Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ tư, 27/11/2024 , 01:32 am
Cập nhật : 05/05/2012 , 09:05(GMT +7)
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối thoại trực tuyến với nhân dân
Ảnh VGP/Nhật Bắc
Sáng 5/5, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng TTĐT Chính phủ.

Đây là hoạt động nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường giao lưu trực tuyến, đối thoại trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.


Cuộc đối thoại được truyền hình trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, được truyền hình trực tiếp trên kênh InvestTV (VCTV15) - Đài truyền hình Việt Nam; trên kênh VTC1 - Đài truyền hình kỹ thuật số VTC; được phát thanh trực tiếp trên hệ thời sự VOV1- Đài tiếng nói Việt Nam và thông tin rộng rãi trên nhiều phương tiện truyền thông khác để cung cấp thông tin tới các tầng lớp nhân dân trong nước, bà con Việt kiều, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Bạn đọc tham gia đặt câu hỏi gửi về địa chỉ email doithoai@chinhphu.vn

Nguyễn Thanh Thảo, Trần Quốc Bình, phố Hoàng Văn Thái, Thanh Xuân; Lê Thanh, Phố Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội hỏi: Thưa Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020, chiến lược được kỳ vọng sẽ tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong hiệu quả của tổ chức, hoạt động và quản lý khoa học và công nghệ, xin Bộ trưởng có thể cho biết những điểm mới, điểm khác biệt cơ bản trong bản chiến lược này?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Ngày 11/4/2012, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 418 phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 – 2020. Một số nội dung mới so với trước là những mục tiêu cụ thể của chiến lược và một số giải pháp thúc đẩy KHCN VN. Cụ thể bao gồm, đến năm 2020, khoa học và công nghệ góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và tái cấu trúc nền kinh tế, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% GDP. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt trên 20%/năm giai đoạn 2016 - 2020, Giá trị giao dịch của thị trường khoa học và công nghệ tăng trung bình 15 - 17%/năm. Trình độ phát triển KHCN, phấn đấu là 1 trong những nước có thứ hạng trong khu vực ASEAN.

Số lượng công bố quốc tế từ các đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước tăng trung bình 15 - 20%/năm, tốc độ đăng ký sáng chế giải pháp hữu ích tăng 1,5-2 lần so với 5 năm trước. Phấn đấu tăng tổng đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ đạt trên 2% GDP vào năm 2020. Bảo đảm mức đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ không dưới 2% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm. Tăng cường tiềm lực KHCN, xây dựng 60 cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao… Có hệ thống 5.000 doanh nghiệp KHCN để đóng góp quan trọng cho tăng trưởng.

Đội ngũ KHCN đủ trình độ với tỷ lệ 11-12người/1 vạn dân vào 2020, hệ thống khoảng gần 2.000 tổ chức KHCN của NN và các thành phần kinh tế khác. Chúng tôi hy vọng đến 2020, sẽ đạt trình độ nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Giải pháp thì có nhiều, nhưng quan trọng, mang tính đột phá là tăng cường tập trung đầu tư, nâng cao tiềm lực KHCN đất nước. Bên cạnh duy trì 2% tổng chi ngân sách, có biện pháp huy động, thu hút đầu tư xã hội, doanh nghiệp. Để đạt 2% tổng GDP quốc gia dành cho KHCN thì chắc chắn các doanh nghiệp phải đóng góp từ 3-4 lần mức chi của ngân sách NN, mức xã hội hoá đạt từ 3-4 lần sự quan tâm đầu tư của NN.

Để làm được, phải có nhiều giải pháp đồng bộ trong đó có chính sách khuyến khích, chế tài… để các doanh nghiệp, tổ chức dành một phần lợi nhuận cho quỹ phát triển KHCN của chính doanh nghiệp, hoặc của địa phương thì chúng ta mới có đủ nguồn lực để phát triển KHCN của đất nước.

BTV: Có ý kiến cho rằng, việc sử dụng ngân sách Nhà nước đầu tư cho KHCN chưa được sử dụng đúng cách, đặc biệt là đầu tư cho phát triển KHCN địa phương. Là người đứng đầu Bộ KHCN, quan điểm của ông về ý kiến này như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Cảm ơn độc giả đã đặt câu hỏi rất chính xác, hiện nay mức chi cho KHCN chiếm 2% tổng chi ngân sách. Việc sử dụng nguồn kinh phí này chưa đạt hiệu quả cao, trong đó chủ yếu là do cơ chế phân bổ ngân sách, hàng năm chúng ta dành khoảng 42-43% kinh phí này cho đầu tư phát triển và bố trí cho các bộ, ngành, địa  phương tuy nhiên do quy định của luật ngân sách, quy định của luật tổ chức HĐND, UBND phân cấp thẩm quyền cho địa phương nên nhiều địa phương và một số bộ, ngành sử dụng không đúng mục đích cho đầu tư phát triển KHCN.

Nhiều địa phương, bộ, ngành sử dụng kinh phí này xây trụ sở, làm đường xá, đắp đê thậm chí làm những việc không liên quan đến KHCN. Điều đó làm giảm hiệu quả đầu tư của Nhà nước dành cho phát triển tiềm lực KHCN của các bộ, ngành, địa phương. Phần kinh phí còn lại là kinh phí sự nghiệp khoa học thì rất nhiều bộ, ngành, địa phương, tổ chức sử dụng không hiệu quả thông qua việc sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học không dành cho khoa học như xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị quá nhiều, đầu tư cho những nhiệm vụ không xứng tầm và không đáp ứng được nhu cầu phát triển của bộ, ngành, địa phương; sản phẩm nghiên cứu ít được áp dụng trong thực tiễn.

Trong thời gian tới phải điều chỉnh mục tiêu này, làm sao Bộ KHCN có đủ thẩm quyền để đề xuất việc phân bổ kinh phí, kể cả đầu tư phát triển vào sự nghiệp KHCN và trong Chiến lược phát triển KHCN đến 2020 Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo việc phân bổ kinh phí phải theo tiêu chí và hiệu quả  hoạt động KHCN của các bộ, ngành địa phương, nơi nào làm tốt cần được đầu tư nhiều hơn, nơi nào làm không tốt thì sẽ bị cắt giảm nguồn đầu tư từ ngân sách.

Ảnh VGP/Nhật Bắc

BTV: Thưa ông, ngoài việc cắt giảm thì có chế tài nào dành cho các đơn vị sự nghiệp nào được phân bổ ngân sách dành cho phát triển KHCN nhưng sử dụng không đúng mục đích không?
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Hiện nay theo quy định của pháp luật các địa phương được phân cấp nên kinh phí của Trung ương bố trí  các địa phương toàn quyền phân bổ và sử dụng theo Nghị quyết của HĐND và UBND. Nếu có chế tài chúng tôi đã đề xuất trong Đề án đổi mới cơ bản toàn diện về KHCN đã trình Thủ tướng và đang đợi phê duyệt, đề xuất phải sửa luật có liên quan như Luật Ngân sách, Luật UBND, HĐND. Trên cơ sở đó, Bộ có vai trò giám sát, kiểm tra việc thực hiện sử dụng ngân sách KHCN ở địa phương, nơi nào sử dụng không hiệu quả thì Bộ có quyền can thiệp để năm sau Chính phủ sẽ giảm bớt thậm chí cắt giảm nguồn ngân sách cho địa phương đó.

Trần Xuân Trình - P7 - Q3 - TP. Hồ Chí Minh: Chất lượng nghiên cứu khoa học đang là vấn đề đáng phải suy ngẫm? Giải pháp nào của Bộ KHCN để đổi mới công tác xét chọn, đánh giá, nghiệm thu các đề tài NCKH góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Về vấn đề này tôi đã có một số lần trao đổi với báo giới. Nhiều người nói hiệu quả đề tài không cao, nhiều đề tài xếp ngăn kéo. Tôi từng nói, các đề tài khoa học có những loại chắc chắn phải xếp ngăn kéo một thời gian như nghiên cứu cơ bản, phải sau 1 thời gian, chúng ta mới có thể đưa vào các chuỗi nghiên cứu tiếp tục. Trong thực tế chúng tôi cũng thấy, quả thực chất lượng nghiên cứu còn có vấn đề, biểu hiện công bố quốc tế của Việt Nam, đăng ký sáng chế của chúng ta còn thấp so với thế giới.

Một trong những nguyên nhân là quy trình thủ tục để tuyển chọn, xét chọn nghiệm thu đánh giá các đề tài, dự án nghiên cứu.

Do vậy trong đề án đổi mới cơ bản toàn diện và đồng bộ về tổ chức cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KHCN, chúng tôi đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đổi mới cơ chế xác định và đánh giá các đề tài, dự án, chúng ta thường gọi là nhiệm vụ KHCN.

Trước đây xác định đề tài làm theo phương thức đề xuất từ cơ sở. Nhưng những đề xuất đó nhiều khi chưa bám sát thực tiễn phát triển kinh tế- xã hội và không được doanh nghiệp đón nhận.

Chúng tôi đang chuyển dần sang cơ chế đặt hàng. Nghĩa là, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chủ động đặt hàng nhà khoa học. Khi đặt hàng thì theo nguyên tắc, ai đặt hàng người đó hỗ trợ kinh phí, chịu trách nhiệm tiếp nhận kết quả và đưa kết quả vào sản xuất kinh doanh. Cơ chế đã bắt đầu áp dụng từ 2011, chúng tôi sẽ tiếp tục cơ chế này.

Thứ 2, tiếp tục nâng cao chất lượng hội đồng đánh giá nghiệm thu cũng như hội đồng xác định nhiệm vụ, hội đồng tuyển chọn nhiệm vụ KHCN bằng việc xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia khoa  học với tiêu chí cao,. Để những ai đáp ứng đủ tiêu chí mới được mời tham gia vào hội đồng. Trên cơ sở đó thì chúng tôi cho rằng, các kết luận của hội đồng sẽ có chất lượng cao hơn.

Chúng tôi hy vọng cùng các đổi mới khác về cơ chế tài chính, 5 năm tới hiệu quả của các đề tài, dự án sẽ được nâng cao rõ rệt.

BTV: Nhiều bạn đọc thắc mắc, vấn đề tài chính trong khoa học đặc biệt là khâu thanh quyết toán hiện có nhiều rắc rối. Ông có giải pháp gì không?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Bạn đọc đặt câu hỏi đúng bức xúc của chúng tôi và giới khoa học nói chung. Nhiều người phàn nàn về việc thanh quyết toán quá rườm rà, thậm chí có người nói, thời gian dành cho thủ tục thanh quyết toán còn nhiều hơn nghiên cứu.

Trên cơ sở đó, chúng tôi đã nhận rõ những vấn đề trong thủ tục, do vậy trong đề án đổi mới chúng tôi đang trình Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đã đề xuất một số giải pháp.

Thứ nhất, kiến nghị việc cấp phép kinh phí cho nghiên cứu chuyển dần sang cơ chế quỹ. Hiện đã có quỹ phát triển KHCN quốc gia và sắp tới đưa vào hoạt động quỹ đổi mới CN quốc gia. Nếu cấp phép kinh phí từ quỹ, sẽ không bị cản trở bởi tư duy xây dựng kế hoạch và làm dự toán kinh phí là trước 1,5 năm như hiện nay.

Thứ 2, Thủ tục của quỹ đáp ứng nhu cầu tức thời khi các nhà khoa học được đặt hàng hoặc là đề xuất những nhiệm vụ cần thiết.

Thứ 3, quỹ không bắt buộc quyết toán theo năm tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học chỉ quyết toán 1 lần khi kết thúc dự án.

Vấn đề thứ 2, chúng tôi cũng đề nghị phối hợp với Bộ Tài chính bổ sung một số nội dung chi cần thiết để giúp nhà khoa học trong quá trình thực hiện đề tài dự án như thuê chuyên gia trong và ngoài nước, kinh phí hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ, kinh phí dự phòng bù cho tốc độ trược giá. Chúng tôi cũng đề nghị đơn giản hóa thủ tục thanh quyết toán, đưa vào hoạt động cơ chế khoán chi trong hoạt động KHCN và khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Những chi phí dành cho nhân lực trong quá trình nghiên cứu sẽ khoán cho nhà khoa học chủ trì đề tài, dự án.

Chúng tôi cũng đề nghị sửa định mức của thông tư 44 về định mức chi trong đề tài, dự án, nâng cao định mức cho phù hợp với hiện nay.

Chúng tôi cũng hy vọng với tất cả những đề xuất đó khi được Thủ tướng phê chuẩn, giới khoa học sẽ bớt lo phiền.

BTV: Trong các cơ quan nhà nước, có lúc nào ông nghĩ rằng một số đề tài sẽ vĩnh viễn không được sử dụng mà người ta chỉ lập ra đề tài để rót ngân sách về?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Tất nhiên trong bất kỳ lĩnh vực nào người ta có thể trục lợi từ nhà nước, trong khoa học cũng không tránh khỏi. Tuy nhiên với hệ thống quản lý, với trách nhiệm cao trong tổ chức thực hiện và giám sát chúng ta có thể hạn chế tối đa những hiện tượng này.

Chúng tôi đã được Chính phủ bổ sung chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng ngân sách khoa học ở các Bộ, ngành, địa phương.

Trong 3 năm qua, kể từ khi có Nghị định 28 của Chính phủ, công tác này đã được thực hiện rất tốt, tỷ lệ các đề tài không hiệu quả hoặc không thực hiện được ở các Bộ, ngành, địa phương giảm đi rất nhiều; tỷ lệ sử dụng kinh phí đúng mục đích ở các địa phương tăng lên đáng kể. Trước đây tỷ lệ đó thường dao động từ 20-30% thì trong 3 năm qua theo dõi của Sở KHCN địa phương trong cả 63 tỉnh, thành phố thì tỷ lệ này đạt bình quân trên 60%, đặc biệt có nhiều địa phương nghèo khó tỷ lệ này đạt rất cao trên 90%, có nơi đạt 100%. Điều này chứng tỏ nếu chúng ta giám sát tốt và có những chế tài xử lý nghiêm minh thì có thể cải thiện được tình hình.  



Ảnh VGP/Nhật Bắc

Hong Le Phuc [hong!phuch3t@...com.vn]: Theo lộ trình, thì các tổ chức khoa học công lập phải chuyển đổi “tự chủ, tự chịu trách nhiệm”. Xin Bộ trưởng cho biết thời gian nào thì sẽ thực hiện xong lộ trình này.
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Vấn đề là chuyển các tổ chức KHCN công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm là vấn đề đã đặt ra từ 16 năm nay từ Nghị quyết TW2 khoá VIII và sau đó là Nghị quyết TW 6 khoá IX. Nhưng chỉ thực sự bắt đầu khi Chính phủ ban hành Nghị định 115 năm 2005 và Nghị định 80 năm 2007. Và vừa rồi có điều chỉnh bổ sung bởi Nghị định 96 năm 2010.  

Chính vì đây là quá trình khó khăn, có thể nói là thách thức rất lớn do các tổ chức KHCN đã quen hoạt động trong cơ chế bao cấp nhiều năm, do vậy chúng tôi đã trình Chính phủ cho phép lùi thời hạn chuyển đổi tới hết 2013.

Hiện Bộ KHCN đang cùng các bộ ngành xây dựng cơ chế để các tổ chức CN hoàn toàn có thể chuyển đổi sang cơ chế tự chủ vào 2014.

Cần phải nói rõ, nhiều người còn hiểu sai cơ chế tự chủ, cho rằng, khi chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, các tổ chức KHCN công lập không còn được Nhà nước hỗ trợ nữa. Xin nói rằng Nhà nước chỉ thay đổi phương thức cấp kinh phí hoạt động thường xuyên, trước đây cấp theo đầu biên chế của 1 tổ chức, khi chuyển sang cơ chế tự chủ thì Nhà nước cấp kinh phí hoạt động thường xuyên thông qua nhiệm vụ mà Nhà nước giao cho tổ chức KHCN . 

Có thể là nhiệm vụ thường xuyên do chức năng của tổ chức, có thể là đề tài dự án KHCN được giao nghiên cứu.

Các đồng chí đều biết, từ trước tới nay, trong các đề tài, dự án khoa học không có phần dự toán kinh phí hoạt động thường xuyên, tức là cán bộ khoa học không được hưởng lương và chi phí khác từ đề tài dự án do Nhà nước đã trả lương và chi phí hoạt động thường xuyên qua số lượng biên chế.

Như vậy tạo ra sự bất bình đẳng giữa các tổ chức KHCN công lập và ngoài công lập. Các tổ chức ngoài công lập khi làm dự toán để đấu thầu tuyển chọn đề tài thì phải làm dự toán cả tiền lương và chi bộ máy. Trong khi tổ chức công lập thì nhà nước đã bảo đảm và không phải dự toán. Như vậy, vô hình chung các tổ chức ngoài công lập rất khó cạnh tranh về mặt đề tài dự án đối với các tổ chức công lập.

Hơn nữa, việc cấp kinh phí thường xuyên theo kiểu bao cấp tạo ra sức ỳ lớn, sự ỷ lại của các tổ chức công lập, bởi dù hoạt động không hiệu quả, nhà nước vẫn trả lương.  Bây giờ khi chuyển sang cơ chế cấp phép kinh phí hoạt động thường xuyên theo nhiệm vụ, chắc chắn, tổ chức nào hoạt động tốt sẽ có thu nhập nhiều hơn, làm nhiều đề tài, dự án được hưởng nhiều lương hơn, ai không làm việc thì chắc chắn không được hưởng. Ở đây cũng nói rõ, Nhà nước cũng đã phân loại có 4 nhóm tổ chức KHCN để có 4 phương thức hỗ trợ khác nhau.

Nhóm đã từng tự chủ, đã tự bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên từ nhiều năm nay, thì tiếp tục được Nhà nước được giao quyền tự chủ về tổ chức biên chế và xác định nhiệm vụ. Đồng thời Nhà nước cho thêm chức năng kinh doanh như doanh nghiệp và hưởng mọi ưu đãi như doanh nghiệp.

Thứ 2 là nhóm hiện nay mới chỉ đảm bảo được một phần kinh phí hoạt động thường xuyên,  nhà nước cho phép tiếp tục cấp kinh phí hoạt động thường xuyên theo phương thức cũ tới hết 2013. Từ 2014, Nhà nước vẫn tiếp tục hỗ trợ nhưng theo phương thức mới.

Nhóm 3 là tổ chức KHCN làm nghiên cứu cơ bản, chiến lược chính sách và làm dịch vụ phục vụ quản lý nhà nước. Đây là nhóm mà sản phẩm của họ chỉ có nhà nước mới mua, nhà nước bao tiêu sản phẩm và hỗ trợ toàn diện để tổ chức đó hoạt động thông qua cấp kinh phí hoạt động thường xuyên theo phương thức khoán. Đương nhiên tổ chức này khi làm đề tài, dự án vẫn tiếp tục nhận được kinh phí thông qua chi thường xuyên của các đề tài, dự án.

Nói khác đi, các nhà khoa học vừa được hưởng lương cơ bản từ ngân sách nhà nước cấp theo phương thức khoán, vừa được hưởng lương từ dự án.

Nhóm 4 là các tổ chức khoa học công nghệ được thành lập sau ngày Nghị định 96 có hiệu lực. NN sẽ bao cấp 4 năm để họ có đủ thời gian ổn định hoạt động. Khi đã ổn định NN mới cấp kinh phí hoạt động theo phương thức mới.

Chúng tôi hy vọng các nhà khoa học, tổ chức KHCN hiểu rõ bản chất Nghị định 115, hưởng ứng và cùng với chúng tôi hoàn thành việc chuyển đổi tổ chức của mình theo tinh thần của Chính phủ tại Nghị định 96 cũng như 115 và 80.

phan duc dung [phanducdung86@...com]: Nhà nước có khuyến khích, hỗ trợ tư nhân trong nghiên cứu KHCN không? (Vì dù là tư hay là công mà sản phẩm nghiên cứu hiệu quả thì đều vì đất nước mình cả).

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Bạn hỏi một câu rất thú vị, rất nhiều người trong bộ máy của chúng ta vẫn hiểu rằng ngân sách Nhà nước chỉ chi cho các cơ quan của Nhà nước. Nhưng trong hoạt động KHCN nhiều năm nay chúng tôi kiên trì thuyết phục các bộ, ngành rằng NSNN là do người dân đóng thuế, người dân thì thuộc mọi thành phần kinh tế, không chỉ của Nhà nước vì thế Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ trở lại cho mọi thành phần kinh tế khi họ có ý tưởng sáng tạo, có nghiên cứu đem lại lợi ích cho xã hội.

Thực tế trong nhiều năm qua, Bộ KHCN đã thực hiện phương châm này, chúng tôi không chỉ hỗ trợ cho khu vực Nhà nước mà còn cho các tổ chức KHCN ngoài Nhà nước, thậm chí các tổ chức KHCN của tư nhân cũng có quyền bình đẳng trong việc tuyển chọn các nhiệm vụ KHCN ở cấp Nhà nước và các cấp khác. Đồng thời hỗ trợ cho DN tư nhân và DN của các thành phần kinh tế khác trong quá trình đổi mới KHCN.

Ngay từ năm 1999, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 119 hỗ trợ đổi mới CN. Nhiều DN đã phát triển và trở thành DN lớn nhờ những dự án đổi mới KHCN có sự hỗ trợ của nhà nước.

Trong những năm gần đây quá trình này đã được đẩy mạnh hơn. Điển hình là Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung-Ninh Bình là một DN tư nhân, nhưng nhờ một số dự án, đề tài mà Bộ KHCN hỗ trợ theo NĐ 119 cũng như các chương trình KHCN trọng điểm cấp Nhà nước mà Xí nghiệp cơ khí Quang Trung -Ninh Bình trở thành một DN lớn đã có những sản phẩm lớn đóng góp to lớn cho sự phát triển của kinh tế xã hội ở các nhà máy đóng tàu, nhà máy Thủy điện Sơn La, nhà máy thủy điện Sê San, sắp tới là nhà máy Thủy điện Lai Châu.

Bản thân Giám đốc DN trở thành Anh hùng Lao động và được giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN, Xí nghiệp là tập thể Anh hùng Lao động.

Cho đến thời điểm hiện nay chúng tôi tiếp tục hỗ trợ rất nhiều DN khác cũng như các thành phần kinh tế và cá nhân nhà khoa học. Chúng ta thường nghe nói nhiều người nông dân, những nhà khoa học chân đất có sáng kiến cải tiến, Bộ KHCN trong nhiều năm qua đặc biệt quan tâm vấn đề này.

Chúng tôi giao cho Sở KHCN thường xuyên quan tâm hỗ trợ cho người nông dân có sáng kiến, khi tổ chức Chợ công nghệ và thiết bị (Tech Mart) chúng tôi đều mời những người nông dân có sáng kiến tham dự hội chợ giới thiệu sản phẩm của mình và sau đó các Sở KHCN có thể giúp họ hoàn thiện sản phẩm.

Nhiều người đã thành đạt khi thành lập DN để kinh doanh chính sản phẩm của mình. Chúng tôi cho rằng quan điểm của chúng tôi là đúng hướng. Vừa rồi khi Thủ tướng Chính phủ thăm Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung-Ninh Bình đã chỉ đạo và chúng tôi thấy rằng chỉ đạo của Thủ tướng thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với vấn đề phát triển KHCN.



Ảnh VGP/Nhật Bắc

The Ha Nguyet [thehsk196lac@...com] : Là một nhà khoa học tôi thấy kết luận ban đầu về nguyên nhân cháy, nổ xe như liên Bộ mới đưa ra là không thuyết phục vì không chỉ ra được nguyên nhân làm số vụ cháy nổ xe tăng đột biến gần đây? Tôi thấy các kết quả của các nhóm nghiên cứu này chỉ phản ánh các sự cố hy hữu mà bao năm qua vẫn tồn tại, trong khi đó chỉ trong vòng gần 2 năm rưỡi gần đây đã có 349 vụ cháy, nổ xe máy, ô tô xảy ra. Hiện nay chúng ta có dùng xăng A83 nữa đâu mà đưa vào nghiên cứu. Xin bộ trưởng cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Về vấn đề cháy nổ xe cơ giới- vấn đề gây bức xúc xã hội trong thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo liên Bộ Công an, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ và Công Thương phối hợp xác minh nguyên nhân và đề xuất giải pháp hạn chế cháy nổ xe cơ giới.

Tất nhiên đây mới là kết quả bước đầu. Vừa rồi, Bộ Công an đã chủ trì cùng các Bộ tổ chức họp báo công bố bước đầu các kết quả điều tra về nguyên nhân gây cháy nổ. Có thể kết luận này chưa làm thoả mãn quan điểm của nhiều độc giả. Tuy nhiên, có thể nói, việc cháy nổ xe cơ giới không phải hiện tượng cá biệt của Việt Nam, tất cả các nước trên thế giới đều có hiện tượng này, chỉ khác nhau về mức độ. Có những nước tỷ lệ cháy nổ cao hơn chúng ta, nhưng cũng có nước thấp hơn.

Vừa rồi, tỷ lệ này ở nước ta tăng đột biến trong 2 năm 2010 và 2011. Cho nên, xã hội cũng rất bức xúc và yêu cầu Chính phủ phải làm thật rõ để có giải pháp ngăn chặn. Tôi cho rằng, xăng dầu được xã hội đặt vào vòng ngắm đầu tiên. Tuy nhiên, xăng dầu chỉ là chất cháy, để nó cháy được phải có tác động của nguồn nhiệt, cụ thể là phải có tia lửa. Vì vậy, khi xảy ra các vụ cháy nổ ô tô, xe máy, cơ quan công an cùng các bộ ngành liên quan đã tiến hành điều tra xác minh.

Chúng tôi đã yêu cầu Tổng cục Đo lường Chất lượng là cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng xăng dầu vào cuộc, lấy mẫu từ các xe bị cháy còn sót lại, lấy mẫu từ các cây xăng mà các xe này đã mua xăng theo khai báo của chủ xe để xét nghiệm. Tất cả các mẫu xét nghiệm này đều không vi phạm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng dầu. Vì thế, có thể nói, kết luận bước đầu của Bộ Công an đánh giá nguyên nhân cháy nổ khoảng trên 30% do chập điện, trên 15% là do sự cố kỹ thuật khác, còn lại nhiều nguyên nhân như vô tình hữu ý của người sử dụng xe hay những nguyên nhân do tai nạn…

Những lý do này có thể chưa làm thoả mãn độc giả. Hôm qua tôi có trao đổi với 1 nhà khoa học có danh tiếng và nhà khoa học này có mấy ý kiến mà chúng ta cần phải nghiên cứu. Tôi cũng đề nghị các cơ quan điều tra cần phải đi theo hướng này. Đó là các vụ cháy nổ xảy ra thì xăng dầu tại thời điểm đó không phải là nguyên nhân trực tiếp nhưng rất có thể chất lượng xăng dầu của thời gian trước đó là nguyên nhân gián tiếp gây ra những sự cố này. Ví dụ trước đó nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí hàng năm, nếu như xe máy có sử dụng xăng dầu pha chất phụ gia mà gây hại như axeton có thể ăn mòn chi tiết động cơ, làm thủng bình chứa xăng, thủng đường ống dẫn bằng nhựa, làm thoái hoá gioăng đệm của động cơ dẫn tới rò rỉ xăng ở mức độ nghiêm trọng và trong quá trình vận chuyển trên đường, với ma sát của các bộ phận cơ khí với tia lửa của chập điện, rất dễ xảy ra cháy nổ. Tuy nhiên, khó khăn là chúng ta không thể điều tra, xét nghiệm lại các mẫu xăng dầu của giai đoạn trước vì đã được tiêu thụ hết.

Vì vậy chúng tôi cho rằng, song song với việc tiếp tục điều tra nguyên nhân gây cháy nổ, các bộ, ngành phải kiểm soát thật chặt chẽ chất lượng xăng dầu kể từ thời điểm này cho tới giai đoạn tiếp theo để tránh xảy ra cháy nổ trong giai đoạn tới.

Về chất lượng xăng dầu, chúng tôi thời gian qua đã tăng cường kiểm soát. Hàng năm các sở KHCN, các chi cục tiêu chuẩn đo lường và chất lượng cùng các trung tâm kỹ thuật về tiêu chuẩn và chất lượng của chúng tôi thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử phạt và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những cây xăng, đại lý vi phạm về đo lường chất lượng xăng dầu.

Thường thì 3-4 năm, chúng tôi tổ chức thanh tra diện rộng toàn quốc về xăng dầu, thanh tra Bộ phối hợp với thanh tra của các sở cùng với cơ quan quản lý thị trường, công an kinh tế thanh tra diện rộng và mỗi đợt thanh tra diện rộng đó, chúng tôi kiểm tra toàn bộ mạng lưới phân phối và bán xăng dầu đồng thời xử phạt hang nghìn cây xăng có vi phạm về đo lường và chất lượng xăng dầu. Tổng số tiền phạt trong những đợt này thường dao động từ 3-5 tỷ đồng.

Tất nhiên mức phạt đó chưa đủ mạnh để răn đe. Gần đây với luật xử phạt vi phạm hành chính mới mức phạt đã tăng lên, chúng tôi hy vọng là đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm về chất lượng xăng dầu.

Riêng đối với xăng A83, tôi xin đính chính, hiện nay chúng ta vẫn còn có 1 số phương tiện giao thông và một số lĩnh vực vẫn sử dụng xăng A83. Đặc biệt là trang thiết bị được sản xuất trong giai đoạn trước của các nước XHCN và Liên Xô cũ. Tỷ lệ không nhiều nhưng vẫn còn sản xuất và sử dụng A83. Các đối tượng vi phạm thường sử dụng xăng A83 với giá thành thấp pha trộn với các xăng khác hoặc bán với giá xăng A92, 95 để kiếm lợi. Khi phát hiện, thanh tra KHCN cùng các cơ quan chức năng xử phạt rất nghiêm minh. Chúng tôi đã trình Chính phủ cho phép chấm dứt sử dụng xăng A83 trong thời gian tới. 

Nguyen thu hang [hangvd2gmail.com]: Tình trạng người tiêu dùng bị các cây xăng "móc túi" cả về lượng và chất đã tồn tại nhiều năm nay nhưng việc xử lý còn lúng túng, chế tài xử phạt còn chưa nghiêm, vậy trách nhiệm của Bộ KHCN đến đâu? Bộ trưởng có biện pháp gì giải quyết dứt điểm tình trạng này không? Liệu có thể công bố công khai trên báo chí các cây xăng gian lận đã bị xử phạt để người dân “tẩy chay” không?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Việc xử lý các vi phạm về chất lượng xăng dầu phải theo quy định của pháp luật. Bộ đã xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Luật Đo lường, trình Chính phủ ban hành các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực này, các mức xử phạt của các Nghị định này phải tuân thủ mức xử phạt chung của Nghị định xử phạt vi phạm hành chính.

Trước đây mức xử phạt không đủ răn đe với mức phạt rất thấp. Vừa rồi mức phạt được nâng lên tới 500 triệu đồng, trong trường hợp đặc biệt còn có các chế tài khác kèm theo.

Trong thực tế, trong các đợt thanh tra diện rộng về xăng dầu, chúng tôi ngoài xử phạt về hành chính đã kiến nghị Bộ Công Thương rút giấy phép kinh doanh nhiều đại lý xăng dầu vi phạm, vi phạm cả về đo lường (đong thiếu cho khách hàng), về chất lượng (cho thêm tạp chất khác như nước, axêton, dầu hỏa, methanole…  vào trong xăng dầu để kiếm lợi).

Đã có nhiều cây xăng bị thu hồi vĩnh viễn nếu vi phạm nghiêm trọng. Tất nhiên có cây xăng chỉ bị thu hồi một thời gian, điều này cũng nằm trong quy định của pháp luật nếu mức vi phạm không đủ nghiêm trọng. Hoặc doanh nghiệp có thể bị giải thể sau đó thành lập doanh nghiệp mới lại được quyền đăng ký kinh doanh thì cũng không thể loại trừ.

Tuy nhiên chúng tôi cũng thống nhất rằng phải tăng cường kiểm soát chất lượng xăng dầu, nâng mức xử phạt đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo tính răn đe của pháp luật.



Ảnh VGP/Nhật Bắc

BTV: Như ông biết, sản phẩm của Việt Nam làm ra rất khó cạnh tranh với các nước tiên tiến. Vậy thưa ông, những khó khăn vừa qua đã bộc lộ quá trình đổi mới CN trong các doanh nghiệp còn rất chậm, dẫn tới hạn chế sức cạnh tranh của sản phẩm tiêu thụ trong nội địa cũng như xuất khẩu. Trong những năm tới, nhà nước cần làm gì để khuyến khích các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tích cực đầu tư áp dụng KHCN vào sản xuất để cho ra đời các sản phẩm có chất lượng, theo kịp thị hiếu người tiêu dùng.
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Khi chúng ta gia nhập WTO, chất lượng sản phẩm là yếu tố sống còn của doanh nghiệp, tham gia sân chơi chung của thế giới thì sản phẩm của chúng ta phải đủ sức cạnh tranh với thế giới. Nếu không thì nền sản xuất của chúng ta sẽ bị “bóp chết”. Vì vậy nhà nước phải có trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới CN để nâng cao chất lượng sản phẩm, tính cạnh tranh của sản phẩm trong sân chơi chung của WTO.

Thực tế, trong quá trình đàm phán để gia nhập WTO, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Bởi chúng tôi biết rất rõ, doanh nghiệp của Việt Nam hầu hết là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tiềm lực kinh tế của các doanh nghiệp không đủ để tự đổi mới CN, ngoài trừ một số tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước và một số doanh nghiệp đa sở hữu khác. Chính vì thế như tôi đã nói, Nhà nước có Nghị định 119 hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới CN và trong hơn 10 năm qua, nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách này.

Nhà nước hỗ trợ tới 30% kinh phí của dự án đổi mới CN của doanh nghiệp và 30% này được hỗ trợ cho toàn bộ hoạt động liên quan tới KHCN như nghiên cứu áp dụng CN mới, đào tạo nguồn nhân lực về KHCN, nhập công nghệ, mua bí quyết công nghệ…

Vừa qua chúng tôi đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình quốc gia về đổi mới CN và chắc chắn sự hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp của chúng ta còn cao hơn nữa. Chúng tôi cũng trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập quỹ đổi mới CN quốc gia với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Đây quả thực là nguồn kinh phí rất lớn từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới CN. Chúng tôi cũng đã cùng với Bộ Tài chính trình Quốc hội sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp được trích tới 10% lợi nhuận trước thuế để phát triển KHCN của doanh nghiệp. Hay nói cách khác, nếu doanh nghiệp chi kinh phí cho hoạt động KHCN thì được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, hàng ngàn doanh nghiệp của chúng ta đã thành lập quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp và dành 1 phần kinh phí thích đáng để đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, ngay cả các tập đoàn kinh tế lớn như Viettel thời gian qua đã dành 1 nguồn kinh phí rất lớn từ doanh thu tái đầu tư cho phát triển KHCN, đổi mới CN, tạo sản phẩm mới có sức cạnh tranh tốt. Chúng tôi tin rằng thời gian tới các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận với những nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước để có thể đổi mới CN, tạo ra nhiều sản phẩm mới có sức cạnh tranh.

PHAM HUY NGUYEN [huynghla.09@....com.vn]: Cơ chế nào để các doanh nghiệp mặn mà với đầu tư nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất? Vì sao rất khó khăn trong triển khai Nghị định 115?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Câu hỏi của bạn nói về 2 vấn đề rất khác nhau nhưng có một điểm chung, hiện nay gắn kết giữa nghiên cứu và sản xuất còn yếu kém, nhiều nghiên cứu không được ứng dụng trong sản xuất, ngược lại nhiều DN rất cần công nghệ lại phải mua của nước ngoài.

Chính vì thế chúng tôi đã xây dựng chương trình phát triển thị trường CN và đã trình Thủ tướng, nếu được Thủ tướng chấp thuận sẽ tạo ra sức bật mới cho thị trường CN, nối kết giữa nguồn cung CN và nguồn cầu CN, nối kết giữa các nhà nghiên cứu với sản xuất kinh doanh.

Nghị định 115 có một nội dung quan trọng là cho phép các tổ chức KHCN công lập có thể lựa chọn giữa việc họ là một đơn vị sự nghiệp của Nhà nước nhưng có sản xuất kinh doanh được hưởng ưu đãi như DN với việc họ có thể chuyển đổi toàn bộ tổ chức của họ trở thành DN khoa học sản xuất kinh doanh dựa trên nền kết quả nghiên cứu của chính họ với những sản phẩm do họ sở hữu về tài sản trí tuệ.

Nhà nước cũng cho phép các nhà khoa học được góp vốn vào DN bằng tài sản trí tuệ có thể chuyển nhượng quyền sở hữu về tài sản trí tuệ cho DN.

Tuy nhiên đúng như độc giả nói việc thực hiện Nghị định 115 theo xu hướng này vẫn còn rất khó khăn. Bởi lẽ chúng ta còn thiếu những quy định cụ thể về giao quyền sở hữu tài sản trí tuệ cho tổ chức KHCN và nhà khoa học.

Bởi chúng ta đều biết tài sản trí tuệ được hình thành từ ngân sách Nhà nước thông qua các đề tài nghiên cứu do Nhà nước tài trợ, đương nhiên quyền quyết định kết quả nghiên cứu đấy thuộc Nhà nước.

Nếu Nhà nước không có quy định giao quyền sở hữu ấy cho nhà khoa học hoặc tổ chức KHCN chủ trì các đề tài dự án thì đương nhiên các nhà khoa học không thể đem tài sản trí tuệ,  kết quả nghiên cứu ấy để góp vốn vào DN hay chuyển nhượng cho DN để có được nguồn tái đầu tư cho sức sản xuất, tái đầu tư cho nghiên cứu.

Vấn đề này chúng ta vẫn coi như là tài sản Nhà nước, thứ hai là chưa có quy định là ai có đủ thẩm quyền để giao sở hữu này, đây là tài sản Nhà nước, giao tài sản Nhà nước phải có cấp thẩm quyền và có quy trình, thủ tục. Chính vì thế Bộ KHCN cùng với Bộ Tài chính ban hành quy định cụ thể là ai có thể đủ thẩm quyền để giao kết quả nghiên cứu có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, khi được giao, nhà khoa học được quyền chuyển nhượng góp vốn như thế nào và khi chuyển nhượng góp vốn thu được lợi nhuận thì nhà khoa học phải có nghĩa vụ trở lại đối với Nhà nước tức là người đã bỏ vốn đầu tư cho nghiên cứu như thế nào, đóng góp với tổ chức mà mình phục vụ mình làm việc như thế nào và quyền lợi của chính họ được hưởng như thế nào để có động lực tiếp tục nghiên cứu.

Vì vậy tôi cho rằng giữa Nghị định 115 với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN có mối quan hệ chung mà chúng ta cần phải quan tâm đầy đủ vấn đề này.

BTV: Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng nghĩ sao về tình trạng một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí có doanh nghiệp lớn quốc doanh vẫn nhập dàn thiết bị máy móc các nước tiên tiến không dùng từ lâu. Theo ông, tình trạng này trong vài năm tới sẽ xử lý thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Chúng ta đều biết để đổi mới CN, các doanh nghiệp phải hoặc thông qua con đường nghiên cứu, tự nghiên cứu, ứng dụng CN mới hoặc nhập khẩu CN hoặc nhập khẩu thiết bị chứa CN để tạo ra sản phẩm mới.

Đúng như bạn vừa đề cập, chúng tôi thấy nhiều doanh nghiệp hiện nay có xu hướng thích nhập công nghệ của nước ngoài, thường là nhập thiết bị toàn bộ, và khi nhập thì thường nhập CN cũ và lạc hậu. Điều này cũng xuất phát từ nguyên nhân, một là như tôi đã nói, thị trường CN của chúng ta còn manh nha, doanh nghiệp rất thiếu thông tin về nguồn CN trong nước, các nhà khoa học không nắm rõ nhu cầu CN của doanh anghiệp.

Thứ 2, tiềm lực doanh nghiệp còn non yếu, chúng ta không đủ kinh phí, tiền để mua được thiết bị, công nghệ mới, hiện đại.

Thứ 3, trình độ CN chung của nước ta còn thấp. Theo đánh giá của chúng tôi qua khảo sát, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay đang sử dụng CN lạc hậu của thập kỷ 60, 70. Rất ít doanh nghiệp sử dụng CN của thập kỷ 80, 90, chỉ có một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì sử dụng CN của những thập kỷ gần đây.

Do vậy, nếu chúng ta nhập CN mới và hiện đại, nhiều khi không phù hợp với trình độ CN chung của hệ thống. Thêm nữa, các địa phương khi phê duyệt dự án đầu tư kể cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, thường không tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, Sở KHCN, cho nên không đánh giá được trình độ CN của dự án hay dây chuyền thiết bị được nhập khẩu.

Chỉ đến khi những dây chuyền thiết bị này hoạt động gây ô nhiễm môi trường, không hiệu quả lúc ấy người ta mới nhớ đến các nhà khoa học. Nhưng các nhà khoa học lúc ấy chỉ có thể đề xuất biện pháp để xử lý chứ không thể khắc phục những hậu quả của những thiết bị , CN này đã gây ra.

Cho nên, chúng tôi cho rằng, các địa phương, bộ, ngành khi nhập khẩu trang thiết bị có liên quan tới CN nên tham khảo ý kiến của các nhà KH, các hội đồng KH và các cơ quan có trình độ đánh giá trình độ CN của các dây chuyền này để khi đưa vào sản xuất, chúng ta không hối tiếc vì đã nhập CN.

Hơn nữa nhà nước cũng nên hỗ trợ cho các DN để họ có thể nhập khẩu được CN thay vì nhập khẩu thiết bị toàn bộ bởi năng lực chế tạo thiết bị của chúng ta không phải là không có.

Chúng ta có đủ năng lực để chế tạo thiết bị có trình độ CN cao, nhưng cái thiếu của chúng ta là CN và bí quyết CN của những thiết bị này. Do vậy, thay vì chúng ta nhập khẩu cả 1 nhà máy hay dây chuyền thiết bị lớn, hãy hỗ trợ doanh nghiệp mua CN, thuê chuyên gia và sau đó đặt hàng các doanh nghiệp trong nước chế tạo những thiết bị đồng bộ hay dây chuyền sản xuất có hiệu quả cao hơn và cũng không đến nỗi ở trình độ KHCN quá thấp kém.

Ảnh VGP/Nhật Bắc

Dang Nguyen [dangn_thanh65i@...com.vn]: Trước sức ép về dân số và biến đổi khí hậu thì nhiều nước trên thế giới đã cho phép trồng đại trà nhiều loại cây biến đổi  gene. Xin Bộ trưởng cho biết chủ trương này ở nước ta thế nào? Hiện nay chúng ta đã có quy định về quản lý sản phẩm biến đổi gene chưa và cơ quan nào chịu trách nhiệm giám sát?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Đây là câu chuyện dài, hiện nay có 2 luồng ý kiến trái chiều kể cả trong giới khoa học và giới quản lý, nhiều người ủng hộ, nhiều người phản đối. Các nước trên thế giới cũng như vậy, các nước châu Âu phản đối các sản phẩm biến đổi gen, đặc biệt là thực phẩm dành cho con người. Nhưng Hoa Kỳ và một số nước khác lại rất ủng hộ.

Việc sử dụng cây trồng biến đổi gen ở VN, theo tôi, phải hết sức thận trọng. Hiện nay một số tập đoàn đa quốc gia đang mong muốn đưa vào VN những cây trồng biến đổi gen. Nhưng các cơ quan quản lý của VN trong đó có Bộ KHCN, Bộ NNPTNT đề xuất với Chính phủ phải có một giai đoạn khảo nghiệm hết sức thận trọng.

Hiện nay chỉ cho phép sử dụng một cách hạn chế với 3 loại cây trồng là bông, đỗ tương, ngô. Đỗ tương và ngô trước mắt chỉ phục vụ cho thức ăn chăn nuôi và dầu công nghiệp, chưa trực tiếp đưa vào nguồn thực phẩm dành cho con người.

Thực tế những giống ngô biến đổi gene mà chúng ta đang khảo nghiệm có năng suất rất cao và có khả năng chống chịu dịch bệnh. Trong bối cảnh sức ép về gia tăng dân số, về công nghiệp hóa, đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp càng ngày càng thu hẹp, dân số càng ngày càng tăng thì việc nâng cao năng suất, chất lượng của cây trồng đặc biệt có ý nghĩa.

Vì thế chúng ta phải áp dụng mọi biện pháp để nâng cao năng suất cây trồng và nâng cao chất lượng lương thực thực phẩm, đảm bảo an ninh lương thực và an ninh năng lượng.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đề nghị Bộ NNPTNT, các cơ quan khoa học phải có giai đoạn khảo nghiệm thật thận trọng, khi nào có kết luận thật xác đáng là những sản phẩm cây trồng biến đổi gen không gây hại với sức khỏe con người, không gây ô nhiễm môi trường thì chúng ta mới có thể cho sử dụng đại trà.

Hiện nay chúng ta đang khảo nghiệm với cây ngô, bông, một phần với cây đỗ tương. Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với Bộ NNPTNT. Hiện nay, Chính phủ giao cho Bộ NNPTNT chủ trì phối hợp với nhiều bộ, ngành liên quan trong đó có Bộ KHCN.

Các văn bản về quản lý cây trồng biến đổi gen đã được các bộ, ngành ban hành, có các thông tư, nghị định và đặc biệt là có Luật đa dạng sinh học trong đó có đề cập nhiều điều khoản liên quan đến sinh vật biến đổi gene nói chung và cây trồng biến đổi gene nói riêng.

Chúng tôi hy vọng với sự thận trọng đó của các cơ quan quản lý thì tác hại của cây trồng biến đổi gene đối với nền kinh tế sẽ được hạn chế tối đa.   

Thanh thuy ngan [ngsthaunhthuy09@...com]: Bộ trưởng đánh giá thế nào về vai trò của công nghệ sinh học (CNSH) ở nước ta? So với các ngành nghiên cứu khoa học khác thì liệu ngành này có đang bị tụt hậu hay không? Trong thời gian tới Bộ có giải pháp gì để công nghệ sinh học trở thành một lĩnh vực công nghệ cao và một ngành kinh tế mũi nhọn thật sự?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Có lẽ tôi trả lời theo thứ tự ngược lại một chút. Đảng và Nhà nước coi CN sinh học là lĩnh vực CN ưu tiên và là một trong bốn CN cao mà các chương trình KHCN của chúng ta luôn quan tâm.

Bộ KHCN cũng đánh giá CNSH cùng CNTT là 2 lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh, chúng ta phải đặc biệt quan tâm trong số các lĩnh vực CN ưu tiên. Và trên thực tế nhiều năm qua, CNSH đã chứng tỏ là một lĩnh vực mà Việt Nam chúng ta có thế mạnh, với việc đã đóng góp rất quan trọng vào việc phát triển nông nghiệp và y tế của Việt Nam.

Có thể nói, trong bối cảnh dân số gia tăng, diện tích canh tác bị thu hẹp, biến đổi khí hậu nặng nề, thiên tai bão lụt thường xuyên, mà nông nghiệp Việt Nam phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc và được thế giới đánh giá rất cao.

Chúng ta đã trở thành quốc gia hàng đầu về xuất khẩu gạo, thuỷ sản, cà phê, hạt tiêu, điều. Có thể nói, không thể thiếu vai trò của KHCN trong thành tựu phát triển nông nghiệp. Về giống lúa, đã đảm bảo được tỷ lệ lớn giống của Việt Nam có năng suất cao, nhiều tính năng tốt trong kháng chịu sâu bệnh, chịu hạn, thậm chí là chịu mặn khi biến đổi khí hậu nước biển dâng. Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long được xếp hạng là viện hàng đầu thế giới về giống lứa, Viện nghiên cứu quốc tế (IRRI) ở Philippines vẫn phải cử chuyên gia sang học tập và cùng nghiên cứu với chúng ta.

Trong y tế chúng ta cũng có nhiều nghiên cứu, đưa y tế nước ta có thứ hạng trong khu vực và thế giới. Chúng ta là nước hàng đầu trong ASEAN về sản xuất vaccine, kể cả những vaccine đòi hỏi trình độ cao như vaccine cúm gà H5N1.

Chúng ta cũng là nước đi đầu trong việc nghiên cứu về tế bào gốc ứng dụng trong bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Như vậy có thể nói CNSH của Việt Nam không có khả năng bị tụt hậu như lo ngại của độc giả. Chúng tôi cũng cho rằng CNSH là thế mạnh của chúng ta, bởi chúng ta phải duy trì 1 nền nông nghiệp phát triển bền vững và giữ vị thế là 1 quốc gia hàng đầu về nông nghiệp trên thế giới.

Le Van Cong [lecong_nhoce1@yahoo.com]: Khu công nghệ cao Hòa Lạc chưa hấp dẫn các nhà đầu tư, nguyên nhân tại sao? Tới đây Bộ sẽ có giải pháp gì đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu công nghệ cao Hòa Lạc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Khu CNC Hòa Làng được manh nha ý tưởng từ năm 1998, nhưng thực sự bắt đầu được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2002, cho đến nay, trải qua 10 năm nhưng chưa đạt được kỳ vọng của nhân dân cũng như mong muốn của chính Bộ KHCN.

Có nhiều nguyên, trong đó về nguyên nhân khách quan là công tác đền bù và giải phóng mặt bằng ở Hòa Lạc gặp rất nhiều khó khăn. Do cơ chế là Hòa Lạc là một Khu CNC thuộc Bộ KHCN trong khi có 2 Khu CNC khác cũng  là Khu CNC quốc gia nhưng lại thuộc UBND TP.HCM và TP.Đà Nẵng mà việc giải phóng mặt bằng thuộc chức năng , thẩm quyền của địa phương.

Vì thế Bộ KHCN quản lý khu CNC Hòa Lạc nhưng phải phối hợp với UBND tỉnh Hà Tây trước đây và UBND TP.Hà Nội hiện nay để đền bù giải phóng mặt bằng. Trong khi quá trình giải phóng mặt bằng đang thuận lợi thì Hà Tây sát nhập vào Hà Nội. Chúng ta đều biết giá đất của Hà Nội cao gấp nhiều lần của Hà Tây, vì thế hộ dân trong khu vực này không chấp nhận mức đền bù đã được kiểm đếm, dự toán trước đây.

Cho nên trong 3 năm qua gần như không giải phóng được mặt bằng, chưa kể sự hợp tác về KHCN của Bộ với Hà Tây tốt hơn Hà Nội hiện nay. Trước đây Hà Tây cử 1 đồng chí Phó Chủ tịch UBND trực tiếp kiêm nhiệm làm Phó Trưởng ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc, trực tiếp phụ trách công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Nhưng trong 3 năm qua, Hà Nội quá bộn bề với nhiều công việc nên chưa có đồng chí lãnh đạo của Hà Nội cùng với Bộ làm công việc này. Chính vì thế không có mặt bằng sạch để xây dựng hạ tầng.

Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã đàm phán với Nhật Bản và Nhật Bản đã đồng ý hỗ trợ dự án ODA cho xây dựng hạ tầng của Hòa Lạc với phần I là 15 tỷ Yên tương đương hơn 200 triệu USD. Nhưng dự án hạ tầng này chỉ có thể thực hiện được nếu chúng ta có mặt bằng đã được giải phóng, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Chính phủ yêu cầu trong hết năm nay phải hoàn thiện xong công tác giải phóng hết mặt bằng.

Tuy nhiên chúng tôi cho rằng cố gắng phải hết năm 2013 mới giải phóng hết được mặt bằng Khu CNC Hòa Lạc với diện tích còn lại khoảng 800 ha. Tuy nhiên, chúng tôi yêu cầu Khu CNC Hòa Lạc phải phối hợp với TP.Hà Nội, trong 800 ha đó, cố gắng không để tình trạng “xôi đỗ”, nói cách khác là 1 nửa diện tích đã được giải phóng mặt bằng phải liền khoảnh để có thể thi công các công trình hạ tầng, đường xá, thoát nước… để phục vụ cho các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng, sau đó kêu gọi các nhà đầu tư vào sản xuất công nghệ cao, nghiên cứu công nghệ cao trong Khu CNC Hòa Lạc.

Đầu năm nay Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã thị sát Khu CNC Hòa Lạc và yêu cầu các Bộ, ngành có liên quan và UBND TP.Hà Nội phối hợp thì chúng tôi hy vọng sẽ đẩy nhanh được tiến độ xây dựng, đáp ứng được mong mỏi của nhân dân cả nước.

Dự kiến, trong năm nay hy vọng giải phóng mặt bằng xong những khu vực được gọi là “xôi đỗ” để có thể triển khai được dự án hạ tầng ODA của Nhật Bản. Hết năm 2013 cơ bản giải phóng xong diện tích của toàn bộ Khu CNC xấp xỉ 1.600ha, khi đó chúng ta có thể làm tiếp phần II là xúc tiến đầu tư và mời các tập đoàn, DN công nghệ cao của nước ngoài vào nghiên cứu và sản xuất.



Ảnh VGP/Nhật Bắc

BTV: Xin Bộ trưởng cho biết chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư, ưu đãi các chuyên gia, nhà khoa học có trình độ cao về làm việc tại khu CNC đã được thực hiện đến đâu? Theo Bộ trưởng chúng ta phải làm gì để sớm có được những “Thung lũng Silicon ở Việt Nam”?
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Các Khu CNC đượct kỳ vọng trở thành “Thung lũng Silicon” nhưng chính sách của chúng ta chưa đồng bộ. Về ưu đãi, Chính phủ đã có chính sách ưu đãi đối với các Khu CNC quốc gia, đặc biệt chính sách ưu đãi về thuế đối với các nhà đầu tư vào Khu CNC. Ví dụ thuế thu nhập DN, đối với các nhà đầu tư đầu tư vào Khu CNC được hưởng mức ưu đãi cao nhất của thuế thu nhập DN, 4 năm miễn hoàn toàn thuế TNDN kể từ khi có thu nhập chịu thuế, 9 năm tiếp theo chỉ phải nộp 50% thuế TNDN và thuế suất chỉ có 10% cho suốt đời dự án. Đây là ưu đãi rất lớn, nếu chúng ta biết rằng các DN thông thường phải chịu thuế suất 25% và mới thành lập thì trước đây có ưu đãi là miễn 2 năm, giảm 4 năm nhưng bây giờ theo luật mới thì không còn chế độ miễn và giảm.

Thứ  2 là thuế VAT, các DN đầu tư vào Khu CNC cũng được ưu đãi cao nhất về thuế VAT, thuế xuất nhập khẩu đối với những trang thiết bị và nguyên liệu vật tư phục vụ cho quá trình nghiên cứu và sản xuất ở Khu CNC.

Các nhà khoa học đến Khu CNC thì chính sách ưu đãi còn hạn chế, ngay cả cán bộ quản lý làm việc trong Khu CNC hầu như chưa được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Mấy năm qua, Bộ có thảo luận với Bộ Nội vụ, Bộ LĐTBXH, Bộ Tài chính để đề nghị những người làm công tác quản lý ở Khu CNC phải được hưởng chế độ ưu đãi tương tự như Khu Kinh tế Dung Quất hay những Khu Kinh tế khác nhưng đến nay vẫn chưa được chấp nhận.

Vừa rồi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo về vấn đề này, do đó hy vọng trong thời gian sớm nhất các nhà quản lý sẽ được hưởng phụ cấp tương đương các Khu Kinh tế khác.

Còn các nhà khoa học đến làm việc tại đây, hiện nay Chính phủ mới có ưu đãi khung là sẽ được hưởng ưu đãi như các nhà khoa học nước ngoài đến làm việc tại Khu CNC.

Bộ KHCN đã đề xuất và hy vọng trong Đề án đổi mới cơ bản toàn diện và đồng bộ về cơ chế hoạt động KHCN thì các nhà khoa học đến làm việc tại Khu CNC sẽ được hưởng những ưu đãi cao hơn, được quyền tự chủ cao hơn và sẽ được ưu đãi theo đóng góp của họ đối với Khu CNC cũng như đối với sự phát triển KHCN của đất nước. 

Huy Vo Hung [hungkiem.tr71l@...com.vn]: Có quan điểm cho rằng, Nhà máy điện hạt nhân chỉ dành cho các nước phát triển, một phần bởi trình độ KHCN của chính họ. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, chưa có khả năng hội đủ điều kiện để phát triển lĩnh vực này. Nhận định của ông về vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Ý kiến đó không hoàn toàn đúng, vì trong số 31 quốc gia đang có nhà máy điện hạt nhân không phải đều là nước phát triển, có nhiều nước đang phát triển cũng tính đến xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho mình. Ví dụ Bangladesh hay là một vài nước khác, kể cả các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia.

Ở đây vấn đề là để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng được sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì nhu cầu năng lượng của chúng ta theo tổng sơ đồ điện 7 là rất lớn trong khi các nguồn năng lượng hóa thạch và tái tạo của chúng ta cho đến thời điểm này không đáp ứng được.

Chúng ta đều biết dầu mỏ của chúng ta hiện nay mới đáp ứng được nửa nhu cầu, vẫn phải nhập khẩu. Than trong quá khứ xuất khẩu với tốc độ rất nhanh, nhưng từ năm 2011 bắt đầu phải nhập khẩu than, đến năm 2020 lượng than nhập khẩu còn lớn hơn lượng than sản xuất ra.

Năng lượng mới và tái tạo đều được quan tâm nghiên cứu và phát triển như năng lượng gió, mặt trời, sóng biển, địa nhiệt. Nhưng các nhà máy sử dụng năng lượng tái tạo quy mô rất nhỏ, vừa qua nhà máy điện gió ở Bình Thuận đi vào hoạt động thì tổng công suất mới chỉ trên 30MW, giá thành của năng lượng mới cho đến nay còn rất cao, đối với người dân không chịu được giá của nhà máy điện gió và năng lượng mặt trời.

Trong thời gian từ nay đến năm 2020, chúng ta cũng chưa nhìn thấy công nghệ để sản xuất điện thay thế được nguồn năng lượng cổ điển như than, dầu, khí thiên nhiên và hạt nhân. Vì thế chúng ta vẫn phải nghĩ đến phát triển nhà máy điện hạt nhân cho đến khi thế giới tìm thấy được nguồn năng lượng thay thế.

Mặc dù trình độ công nghệ còn ở mức khiêm tốn, tiềm lực kinh tế còn khó khăn nhưng nếu không giải quyết được bài toán về nguồn năng lượng điện cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội thì đến năm 2020 Việt Nam không thể trở thành một nước công nghiệp hiện đại như chúng ta mong muốn.

Vì vậy, chúng tôi vẫn kiên trì theo đuổi phát triển điện hạn nhân và hy vọng sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, hy vọng vào trí tuệ của người Việt Nam và tâm huyết của đội ngũ cán bộ KHCN trong ngành năng lượng hạt nhân thì chúng ta có đủ điều kiện làm chủ được công nghệ và làm chủ được nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của chúng ta phát điện sau năm 2020.

BTV: Có quan điểm cho rằng, phát triển điện hạt nhân hiện nay là rất nguy hiểm (qua các sự cố tại Nga và Nhật), các nước phát triển đang “bỏ” nguồn năng lượng này để chuyển sang phát triển nguồn năng lượng sạch, an toàn hơn. Tại sao Việt Nam không ‘đi tắt, đón đầu” như các nước phát triển đang làm?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Ý kiến này cũng có phần đúng. Sau sự cố Chernobyn năm 1987, rất nhiều quốc gia phát triển đã dừng hoặc huỷ bỏ chương trình điện hạt nhân của họ. Nhưng sau một thời gian thì người ta lại thấy rằng, vẫn chưa có con đường đi nào khác, họ lại tái khởi động chương trình điện hạt nhân, kể cả các nước châu Âu.

Vừa rồi năm 2011, sau sự cố Fukushima, các quốc gia này lại một lần nữa giật mình và lại dừng chương trình điện hạt nhân, kể cả Nhật Bản là một nước có 54 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, theo thông tin báo chí, hôm qua đã đóng cửa lò phản ứng hạt nhân cuối cùng.

Nhưng tôi biết rằng, có rất nhiều xu hướng, kể cả tại Nhật Bản vẫn có kiến nghị sau khi nâng cấp mức độ an toàn thì tái khởi động các nhà máy hạt nhân này. Trên thực tế nhiều quốc gia phát triển tiếp tục chương trình điện hạt nhân của họ. Muốn bỏ qua giai đoạn phát triển điện hạt nhân, nhưng chúng ta chưa nhìn thấy nguồn năng lượng nào khác có thể thay thế nó.

Như tôi đã nói, dầu và than của chúng ta đang cạn kiệt, năng lượng mới, công nghệ mới chỉ là sản xuất nhỏ và giá thành rất cao, không đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước ta trong giai đoạn tới. Vì thế, tại các nước phát triển, điện hạt nhân có thể chỉ chiếm tỷ trọng không lớn, họ có thể đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân và tìm các nguồn năng lượng khác thay thế, họ có thể có đủ tiền để mua dầu mỏ từ Trung Đông, mua than từ các quốc gia khác, mua khí thiên nhiên từ Nga, nhưng với chúng ta, tất cả những yếu tố đó đều là bài toán chưa thể giải đáp.

Chúng ta không đủ tiền nhập nguồn nguyên liệu hoá thạch với giá ngày càng cao. Chúng ta cũng chưa có công nghệ sản xuất điện từ năng lượng tái tạo như mặt trời, gió, thuỷ triều. Nếu chúng ta làm điện hạt nhân hiện nay, chúng ta có thể sử dụng được nguồn ODA của các nước phát triển.

Trong một chừng mực nào đó, nếu như không có những sự cố khủng khiếp như thảm hoạ kép động đất, sóng thần thì các nhà máy điện hạt nhân có thể nói là an toàn và kinh tế hơn so với các nhà máy điện khác.

Các nhà máy điện dùng nguồn nhiên liệu hoá thạch thải ra lượng khí nhà kính khổng lồ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các nhà máy thuỷ điện cũng tương tự như vậy, các hồ chứa cũng gây rất nhiều hệ luỵ về môi trường. Chúng ta cũng không còn nguồn tiềm năng để làm thuỷ điện. Nhà máy thuỷ điện Lai Châu chắc là nhà máy thuỷ điện lớn cuối cùng của chúng ta.

Vì vậy, chúng ta không tránh khỏi việc sử dụng điện hạt nhân. Vấn đề ở chỗ, chúng ta yêu cầu các đối tác phải nâng mức độ an toàn lên cao hơn, và trong quá trình khảo sát địa điểm xây dựng nhà máy, chúng ta cũng phải thận trọng hơn.

Nhưng tất cả những yếu tố đó đều làm cho giá thành của nhà máy điện hạt nhân cao hơn rất nhiều so với mức dự toán ban đầu. Và vì vậy, chúng ta lại càng phải tính toán một cách thận trọng hơn cho việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tiếp theo. Hy vọng trong tương lai, chúng ta có công nghệ khác, nguồn năng lượng khác thì không phải tiếp tục phát triển điện hạt nhân.

Bùi Quốc Huy, Chùa láng – Láng thượng – Đống đa - Hà Nội: Như ông nói điện hạt nhân rất cần các chuyên gia giỏi, tuy nhiên nhà máy ĐHN đầu tiên sẽ được khởi công trong năm 2014 và chính thức phát điện vào năm 2020. Theo ông, chúng ta có đảm bảo được nhân lực cho nhà máy ĐHN khi nhà máy vận hành?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Tôi rất lo lắng về nguồn nhân lực cho điện hạt nhân, nếu không có chính sách phù hợp mang tính đột phá thì  chắc chắn sẽ không chuẩn bị được đội ngũ cán bộ, cán nhà khoa học, kỹ thuật viên, công nhân có đủ trình độ để vận hành nhà máy.

Mặc dù chúng ta đang có lợi thế là đội ngũ cán bộ KHCN trong lĩnh vực hạt nhân tương đối mạnh, là kết quả của quá trình đào tạo trong nhiều năm khi chúng ta còn mối quan hệ tốt đẹp với các nước Đông Âu và Liên Xô cũ và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về vấn đề này trong thời gian đó. Tuy nhiên đội ngũ này bắt đầu có tuổi, chúng ta cần đào tạo cán bộ trẻ tiếp cận với công nghệ mới với tri thức khoa học mới về công nghệ hạt nhân.

Trong những năm qua chúng ta đã gửi đi đào tạo ở các nước phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nga, Pháp, Ấn Độ rất nhiều cán bộ khoa học trẻ cũng như đã cử cán bộ khoa học có trình độ đi bồi dưỡng nâng cao ở các nước này. Tuy nhiên để thu hút cán bộ trẻ ở lĩnh vực này phải có chính sách đãi ngộ thỏa đáng vì đây là lĩnh vực rất vất vả và phải chịu đựng rủi ro trong suốt cả cuộc đời khi làm việc về năng lượng nguyên tử.

Nếu chúng ta không kịp thời công bố, công khai chế độ đối với những người đi học về năng lượng hạt nhân, công nghệ hạt nhân cũng như công khai chế độ đối với những người sẽ làm việc trong nhà máy điện hạt nhân và các cơ sở nghiên cứu trong nhà máy điện hạt nhân thì chắc chắn không thu hút được những người giỏi vào làm việc trong lĩnh năng lượng hạt nhân nói chung cũng như nhà máy điện hạt nhân nói riêng.

Chính phủ đã có một chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân trong đó dành khoảng 2.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để đào tạo cán bộ khoa học trong lĩnh vực này từ trình độ cao đẳng, đại học đến trên đại học cũng như đào tạo chuyên gia cho các lĩnh vực khác nhau. Đồng thời yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam dành khoảng 1.000 tỷ đồng từ ngân sách của Tập đoàn để đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân vận hành nhà máy điện hạt nhân.

Tuy nhiên tôi cho rằng nguồn kinh phí chỉ có thể phát huy hiệu quả nếu chúng ta có chính sách đãi ngộ phù hợp, có thể dành ra hàng chục tỷ USD để xây dựng điện hạt nhân thì chúng ta nên dành một tỷ lệ thích đáng để đào tạo và đãi ngộ đội ngũ cán bộ làm việc trong lĩnh vực này. Có như thế chúng ta mới đảm bảo được sự an toàn cũng như hiệu quả hoạt động của điện hạt nhân trong tương lai.



Ảnh VGP/Nhật Bắc

 BTV:Có nhiều bạn đọc gọi điện hỏi Nhà máy điện hạt nhân do Việt Nam xây dựng có an toàn không?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Đối với 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Ninh Thuận, chắc chắn chúng ta chưa đủ kinh nghiệm để trực tiếp giám sát quá trình xây dựng. Dĩ nhiên, xây dựng phải là người Việt Nam, nhưng chúng ta sẽ phải thuê tư vấn giám sát nước ngoài, đặc biệt là những cơ quan có kinh nghiệm xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên thế giới.

Bộ trưởng Nguyễn QuânChúng tôi đã có chương trình hợp tác, tìm kiếm đối tác, trước mắt thuê chuyên gia tư vấn trong việc thẩm định hồ sơ thiết kế cũng như báo cáo đầu tư của các chủ đầu tư cũng như của các nhà thầu.

Song song, chúng tôi gửi chuyên gia đi đào tạo để có đủ trình độ giám sát toàn bộ quá trình xây dựng nhà máy, đưa nhà máy vào vận hành, cùng với các nhà thầu quốc tế, nhà tư vấn giám sát quốc tế trong quá trình đó, ta học hỏi kinh nghiệm của họ.

Chúng tôi cũng hy vọng nếu làm tiếp nhà máy số 3 và 4 thì các chuyên gia của chúng ta có thể đủ trình độ để giám sát, tư vấn và đảm bảo chất lượng công trình xây dựng nhà máy, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế và Việt Nam.

BTV: Song song với việc chúng ta đưa chuyên gia của chúng ta đi học tại nước ngoài thì Bộ trưởng có nghĩ rằng chúng ta có thể đề xuất với Bộ GDĐT tại các trường ĐH ở Việt Nam như ĐH Bách Khoa hoặc những ĐH Kỹ thuật có thể thành lập những khoa đào tạo dài hơn không phụ thuộc vào đào tạo tại nước ngoài?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Nếu làm việc trong lĩnh vực hạt nhân thì 8 năm là thời gian quá ngắn để có đủ kinh nghiệm để làm được vấn đề lớn. Tuy nhiên trong gói 2.000 tỷ đồng mà Chính phủ đã bố trí có phần đào tạo trong nước, trên thực tế Ban Chỉ đạo Nhà nước về Dự án điện hạt nhân đã giao nhiệm vụ cho các trường ĐH Kỹ thuật của Việt Nam như ĐHBK Hà Nội, ĐHQG Hà Nội, ĐHBK TP.HCM, ĐHBK Đà Nẵng phối hợp với nhau để đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân.

Vấn đề này có một thuận lợi là ĐHBK Hà Nội trong nhiều năm trước đây có bộ môn vật lý hạt nhân, có đào tạo kỹ sư về vật lý hạt nhân nhưng do cơ chế thị trường trong mấy năm gần đây rất ít sinh viên theo học ngành này nên số lượng kỹ sư được đào tạo về hạt nhân không đáp ứng được yêu cầu.

Vì vậy, song song với việc giao cho các trường ĐH Kỹ thuật của Việt Nam xây dựng chương trình đào tạo và đào tạo trực tiếp các kỹ sư về hạt nhân thì chúng ta vẫn phải đưa đi nước ngoài. Các trường tại nước ngoài có đầy đủ kinh nghiệm, trang thiết bị, truyền thống nên họ đào tạo chắc chắn chất lượng cao hơn và đáp ứng nhu cầu của chúng ta.

Chúng tôi có chương trình đào tạo chuyên gia cả về chuyên gia an toàn lẫn công nghệ để phục vụ điện hạt nhân. Một điều may mắn nữa là Chính phủ Nga đồng ý giúp Việt Nam xây dựng Trung tâm KHCN hạt nhân với lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu thế hệ mới, công suất lớn, trị giá toàn bộ công trình lên đến 500 triệu USD.

Có lẽ đây là công trình nghiên cứu lớn nhất mà Việt Nam có trong thời điểm này. Hiện nay chúng ta đang lựa chọn địa điểm cho hoạt động đầu tư để trong thời gian trước khi nhà máy điện hạt nhân đi vào hoạt động thì chúng ta có thể hoàn thành Trung tâm KHCN hạt nhân với đội ngũ cán bộ KH đủ trình độ và với trang thiết bị tiên tiến đáp ứng nhu cầu phát triển điện hạt nhân của chúng ta.  

Nguyen thu nguyet (thu.nguyetnbtu@...com): Mới đây, trong nội dung của dự thảo thông tư liên tịch mà liên Bộ Khoa học công nghệ, Công Thương, Giao thông vận tải và Công an đang xây dựng đã quy định: “Người điều khiển xe mô tô, gắn máy đội mũ bảo hiểm thời trang, mũ nhái mà không có tem CR hợp chuẩn sẽ bị xử phạt như mức không đội mũ bảo hiểm”. Thưa Bộ trưởng đây có phải việc làm khi cơ quan chức năng khó kiểm tra, kiểm soát và xử lý thì “đổ khó” cho người dân?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Về vấn đề mũ bảo hiểm chúng tôi đã nhiều lần trao đổi với báo giới. Chính phủ đã quy định, người tham gia giao thông phải đổi mũ bảo hiểm đảm bảo tính năng kỹ thuật theo quy chuẩn do nhà nước quy định.

Tuy nhiên, thực tế, nhiều người đội mũ không đúng quy chuẩn. Hay nói cách khác, đội mũ chỉ để đối phó với công an, không phải để bảo vệ đầu của mình cũng như vì sức khoẻ của cộng đồng. Về quản lý chất lượng mũ bảo hiểm, chúng tôi đã ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, thông tư. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng đội mũ không đúng quy định vẫn diễn ra. Các nhà sản xuất vì trục lợi và người tiêu dùng vì ham rẻ nên vẫn sản xuất và mua bán các loại mũ không phải là mũ bảo hiểm.

Tất nhiên, những loại mũ này rất rẻ tiền và bày bán tràn lan, rất dễ mua. Nếu như nói rằng, những người đội mũ rởm, mũ nhái không có tem, bị xử phạt thì coi là cơ quan nhà nước không quản lý được, đổ khó cho người dân thì tôi cho không hẳn như thế.

Thực tế chúng ta quản lý việc này rất chặt chẽ. Tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất mũ bảo hiểm đều phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước và đem mẫu đến để thử nghiệm ở các trung tâm tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ KHCN cũng như của các địa phương. Khi đạt được tiêu chuẩn, đều được dán nhãn (tem CR) và được lưu thông. Chúng tôi cũng yêu cầu tất cả các công ty sản xuất và nhập khẩu phải niêm yết công khai danh mục các đại lý mà kinh doanh mũ bảo hiểm của mình cho người dân biết để không mua phải mũ rởm. Vấn đề còn lại là người dân có chịu đến mua ở những đại lý bán mũ tốt và có đăng ký hay không?

Những người sản xuất mũ rởm lách luật bằng cách nói rằng, đấy không phải là mũ bảo hiểm, người ta bán cho người đi bộ, tập thể dục, đi xe đạp và như thế cơ quan chức năng không thể xử lý được.

Luật của chúng ta không cấm kinh doanh mũ dành cho người đi xe đạp, người đi bộ. Trong khi người ta lại dùng mũ đó để đi xe máy. Nếu các cơ quan quản lý phát hiện, cảnh sát giao thông phát hiện, thì hoàn toàn có thể xử phạt, nhưng người ta sẽ lại lý sự rằng, tôi không biết mũ này không dành cho người đi xe máy.

Tôi rất ủng hộ thành phố Đà Nẵng vừa qua bán mũ đảm bảo chất lượng tốt, giá rẻ (50.000 đồng) để người dân được đổi mũ cũ lấy mũ mới, đổi mũ rởm lấy mũ thật. Đây cũng là biện pháp hỗ trợ người dân bởi nếu mua mũ 200-300.000 đ, họ thấy không phù hợp với điều kiện kinh tế của họ. Nhưng nếu mua mũ thật, chỉ có giá 50.000 thì họ hưởng ứng. Hơn nữa, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cũng yêu cầu các cơ quan chức năng cung cấp máy thử nghiệm tại chỗ, mũ nào không đạt yêu cầu thì phá huỷ tại chỗ. Sau đó, bán lại cho người điều khiển phương tiện mũ bảo hiểm đạt yêu cầu với giá chỉ 50.000 đồng.

Tôi không biết các tỉnh thành phố khác có thể học tập Đà Nẵng được không vì ngân sách của TP, tỉnh phải hỗ trợ rất lớn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến cáo nhân dân không nên tham rẻ, mua mũ bảo hiểm kém chất lượng bày bán ở các đại lý không được uỷ quyền và mua mũ chỉ để đối phó với cảnh sát giao thông.

Hơn ai hết, chúng ta phải ý thức được, đội mũ là để bảo vệ chính mình. Chúng tôi, bên cạnh việc siết chặt việc quản lý chất lượng mũ, yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu mũ công khai niêm yết toàn bộ đại lý bán sản phẩm của mình, đăng ký chất lượng với cơ quan nhà nước thì cũng mong nhân dân nâng cao tinh thần tự giác mua mũ đảm bảo điều kiện kỹ thuật ở những đại lý đã được uỷ quyền của các doanh nghiệp sản xuất có uy tín. 

khoi van dinh [phladongtu.11@...com]: Trong những năm gần đây, vấn đề chất lượng và tiêu chuẩn hàng hóa đủ mọi cấp độ, thành phần trở thành đề tài được xã hội rất quan tâm. Theo ông vì sao lại như vậy và điều đó nói lên vấn đề gì của Việt Nam hiện nay?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Vấn đề này phản ánh rất rõ xu hướng phát triển của VN. Nếu như trước đây trong giai đoạn bao cấp, hàng hóa sản xuất không đủ dùng, người dân phải dùng mọi thứ hàng hóa, kể cả hàng hóa chất lượng thấp. Nhưng ngày nay nền kinh tế của chúng ta đã phát triển, người dân có quyền lựa chọn những sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ, mẫu mã đẹp.

Hơn nữa chúng ta đã gia nhập WTO, tham gia sân chơi chung với thế giới, sản phẩm hàng hóa của VN không thể tồn tại được nếu không đáp ứng được tiêu chuẩn và chất lượng chung của thế giới, không thể cạnh tranh được với hàng hóa của nước ngoài.

Vì thế, tôi cho rằng thái độ của người dân quan tâm đến chất lượng của sản phẩm hàng hóa là điều đương nhiên và đáng mừng. Người dân có thể không chấp nhận những hàng hóa có chất lượng thấp, mẫu mã xấu, giá thành cao và có quyền lựa chọn buộc DN, buộc nền kinh tế đáp ứng nhu cầu của họ.

Theo tôi đây là xu hướng đáng khích lệ, là xu hướng lành mạnh để Việt Nam phát triển hơn nữa. Vì chúng ta không thể phát triển được nếu như người dân vẫn chấp nhận hàng hóa như thời bao cấp, chấp nhận mua lốp loại 2, mua 5 nan hoa thay vì mua cả bộ nan hoa của xe đạp…

Do đó, chúng tôi đồng tình với ý kiến độc giả là xu hướng người dân quan tâm đến chất lượng của sản phẩm hàng hóa kể cả vệ sinh an toàn sản phẩm là xu hướng đáng trân trọng và tất yếu trong cơ chế thị trường của chúng ta.

Nguyễn Danh Minh, Phường Khuê Trung, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng: Vấn đề sở hữu trí tuệ tại Việt Nam cũng là một trong sự kiện đang được dư luận quan tâm, đặc biệt là bảo vệ quyền lợi của Doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài. Hiện nay DN Việt Nam đều nhận phần bất lợi về mình khi xảy ra tranh chấp về thương hiệu ngoài lãnh thổ. Ông có biện pháp gì để hạn chế phần “thua thiệt” cho các DN Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam đã tham gia WTO?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Vấn đề sở hữu trí tuệ là vấn đề rất nóng, mặc dù trong thời gian qua, hoạt động sở hữu trí tuệ của ViệtNam đã có những tiến bộ rõ rệt. Năm 2005, chúng ta đã có Luật Sở hữu trí tuệ. Năm 2009, chúng ta đã sửa đổi bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ. Đi đôi với việc ban hành Luật, chúng ta đã có 1 hệ thống văn bản dưới luật để tổ chức, hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong xã hội bảo vệ quyền lợi của họ về sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, đúng như độc giả phản ánh, một số thương hiệu của chúng ta đã bị xâm hại ở nước ngoài. Điều này xuất phát từ nguyên nhân chúng ta là một nước mới thoát khỏi đói nghèo, các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm tới bảo vệ thương hiệu, bảo vệ tài sản trí tuệ của họ. Cho nên chúng ta còn rất thiếu kinh nghiệm, thiếu nguồn lực để làm được việc đăng ký bảo hộ thương hiệu và tài sản trí tuệ của mình ở nước ngoài như nước mắm Phú Quốc, võng xếp Duy Lợi, thuốc lá Vinataba, cà phê Buôn Ma Thuột…

Bộ KHCN với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ, xác lập quyền, bảo vệ quyền và thực thi quyền sở hũu trí tuệ của các tổ chức và cá nhân Việt Nam, đã tiến hành nhiều hoạt động để giành lại thương hiệu này cho doanh nghiệp Việt Nam. Ví dụ như cà phê Buôn Ma Thuột, hiện nay chúng tôi đang hợp tác với UBND tỉnh Đắk Lắk làm việc với các đối tác nước ngoài để có được thoả thuận phù hợp, giành lại chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột cho Đắk Lắk.

Tương tự như thế với Vinataba, chúng tôi đã làm việc và thành công ở một vài địa bàn lấy lại thương hiệu này về cho Vinataba.

Chúng tôi cho rằng, bên cạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam, các cơ quan quản lý phải cùng vào cuộc hỗ trợ cho doanh nghiệp. Chúng tôi đã yêu cầu các bộ phận đại diện KHCN của Việt Nam ở nước ngoài cùng với các cơ quan đại diện ngoại giao của chúng ta tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, phát hiện giúp địa bàn nào mà hàng hoá Việt Nam có thể đến được, thì các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá đó phải sớm đăng ký để bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá của họ ở địa bàn đó để tránh tình trạng bị lợi dụng.

Nếu bị xâm hại, các doanh nghiệp phải hợp tác với các cơ quan quản lý bàn bạc các giải pháp hữu hiệu nhất để giành lại thương hiệu. Tất nhiên, đây là cuộc đấu tranh đầy cam go, vì theo quy định chung, việc đề xuất đăng ký bảo hộ 1 nhãn hiệu, thương hiệu, sản phẩm nào đó, nếu chúng ta không làm, các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài đều có thể đăng ký và được cơ quan quản lý ở nước đó bảo hộ. Cho nên, chúng ta cũng phải tiên lượng, địa bàn nào chúng ta có nhiều sản phẩm đến, khả năng xuất khẩu tốt, phải sớm đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu doanh nghiệp.

Chúng tôi tin thời gian tới, với nỗ lực của các cơ quan quản lý đặc biệt là Cục Sở hũu trí tuệ của Bộ KHCN cùng với tinh thần của các doanh nghiệp, chúng ta sẽ hạn chế được những vi phạm này, hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn trong việc bảo vệ thương hiệu của họ.



Ảnh VGP/Nhật Bắc

Một bạn đọc ở Hà Nội hỏi: Kính thưa Bộ trưởng, tại sao tôi muốn nộp đơn đăng ký yêu cầu bảo hộ sáng chế lại phải nộp qua các văn phòng luật sư mà không thể nộp trực tiếp cho Cục Sở hữu Trí tuệ. Tại sao Cục Sở hữu Trí tuệ không thể nhận hồ sơ này qua email trong khi đó đa số các nước đã thực hiện từ hơn 10 năm qua, thưa Bộ trưởng?
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Bộ KHCN hay Cục Sở hữu Trí tuệ không hạn chế việc nộp hồ sơ trực tiếp hay gián tiếp qua các công ty tư vấn. Tuy nhiên, hồ sơ sáng chế là một loại hồ sơ rất phức tạp, vì vậy nếu như các cá nhân, các nhà khoa học hoặc những người yêu thích khoa học có sáng chế, có ý tưởng tự mình xây dựng các hồ sơ có thể mất rất nhiều thời gian, công sức và phải làm đi làm lại nhiều lần.

Nếu bạn liên hệ trực tiếp với Cục Sở hữu Trí tuệ thì bạn vẫn được hướng dẫn nhưng vẫn phải tự làm hồ sơ thì khó khăn hơn nhiều so với việc bạn thông qua công ty tư vấn, văn phòng luật sư vì họ đã có kinh nghiệm rất nhiều năm làm hồ sơ giúp DN, các tổ chức, cá nhân, nên thời gian xây dựng và hoàn thiện hồ sơ được rút ngắn.

Hơn nữa, họ có kinh nghiệm hơn trong việc hoàn thiện và trình hồ sơ này để được xem xét. Họ có thể có cơ sở dữ liệu mạnh để biết ngay sáng chế của bạn đã được đăng ký ở đâu trên thế giới.

Chúng ta phải biết rằng thế giới là vô cùng rộng lớn, hiện có hàng trăm triệu sáng chế đã được đăng ký, được bảo hộ hoặc đã hết thời gian bảo hộ. Một trong những tiêu chí để được đăng ký sáng chế là tính mới tức là chưa được ai đăng ký, sử dụng, vì thế nếu bạn đăng ký sáng chế qua công ty tư vấn, văn phòng luật sư chỉ tạo điều kiện tốt hơn, rút ngắn thời gian để biết được rằng sáng chế của mình có mới không, hồ sơ mô tả kỹ thuật làm có tốt không, chứ không hạn chế nộp trực tiếp cho Cục Sở hữu Trí tuệ.

Bên cạnh đó, Luật của VN và quốc tế thì quyền ưu tiên là vấn đề không thể không làm, tức là đăng ký cùng một sáng chế hơn kém một giây. Thế giới có thể có hàng nghìn người có tư duy giống nhau, cùng nghĩ ra, ai đăng ký trước người đó được quyền ưu tiên trước, chỉ sớm 1 giây đã được ưu tiên. Nếu đăng ký qua email thì không đảm bảo tính ưu tiên vì vậy ở Cục Sở hữu Trí tuệ có 2 Văn phòng đại diện ở TP.HCM và Đà Nẵng nhưng nối mạng để đảm bảo tính ưu tiên vì ý tưởng của bạn có thể bị người khác đánh cắp, lợi dụng hoặc người đó cùng có ý tưởng với bạn, nếu không sử dụng quyền ưu tiên này thì bạn sẽ bị thiệt thòi.

Do đó không thể đăng ký sáng chế hay giải pháp hữu ích, nhãn hiệu hàng hóa qua email hay bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào khác mà phải đăng ký trực tiếp tại cơ sở tiếp nhận hồ sơ này là Cục Sở hữu Trí tuệ. Chúng tôi chỉ căn cứ vào việc cơ quan quản lý nhận được hồ sơ đăng ký của bạn theo đồng hồ của cơ quan quản lý. Vì vậy chúng ta không thể nộp đơn để dành quyền ưu tiên qua mạng internet. Một kênh duy nhất để chúng ta dành quyền ưu tiên đó là cơ quan quản lý nhà nước nhận hồ sơ của chúng ta.

BTV: Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng có nghĩ rằng có khi nào đồng hồ của cơ quan quản lý Nhà nước bị sai không?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Đồng hồ dù sai hay đúng thì vẫn thể hiện trình tự cơ quan quản lý Nhà nước nhận hồ sơ. Có thể lệch với đồng hồ quốc gia một vài giây, vài phút nhưng 3 người đến nộp có người trước, người sau, đồng hồ đó chỉ chấp nhận đối với quy trình của người nộp hồ sơ chứ không liên quan đến giờ GMT, hay giờ địa phương.

Van Hung Cuong [hungcuongvan_691@gmail.com]: Là người nhiều năm làm khoa học và nay ở cương vị quản lý cao nhất của ngành thì điều gì còn làm ông băn khoăn, trăn trở nhất? Ông có điều gì muốn chia sẻ với các nhà khoa học Việt Nam? 

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Nếu nói về những điều tôi tâm đắc, trăn trở, thì có 3 việc mà tôi vẫn nói rằng tôi còn nợ các nhà khoa học 2 trong 3 việc này.

Thứ nhất là nguồn đầu tư cho KHCN hiện còn quá khiêm tốn. Mặc dù nhà nước dành 2% tổng chi ngân sách quốc gia hàng năm, nhưng tính ra giá trị tuyệt đối, chúng ta mới có khoảng gần 700 triệu USD, tình bình quân thì mỗi người chưa được 10 USD/người dành cho KHCN. Nếu kể cả nguồn đầu tư của xã hội từ doanh nghiệp, chúng ta chưa có quá 1 tỷ USD, và tính bình quân thì chúng ta mới có hơn 10 USD/người cho KHCN. Đây là mức quá thấp so với các nước trên thế giới, kể cả các nước lân cận trong khu vực. Nếu chúng ta biết rằng, Hàn Quốc có mức đầu tư trên đầu người tới 1000 USD, hay Trung Quốc mức đầu tư bình quân đầu người đã vượt quá 30 USD. Vì vậy chúng ta phải làm sao tăng được nguồn đầu tư cho KHCN, chủ yếu từ xã hội, từ doanh nghiệp.

Hiện nay, chúng ta đã kêu gọi doanh nghiệp dành 10% lợi nhuận trước thuế cho phát triển KHCN, nhưng rất ít doanh nghiệp làm được việc này. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân, doanh nghiệp của chúng ta quá nhỏ và siêu nhỏ. 10% lợi nhuận trước thuế của họ cũng chỉ đáng giá một vài chục triệu đồng, may lắm là vài trăm triệu đồng, không đủ để họ đổi mới CN của chính họ, không đủ để đầu tư nghiên cứu sản phẩm mới.

Vì thế, chúng tôi đang kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội là sắp tới có thể huy động nguồn đóng góp này vào quỹ phát triển KHCN của địa phương, tỉnh và khi chúng ta huy động được nguồn đóng góp của hàng nghìn doanh nghiệp tại địa phương, tỉnh có đủ nguồn đầu tư cho một số doanh nghiệp hàng đầu hay trọng yếu của địa phương đó để đổi mới CN, tạo sản phẩm mới.

Chúng tôi cũng mong muốn hợp tác quốc tế, trong những năm qua thực tế hợp tác quốc tế theo nghị định thư tức là những đề tài, dự án hợp tác quốc tế của chúng tôi chứng tỏ là có thể thu hút đầu tư nước ngoài cho hoạt động KHCN của Việt Nam. Cứ một đồng chúng ta bỏ ra để hợp tác theo nghị định thư, chúng ta có thể lấy được 1,5-2 đồng từ nước ngoài. Như vậy, nếu chúng ta đầu tư 100 triệu USD cho các dự án hợp tác theo nghị định thư, chúng ta có thể lấy được vài trăm triệu USD từ nước ngoài tăng thêm, bổ sung cho nguồn đầu tư của chúng ta.

Thứ 2, cơ chế tài chính cho KHCN, chúng ta đã có rất nhiều năm áp dụng một cơ chế tài chính, hành chính chứ không phải cơ chế tài chính sự nghiệp cho hoạt động KHCN. Chúng ta phải lập kế hoạch KHCN trước 1,5 năm để tới khi có tiền thì nhiều đề tài, dự án đã lạc hậu, không còn cần nghiên cứu nữa.

Nhiều dự án không tiếp tục thực hiện được vì tốc độ trượt giá đã vượt quá dự toán được duyệt. Nhiều đề tài, dự án cần bổ sung kinh phí thì thời gian chờ đợi quá dài, không thể điều chỉnh được.

Thêm nữa, thủ tục thanh quyết toán như độc giả đã đề cập và tôi đã nói còn rườm rà, phức tạp, không tạo điều kiện cho các nhà khoa học. Nhiều nội dung chi chưa được bổ sung, nhiều mức chi rất thấp, nếu như thanh quyết toán qua Kho bạc Nhà nước thì cơ chế không thông thoáng như thanh quyết toán qua các quỹ. Nhiều Kho bạc vẫn bắt đầy đủ chứng từ, hoá đơn đối với những nội dung đã được khoán. Đây là nội dung rất vô lý.

Thứ 3 là chính sách đãi ngộ đối với cán bộ khoa học. Hiện nay trong hệ thống cán bộ công chức, viên chức, chỉ còn cán bộ khoa học tức là các nghiên cứu viên và kỹ sư là không có chế độ phụ cấp gì ngoài lương. Đây là điều rất bất hợp lý vì chúng ta biết rằng, cán bộ, công chức, viên chức ở các lĩnh vực khác đều có phụ cấp, thậm chí là 3-4 loại khác nhau như phụ cấp nghề, thâm niên, giữ liêm… Tổng phụ cấp ấy trong một số lĩnh vực có thể còn lớn hơn cả lương cơ bản. Trong khi đó cán bộ khoa học chỉ có thể sống bằng nghề, sáng tạo, chất xám, họ lại không có phụ cấp nào ngoài lương.

Do vậy, nếu không có chính sách đãi ngộ thoả đáng, hợp lý và ở mức cao đối với cán bộ KH, chắc chắn chúng ta khó có những chuyên gia hàng đầu, khó có tổng công trình sư, kỹ sư trưởng để có thể chủ trì những công trình lớn của quốc gia như cầu dây văng Bãi Cháy, những con tàu 100.000 tấn, dàn khoan tự nâng 90 m nước, 120 m nước, như nhà máy điện hạt nhân.

Như vậy, chúng tôi mong mỏi xã hội đồng thuận để các bộ ngành cùng với Chính phủ có thể ban hành được những cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà khoa học được đãi ngộ thoả đáng, tạo điều kiện tốt nhất, đóng góp trí tuệ cho xã hội, đất nước một cách xứng đáng với mong mỏi của Đảng, Nhà nước và của nhân dân.

Nhân dịp đối thoại trực tuyến tại Cổng TTĐT Chính phủ với nhân dân, qua Cổng TTĐT Chính phủ và các phương tiện thông tin đại chúng, tôi rất cảm ơn sự quan tâm của đông đảo nhân dân, sự quan tâm của doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đối với hoạt động KHCN.

Chúng tôi cũng kêu gọi các nhà KH, các viện, trường, các doanh nghiệp cũng như các nhà quản lý trong lĩnh vực KHCN đồng tâm hiệp lực xây dựng những cơ chế chính sách đóng góp cho đất nước thông qua những đề tài, dự án khoa học có sản phẩm trình độ cao, áp dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả kinh tế cao để thực hiện bằng được những mục tiêu chiến lược mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đó là chúng ta phải có một nền KHCN tiên tiến, xứng đáng với mong mỏi của Đảng, Nhà nước, xứng tầm với các quốc gia trong khu vực ASEAN và một số lĩnh vực có thể đạt trình độ quốc tế.

BTV: Tong khoảng thời gian ngắn, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã trả lời trực tiếp vào các vấn đề trong lĩnh vực KHCN, từ những vấn đề lớn, chiến lược đến những vấn đề rất thiết thực và gần gũi với các nhà khoa học và người dân. Tuy nhiên, do thời gian có hạn trong khi số lượng câu hỏi người dân gửi đến rất nhiều, chúng tôi sẽ tập hợp, gửi đến các đơn vị, cục, vụ chức năng của Bộ để xem xét trả lời. Những thông tin này cũng sẽ được đăng tải trên Cổng TTĐT Chính phủ. Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Quân. Cảm ơn sự theo dõi của quý vị.

 

Nguồn tin: Chinhphu.vn

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner