Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Chính sách KH&CN Thứ bảy, 23/11/2024 , 09:03 am
Cập nhật : 30/08/2013 , 08:08(GMT +7)
CHLB Đức: thành công nhờ đổi mới
Gut Borken luôn thực hiện chiến lược đổi mới phát triển ngành nông nghiệp (Ảnh: NTK)
Các sản phẩm, dịch vụ của CHLB Đức luôn được đánh giá cao, không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp mà còn cho toàn bộ nền kinh tế. Sản phẩm, dịch vụ đó thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ sinh học, nano, công nghệ thông tin, truyền thông, sinh trắc học, hàng không, vũ trụ, kỹ thuật điện, cung ứng, cơ khí chế tạo máy, năng lượng tái tạo… Bí quyết mang lại những thành công này chính là đổi mới.

Tiên phong trong phong trào đổi mới

Đổi mới “innovation”, là thuật ngữ không còn xa lạ đối với người Đức nói riêng và châu Âu nói chung. Theo thuyết Kinh tế học, đổi mới là quá trình tạo ra sản phẩm, dịch vụ và quy trình mới nhằm tăng năng suất, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tính cạnh tranh trên thị trường. Với cách hiểu thông thường, đổi mới là quá trình biến những ý tưởng mới, những kiến thức mới thành các sản phẩm, dịch vụ và quy trình mới, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động và cho toàn xã hội.

Đổi mới mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho nền kinh tế của đất nước mà còn cho toàn xã hội. Hơn nữa, đổi mới để tăng khả năng cạnh tranh không chỉ của chính bản thân các doanh nghiệp, công ty mà còn của cả quốc gia đó. Đổi mới sẽ tạo ra giá trị mới cho sản phẩm và dịch vụ, đồng thời tạo ra thị trường mới cho sản phẩm. Từ đó, doanh nghiệp thu được lợi nhuận, nền kinh tế phát triển, đời sống con người được nâng cao.

Theo khảo sát của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), trong giai đoạn 2008 - 2010, đã có đến 53% doanh nghiệp từ các ngành công nghiệp và dịch vụ khác nhau báo cáo tham gia vào các hoạt động đổi mới. Trong số 27 nước thành viên châu Âu, CHLB Đức dẫn đầu với 79,3% doanh nghiệp có các hoạt động đổi mới.

CHLB Đức được xem là một trong những nước tiên phong về phong trào đổi mới, nhằm tạo ra các sản phẩm công nghiệp và công nghệ tốt nhất. Hiện nay, Đức đã và đang tập trung chuyên môn hóa quy trình sản xuất và chế tạo các sản phẩm công nghiệp từ đơn giản đến phức tạp, đặc biệt là các thiết bị công nghiệp và công nghệ sản xuất mới, tiên tiến.
Điều đặc biệt, Đức không chỉ tập trung vào một ngành, một lĩnh vực đơn lẻ mà đa dạng các ngành, nghề và dịch vụ khác nhau. Trong nhiều lĩnh vực công nghệ tương lai, Đức thuộc số những quốc gia dẫn đầu các ngành như công nghệ sinh học, nano, thông tin, sinh trắc học, hàng không, vũ trụ, kỹ thuật điện, cơ khí, chế tạo, năng lượng và cung ứng... Ngành công nghệ môi trường của Đức có một vị trí rất tốt trên thị trường quốc tế (năng lượng gió, quang hóa, sinh khối). Trong đó, các nhà sản xuất thiết bị cung cấp năng lượng gió chiếm gần 28% thị phần thế giới. Đức là một trong những nước có ngành công nghệ năng lượng phát triển trong khu vực châu Âu, các công nghệ về nhà máy phát điện của Đức được đánh giá tốt.

CHLB Đức có ngành công nghiệp quan trọng nhất là chế tạo máy, xe hơi. Đây là động lực đổi mới của Đức trong lĩnh vực cơ khí: khoảng 30% tổng đầu tư của các doanh nghiệp Đức vào nghiên cứu và phát triển chế tạo ô tô. Đức có một số hãng ô tô nổi tiếng như BMW, Audi, VW, Daimler... Để ngành này không ngừng phát triển, Đức đang tiếp tục nghiên cứu phát triển các loại động cơ thân thiện với môi trường như động cơ Hybrid và các loại động cơ điện khác. Bên cạnh đó, ngành công nghệ thông tin và truyền thông cũng thuộc một trong những ngành kinh tế lớn của Đức. Trong ngành công nghệ sinh học và công nghệ gen, Chính phủ Đức đang đặt mục tiêu tới năm 2015 sẽ trở thành nước đứng đầu châu Âu trong lĩnh vực công nghệ sinh học về thực vật và tạo giống cây trồng. Đức luôn giữ vị trí dẫn đầu châu Âu từ nhiều năm nay và có tiềm năng trí thức to lớn trong lĩnh vực công nghệ Nano.

Ngoài chiến lược đổi mới ở một số ngành trọng điểm nêu trên, Đức cũng đang nỗ lực đổi mới trong lĩnh vực nông nghiệp. Một số công ty đang thực hiện chiến lược đổi mới phát triển ngành nông nghiệp, điển hình là Gut Darß và Gut Borken. Họ không đơn thuần tạo ra sản phẩm từ các loại động vật rồi đưa vào thị trường. Họ có chiến lược đổi mới trong kinh doanh, đó là sản xuất các sản phẩm sinh học, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện từ khâu phân phối tới người tiêu dùng và tạo môi trường sinh thái, danh lam thắng cảnh, du lịch “Ecological Farming” cho du khách tại các vùng chăn nuôi.

Có thể nói, nhờ áp dụng đổi mới vào nghiên cứu và triển khai (R&D), CHLB Đức đã luôn duy trì được vị thế của mình với vai trò là trung tâm KH&CN hàng đầu của Châu Âu và thế giới.

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Việt Nam là một nước nông nghiệp, do vậy đổi mới trong ngành nông nghiệp là quan trọng và cần thiết. Một câu hỏi đặt ra là Việt Nam có tiềm năng lớn trong ngành nông nghiệp và lĩnh vực du lịch, vậy tại sao ta không phát triển mô hình đổi mới nông nghiệp kết hợp du lịch? Từ mô hình của Đức, ta có thể thấy rằng, để thực hiện đổi mới trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển du lịch đồng thời bảo vệ mội trường sinh thái thì chúng ta phải có những chính sách, chiến lược phát triển lâu dài cho ngành này.

Thứ hai, Việt Nam cần hợp tác, trao đổi với các nước châu Âu, đặc biệt những nước tham gia vào các hoạt động đổi mới mạnh mẽ như Đức, Thụy Điển, Bỉ… trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ, xây dựng mô hình trường đại học - viện nghiên cứu và triển khai - công ty/doanh nghiệp. Qua đó sẽ nâng cao khả năng chuyển giao công nghệ, tiếp nhận nguồn tri thức. Một trong những mô hình nổi bật, điển hình về chuyển giao công nghệ và theo mô hình trên mà Việt Nam nên tham khảo là Tập đoàn Steinbeis (Steinbeis Network). Steinbeis hoạt động trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ ở nhiều lĩnh vực, phạm vi khác nhau nhằm giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với các công nghệ, phương pháp kinh doanh đổi mới và bí quyết kinh doanh, đồng thời đưa ra các giải pháp chuyển giao thành công.

Như vậy, với những tiềm năng và lợi thế của mình, đây chính là thời điểm lý tưởng để Việt Nam tham gia vào các hoạt động đổi mới cùng với các nước đã và đang phát triển, xây dựng một xã hội phồn vinh, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân và một nền kinh tế phát triển vững chắc, sánh vai cùng các nước trong khu vực và trên thế giới.

Nguyễn Thị Kha
(Trường Quản lý Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ)


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner