Đó là nguyện vọng của rất nhiều đại biểu tham dự buổi làm việc giữa Đoàn công tác liên ngành do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và một số Bộ, ngành tổ chức với Bộ Nội vụ.
Buổi làm việc do Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu chủ trì, ngày 3/5/2012, tại Hà Nội.
Đây là một trong những hoạt động phục vụ việc xây dựng Đề án “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” trình Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) vào tháng 10/2012.
Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Ngợi - Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước đã báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KH&CN (giai đoạn 1996 – 2011) và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của Bộ Nội vụ trong thời gian tới.
Theo đó, thời gian qua, các đơn vị thuộc Bộ đã thực hiện trên 10 đề tài độc lập cấp nhà nước. Trong đó có những đề tài trực tiếp liên quan đến các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nội vụ như "Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng đòi hỏi của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân", "Cơ sở khoa học cải cách chính sách tiền lương nhà nước giai đoạn 2001-2010", “Dịch vụ công và xã hội hóa dịch vụ công trong điều kiện cải cách nền hành chính nhà nước ở Việt Nam”,…
Ngoài ra, các đơn vị còn thực hiện nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ; dự án điều tra cơ bản; tham gia xây dựng một số chủ trương, chính sách của Đảng;…
Các hoạt động KH&CN của Bộ Nội vụ đã góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị luận cứ khoa học, cung cấp tư liệu, thông tin cho việc xây dựng các văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, xây dựng chiến lược, chính sách trong lĩnh vực quản lý nhà nước. Đồng thời, hoạt động KH&CN đã đóng góp không nhỏ vào việc đổi mới tư duy, nâng cao năng lực nghiên cứu, năng lực xây dựng chính sách của đội ngũ công chức, viên chức của Bộ.
Luật Viên chức được ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2012 là cơ sở để triển khai đổi mới công tác quản lý công chức, viên chức KH&CN trong các đơn vị sự nghiệp theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo của viên chức, tăng quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong điều hành, quản lý đội ngũ công chức, viên chức làm công tác nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, hiện nay cơ chế, chính sách quản lý đội ngũ công chức, viên chức KH&CN vẫn còn một số hạn chế. Các quy định về quyền hạn, trách nhiệm của người trực tiếp làm công tác nghiên cứu KH&CN cũng như cá nhân lãnh đạo tổ chức KH&CN còn thiếu cụ thể, rõ ràng, chưa gắn với kết quả và hiệu quả hoạt động của cá nhân, tổ chức.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Hệ thống thang, bảng lương đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức KH&CN chưa phù hợp; không phản ánh đúng mức chênh lệch về trình độ chuyên môn cũng như đòi hỏi của công việc đang đảm nhiệm. Chính sách khen thưởng, tôn vinh chưa đủ sức khuyến khích và khơi dậy mọi tiềm năng sáng tạo của đội ngũ cán bộ khoa học,…
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã đưa ra những kiến nghị để phát triển KH&CN trong thời gian tới. Cụ thể, cần đưa ra chính sách để đến năm 2020 KH&CN có bước tiến mới, khác biệt so với giai đoạn trước; với các đề tài, trước khi cấp kinh phí phải xác định được tính mới, tính cấp thiết và ứng dụng của đề tài; quan tâm đến lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn và đầu tư cho các viện khoa học xã hội.
Bên cạnh đó, cần có chính sách đặc thù đối với cán bộ ngành khoa học. Tuy nhiên, không nên coi đó là sự ưu ái mà đây chính là thái độ, quan điểm và trách nhiệm của nhà nước đối với các nhà khoa học. Chính sách đãi ngộ, trọng dụng đầu tiên đó là tạo được môi trường, cơ chế pháp lý tự do dân chủ để nhà khoa học thuận lợi hơn trong nghiên cứu, sáng tạo, trao đổi học thuật.
Tin. ảnh: Nguyễn Hạnh