Từ 4 doanh nghiệp vào năm 2014, hiện đã có 51 doanh nghiệp, tăng hơn 12 lần.
Từ năm 2015, Samsung đã tổ chức các chương trình tư vấn cải tiến năng suất lao động và chất lượng sản phẩm do các chuyên gia Hàn Quốc trực tiếp hướng dẫn, để giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh.
Thông qua chương trình này đã có 379 doanh nghiệp được tư vấn và họ đã ghi nhận mức độ cải tiến năng suất gia tăng đáng kể, trung bình tăng hơn 39%, cải tiến hơn 52% lỗi chất lượng, giảm hơn 36% lượng hàng hóa tồn kho…
Hiện cũng có rất nhiều công ty Việt Nam tham gia chuỗi cung cấp của Samsung, với sự hỗ trợ của Samsung Hàn Quốc, Samsung Việt Nam cũng đã giới thiệu chương trình đào tạo ở Việt Nam.
Năm 2019, Samsung Việt Nam cũng đã ký bản ghi nhớ với Bộ Công Thương Việt Nam về chương trình hợp tác đào tạo chuyên gia tư vấn Việt Nam trong lĩnh vực cải tiến sản xuất và nâng cao chất lượng. Samsung đã đào tạo cho 200 người trong vòng 4 năm, đến nay đã có hơn 100 học viên hoàn thiện khóa học này, vậy nên Samsung sẽ sớm ký kết bản ghi nhớ nữa trong năm nay với Bộ Công Thương Việt Nam để có thể hỗ trợ cho sự phát triển công nghiệp của Việt Nam.
Samsung cũng sẽ tiếp tục triển khai dự án về nhà máy thông minh của Samsung, đồng thời sẽ hợp tác với nhiều công ty của Việt Nam hơn nữa.
Samsung cũng sẽ cam kết sẽ hỗ trợ nỗ lực của Việt Nam để trở thành một trung tâm của khu vực về khoa học và công nghệ, vì vậy chuyển giao công nghệ một cách hiệu quả là rất cần thiết.
Thứ nhất, Chính phủ và các địa phương cần tạo chính sách để khuyến khích chuyển giao công nghệ. Chính phủ Việt Nam cần có ưu đãi cho các công ty đầu tư vào ngành công nghệ cao, các chính sách của Việt Nam cũng cần phải nỗ lực để khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Để có thể thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phát triển, các viện nghiên cứu cần được trao cơ hội để họ có thể tiếp tục phát triển chuyên môn của mình cũng như học hỏi các bài học, lỗi lầm trong quá khứ.
"Việt Nam cần hỗ trợ nhiều hơn nữa để có thể tham gia vào trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung, chúng tôi cũng tiếp tục cam kết hợp tác với Chính phủ Việt Nam vì lợi ích chung của cả hai bên", đại diện Samsung nhấn mạnh.
Phải luật hóa cơ chế "chấp nhận thất bại" trong KH&CN
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) cho rằng, Việt Nam đã có nhiều thành tựu trong phát triển khoa học công nghệ; có tham vọng trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 và có nền kinh tế dựa trên tri thức. Việt Nam cũng đạt nhiều thành tựu phát triển kinh tế lớn với tốc độ phát triển kinh tế nhanh, trung bình 7,8%/năm; có nhiều tiến triển trong triển khai các mục tiêu phát triển bền vững.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam
Hiện nay, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên có nhiều biến động về kinh tế, chính trị, người dân trên khắp thế giới đang chịu ảnh hưởng do những vấn đề như nóng lên toàn cầu, những ảnh hưởng của khí quyển…
Theo đó, khoa học công nghệ có thể có phương án giải quyết vấn đề này như giảm chi phí, đưa mô hình tuần hoàn vào sản xuất và tiêu dùng, công nghệ về nông nghiệp có thể giúp chúng ta sản xuất thực phẩm rẻ hơn và ít ảnh hưởng của môi trường…
Xây dựng được môi trường pháp lý có thể hỗ trợ và khuyến khích đổi mới sáng tạo đang là thách thức lớn dù ở Việt Nam hay bất kỳ nước nào khác. Để đạt được chính sách nhất quán, có rất nhiều cơ quan đang tham gia xây dựng chính sách khoa học công nghệ, tuy nhiên đôi khi quy định còn chồng lấn. Những thách thức này có thể cản trở đổi mới sáng tạo để đưa ra sáng kiến mới cho thị trường.
Vì vậy, chúng ta có thể thí điểm một số chính sách song song với quy định hiện hành. Ví dụ UNDP đã thí điểm áp dụng tại Đà Nẵng trong xây dựng Chính phủ điện tử. Chúng ta có thể áp dụng mô hình tương tự trong phát triển thị trường khoa học công nghệ.
Tuy nhiên, đổi mới sáng tạo không chỉ giới hạn trong công ty, tập đoàn lớn mà còn ở góc độ địa phương hay cơ sở. Trong thời điểm đại dịch COVID-19, chúng ta đã có nhiều phát minh, đổi mới sáng tạo ở cấp cơ sở như: Cây "ATM gạo", sử dụng công nghệ robot. Công ty Công nghệ sinh học Minh Hồng được UNDP hỗ ứng dụng công nghệ sinh học biến rác hữu cơ thành các sản phẩm dọn dẹp nhà cửa. Hiện công ty này đã xử lý được 509 tấn rác thải, sản xuất được hơn 50 nghìn lít sản phẩm phục vụ dọn dẹp nhà cửa, tạo ra thêm việc làm cho hơn 400 phụ nữ.
Tôi hiểu ở Việt Nam có câu nói "thất bại là mẹ thành công", có nghĩa chúng ta chấp nhận thất bại và học hỏi thất bại để có tiền đề của thành công. Tinh thần này nên được thể chế hóa và khuyến khích ở tất cả các cấp độ.
UNDP đang hợp tác chặt chẽ với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cùng nhiều đơn vị khác và sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong tương lại.
Chính phủ Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ về thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ trong nước, hy vọng cuộc chuyển đổi này sẽ đóng góp cho tương lai xanh bền vững cho người dân.
WB cam kết hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển KHCN ở Việt Nam
Theo đại diện WB, để duy trì hiệu quả kinh tế thì Việt Nam cần không ngừng đổi mới sáng tạo. Đổi mới sáng tạo là cách để duy trì, đẩy mạnh năng suất. Các nước cần có phản ứng kịp thời với sự tiến bộ của KHCN vì nó sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, chế tạo. Các nước cũng phải ứng phó với biến đổi khí hậu và đặc biệt là thông qua đổi mới sáng tạo, cũng như là có những phương pháp sản xuất mang tính xanh hơn, bền vững hơn.
Có rất nhiều thách thức mà các nước cũng đang phải đối mặt và Việt Nam thì cơ cấu chính sách chưa được thống nhất một cách tối ưu. Hiện nay chưa có nhiều chính sách để thúc đẩy công ty khởi nghiệp sáng tạo, mới có thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phát triển và rất nhiều chương trình hỗ trợ chưa có sự kết nối, vẫn còn rời rạc.
Hầu như chưa có doanh nghiệp tiên phong nào trong lĩnh vực công nghệ và tôi hiểu là Việt Nam cũng rất tham vọng để có thể nắm bắt cơ hội từ cách mạng 4.0. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp chưa đạt tiêu chuẩn 3.0 và còn rất nhiều việc để làm, việc sử dụng công nghệ chẳng hạn như các app điện thoại, sự phát triển của các công ty tỷ đô và hiện nay, các mô hình B to B cần được phát triển hơn nữa. Rất nhiều chủ doanh nghiệp chưa hiểu được lợi ích của việc tham gia mua bán, làm chủ công nghệ, họ vẫn chưa tiếp cận được công nghệ. Rất nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư vào Việt Nam nhưng họ vẫn chưa tìm được công ty đổi mới sáng tạo.
Việt Nam cũng đưa ra các ưu đãi thuế, nhưng Việt Nam có thể làm nhiều hơn nữa để có thể thúc đẩy sự phát triển của thị trường KHCN. Tôi nghĩ có những chương trình toàn cầu mà Việt Nam có thể xem xét tham gia.
Nếu chúng ta nói đến quy mô của nền kinh tế thì chúng tôi thấy rằng các chương trình hỗ trợ còn chưa nhiều và chưa nhiều lợi ích, cũng cần phải triển khai ở quy mô lớn hơn. Hiện nay Việt Nam đang ở nhóm 2, nhóm ở tầm trung bình liên quan tới năng lực áp dụng công nghệ.
Liên quan đến chính sách, WB có một số khuyến nghị chính sách mà chúng tôi thu thập được.
Thứ nhất là tái cân bằng các chính sách đổi mới. Tôi hiểu rằng hiện nay Việt Nam vẫn đang khuyến khích những hoạt động nghiên cứu phát triển, vì vậy cũng cần phải khuyến khích ứng dụng công nghệ có sẵn và quý vị cũng có thể xem xét xử lý các rào cản, chẳng hạn liên quan tới những quy định trong lĩnh vực công nghệ tài chính và chúng tôi thấy đã có những chương trình hỗ trợ kỹ thuật, rồi các chính sách ưu đãi thuế đã có những yếu tố, cấu phần đã tốt rồi, tuy nhiên Việt Nam cần tiếp tục tìm cách hỗ trợ phát triển thông qua các công cụ khác nhau và tăng cường huy động vốn cho hoạt động đổi mới sáng tạo, tiếp cận thị trường rất quan trọng. Có những cách để huy động vốn từ khu vực tư nhân và cần phải có những chương trình hỗ trợ để có thể gia tăng sự hấp dẫn của doanh nghiệp đối với các nhà đầu tư.
Có thể xem xét những cách để có thể hỗ trợ cho "vườn ươm". Việt Nam không cần tăng "vườn ươm" mới nhưng cần hỗ trợ cho các "vườn ươm" đã có sẵn để có thể gia tăng chất lượng của mình cũng như đầu ra của mình và chúng tôi cũng nói qua kinh nghiệm ở Kenya. Kenya đã áp dụng các chính sách tương tự để kêu gọi đầu tư cho một số ngành nghề quan trọng và quý vị cần xem xét đến các chương trình khuyến khích khởi nghiệp và có thể gia tăng lợi ích từ việc tiếp cận các chương trình vì tiềm năng rất lớn, số công ty khởi nghiệp cũng rất nhiều.
Cần có những hệ thống đánh giá phù hợp và cũng cần đánh giá nhu cầu của Việt Nam trong việc liên quan đến đổi mới sáng tạo. Có nghĩa Việt Nam cần phát triển các tài sản cần thiết như hạ tầng cơ sở dữ liệu số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn. Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn nữa vào tài sản quan trọng này.
Bài, ảnh: PV