Ngày 3-6, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công tổ chức Hội thảo Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và dự án Luật Hành chính công.
Trưởng ban soạn thảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Thị Quốc Khánh chủ trì Hội thảo. Báo cáo về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, sự bùng phát của hệ thống sản xuất tiên tiến dựa trên số hóa và kết nối, hay còn gọi là hệ thống tích hợp số - vật lý, đang đưa thế giới tiến vào Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). Cuộc cách mạng này được mở đầu bằng những đột phá khoa học vào thế giới vi mô, hình thành các công nghệ mới như công nghệ nano, in 3D, công nghệ sinh học phân tử, công nghệ di truyền, công nghệ của trí tuệ nhân tạo, internet của vạn vật… đang làm biến đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị của mỗi quốc gia.
Quang cảnh buổi hội thảo
Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cũng nêu rõ, so sánh 4 nhóm loại công nghệ sẽ chuyển động mạnh mẽ trong CMCN 4.0 (công nghệ thông tin, vật lý, sinh học và năng lượng tái tạo) với sự phát triển khoa học, công nghệ ở Việt Nam, có thể thấy các doanh nghiệp trong nước hiện mới có mức độ sẵn sàng tham gia cuộc cách mạng này ở mức trung bình đối với nhóm công nghệ thông tin (CNTT).
Doanh nghiệp CNTT có thể khai thác dịch vụ cung ứng nền tảng, ứng dụng, nội dung kết nối internet vạn vật (IoT). Trong các nhóm công nghệ còn lại thì Việt Nam đều có mức độ sẵn sàng thấp.
Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), với thực trạng phát triển khoa học, công nghệ hiện nay của nước ta thì CMCN 4.0 có thể làm giảm trên 80% số việc làm của ngành dệt may, còn Diễn đàn Kinh tế dự báo sẽ làm giảm 47% số việc làm trong ngành.
Còn theo Trưởng ban soạn thảo dự án Luật, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban KHCNMT của Quốc hội, người dân và doanh nghiệp đang có yêu cầu cao hơn với bộ máy hành chính, nhất là trong việc ứng dụng CNTT, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Dự án Luật Hành chính công được xây dựng với mục đích tạo hành lang pháp lý, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng Chính phủ/chính quyền điện tử, góp phần tận dụng các tác động tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của CMCN 4.0 đến nước ta.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng, để cả xã hội thực sự vững vàng trong một xã hội của cuộc CMCN 4.0 này, việc xây dựng và thông qua dự án Luật Hành chính công sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý hữu hiệu cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ngày càng phát triển ở Việt Nam, tạo động lực đổi mới phương thức làm việc của bộ máy hành chính.