Nghiên cứu sản xuất dược phẩm ở Công ty Nanogen – Khu công nghệ cao TP.HCM. (Ảnh: Thái Ngọc)
Cần có chương trình thông tin đầy đủ và rõ ràng hơn cho xã hội biết về hoạt động KH – CN. Đây là một trong những nội dung chỉ đạo tại buổi làm việc về triển khai kế hoạch hoạt động KH - CN năm 2011 của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân với Bộ KH - CN cùng các bộ ngành liên quan do Bộ KH - CN tổ chức ngày 17/2 tại Hà Nội.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH – CN Hoàng Văn Phong cho biết, hiện nay Bộ đã hoàn tất, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2020 và Kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ 5 năm 2011 - 2015.
Cùng với việc làm chủ và ứng dụng công nghệ cao, Bộ sẽ tập trung phát triển các sản phẩm quốc gia theo các lĩnh vực ưu tiên những ngành công nghiệp then chốt; ngành công nghiệp mới; phát triển nông nghiệp nông thôn; bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng…;nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Bên cạnh đó sẽ hình thành và phát triển mạng lưới xúc tiến, giao dịch công nghệ. Phấn đấu đến năm 2020 sẽ tăng giá trị giao dịch mua bán công nghệ đạt bình quân 15-20%; chuẩn bị các điều kiện nhân lực và hạ tầng kỹ thuật phục vụ Chương trình phát triển điện hạt nhân; hoàn thiện các cơ chế chính sách đãi ngộ và sử dụng cán bộ; đổi mới cơ chế hoạt động của tổ chức KH - CN; đổi mới cơ chế tài chính cho KH - CN…
Trong lĩnh vực nông thôn, miền núi, sẽ tăng cường ứng dụng tiến bộ KH - CN để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo đảm bảo an ninh lương thực và chất lượng gạo xuất khẩu; nâng cao hiệu quả sản xuất các mặt hàng phải nhập khẩu.
Chỉ đạo những định hướng và nhiệm vụ mà Bộ KH - CN đã đưa ra, Phó Thủ tướng cho rằng, cần phải có phụ lục xác định rõ các công việc, làm gì cụ thể trong các định hướng chính, nhiệm vụ chính trong năm 2011; đặc biệt việc xác định sản phẩm chủ lực là quan trọng và cần phải triển khai. Việc ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp cũng phải xác định rõ những đóng góp của KH - CN cho ngành nông nghiệp thời gian qua; đẩy mạnh phối hợp nghiên cứu trong trường đại học; cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp có gốc phát triển từ KH - CN…
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ đạo: Thúc đẩy đầu tư của toàn xã hội cho khoa học và công nghệ, đặc biệt là từ khu vực doanh nghiệp. Dành tỷ lệ đáng kể kinh phí từ ngân sách nhà nước cho việc nhập khẩu, làm chủ công nghệ, mua sáng chế và thuê chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Thay thế cơ chế tài chính hành chính hiện nay bằng cơ chế tài chính sự nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức khoa học và công nghệ hoạt động theo cơ chế tự chủ. Tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống các quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ theo hướng tăng quy mô đầu tư từ ngân sách nhà nước cho Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; thành lập và đưa vào hoạt động Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia và Quỹ Đầu tư mạo hiểm công nghệ cao quốc gia.
Về hoạt động hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ, cần liên kết với các đối tác có tiềm lực mạnh của nước ngoài (đặc biệt ở khu vực Bắc Mỹ, Tây và Trung Âu, Đông Bắc Á) triển khai các chương trình đào tạo, hợp tác nghiên cứu chung trong khuôn khổ các thoả thuận song phương, đa phương, khu vực, liên khu vực và quốc tế. Thu hút lực lượng nhân lực khoa học và công nghệ nước ngoài, đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài, tham gia vào các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo sau đại học tại Việt Nam. Mở rộng và khai thác có hiệu quả mạng lưới đại diện khoa học và công nghệ ở nước ngoài để thúc đẩy tìm kiếm và chuyển giao công nghệ về nước.
Có chương trình thông tin đầy đủ và rõ ràng hơn cho xã hội biết về hoạt động KH&CN thông qua 2 kênh chính là truyền hình Việt Nam và các sở qua truyền hình địa phương. Truyền hình mỗi tháng có 1 chương trình về KH - CN giới thiệu các kết quả nghiên cứu. Nên triển khai sớm từ nay đến khi Quốc hội họp để xã hội hiểu về các hoạt động KH - CN tốt hơn.