Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
KH&CN địa phương Thứ bảy, 23/11/2024 , 12:15 am
Cập nhật : 22/02/2015 , 06:02(GMT +7)
Cần Thơ: Nhiều giải pháp thúc đẩy ươm tạo doanh nghiệp
Doanh nghiệp KH&CN là lực lượng sản xuất mới có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nói riêng là một lực lượng quan trọng trong việc đóng góp cho nền kinh tế của vùng, địa phương và quốc gia. Tại Cần Thơ, điều đó cũng không ngoại lệ. Thành phố đã và đang có nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất quan trọng này.

Tín hiệu tốt

Từ năm 2012, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Cần Thơ đã có dấu hiệu cải thiện, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng nay đã quay trở lại hoạt động và tăng dần. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã dần khôi phục, nhờ đó tỷ lệ người thất nghiệp và thiếu việc làm giảm đáng kể. Tuy nhiên, theo ông Trần Hà Đông Quân, Trung tâm phát triển Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (KVIP), tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ còn nhiều khó khăn. Cụ thể, tình hình phát triển còn yếu, một số mang tính tự phát; khó tiếp cận các chính sách của Nhà nước; các doanh nghiệp quy mô nhỏ, tài sản ít, máy móc thiết bị lạc hậu, khả năng cạnh tranh thấp. Bên cạnh đó, chất lượng các sản phẩm chưa cao, năng lực cạnh tranh trên thị trường yếu. Phần lớn các doanh nghiệp vẫn khó khăn về tiếp cận nguồn vốn, thị trường, công nghệ và trình độ quản lý. Nguồn nhân lực quản lý còn hạn chế về trình độ, năng lực, làm việc chủ yếu theo kinh nghiệm; chưa có chiến lược phát triển ổn định và lâu dài, đa số chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế phát triển các doanh nghiệp và thành lập các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp của thành phố, Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc được xây dựng trên cơ sở biên bản ghi nhớ trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Kinh tế Tri thức Hàn Quốc (nay là Bộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc).

KVIP là dự án ODA do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ với tổng số vốn đầu tư hơn 21 triệu USD, trong đó tài trợ không hoàn lại 17,7 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 3,43 triệu USD. Ông Trần Hà Đông Quân cho biết, KVIP được thực hiện dựa trên mô hình kiểu mẫu của các Technopark tại Hàn Quốc. Theo thỏa thuận giữa hai Chính phủ, Hàn Quốc sẽ cử các chuyên gia đến làm việc tại KVIP, đào tạo các nhân viên của Việt Nam, hỗ trợ vận hành đến hết năm 2015 (dự kiến sẽ kéo dài đến hết năm 2017), nhằm đảm bảo KVIP vận hành thành công, góp phần thúc đẩy kinh tế của thành phố Cần Thơ nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung. KVIP tập trung phát triển trên các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và cơ khí chế tạo.

Đến cuối năm 2014, công trình xây dựng đã hoàn thành được khoảng 80% khối lượng, dự tính tháng 3/2015 sẽ chính thức đưa vào hoạt động. Hiện đã có một số đề nghị từ các doanh nghiệp Hàn Quốc sang đầu tư cũng như tham gia vào KVIP. Ban Quản lý dự án cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm nhằm thu thập ý kiến của doanh nghiệp và tìm ra định hướng phát triển thiết thực cho Vườn ươm trong tương lai.

Hiện Vườn ươm đang gặp một số khó khăn, đặc biệt chưa có nhiều các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản luật về ươm tạo doanh nghiệp nên trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện dự án gặp nhiều trở ngại. Đội ngũ cán bộ nhân viên còn khá trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong vận hành. Các doanh nghiệp còn khá xa lạ với khái niệm "vườn ươm", do đó nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà trong việc tham gia, dè dặt trong nắm bắt tìm hiểu thông tin...


Cần Thơ đang đề xuất hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp về luật pháp, sở hữu trí tuệ, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
 

Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ

Mục tiêu của KVIP cũng giống như mục tiêu của việc ươm tạo doanh nghiệp là làm sao hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, hỗ trợ các cá nhân có ý tưởng sáng tạo và mong muốn thành lập doanh nghiệp trong tương lai. Ngoài ra KVIP cũng hướng đến mục tiêu sẽ là cầu nối, thu hút các doanh nghiệp ngoài nước đầu tư FDI tại thành phố Cần Thơ.

Theo đó, một số giải pháp KVIP đang đề xuất như, sẽ hỗ trợ cơ sở vật chất cho các cá nhân, doanh nghiệp phục vụ nghiên cứu phát triển các ý tưởng như văn phòng, hệ thống thông tin liên lạc, máy tính,...; đề xuất cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào KVIP như thu nhập của doanh nghiệp tham gia ươm tạo công nghệ tại KVIP phát sinh trực tiếp từ các hoạt động ứng dụng công nghệ đó được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian ươm tạo. Sản phẩm trực tiếp được tạo ra từ các hoạt động ứng dụng công nghệ tại KVIP được miễn thuế giá trị gia tăng trong thời gian ươm tạo. Doanh nghiệp ươm tạo thành công được áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm.

KVIP cũng đang đề xuất thành phố xây dựng 01 khu công nghiệp hoàn chỉnh, ưu tiên giành cho các doanh nghiệp ươm tạo thành công tại KVIP đến thuê đất thành lập doanh nghiệp, đồng thời miễn tiền thuê đất 03 năm đầu và giảm 50% cho 03 năm tiếp theo.

Cùng với đó, cá nhân, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tư vấn đầu tư, tư vấn quản lý, nghiên cứu thị trường, luật pháp, sở hữu trí tuệ, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng. Hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn trong nước cho cán bộ quản lý và kỹ thuật của các doanh nghiệp tham gia ươm tạo.

KVIP còn đề xuất hỗ trợ 70% chi phí gian hàng tham gia triển lãm, hội chợ trong nước; miễn phí tiếp cận thông tin thị trường, giá cả, dịch vụ từ cơ quan xúc tiến thương mại của các tỉnh, thành phố ĐBSCL trong thời gian ươm tạo; ưu tiên đưa vào chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu hàng năm;...

Theo ông Trần Hà Đông Quân, hiện nay KVIP đang làm đầu mối, mời gọi một số doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đầu tư vào thành phố Cần Thơ theo hình thức FDI, liên doanh. Đây sẽ là hình thức hỗ trợ hiệu quả đối với các doanh nghiệp tại Cần Thơ. Ví dụ, đã kết nối giữa Tập đoàn Xuất khẩu Thủy sản BIFEX của Hàn Quốc và Công ty TNHH Thủy sản Nam Phương hợp tác chế biến trứng cá POLACK và xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc với giá 50 USD/kg. Sản lượng xuất khẩu hàng năm khoảng 1.000 tấn/năm trong 2 năm đầu và tăng dần ở những năm sau.

KVIP cũng đã kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất lắp ráp máy nông nghiệp lớn nhất Hàn Quốc với đối tác Việt Nam để đi đến ký kết biên bản ghi nhớ chuyển giao công nghệ và xây dựng nhà máy lắp ráp tại Việt Nam. Đặc biệt, KVIP còn hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm của doanh nghiệp Cần Thơ.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, vườn ươm doanh nghiệp công nghệ là bệ phóng để hình thành những doanh nghiệp công nghệ cao,... Ở nước ta, hoạt động này đã hình thành và đang có những kết quả bước đầu. Chúng ta cũng đã có vài chục cơ sở ươm tạo công nghệ. Với những chính sách, giải pháp đã và đang có, chắc chắn KVIP sẽ có một lối đi riêng, có sức hút đối với nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong lĩnh vực KH&CN tham gia. Từ đó, cùng với các cơ sở ươm tạo trong nước tạo ra nhiều doanh nghiệp công nghệ cao với những sản phẩm giá trị, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương nói riêng và quốc gia nói chung.

Bài, ảnh: Quỳnh Chi


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner