Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ sáu, 22/11/2024 , 08:52 am
Cập nhật : 07/09/2023 , 10:09(GMT +7)
Cần các giải pháp toàn diện phòng chống sạt lở tại Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long
Đoàn chủ tịch điều hành Hội thảo.
Trước những diễn biến trượt lở, nứt đất tại Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và lãnh thổ Việt Nam, trong tháng 8 năm 2023, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam đã phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức đoàn công tác nhằm khảo sát, đánh giá sơ bộ hiện trạng, nguyên nhân, làm căn cứ cho các đề xuất, định hướng tiếp theo.

Hai đoàn công tác đã được thành lập và thực hiện khảo sát tại khu vực phía nam Tây Nguyên thuộc các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông về trượt lở, nứt đất và vùng ĐBSCL về sạt lở sông, biển. Kết quả khảo sát của hai đoàn công tác đã được trình bày tại Hội thảo “Đánh giá tình hình thiên tai khu vực Tây Nguyên, ĐBSCL và lãnh thổ Việt Nam, đề xuất các giải pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại” được tổ chức sáng 29/8/2023 tại Hà Nội do Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức.

Toàn cảnh Hội thảo.

Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang và Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Trần Tuấn Anh. Tham dự Hội thảo còn có đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ KH&CN, Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cùng các nhà khoa học.

Cấp bách giảm thiểu thiệt hại do các tai biến thiên nhiên tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam PGS.TS Trần Tuấn Anh cho biết, chỉ trong tháng 7 và 8/2023, hàng loạt các vụ trượt lở, sạt trượt, nứt đất đã xảy tại Tây Nguyên. Tại ĐBSCL, từ nhiều năm qua, tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển đang diễn biến rất phức tạp và có xu hướng gia tăng cả về phạm vi lẫn quy mô. Tình trạng này đã và đang gây ra những thiệt hại rất lớn về tài sản, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế - xã hội.

Báo cáo kết quả khảo sát đánh giá hiện trạng tình hình sạt lở, nứt đất ở khu vực phía Nam Tây Nguyên thuộc các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, TS. Trần Quốc Cường - Trưởng đoàn công tác cho biết, hiện tượng trượt lở, nứt đất xảy ra trên diện rộng, diễn biến phức tạp, đe dọa phá hủy toàn bộ các công trình xây dựng đã đầu tư và các khu dân cư; gây thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới an sinh - kinh tế. Nguyên nhân cơ bản của hiện tượng này là sự có mặt các lớp đất đá yếu trong các hệ tầng địa chất, phân bố nhiều ở vùng Nam Tây Nguyên. Mưa lớn dài ngày và các hoạt động xây dựng công trình đã tác động vào các khu vực vốn xung yếu về địa chất, nhạy cảm với trượt lở, làm phát sinh trượt lở, nứt đất.

Theo TS. Trần Quốc Cường, hiện tượng trượt lở, nứt đất xảy ra trên diện rộng, diễn biến phức tạp.

Về tình trạng sạt lở sông, biển ở ĐBSCL, GS.TS Trần Đình Hòa - Chủ nhiệm Chương trình KC08/21-30 cho biết, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn 13 tỉnh khu vực ĐBSCL có tổng 596 vị trí sạt lở bờ sông, bờ biển với chiều dài hơn 804.4 km. Tổng số điểm sạt lở của 3 tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Tiền Giang chiếm gần 30% trên tổng số điểm sạt lở thống kê được tại 13 tỉnh ĐBSCL. Nguyên nhân chính là do tác động của biến đổi khí hậu, khai thác nguồn nước trên dòng chính sông MeKong, tác động của các yếu tố phát triển nội vùng như khai thác cát, co hẹp dòng chảy…

GS.TS Trần Đình Hòa - Chủ nhiệm Chương trình KC08/21-30 báo cáo tại Hội thảo.

Cần tiếp cận tổng thể, toàn diện, lâu dài trong nghiên cứu thiên tai

GS.TS Trần Đình Hòa cũng chỉ ra hai nhóm giải pháp chính là giải pháp quản lý và giải pháp kỹ thuật. Trong đó, các giải pháp về quản lý như: Nâng cao nhận thức cộng đồng; xây dựng cơ chế, chính sách, quy hoạch vùng; quản lý, khai thác rừng ngập mặn; tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc khai thác cát...

Giải pháp kỹ thuật gồm: công trình cứng (kè biển, kè mỏ hàn, đê ngầm phá sóng, kè mỏ hàn kết hợp đê ngầm phá sóng) và giải pháp mềm (nuôi bãi, trồng rừng ngập mặn, và đụn cát). Hiện các nhóm giải pháp đã được thực hiện và đang tiếp tục triển khai trên các khu vực như bờ sông tại Cà Mau, kè bảo vệ bờ tại Vĩnh Hảo - Sóc Trăng; cấu kiện CT1 giảm sóng ở Gò Công - Tiền giang; kè bảo vệ bờ tại Gành Hào - Bạc Liêu…

Theo GS.TS Trần Đình Hoà, về dài hạn cần có các nghiên cứu mang tính tổng thể nhằm chủ động dự báo, cảnh báo, thích ứng với vấn đề sạt lở trên hệ thống sông, kênh (bảo vệ các khu vực quan trọng) và chủ động bảo vệ các khu vực bờ biển trọng yếu, chủ động quản lý, kiểm soát được rủi ro thiên tai.

PGS.TS Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nhấn mạnh, cần có các nghiên cứu chuyên sâu giai đoạn 2025-2030. Trước mắt tập trung nghiên cứu phương pháp công nghệ giám sát, cảnh báo sớm tai biến địa chất trên diện và điểm phù hợp với điều kiện khu vực Tây Nguyên và ĐBSCL. Nghiên cứu điều kiện địa kỹ thuật đô thị và khu dân cư trọng điểm phục vụ giảm thiểu thiệt hại do tai biến địa chất hai khu vực này.

PGS.TS Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nhấn mạnh cần có các nghiên cứu chuyên sâu về hiện tượng trượt lở đất giai đoạn 2025-2030.

Việc tổ chức thực hiện các nghiên cứu thiên tai cần theo cách tiếp cận từ khái quát đến chi tiết, từ quy mô quốc gia, đến vùng miền, cấp huyện, khu dân cư, công trình với các cách tiếp cận, hệ phương pháp và mục tiêu khác nhau tương ứng với từng quy mô. Đồng thời, tăng cường vai trò phối hợp của các bộ, ngành: KH&CN, TN&MT, NN&PTNT, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; sự phối hợp giữa các chương trình KH&CN trọng điểm và sự phối hợp liên ngành và đa ngành của các chuyên môn khoa học trong nghiên cứu thiên tai.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã trao đổi, thảo luận những kết quả đạt được, đưa ra các giải pháp thiết thực, cụ thể cho tình hình nghiên cứu thiên tai tại Việt Nam cũng như đề xuất giải pháp ứng phó trong tình hình mới.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang bày tỏ đồng tình với ý kiến của các nhà khoa học: "Tai biến địa chất ngày càng trầm trọng và phức tạp, ảnh hưởng lớn đến kinh tế, an sinh xã hội", vì vậy cần có các nghiên cứu chuyên sâu hơn, toàn diện, tổng thể, liên tục, lâu dài và liên ngành; bố trí kinh phí dự phòng cho các nhiệm vụ đột xuất.

Thứ trưởng mong muốn các bộ, ngành, ban quản lý chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu chủ động đặt hàng, các nhà khoa học đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu nhằm giảm thiểu thiệt hại do các tai biến thiên nhiên tại vùng ĐBSCL và Tây Nguyên cũng như trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang phát biểu kết luận Hội thảo.

 Bài, ảnh: Thùy Linh 

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner