Phiên chất vấn đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) có số lượng “kỷ lục” lên tới 122 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, điều này cho thấy cử tri, nhân dân cả nước cũng như đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đối với lĩnh vực KH&CN, bởi đây là chìa khóa then chốt cho phát triển kinh tế - xã hội.
Nội dung chất vấn đều là vấn đề căn cốt trọng tâm của ngành KH&CN
Tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn của Quốc hội. Tham gia trả lời chất vấn nhóm vấn đề này còn có Phó thủ tướng Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, giải trình các vấn đề liên quan.
Phát biểu trước khi chất vấn, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cảm ơn Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã quan tâm, tạo cơ hội trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc lĩnh vực KH&CN. Các nội dung chất vấn do Quốc hội đặt ra đều là các vấn đề căn cốt, trọng tâm của ngành KH&CN. Do đó, đây là cơ hội quý báu để Bộ KH&CN rà soát lại việc triển khai các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được phân công và giải trình với Quốc hội về việc thực thi chính sách, pháp luật về KH&CN trong thời gian qua.
Phiên chất vấn là cơ hội để Bộ KH&CN nắm bắt được các kiến nghị, đề xuất, nguyện vọng của cử tri cả nước thông qua câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, để tiếp tục hoàn thiện chính sách và định hướng triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) trong thời gian tới, trong đó trọng tâm là việc sửa đổi, bổ sung các luật thuộc lĩnh vực KH&CN đã đăng ký vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XV.
Bộ trưởng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Bộ KH&CN đã có cơ hội giải trình bằng báo cáo đối với các đoàn giám sát tối cao của Quốc hội và các đoàn giám sát của các Ủy ban của Quốc hội về các nội dung liên quan đến lĩnh vực KH&CN.
Để phục vụ hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, trên cơ sở nhóm vấn đề Quốc hội đưa ra, Bộ KH&CN đã chuẩn bị báo cáo gửi đến đại biểu Quốc hội. Nội dung báo cáo đã khái quát các kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới đối với từng nhóm vấn đề mà Quốc hội yêu cầu.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn.
Phiên chất vấn Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, đi thẳng vào những vấn đề người dân, cử tri, doanh nghiệp quan tâm, tập trung vào các vấn đề về chiến lược phát triển KH&CN quốc gia; ứng dụng KH&CN tiên tiến phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; quản lý, sử dụng ngân sách cho nghiên cứu KH&CN; Quỹ phát triển KH&CN…
Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, dù lần đầu “đăng đàn” trả lời chất vấn nhưng Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã trả lời đúng, trúng vấn đề.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy bên lề phiên chất vấn.
Cần rà soát, sửa đổi các rào cản về pháp luật, chính sách KH&CN
Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi với tinh thần xây dựng, trách nhiệm. Các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi cụ thể, ngắn gọn, trọng tâm; một số đại biểu tích cực tranh luận làm rõ hơn vấn đề chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt giữ cương vị "tư lệnh ngành" KH&CN từ cuối nhiệm kỳ Khóa XIV nhưng đây là lần đầu tiên “đăng đàn” trả lời chất vấn trước Quốc hội. Là một nhà khoa học và cũng từng lãnh đạo Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh - một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học lớn của đất nước - nên Bộ trưởng đã thẳng thắn trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội, có đề xuất định hướng và phương án cụ thể xử lý trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm, nỗ lực, ngành KH&CN đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Đó là: Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020; tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030. "Đây là bước đột phá, có ý nghĩa quan trọng, tạo bứt phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cùng với đó, hành lang pháp lý về phát triển KH&CN ngày càng hoàn thiện theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, là đối tượng ưu tiên hỗ trợ của hoạt động KH,CN&ĐMST. Tỷ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp cho KH&CN được cải thiện theo hướng tích cực. Các doanh nghiệp ngày càng quan tâm hơn đến hoạt động KH,CN&ĐMST. Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST bắt đầu hình thành, phát triển; hiện có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.
Công tác nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh; khoa học cơ bản đạt nhiều thành tựu; KH&CN ứng dụng có những bước tiến rõ nét. Chỉ số ĐMST toàn cầu của Việt Nam năm 2022 xếp thứ 48/132 quốc gia và vùng lãnh thổ; xếp thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á. Hệ thống các tổ chức KH&CN phát triển mạnh, đội ngũ nhân lực KH&CN tăng cả về số lượng và chất lượng, trong đó có nhiều nhà khoa học có uy tín, được thế giới công nhận.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận phiên chất vấn.
Việt Nam đã làm chủ, áp dụng thành công nhiều công nghệ, sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đem lại hiệu quả to lớn. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020.
Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&CN, các Bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đề ra nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực quản lý. Đặc biệt cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ các rào cản về hệ thống pháp luật, chính sách kinh tế, tài chính, đầu tư, thủ tục hành chính… theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường, thông lệ quốc tế, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro, mạo hiểm và độ trễ trong hoạt động KH,CN&ĐMST, dỡ bỏ các rào cản duy ý chí và hành chính hóa hoạt động KH,CN&ĐMST.
Bài, ảnh: PV