Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ tư, 27/11/2024 , 09:13 am
Cập nhật : 12/08/2011 , 11:08(GMT +7)
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: 'Cần tăng đầu tư gấp 5 lần'
Bộ trưởng Nguyễn Quân. Ảnh: Tiến Dũng.
Tiến sĩ Nguyễn Quân, tân Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, cho rằng cần đầu tư nhiều gấp 4-5 lần so với hiện nay thì mới kỳ vọng có được các sản phẩm khoa học xứng với mong mỏi của xã hội.

- Thưa bộ trưởng, những nhiệm vụ nào được ông coi là quan trọng nhất trong nhiệm kỳ mới?

- Có 4 nhiệm vụ trọng tâm công việc mà tôi quan tâm trong thời gian trước mắt. Một là, tập trung thực hiện tốt các mục tiêu quốc gia như chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao. Thứ hai, Bộ sẽ tập trung vào xây dựng đề án đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động Khoa học công nghệ.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện cơ chế tự chịu trách nhiệm tiến tới giao quyền tự chủ triệt để cho các tổ chức công nghệ để sớm hình thành hệ thống các doanh nghiệp khoa học công nghệ. Thứ tư là thực hiện tốt đề án các chương trình Khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước để cho ra lò những sản phẩm hàm lượng công cao. Đây cũng là nhiệm vụ được Bộ Khoa học Công nghệ ưu tiên hàng đầu.

- Ông đánh giá khoa học Việt Nam đang ở vị trí nào so với các nước trên thế giới?

- Trong khu vực Đông Nam Á, trình độ Khoa học công nghệ Việt Nam đang nằm trong tốp trung bình, có thể ngang với Phillipines, Indonesia, thấp hơn một chút so với Malaysia và Thái Lan, thấp hơn chút nữa so với Singapore. Còn so với thế giới, Việt Nam vẫn ở vị trí khiêm tốn, mặc dù vừa qua chúng ta có nhiều tiến bộ trong chỉ số sáng tạo, xếp thứ hạng cao trong lĩnh vực thi Olympic, nhưng nhìn chung trình độ vẫn còn thấp.

- Nguyên nhân nào khiến khoa học công nghệ Việt Nam đang thấp hơn các nước láng giềng như ông vừa nói?

- Lý do chính là nguồn lực đầu tư cho khoa học còn thấp, mặc dù được nhà nước chi 2% tổng chi ngân sách quốc gia, tương đương các nước trên thế giới. Nhưng với các nước khác họ còn có nguồn đầu tư từ xã hội, tức là ngoài ngân sách nhà nước, cho khoa học công nghệ rất lớn. Thêm vào đó GDP của họ lớn nên chi ngân sách của họ cũng lớn về giá trị tuyệt đối. Nguồn lực cho khoa học công nghệ ít như vậy, nên khó đem lại sản phẩm tương xứng với mong mỏi của xã hội.

- Vậy theo ông, đầu tư cho khoa học công nghệ bao nhiêu thì đủ?

- Theo tôi, mức đầu tư phải gấp 4 đến 5 lần so với hiện nay. Hiện mức đầu tư cho khoa học huy động từ cả nguồn ngân sách nhà nước và các doanh nghiệp chỉ đạt 800 triệu đô la, trong khi đó nhu cầu hoạt động công nghệ theo tôi cần 3-4 tỷ đô la mới đáp ứng nhu cầu.

Để làm được điều đó cần sự đầu tư của cả xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp. Trước đây, có đề xuất doanh nghiệp cần đầu tư cho phát triển Khoa học công nghệ với mức tối thiểu 10% lợi nhuận trước thuế, mức tối đa 20%.

Tuy nhiên, luật thuế thu nhập doanh nghiệp lại quy định doanh nghiệp có thể trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế, như vậy có thể không bắt buộc phải trích và không có chế tài bắt buộc. Vì vậy chúng ta chưa huy động được nguồn đầu tư của doanh nghiệp cho Khoa học công nghệ, trong khi các nước khác phần đầu tư của xã hội thường gấp 5-10 lần đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Kinh phí đầu tư cho Khoa học công nghệ hiện nay lấy từ ngân sách nhà nước là chủ yếu. Số tiền đã ít lại phân bổ dàn trải. Một phần rất lớn trong ngân sách dành cho khoa học được dùng để chi lương, cho bộ máy và đội ngũ cán bộ làm việc tại các trường đại học, các viện nghiên cứu. Nếu không duy trì chi thường xuyên thì sẽ có hiện tượng chảy máu chất xám, sẽ làm yếu hoặc mất đi các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, các tập thể khoa học.

- Ông nói nguồn đầu tư cho khoa học ít và dàn trải, nhưng trên thực tế nhiều đề tài nghiên cứu khoa học không sử dụng hết tiền được cho, phải mang trả lại nhà nước. Vì sao vậy thưa ông?

- Có tình trạng đó là do cơ chế tài chính. Theo các quy định hiện hành thì để lập kế hoạch khoa học và công nghệ hàng năm cần thời gian chuẩn bị để hoàn tất các thủ tục đến 1,5 năm trước năm tài chính. Trong khi đó Khoa học công nghệ thế giới phát triển như vũ bão. Vì thế có những đề tài, sau khi đã qua đủ các khâu phê duyệt và được cấp kinh phí, thì đã trở nên lỗi thời do thực tế không đòi hỏi nữa hoặc do đã có các nơi khác làm rồi. Khi tiền đến nơi thì không thể giải ngân được và cũng không cần giải ngân nữa.

- Làm thế nào để khắc phục tình trạng này?

- Chúng tôi đang thử nghiệm cơ chế khoán trong khoa học, tức là nhà nước đặt hàng, khi các đơn vị khoa học công nghệ bàn giao sản phẩm đúng yêu cầu đặt hàng, nhà nước sẽ cho quyết toán. Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thí điểm cơ chế này. Nếu thành công sẽ áp dụng đại trà.

- Nhiều nhà khoa học đang khó sống bằng nghề. Bộ trưởng sẽ làm gì để giúp họ yên tâm với nghiên cứu khoa học?

- Giới khoa học hiện tại phải chịu thiệt thòi nhất trong hệ thống những người làm công ăn lương. Nhà giáo có phụ cấp nghề, phụ cấp thâm niên, công chức nhà nước có phụ cấp công vụ… Còn nhà khoa học thì không có phụ cấp gì ngoài lương.

Để tạo môi trường tốt nhất cho nhà khoa học, Bộ đã đề xuất giao quyền tự chủ cho tổ chức Khoa học công nghệ, giúp nhà khoa học sống được bằng nghề. Khi được giao quyền tự chủ, các đơn vị khoa học ngoài nghiên cứu còn được phép hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện các hợp đồng với các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Từ đó, họ sẽ có nguồn thu nhập thêm chính đáng.


- Trong nhiều vấn đề khó khăn, điều gì khiến ông trăn trở nhất?

- Điều tôi trăn trở nhất là chính sách đãi ngộ với giới khoa học và cơ chế tài chính. Tôi vẫn thường nói, Bộ Khoa học Công nghệ nợ giới khoa học hai vấn đến này.

- Ở cương vị Bộ trưởng, ông sẽ làm gì trước hết để có thể tiến đến kỳ vọng cho nền khoa học công nghệ Việt Nam?

- Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng đến năm 2020, khoa học xứng đáng là động lực để phát triển kinh tế xã hội. Điều trước hết mà Bộ sẽ làm là cố gắng tạo môi trường khoa học lành mạnh và thông thoáng nhất, phát huy tối đa sức sáng tạo của các nhà khoa học, ứng dụng vào sản xuất, tạo ra sản phẩm mang tầm quốc gia, tiến tới trình độ quốc tế.

Tiến sĩ Nguyễn Quân, 56 tuổi, vừa được bầu làm Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sau một thời gian làm thứ trưởng thường trực. Ông từng là giảng viên, phó Hiệu trưởng thường trực trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông lấy bằng Thạc sĩ ngành Năng lượng tại Viện Kỹ thuật châu Á (AIT) Thái Lan và bằng Tiến sĩ ngành Năng lượng tại Đại học Bách khoa Hà Nội


 

Nguồn tin: vnexpress.net

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner