Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ ba, 26/11/2024 , 02:15 pm
Cập nhật : 10/06/2013 , 10:06(GMT +7)
Các hướng tiếp cận Trung tâm nghiên cứu mạnh
Các nhà khoa học từ ĐHBK Hà Nội thảo luận về trung tâm nghiên cứu mạnh hôm 24/5
Nhằm xây dựng ý kiến góp ý cho kế hoạch thành lập các trung tâm nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực và quốc tế như mục tiêu đề ra trong Chiến lược Phát triển KH&CN 2011-2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, ngày 24/5 vừa qua tạp chí Tia Sáng đã có cuộc trao đổi cùng một số nhà khoa học từ Đại học Bách khoa Hà Nội.

Đa số các ý kiến thu được từ các nhà khoa học của Đại học Bách khoa Hà Nội trong cuộc tọa đàm vừa qua cho rằng nên đặt ra những mục tiêu khả thi và những tiêu chí cụ thể gắn với thực trạng phát triển KH&CN ở Việt Nam.

Mục tiêu và tên gọi

Theo PGS. TS Phạm Thành Huy từ Viện Tiên tiến KH&CN (AIST), cho rằng gần đây, một số ý kiến bàn về xây dựng các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, nhưng tên gọi này dễ gây hiểu lầm cho công chúng cũng như bản thân giới khoa học. Ông cho rằng cần sử dụng đúng tên gọi là trung tâm nghiên cứu mạnh như đã nêu trong Chiến lược Phát triển KH&CN 2011-2020. Việc gọi đúng tên là trung tâm nghiên cứu mạnh cũng nhằm phản ánh mục tiêu có tính thực chất hơn, đó là tụ họp các cá nhân và nhóm nghiên cứu có thực lực nhất nhằm thực hiện những hoạt động nghiên cứu phù hợp với mục tiêu chiến lược KH&CN của quốc gia.

Quan điểm của PGS. Phạm Thành Huy phần nào cũng xuất phát từ một thực tế là phần lớn các hoạt động nghiên cứu ở Việt Nam chưa ở tầm mức xuất sắc so với quốc tế, và không ít trong số đó thậm chí chưa thực sự đạt những chuẩn mực khoa học chung thông thường. Theo GS. Trần Xuân Hoài, nguyên Viện trưởng Viện Vật lí ứng dụng và thiết bị khoa học, người cùng tham dự tọa đàm, mục tiêu cấp bách nhất đằng sau việc hình thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc là làm sao tạo dựng cơ chế và điều kiện thuận lợi cho những nghiên cứu trung thực. Ông cho rằng vấn đề quan trọng nhất là bản thân người làm khoa học phải trung thực với chính mình, phải thỏa mãn với việc mình làm, mà cả hai cái gốc này hiện nay ở Việt Nam đều đang thiếu. “Phải xác định đầu tiên là trở thành trung tâm xuất sắc của chính mình trước đã, rồi mới đến của trường, của nước, của vùng, của thế giới, ý kiến cá nhân tôi là hiện nay các nhà khoa học Việt Nam chưa xuất sắc với chính mình”, ông bày tỏ.

Một số nhà khoa học có ý kiến đề nghị bổ sung những tiêu chí rõ ràng hơn cho mục tiêu thành lập các trung tâm nghiên cứu mạnh. TS. Đỗ Văn Nam từ AIST đặt câu hỏi: “thành lập các trung tâm này cho ai?” Theo ông, các trung tâm mạnh cần được ưu tiên dành cho đối tượng là các nhà khoa học trẻ, những người còn dồi dào năng lực nghiên cứu và sáng tạo. Đồng nghiệp của ông ở AIST là TS. Vũ Ngọc Phan thì nhận định các trung tâm mạnh cần đưa ra chuẩn mực so sánh rõ ràng với một quốc gia cụ thể nào đó. “Chúng ta cứ khẳng định một cách chung chung là đạt tầm khu vực hay quốc tế thì không bao giờ có mục tiêu phấn đấu rõ ràng để thực sự tiến lên được”, ông nói.

Theo GS. Nguyễn Đức Chiến, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý Kỹ thuật, cần đặt ra những tiêu chí cụ thể cả đầu vào và đầu ra cho trung tâm xuất sắc như số lượng cán bộ tối thiểu và đòi hỏi trong đó phải có một vài cán bộ khoa học xuất sắc đứng đầu; số công bố quốc tế ISI, số patent, số nghiên cứu sinh đào tạo được, số hợp đồng ký với công nghiệp hằng năm, và số doanh nghiệp spin off phát triển ra từ đó. “Đương nhiên để đạt ngay các mục tiêu này sau một hai năm thì khó, nhưng tùy từng nơi, có thể sau 6-7 năm hay 8-9 năm, cần đánh giá lại một lần”, ông nhận định.

Cùng quan điểm rằng các trung tâm nghiên cứu mạnh cần được đặt ra những mục tiêu và tiêu chí cụ thể, nhưng GS. Trần Xuân Hoài cảnh báo rằng những con số như lượng patent hay công bố ISI trên thực tế đều có thể được con người dàn dựng, chẳng hạn như bằng cách tham gia ghé vào các nghiên cứu dùng nội lực nước ngoài, hoặc thậm chí với các nghiên cứu nửa thực nghiệm ở dạng mô phỏng (simulation) thì con số công bố có thể lên rất cao, biến các tổ chức thành những “máy sản sinh bài công bố”.

Nên dựa trên những nền tảng sẵn có

Theo PGS. Phạm Thành Huy, một tổ chức nghiên cứu mạnh không nằm ra ngoài năm mô hình hình thành: từ nhóm nghiên cứu nhỏ; từ viện nghiên cứu lớn; từ phòng thí nghiệm công nghiệp; từ phòng thí nghiệm quốc gia; từ mối liên kết giữa trường đại học và ngành công nghiệp. Ông cho rằng về cơ bản hiện nay có hai cách tiếp cận. Cách thứ nhất là phát triển từ các nhóm nhỏ do các nhà khoa học tự tổ chức. Hướng tiếp cận này không tốn kém, do các nhà khoa học tự đi tìm nhiệm vụ và tự kiếm tiền từ đấu thầu các nhiệm vụ. Trong tiến trình phát triển, các nhóm này sẽ thu hút thêm nhân lực và tiếp tục lớn dần lên.

Kinh nghiệm từ Trung Quốc: dựa trên nền tảng các trường đại học

 

Năm 1995 Trung Quốc thông qua công trình 211, nội dung là tập trung xây dựng 100 trường đại học (6% tổng số trường trên cả nước) trình độ quốc tế theo định hướng nghiên cứu, mỗi trường chọn một vài ngành khoa học trọng điểm để đầu tư đạt trình độ cao và có các công trình có giá trị, được thế giới biết đến. Họ huy động nguồn vốn khổng lồ cả trung ương và địa phương xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo con người. Tuy chỉ gồm 6% số trường trên cả nước nhưng các trường được chọn đã chiếm 85% số ngành khoa học trọng điểm của quốc gia, chiếm 96% số lượng các phòng thí nghiệm trọng điểm, đảm trách 50% hạng mục ngân sách khoa học tự nhiên quốc gia, chiếm 70% kinh phí nghiên cứu của quốc gia. Với sự đầu tư này, đến năm 2005 kinh phí đầu tư cho KHCN của Trung Quốc ở mức thua Mỹ 23,4 lần, nhưng 4 năm sau đó rút xuống còn 6,2 lần. Sau 10 năm những trường kể trên đào tạo 2/3 số sinh viên cao học của cả nước, lực lượng giảng viên có bằng tiến sĩ tăng từ 2% lên 31%, một số trường hàng đầu là 70%.

(Theo GS. Nguyễn Đức Chiến, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý Kỹ thuật)

Cách tiếp cận thứ hai phổ biến hiện nay là một trung tâm sẵn có nào đó muốn được tăng cường sức mạnh bằng cách đề nghị Nhà nước cung cấp một khoản kinh phí để mua máy móc thiết bị. Ông cho rằng cần hết sức cẩn trọng với cách tiếp cận này vì các kinh nghiệm cho thấy nhiều khi người ta mua máy móc về chỉ để đắp chiếu. “Nên chăng chúng ta cần một cách tiếp cận khác hơn, đó là lựa chọn người đứng đầu, xây dựng nhóm nghiên cứu lõi mạnh, và khi nhìn thấy tiềm năng của nó thì Nhà nước mới đầu tư để trở thành nhóm nghiên cứu mạnh”, ông nhìn nhận.

Chia sẻ quan điểm với PGS. Phạm Thành Huy, GS. Nguyễn Đức Chiến cho rằng phải tập trung tăng cường xây dựng các đơn vị nghiên cứu mạnh trên cơ sở đơn vị đã và đang hoạt động mạnh. Theo ông, cách làm phổ biến trên thế giới là dựa trên nền tảng là đội ngũ có sẵn, và dùng năng lực nội tại đó để lôi kéo các nhà khoa học từ nước ngoài. GS. Chiến khẳng định ở Việt Nam đã có những đơn vị nghiên cứu mạnh đủ sức hút như vậy, ví dụ như khối vật lý của Đại học Bách khoa Hà Nội trong khoảng 2-3 năm qua đã thu hút được  hơn 20 tiến sĩ trẻ ở nước ngoài, những người vốn không phải do trường gửi đi đào tạo.

Ngoài ra, theo GS. Nguyễn Đức Chiến, trong bối cảnh Việt Nam, muốn được sự ủng hộ của cả cơ quan quản lý và dư luận thì phải làm gì đó cho doanh nghiệp; trừ những nghiên cứu lý thuyết quá, còn lại đều có thể hợp tác với doanh nghiệp. Không chỉ phát triển từ đơn vị có sẵn, các trung tâm nghiên cứu mạnh còn phải là sự liên kết giữa các đơn vị khác nhau. “Ví dụ Đại học Bách khoa có ba viện thì chúng tôi tính có thể lập một trung tâm hoặc một phần của trung tâm xuất sắc khác, bởi đây không phải là tổ chức cứng nhắc, hành chính mà là một trung tâm nghiên cứu khoa học”, ông nói.

Cần cơ chế như thế nào?

Đầu tư dài hạn và có mốc đánh giá cụ thể

Các nhà khoa học nhất trí rằng trên lộ trình xây dựng các trung tâm nghiên cứu mạnh phải đặt ra các mốc thời gian cụ thể và cần cam kết ủng hộ, đầu tư dài hạn của Nhà nước. PGS. Phạm Thành Huy dẫn kinh nghiệm của các phòng thí nghiệm trọng điểm, các trung tâm nghiên cứu xuất sắc của các nước thường có lộ trình 5, 7, hoặc 9 năm – theo ông, thời điểm đánh giá phù hợp cho các đơn vị nghiên cứu ở Việt Nam là 9 năm – và có yêu cầu cụ thể đối với từng mốc. Như vậy, các trung tâm sẽ chỉ được tiếp tục đầu tư khi đạt yêu cầu thẩm định tại các thời điểm đánh giá.

PGS. Huy minh họa bằng kinh nghiệm từ Mỹ, khoảng năm 1972-73 Quốc hội Mỹ tiếp nhận ý kiến xây dựng các viện nghiên cứu liên đại học và công nghiệp. Tiến trình này không được triển khai ngay mà có giai đoạn chuẩn bị 3 năm để xây dựng ba mô hình thử nghiệm. Sau khi có kết quả đánh giá ba mô hình thử nghiệm, người ta mới xây dựng tiêu chuẩn cụ thể. Sau 30 năm, Mỹ xây dựng được hơn 100 viện nghiên cứu liên đại học – công nghiệp, nhưng đến thời điểm đánh giá năm 2008, chỉ còn hơn 30 đơn vị tự sống tự phát triển, còn lại tự giải tán. “Nghĩa là chúng ta phải nhìn nhận các trung tâm nghiên cứu mạnh không chắc sẽ mạnh mãi, và sẽ có những đơn vị buộc phải giải tán; nhưng nhìn xa hơn, những đơn vị sống sót đang là những đơn vị tạo ra rất nhiều patent có giá trị”, PGS. Huy nhìn nhận.

Đầu tư tập trung, không dàn trải

Theo GS. Nguyễn Đức Chiến, Nhà nước đóng vai trò quyết định trong đầu tư cho các trung tâm nghiên cứu mạnh. Ông cho rằng khi một đơn vị nghiên cứu đạt đến một mức nào đó thì nhà nước phải đầu tư mạnh, và ở nước nào cũng vậy, nếu không có chính sách rất mạnh, rất quyết liệt, tập trung, của nhà nước trong đầu tư cho khoa học thì không thể thành công. “Nếu Nhà nước chỉ ra nghị quyết mà kinh phí vẫn là vấn đề khó khăn thì mọi vấn đề khác chỉ để bàn cho vui”, ông thẳng thắn chia sẻ.

Đối với các trung tâm nghiên cứu có tính ứng dụng cho các ngành công nghiệp, PGS. Phạm Thành Huy cho rằng quy chế nên thật đơn giản, đó là nếu các nhà công nghiệp đầu tư hai đồng thì nhà nước cho một đồng. “Cách làm này cũng giống như sản xuất thử nghiệm của chúng ta, là mô hình trên thực tế ở giai đoạn trước chúng ta đã thử nghiệm nhưng chưa thật sự sâu sắc và quy mô nhỏ hơn nên ảnh hưởng còn ít”, ông nói.

Môi trường cởi mở, phù hợp với đặc thù KH&CN

Có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề tạo môi trường thoải mái phù hợp cho đặc thù hoạt động KH&CN. Theo GS. Nguyễn Đức Chiến, tổ chức nhân sự của các trung tâm xuất sắc không nên là tổ chức cứng, mà chỉ nên thuần túy là tập hợp của những người làm khoa học xuất sắc trong một lĩnh vực nào đó. TS. Đỗ Văn Nam cho rằng các nhà khoa học cần được tạo một môi trường giao lưu cởi mở và được sự tôn trọng cao từ các nhà quản lý, không cần quá câu nệ về thành tích mà nên để các trung tâm phát triển trong điều kiện tự nhiên. Cùng quan điểm rằng các nhà quản lý cần lắng nghe hơn nữa tâm tư nguyện vọng của các nhà khoa học, TS. Vũ Ngọc Phan khẳng định rằng với tình trạng quan liêu quá phổ biến như hiện nay thì dù có tổ chức nhiều cuộc hội thảo tọa đàm, nhưng các nhà khoa học có nói nữa cũng vô ích nếu các lãnh đạo không nghe thấy, và dù “chúng ta rất muốn xây dựng các trung tâm nghiên cứu mạnh, dù các hiệu trưởng và bản thân Bộ trưởng Bộ KH&CN rất muốn làm nhưng chưa chắc chúng ta đã đi đến kết quả mong đợi”, ông nói.

Năm mô hình thành lập trung tâm nghiên cứu xuất sắc theo gợi ý của PGS. TS. Phạm Thành Huy, Viện Tiên tiến KH&CN, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội:

1/ Trung tâm hình thành từ nhóm nghiên cứu nhỏ (cách tiếp cận bottom up)

Được hình thành từ đề xuất bởi một nhóm nghiên cứu mạnh sẵn có, được dẫn dắt bởi người đứng đầu là nhà khoa học xuất sắc. Trung tâm nghiên cứu theo mô hình này có thể tham gia đào tạo nhưng không bắt buộc. Ưu điểm của mô hình dựa trên nhóm nghiên cứu nhỏ là có cấu trúc linh hoạt, bản thân các thành viên ngoài mục tiêu phát triển chung của cả nhóm thì có hướng nghiên cứu mạnh của riêng mình

2/ Trung tâm hình thành từ viện nghiên cứu lớn (cách tiếp cận bottom up hoặc top down)

Được hình thành từ các nhóm nghiên cứu mạnh, tập hợp lại để thành một viện lớn hơn hoặc theo định hướng của một trường đại học, bao gồm cả nghiệp vụ nghiên cứu và đào tạo. Được tổ chức và quản lý chặt chẽ, nhân sự thường là cố định mặc dù có sử dụng nhân sự của các đơn vị phối hợp liên quan.

3/ Trung tâm hình thành từ các phòng thí nghiệm công nghiệp (chủ yếu là cách tiếp cận top down)

Đây là một mô hình ít được biết hơn ở Việt Nam, có cách tiếp cận chủ đạo là top down, với định hướng nghiên cứu theo sản phẩm. Mô hình này có nghiệp vụ chính là nghiên cứu, không hoặc ít tham gia đào tạo. Trung tâm được tổ chức chặt chẽ, tính kế hoạch cao, các mốc thời gian chính xác cho các nhiệm vụ, có thời điểm kết thúc. Hoạt động của trung tâm có thể bị dừng trong quá trình triển khai nếu không đạt được các mốc mục tiêu đề ra. Về nhân sự, mô hình này có sự chuyển đổi linh động cán bộ nghiên cứu.

4/ Trung tâm hình thành từ phòng thí nghiệm quốc gia (kết hợp cách tiếp cận bottom up và top down)

Đây là mô hình trung tâm lớn, có sự kết hợp của các mô hình top down – nghiên cứu theo nhiệm vụ - và bottom up. Những trung tâm như vậy được đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng đầy đủ và được gắn với nghiệp vụ đào tạo. Cấu trúc và tổ chức của trung tâm cần tính chặt chẽ, có tính kế hoạch cao, và cũng có điểm kết. Về nhân sự, trung tâm có thể linh động trong luân chuyển cán bộ.

5/ Trung tâm liên kết giữa công nghiệp và đại học (cách tiếp cận top down):

Đây là một mô hình top down mới đối với Việt Nam, thường xuất phát từ một dự án nghiên cứu lớn. Trung tâm được xây dựng để giải quyết các vấn đề cụ thể, định hướng theo nhu cầu của xã hội, có thể cả nghiên cứu cơ bản và ứng dụng. Vì nằm trong trường đại học nên trung tâm có tham gia đào tạo. Lãnh đạo trung tâm có thể là người kiêm nhiệm công tác tại trường. Đối với các đơn vị liên kết thì có hội đồng tư vấn.

 

 

Nguồn tin: Tạp chí Tia sáng

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner